LTS: 10 giờ 27 phút ngày 15/6, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người cuối cùng của "bộ tứ" Sáng - Nghiêm - Liên - Phái, đã từ trần tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Bài viết là sự kính cẩn nghiêng mình của kẻ hậu sinh trước tài năng của bậc tiền bối.
LTS: 10 giờ 27 phút ngày 15/6, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người cuối cùng của “bộ tứ” Sáng - Nghiêm - Liên - Phái, đã từ trần tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Bài viết là sự kính cẩn nghiêng mình của kẻ hậu sinh trước tài năng của bậc tiền bối.
Theo Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo: “Trong 8 danh họa và nhà điêu khắc vừa được Nhà nước tặng giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh (đợt I - năm 1996), danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thật xứng đáng đứng trong hàng ngũ “bát tú” trên bầu trời nghệ thuật nước nhà. Sự đóng góp lớn lao nhất của ông vẫn là mở ra cho mình một lối vẽ không lặp lại người đi trước và sau đó là đức tính kiên trì lao động, sáng tạo nghệ thuật... góp phần tôn vinh nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại”.
Sự nghiệp hội họa của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật ghi nhận, trang trọng xếp vào một trong những vị trí đầu tiên của nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai, gồm: Sáng (Nguyễn Sáng) - Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm) - Liên (Dương Bích Liên) - Phái (Bùi Xuân Phái) của thập niên 1970 - 1980, bên cạnh 4 cây đại thụ của thế hệ thứ nhất: “Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn).
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ thời thơ ấu, ông đã thích vẽ. Năm 1941, Nguyễn Tư Nghiêm ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khóa học này (XV) còn có cả Bùi Xuân Phái và Huỳnh Văn Gấm theo học. Năm học thứ 3, ông được Giáo sư Tô Ngọc Vân, một danh họa nổi tiếng về sơn dầu, trực tiếp hướng dẫn. Giáo sư Tô Ngọc Vân hay khuyến khích các học trò vẽ sáng tạo, tránh sự gò bó khuôn sáo, nên học trò Nguyễn Tư Nghiêm tha hồ phá cách. Ông thường vẽ sơn dầu bằng bay như bức Người gác Văn Miếu, với lối vẽ khá giản lược mà vẫn thành công. Đó là bức tranh “mô-đéc” nhất lúc bấy giờ, làm chấn động giới hội họa với lối vẽ táo bạo, mới lạ. Sau này, năm 1944, bức Người gác Văn Miếu được Hội đồng giám khảo Triển lãm Mỹ thuật Salon Unique tặng giải nhất.
Có câu chuyện khá thú vị về tài học của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm như sau: Nguyễn Tư Nghiêm và Huỳnh Văn Gấm luôn tìm tòi lối vẽ phá cách, khác với lối vẽ hiện thực cổ điển. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm cuối, do sơn dầu thiếu nên Giáo sư Joseph Inguimberty rất khắt khe trong việc cấp sơn dầu cho sinh viên sáng tác. Riêng Nguyễn Tư Nghiêm thì ngoại lệ: luôn được thầy cấp cho nhiều sơn dầu để vẽ. Họa sĩ Nguyễn Sáng thắc mắc thì được Giáo sư Joseph Inguimberty trả lời: “Nghiêm vẽ sơn dầu tôi cho 20 điểm, còn các anh thì tôi cho Deux zéros (hai điểm 0!)”.
Tranh của ông màu không tươi rói, rực rỡ, mà có phần hơi đục nhưng hòa sắc thâm trầm, khúc triết, hài hòa trong từng mảng miếng đột ngột, bất ngờ. Đường nét thì đơn giản, khỏe khoắn, được cách điệu trên cái hồn điêu khắc dân gian. Đó là thế giới của khắc gỗ đã thăng hoa dưới nét cọ Nguyễn Tư Nghiêm. Nét vẽ của ông trong bức Múa sư tử thì không chê vào đâu được. Những hình dáng, những khuôn mặt méo mó, xộc xệch, nhưng lại là những méo mó chủ ý và có duyên tạo nên một hiệu quả nghệ thuật bậc thầy mà những nghệ sĩ non tay không thể và không dám làm.
Năm 1945, ông về quê tham gia Việt Minh và là cán bộ Ủy ban Kháng chiến huyện Nam Đàn. Năm 1947, Nguyễn Tư Nghiêm lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1952, ông là sinh viên đầu tiên được công nhận tốt nghiệp khóa kháng chiến Việt Bắc và sau đó trở thành giảng viên khóa mỹ thuật đầu tiên của trường do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.
Với sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật đặc biệt từ việc học tập mỹ thuật dân tộc, kết hợp giữa quá khứ với hiện đại. Những phù điêu trong đình, chùa là nơi ông tiếp thu tinh hoa truyền thống và lấy cảm hứng sáng tạo. Bức Điệu múa cổ - sơn mài, là một ví dụ điển hình từ việc học tập, ảnh hưởng vốn mỹ thuật truyền thống của ông. Tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa hòa quyện cùng hơi thở cuộc sống.
Thời đó, trong lúc các họa sĩ khác đang loay hoay tìm lối vẽ riêng cho mình thì ông đã rất vững vàng trong bút pháp và lối vẽ cách điệu phóng khoáng cho dù tác phẩm đó là bột màu, sơn dầu hay sơn mài. Bức Con nghé quả thực - sơn mài, màu sắc đẹp, phong phú nhưng còn mang chất hiện thực. Bức này hiện đang được lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ở lĩnh vực tranh Tết, các đồng nghiệp chỉ hứng thú khi vẽ các con vật có hình thù đẹp như rồng, hổ, ngựa, gà... Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tất cả các con vật trong 12 con giáp. Con nào cũng được ông thêm bớt các chi tiết cực đắt để nâng lên thành hình tượng nghệ thuật hấp dẫn. Như bức Tranh Tết năm Mùi, với lối vẽ cách điệu quen thuộc, những đường nét thẳng, đơn giản, khúc triết và khỏe khoắn, kết hợp với gam màu trầm, đặc biệt vú con dê mẹ được ông nhấn to, căng tròn trong khi con dê con đang bú say sưa... Bức tranh thấm đẫm chất phồn thực, mang hiệu quả thẩm mỹ cao.
Trong lĩnh vực hội họa, Nguyễn Tư Nghiêm là một họa sĩ luôn khám phá, đào sâu thể nghiệm và không bao giờ cho phép bằng lòng với chính mình. Cùng một chủ đề, ông có thể làm đi làm lại mãi: ví như từ Thánh Gióng (vẽ năm 1976) đến Thánh Gióng (vẽ năm 1990) là một chặng đường dài của những chắt lọc, tìm kiếm ngôn ngữ kỳ công.
Nguyễn Tư Nghiêm là một trong số ít họa sĩ nước nhà thực sự trở về với cội nguồn dân tộc, tìm kiếm những gì gần gũi với vốn cổ dân tộc, mang âm hưởng nghệ thuật dân gian để sáng tạo nên một phong cách mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Cho dù mãi đến năm 1984, ông mới có một cuộc triển lãm cho riêng mình tại Thủ đô Hà Nội, song người ta vẫn coi ông là một trong những người “mở đường” cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại và xứng đáng là một trong “bát tú” trên bầu trời mỹ thuật Việt Nam.
TRỊNH CHU