(LĐ online) - Tháng 6 vừa qua, tôi có dịp trở lại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - một tiền đồn giữ vị trí yết hầu vùng biển duyên hải miền Trung. So với 5 năm trước, "vương quốc tỏi" đã nhiều đổi thay tích cực, khang trang.
(LĐ online) - Tháng 6 vừa qua, tôi có dịp trở lại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - một tiền đồn giữ vị trí yết hầu vùng biển duyên hải miền Trung. So với 5 năm trước, “vương quốc tỏi” đã nhiều đổi thay tích cực, khang trang.
|
Tấp nập Cảng Lý Sơn |
Huyện đảo Lý Sơn nằm đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách bờ 17 hải lý; có 3 xã (An Vĩnh, An Hải, An Bình) với dân số trên 22.000 người. Lý Sơn không chỉ nổi danh bởi mỗi năm xuất bán trên 2.000 tấn tỏi đặc sản mà huyện đảo còn được biết đến bởi nơi đây có ngư trường rộng, cư dân thường xuyên xuôi ngược vươn ra biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt nguồn hải sản phong phú, quý hiếm và bảo vệ, gìn giữ chủ quyền đất Việt ngoài trùng khơi.
Từ cảng Sa Kỳ, chỉ một giờ ngồi trên tàu cao tốc sức chứa gần 200 người, vượt sóng, chúng tôi bồi hồi đặt chân lên đảo. Năm 2011 ra đảo, tôi đã lặng chiêm ngưỡng tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải, lắng nghe hướng dẫn viên Đặng Thị Hiền (Nhà trưng bày hiện vật Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm Bắc Hải), hậu duệ đời thứ 15 của cai đội Đặng Văn Xiểm, người hơn 180 năm trước được phái ra canh giữ đảo Hoàng Sa, phấn chấn niềm tự hào khi giới thiệu lịch sử quê hương. Đảo Lý Sơn hình thành từ 5 ngọn núi: Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung và Hòn Tai. Lịch sử vùng đảo có từ lâu. Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, cư dân Việt ra lập nghiệp, lập An Hải phường và An Vĩnh phường. Qua nhiều cuộc bể dâu, ngày 1-1- 1993, huyện Lý Sơn thành lập. Sử sách cho thấy đảo Lý Sơn có mối quan hệ mật thiết với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Sách “Đại Nam thực lục”, chính biên (soạn xong năm 1861) ghi: Bính Thân, năm Minh Mệnh, thứ 17 (1836), theo Bộ Công tâu về việc cần thiết phải khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, vua sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc), mặt khắc chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân (1836)”, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Để lập, khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, bao thế hệ tiền nhân Đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải từng vượt qua muôn trùng khó khăn, thậm chí phải hy sinh tính mạng… Hơn 300 năm nay, ở Lý Sơn vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Khao lề là lệ khao quân hàng năm. Thế lính là nghi lễ tế sống và nghi lễ thế mạng cho những Hùng binh sắp xuống thuyền thực thi nhiệm vụ triều đình ra đảo Hoàng Sa. Khao lề thế lính cũng là nghi lễ tế lễ, tưởng nhớ, tri ân những người lính đi Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất…
|
Diện mạo thị trấn Lý Sơn |
5 năm trước ra đảo, chỉ đến 10 giờ đêm là nơi đây phải cắt điện, vật vã và trằn trọc thâu đêm vì nóng. Có mấy tấm hình muốn gửi về tòa soạn mà mất cả hơn giờ đồng hồ loay hoay vì sóng Internet quá chập chờn. Nay đảo đang đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sự kiện có ý nghĩa to lớn là cuối tháng 9-2014, sau gần 200 ngày thi công đảo Lý Sơn đã được đóng điện. Dự án kéo điện cáp ngầm vượt biển ra đảo có tổng mức đầu tư 678,7 tỷ đồng cho các hạng mục xây dựng 16 km đường dây 22 kV trên không, 26,2 km cáp ngầm 22 kV xuyên biển, lắp đặt 15 trạm biến áp với tổng dung lượng 3.330 kVA… Tính ra, để kéo điện vượt biển ra đảo, Nhà nước đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho 1 hộ dân. Ngày nay, ở Lý Sơn đã có tập đoàn Mường Thanh ra xây khách sạn 4 sao 9 tầng và nhiều doanh nghiệp, hộ dân mạnh dạn đầu tư xây nhà nghỉ, khách sạn đủ sức lưu trú vài trăm khách du lịch trong ngày.
Làm việc với UBND huyện, lãnh đạo Lý Sơn cho biết: Quý I/2016 huyện đạt được những kết quả tích cực. Đó là, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế (giá cố định 2010) đạt 290,070 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Giá thị thương mại – dịch vụ đạt 77.307 triệu đồng, tăng 21,04% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch đến khoảng 21.655 lượt khách, trong đó có 223 lượt khách quốc tế. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư xây dựng đã bố trí 77,949 tỷ đồng cho các dự án trong năm 2016. Trong đó, một số dự án đã được đầu tư để phát triển đô thị gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt Trung tâm huyện; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Trung tâm huyện đến UBND xã An Hải và công trình Khách sạn Mường Thanh… Giữa tháng 2, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận Đô thị Lý Sơn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
|
Bia Chủ quyền trên đảo |
Đến Lý Sơn, du khách không chỉ có dịp nghiên cứu,tìm hiểu về lịch sử một vùng đảo đứng chân nơi “đầu sóng ngọn gió”, một tiền đồn bất khuất, nhiều đời gắn bó với chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc mà còn du ngoạn một số danh thắng nổi tiếng. Chùa Hang là một thắng cảnh tâm linh tiêu biểu ở Lý Sơn: Chùa có tên chữ là “Thiên Khổng thạch tự” nằm bên dưới vách núi Thới Lới, thuộc thôn Đồng Hộ, xã An Hải. Chùa có chiều sâu 24 m, bề rộng 20 m, chiều cao 3,2 m, diện tích 480 m2. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn có viết về chùa: “…phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân phương nấp ở đây”. Chùa vốn là ngôi đền của người Chămpa thờ các vị thần Bà la môn, sau này người Việt đến khai phá vùng đất Lý Sơn vào đầu thế kỷ XVII, chùa thành nơi tu tiên, và sau này thành nơi thờ Phật. Trong chùa có nhiều ban thờ được làm bằng đá bệ đá Chăm, dùng để thờ Phật, Quan thánh, Thập nhị Diêm Vương; các vị tổ học Trần có công lập ra Chùa Hang và 7 vị tiền hiền làng An Hải.
|
Du khách thăm viếng Thiên Khổng Thạch Tự |
|
Đặc sản tỏi Lý Sơn |
Ở đảo, du khách đến Lý Sơn thường được kể về ngư dân Mai Phụng Lưu từng nổi danh “Sói biển”, hơn 30 năm gắn bó, vùng vẫy trên ngư trường Hoàng Sa. “Sói biển” là tấm gương kiên cường bám trùng khơi, là nhân chứng đương đại tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ông từng vinh dự có mặt tại Lễ tuyên dương “Vinh danh Việt Nam” tại Hà Nội năm 2011. Chuyến trước ra đảo, “Sói biển” Mai Phụng Lưu tâm sự: “Trong thâm tâm tôi luôn thôi thúc một điều Hoàng Sa là của cha ông tôi; trong đó ông ngoại tôi cũng là ngư phủ xấu số bỏ xác ngoài Hoàng Sa. Cho nên dù khó khăn đến mấy cha con tôi cũng quyết không xa rời ngư trường của tổ tiên ông bà mình dù có bị đánh đập, tịch thu tài sản hoặc thiên tai rủi ro luôn rình rập… Cầu cho trời yên biển lặng để cha con tôi lại tiếp tục đạp sóng ra khơi, tới đánh bắt cá trên biển Hoàng Sa, Trường Sa”!
Nhiều đổi thay tốt đẹp đã đến với huyện đảo nhưng nơi tiền đồn “nắng, nóng” vẫn còn không ít gian khó, tin rằng với tinh thần bền gan và ý chí kiên cường trong lao động sản xuất, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bên cạnh đó là sự chung tay “cả nước vì Hoàng Sa, Trường Sa”, Lý Sơn sẽ sớm là “viên ngọc”, địa danh du lịch lịch sử hấp dẫn trên Biển Đông.
Ghi chép: ĐAN THANH