Căn nhà cấp bốn ba gian nằm ngay dưới chân đồi, mái ngói lấp ló sau tán lá cây sấu già. Cứ chiều chiều, trong căn nhà ấy lại vang lên, lúc thì tiếng đàn ghi-ta, lúc lại tiếng kèn ắc-mô-ni-ca. Người làng tôi ai cũng bảo: "Ông bà Vụ sống đầm ấm hạnh phúc thật".
Căn nhà cấp bốn ba gian nằm ngay dưới chân đồi, mái ngói lấp ló sau tán lá cây sấu già. Cứ chiều chiều, trong căn nhà ấy lại vang lên, lúc thì tiếng đàn ghi-ta, lúc lại tiếng kèn ắc-mô-ni-ca. Người làng tôi ai cũng bảo: “Ông bà Vụ sống đầm ấm hạnh phúc thật”.
Tôi biết bà Hạnh vợ ông Vụ từ lúc tóc bà còn đen bóng, nay đã trắng quá nửa đầu. Vì thế mà chỉ một mình tôi biết vài chuyện dích dắc từng xảy ra với vợ chồng ông bà mà hầu hết người trong làng không được mục sở thị.
Ngày ấy, cũng ba chục năm có lẻ rồi. Đó là cái ngày bà Hạnh còn là một cô giáo dạy ở trường của xã, ông Vụ là chàng công nhân cơ khí to cao, đẹp trai, nổi tiếng đàn giỏi, hát hay.
|
Minh họa: H.TOÀN |
Vào cái đêm Đoàn Địa chất 15, nơi anh Vụ công tác tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày Thành lập Đoàn, tôi ngồi xem ngay gần chỗ chị Hạnh và mấy cô giáo dạy cùng trường. Trên sân khấu, tiếng người giới thiệu chương trình vang lên:
- Tiếp theo chương trình là bài hát “Lên ngàn”. Người trình bày Hằng Nga, tổ họa đồ; đệm đàn ghi ta: Huy Vụ.
Mấy cô giáo quay sang chị Hạnh, giọng thán phục:
- Ông Vụ… Ông Vụ nhà mày đấy Hạnh ơi!
Tưởng mọi chuyện chỉ đơn thuần nói lên niềm tự hào về một người chồng tài hoa vậy thôi, ai ngờ đến lúc ra về, mọi chuyện đã bắt đầu chuyển sang một hướng khác. Mấy cô giáo đưa ra những bình luận “sét đánh”:
- Hạnh này, tao thấy cái cô Hằng Nga, Hằng Ngân gì đấy cứ vừa hát vừa liếc mắt cho ông xã nhà mày tình tứ lắm. Nhưng cũng phải nói thật lòng là cô ta xinh quá.
Lúc ấy, tôi thấy chị Hạnh đi tụt lại đằng sau, lụi cụi bước. Mà quả thật, khi nghe mấy cô giáo bàn tán tôi mới nhớ ra, đúng là ánh mắt của cô Hằng Nga có điều gì đó rất đáng ngờ. Nhưng rồi ý nghĩ ấy trong tôi cũng mau chóng trôi qua. Thì làm cái trò văn công, văn nghệ ai cũng tâm hồn lắm. Lắm tâm hồn thì cũng nhiều xao động. Thôi, ai chả có phút xao lòng. Nếu chuyện ấy có thật thì tôi cũng chẳng nỡ trách anh Vụ vì anh đã đẹp trai lại có tài lẻ, khó tránh được sự say mê của mấy cô gái. Có thương thì thương chị Hạnh. Chị là cô gái hiền lành tốt bụng, yêu chồng hết mực.
Cũng từ hôm ấy tôi thường hay để ý xem có thấy anh chị ấy cãi cọ gì không? Nhưng tới cả tuần sau đó, không khí gia đình chị Hạnh vẫn yên hàn, đầm ấm. Có điều, tôi nhận thấy anh Vụ dạo này hay đi làm về muộn, có hôm đến tám chín giờ tối mới về. Thỉnh thoảng ngó sang, tôi vẫn thấy chị Hạnh thẫn thờ ngồi một mình bên mâm cơm đợi chồng. Tôi nghĩ anh Vụ bận công việc chung nên xao nhãng việc nhà, nhưng hóa ra không phải vậy. Một lần tôi vô tình nghe thấy câu chuyện của mấy cô giáo cùng trường với chị Hạnh:
- Tao phục cái Hạnh đấy! Để chồng đi như thế mà chịu được. Lộn hết cả ruột. Hôm nhìn thấy con Hằng Nga ngồi sau xe cứ ôm chặt lấy ông Vụ mà ngứa hết cả mắt. Vào tay tao ấy à…
Một cô khác:
- Lúc biết ông Vụ cặp kè với con Hằng Nga tao đã bảo cái Hạnh rồi, nếu ngại đi một mình thì mấy chị em cùng đi đến gặp và cho nó một trận, để biết thế nào là tranh vợ cướp chồng. Vậy mà nó một mực không nghe, lại còn bảo nếu thương nó thì để nó tự giải quyết.
Tôi thấy lạnh sống lưng trước sự quan tâm hơi thái quá của mấy cô giáo cùng trường với chị Hạnh. Từ hôm nghe được câu chuyện của mấy cô, tôi dõi theo anh chị Hạnh hàng ngày. Nhưng lạ thay, dường như chị Hạnh coi như không biết chuyện gì. Tối tối, chị vẫn ngồi bên mâm cơm ngóng anh về. Chỉ có điều, dạo này nhà chị vắng hẳn tiếng đàn ghi-ta và tiếng ắc-mô-ni-ca. Vì vậy, tôi đoán là chuyện giữa anh Vụ và Hằng Nga là có thật nên cảm thấy lo lắng thay cho chị Hạnh.
Nhân tiện chị Hạnh sang nhờ tôi đuổi hộ con lợn xổng chuồng, lúc xong việc hai chị em ngồi uống nước, tôi ý tứ gợi chuyện. Nghĩ chị sẽ lảng tránh nhưng hoàn toàn ngược lại. Chị nhẹ nhàng kể hết sự tình cho tôi nghe rồi bảo trong cái sai của anh có cả phần lỗi của chị. Tôi có phần bức xúc nhưng vì quí trọng cả hai người nên tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi chị:
- Thế bây giờ chị định thế nào?
Giọng chị Hạnh buồn buồn:
- Điều không thể nói khác là chị rất yêu anh ấy! Và chị hiểu rất rõ rằng, cái gắn kết giữa anh và chị không chỉ là tình yêu mà còn là một điều gì đó lớn hơn cả tình yêu. Còn cái gắn kết của cô Hằng Nga với anh ấy chỉ là cái mê, cái say. Mà đã là say thì rồi cũng sẽ phải tỉnh. Vì vậy, chị thấy không nên làm gì cả, ngoài việc củng cố tình cảm vợ chồng. Nhưng chị tin ở điều ấy lắm chú ạ.
Cái triết lí của chị Hạnh nghe đơn giản và có phần chênh vênh như đi bên bờ vực thẳm. Nhưng tôi biết, với một người điềm tĩnh như chị Hạnh thì lúc này không nên buông ra những lời khuyên giải trái chiều. Tôi chỉ biết chờ đợi và thầm mong là chị đúng.
Vậy mà chị đã đúng. Dạo này bỗng anh Vụ đi làm về rất đúng giờ, cặm cụi cơm nước, lợn gà giúp chị Hạnh. Chiều muộn lại thấy anh chị ngồi ăn cơm bên nhau. Tiếng đàn ghi-ta, tiếng ắc-mô-ni-ca lại vang lên trong căn nhà vốn rất đầm ấm ấy. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Và những điều tốt lành kia đã tiếp tục diễn ra đến tận ngày hôm nay, khi hai mái đầu đã bạc.
* * *
- Cháu chào chú Hiệp - Tôi giật mình quay lại. Thì ra cái Huệ con gái bà Hạnh, ông Vụ.
- Ồ! Cháu về thăm bố mẹ hả?
Huệ vui vẻ:
- Vâng!
Ông bà Vụ có hai đứa con, cái Huệ là cô giáo đang dạy ở trường cấp ba trên huyện; thằng Hiếu tốt nghiệp trường kinh tế quốc dân, giờ đang công tác ở Sở Tài chính tỉnh. Hai đứa không chỉ là niềm tự hào của ông bà Vụ mà còn là niềm tự hào của cả cái xóm nhỏ chân đồi chúng tôi. Tôi chợt rùng mình nghĩ, nếu như ngày ấy chị Hạnh nghe theo lời khuyên và nhận sự “giúp đỡ” của mấy cô giáo cùng trường thì chẳng hiểu bây giờ cái Huệ, thằng Hiếu sẽ ra sao, ông Vụ, bà Hạnh sẽ trôi nổi phương nào?
Buổi chiều, thả bộ trên đường làng, tôi gặp bà Hạnh đang tất tả bước. Nhìn thấy tôi, bà giơ cao mấy bìa đậu lên, phân trần:
- Tôi mang mấy bìa đậu này sang cho chú Thảo ăn hộ. Chả là sáng nay ông ấy tranh đi chợ, tôi bảo mua mười nghìn đậu thì ông ấy mua liền mười bìa đậu, dặn mua túi bột ngọt thì ông ấy mua túi bột giặt Ô-mô. Già, lẫn rồi chú ạ.
Nói rồi bà cười to, ánh mắt thoảng chút lo âu và sự cảm thông.
Tôi cười:
- Bà cứ nói thế chứ tôi thấy ông ấy đánh đàn ghi-ta và thổi kèn còn hay lắm, chả lẫn nốt nhạc nào.
- Cái này thì chú nói đúng, tiếng đàn và tiếng kèn của ông ấy thì vẫn mượt mà như ngày nào.
Tối hôm ấy, tôi sang nhà ông Vụ chơi. Đang định bước vào thì chợt nghe thấy tiếng bà Hạnh:
- Hôm nay trở giời, ông chơi bài “Tàu anh qua núi” nhá. Chứ bài “Đôi bờ” nhẹ nhàng du dương chỉ hợp với những ngày nắng đẹp, thời tiết không thay đổi, chân tay không đau nhức thôi.
Tôi giật mình, thật không ngờ bà Hạnh lại là người hiểu và cảm thụ nghệ thuật đến thế, chả trách ngày nào ông Vụ cũng chơi nhạc cho bà Hạnh nghe. Tôi tiến lại gần, nhìn qua cánh cửa khép hờ. Tôi sửng sốt! Trước mắt tôi, bà Hạnh đang nằm sấp trên giường, ông Vụ ngồi bên cạnh, một tay cầm chiếc kèn ắc-mô-ni-ca say sưa thổi, tay kia cầm chiếc búa tẩm quất lướt trên lưng bà Hạnh từng nhịp, từng nhịp theo khúc nhạc lúc mạnh mẽ dồn dập, lúc nhẹ nhàng khoan thai, chạy suốt từ hai bả vai xuống thắt lưng, rồi lại từ thắt lưng lên bả vai, nhẹ nhàng thoăn thoắt, rất chuyên nghiệp. Tôi đứng lặng người. Ra vậy! Mát xa bằng tiếng nhạc. Không muốn làm gián đoạn buổi “biểu diễn”, tôi lặng lẽ quay gót. Giọng nói mượt như nhung và rất chân tình của bà Hạnh vọng ra:
- Hay… Hay… lắm! Đỡ nhiều rồi ông ạ. Không chỉ do cái búa mát xa này đâu mà xương cốt của tôi dịu đi chính là nhờ vào tiếng kèn của ông đấy.
Bước xuống tận dưới đường mà tiếng nhạc vẫn cứ vang mãi trong tôi. Có lẽ bà Hạnh không nói giỡn. Cơn đau của bà vợi đi, đúng là có sự góp phần quan trọng của tiếng nhạc.
Tôi lững thững đi trên con đường làng dịu mát. Đến tận bây giờ tôi mới hiểu, hạnh phúc một gia đình không chỉ cần có tình yêu mà đúng như năm xưa bà Hạnh nói, phải cần một điều gì đó lớn hơn tình yêu rất nhiều.
Truyện ngắn: ĐÀO NGUYÊN HẢI