Cây cơm sấy

09:07, 21/07/2016

Dãy núi Đan Rếch xanh rì chạy dài, uốn cong cong đúng như cái tên gọi của nó: núi Đòn Gánh. Dưới tán lá đan dầy là lớp đệm cỏ khô êm như thảm. Tiếng chim cu gáy cúc cu cu… cúc cu cu gây một cảm giác bình yên.

Dãy núi Đan Rếch xanh rì chạy dài, uốn cong cong đúng như cái tên gọi của nó: núi Đòn Gánh. Dưới tán lá đan dầy là lớp đệm cỏ khô êm như thảm. Tiếng chim cu gáy cúc cu cu… cúc cu cu gây một cảm giác bình yên.
 
Minh họa: H.TOÀN
Minh họa: H.TOÀN

Mũi trinh sát của tôi đã luồn rừng ba ngày nhưng chưa phát hiện dấu hiệu căn cứ của bọn Pôn-Pốt. Thằng Tư lém, em út của tiểu đội cắm con dao găm vào gốc cây, ngồi bệt xuống đất, tháo chiếc bi đông nước, lắc lắc đưa lên tai nghe rồi nhe răng cười, nói một mình:
 
- Còn có non nửa bình thôi, tiết kiệm, tiết kiệm!
 
Lính trinh sát chúng tôi mỗi lần đi chiến dịch, lo nhất là nước uống, không cần nhắc, anh em cũng chắt chiu từng giọt. Tư lém rót đầy một nắp bi đông, đưa lên mắt ngắm, gật gù, vẻ từng trải: 
 
- Phải uống bằng cách này thôi, chứ dốc ngược bi đông lên mà tu ừng ực, mồ hôi toát ra ngoài là lãng phí nhất trần đời. 
 
Nghe Tư lầm bẩm, cả tiểu đội cùng cười ầm lên. 
 
- Thằng Tư lém bé nhất mà cứ như ông cụ non ấy. 
 
Tư tặc lưỡi:
 
- Tư lém mà lại. À anh Tuấn với các anh này, lúc nào được về nước, mời các anh đến quê em Long An. Em đãi các anh món lạp xưởng Cần Giuộc, đậu phộng Đức Hòa. 
 
- Thôi đi mày ơi! Khát nước thế này mà chú lại mời các anh ăn lạp xưởng, với cả đậu phộng rang thì làm sao nuốt nổi, có món gì mát mát thì mang ra mời. 
 
- Em xin lỗi, em xin lỗi! Về quê, em sẽ đãi các anh dưa hấu Long Trì cứ gọi là ruột đỏ đến tận vỏ, cắn vào ngọt đến tận gót, nước dưa hấu chảy xuống như vắt cam. 
 
Nghe Tư lém tả, tôi thấy cậu nào cũng dài cổ ra mà nuốt khan. 
 
- Chưa hết đâu các anh ơi! Nếu vào mùa nước, em đưa các anh xuống ghe, thích chỗ nào thì tấp dô, em ngụp vài ngụp thì cứ gọi là nhậu nhòe. Cua nướng, cá nướng, ốc nướng chấm với muối tiêu, thêm mấy trái xoài xanh nữa mà nhậu với rượu đế Gò Đen, rồi ngồi lênh đênh trên nước, đã lắm mấy anh ơi!
 
Nhìn mấy chiến sĩ há hốc mồm, người cứ đung đưa như đang ngồi dưới ghe giữa miền sông nước mênh mông, tôi bỗng thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Tôi vội khoác ba lô lên vai hô to: 
 
- Tiếp tục hành quân! 
 
Chín anh em lại luồn rừng.
 
Trời đã về chiều. Đang đi, bỗng từ phía xa xa tôi nhìn thấy hình như có hai chiếc võng dù đang mắc gần nhau, liền ra hiệu cho mọi người dừng lại. Chắc chắn đây là võng của bọn Pôn-Pốt. Tôi phân thành ba mũi bao vây, lệnh không được nổ súng, phải bắt sống địch để khai thác. Vòng vây khép lại dần. Tôi ra hiệu nhóm trái, nhóm phải yểm trợ rồi vẫy Tư lém đặt súng xuống đất rút dao găm ra. Hai anh em đã bò sát nhưng hai chiếc võng vẫn im tắp. Tôi thoáng nghĩ hai thằng này chắc ngủ quá say. Khi đã đủ khoảng cách, tôi đưa mắt cho Tư lém rồi cả hai chồm lên hai chiếc võng. Dây võng đứt phựt, nhưng lạ thay mọi sự vẫn lặng như tờ. Khi chiếc võng bung ra, tôi và Tư lém cùng kinh ngạc lùi lại. Trước mắt chúng tôi, hai cái đầu lâu trắng ởn lăn lông lốc. Định thần, tôi hiểu hẳn hai tên này mắc chứng sốt rét, bị đồng bọn bỏ lại rồi nằm chết trên võng. Tôi cùng anh em đào hai cái huyệt chôn cất hai bộ hài cốt. Mấy đứa vừa làm vừa kêu ca:
 
- Nó là mấy thằng Pôn-Pốt, chôn chúng nó làm chi cho mệt, anh Tuấn?
 
- Nó sống làm nhiều điều ác, nó chết anh em mình cho nó được trở về với đất để kiếp sau chúng thành người tốt.
 
Công việc xong xuôi, tôi gỡ hai khẩu AK xuống giao cho anh em rồi tiếp tục hành quân. Đến một con suối cạn, lúc này, trời đã bắt đầu tối. Nhìn thấy địa hình thuận lợi, tôi quay lại nói: 
 
- Tối nay ta chốt ở đây, sáng mai trinh sát tiếp. 
 
Mấy thanh lương khô, hai ba nắp bi đông nước là xong bữa tối, tôi mở ba lô lấy tấm bản đồ chấm các điểm đã đi qua, rồi giở sổ tay phân gác đêm. Thấy tôi phân gác, Tư lém lên tiếng: 
 
- Anh cứ nghỉ, để mấy đứa em gác thôi.
 
Tôi nhìn sang Hùng, cười tủm tỉm:
 
- Không sao… không sao. Ăn được gác được Hùng nhỉ. 
 
Cái câu “ăn được gác được” chính từ Tư lém mà ra. Mấy tháng trước, ba thằng Hùng sang cứ thăm con, đại đội bảo ông ngủ trên phòng đại đội, nhưng ông muốn ngủ cùng con trai để còn tâm sự. Nửa đêm thằng Hùng lo ba không ngủ được, nhảy sang sạp đồng đội ngủ. 
 
Tư lém đổi gác, lay chân “thằng Hùng” gọi:
 
- Dậy! Dậy gác! 
 
Ba thằng Hùng mắt nhắm mắt mở, hỏi:
 
- Tôi cũng phải gác…?
 
Tư lém tưởng thằng Hùng đùa, tháo ngay bao se đạn cùng khẩu AK đặt xuống sạp rồi trịnh trọng:
 
- Thôi đi cha! Ăn được gác được. 
 
Nói rồi nó nhảy tót lên sạp ngủ. Loay hoay một lúc, ba thằng Hùng định quay sang hỏi thì thấy Tư lém đã gáy pho pho. Biết là bị nhầm nhưng ông cũng chẳng biết thằng Hùng nằm ở đâu mà gọi, đành đeo bao se đạn, khoác súng đi ra chòi gác. 
 
Sáng ra, thằng Hùng thấy ba vác súng đi về thì hốt hoảng hỏi:
 
- Sao ba lại đeo súng? 
 
Ông cười vỗ vào vai con:
 
- Tối qua có chú nào gọi ba dậy gác, hỏi thì chú ấy bảo “Ăn được gác được”.
 
 Ông tháo bao đạn và khẩu súng đưa cho Hùng rồi nắm lấy tay con trai vui vẻ nói:
 
- Con quên ba cũng là người lính à?
 
Nói rồi hai ba con nắm tay nhau đi vào trong lán. 
 
Nhắc lại chuyện “Ăn được gác được”, chín anh em tôi cười quên khát. 
 
Ắng đi một lúc lâu mà vẫn thấy Tư lém trở mình soàn soạt trong võng, tôi đùa:
 
- Nhớ rượu đế Gò Đen hay sao mà không ngủ được?
 
Tư lém ngóc đầu khỏi võng, thì thầm bên tai tôi:
 
- Anh Tuấn này, lần trước em nhận được thư Nga, cô ấy biểu lúc nào có xe quân đoàn sang bên này, má em sang xin với thủ trưởng cho em nghỉ tranh thủ để cưới Nga đấy. Ở nhà má em làm xong hết thủ tục rồi.
 
Nghe lời thì thầm của Tư lém giữa cánh rừng mênh mông đen kịt, màn đêm như gói lấy chín anh em, tôi bỗng thấy lòng trĩu nặng. Khùa tay trong bóng đêm nắm tay Tư lém, giọng tôi trầm hẳn xuống: 
 
- Xong chiến dịch này, anh đề nghị cho chú nghỉ tranh thủ. Nếu được, anh xin cả mấy anh em về dự đám cưới chú luôn. 
 
Tư nắm chặt tay tôi rồi cả hai cùng chìm vào giấc ngủ. 
 
* * *
 
Sáng sớm, mùa khô trong rừng thật dễ chịu. Anh em tôi thu xếp tư trang, vũ khí chuẩn bị cho một ngày hành quân mới. Tôi thông báo kế hoạch trinh sát:
 
- Các đồ nặng chúng ta để lại điểm chốt này, anh em ta chia thành ba mũi, đúng mười bảy giờ quay lại gặp nhau tại đây, sáng mai rút về căn cứ. 
 
Tư lém giơ tay:
 
- Em có ý kiến thế này: hôm nay đi, ta mang theo lương khô, còn cơm sấy thì đổ vào túi vải chôn xuống lòng khe. Ở đây tuy cạn không còn nước nhưng đất còn ẩm lắm. Buổi tối, mọi người về đây, cơm hút ẩm sẽ dẻo như gạo nàng thơm Chợ Đào Long An quê em, ăn vừa mềm lại đỡ tốn nước. 
 
Anh em cười ồ vui vẻ, làm theo cách của Tư lém. Chín túi cơm chôn xuống lòng khe để hút lấy hơi nước còn sót lại trong đất. Tư lém đứng ngắm chín túi cơm gật gù: 
 
- Các anh nhìn kìa. Chín túi cơm xếp rất đúng đội hình. Tám đứa em xếp hàng hai, thủ trưởng Tuấn đứng bên cạnh chỉ huy. 
 
Anh em tôi cùng cười, bắt tay nhau rồi chia thành ba ngả.
 
Khoảng ngang trưa, tôi dừng lại rót nắp bi đông nước, vừa đưa lên miệng bỗng một tiếng nổ lớn dội lại làm chiếc nắp bi đông tuột khỏi tay. 
 
- Nổ cối gài rồi anh Tuấn ơi!
 
Tôi biết đấy đúng là tiếng nổ của đạn cối 82 ly gài vì chỉ nghe tiếng nổ không có tiếng đề. Chẳng nói ra nhưng nhóm tôi ai cũng lặng người đi, vì hiểu rõ đạn cối gài có sức sát thương rất lớn. Ba anh em tôi vội vã cắt rừng lao về hướng tiếng nổ. Đi khoảng gần một tiếng đồng hồ, tôi nhìn thấy thằng Hùng quần áo lấm lem dính đầy máu, đang xiêu vẹo khiêng cái cáng trên vai. Anh em tôi ào đến.
 
Hùng gục vào vai tôi nói trong tiếng nấc: 
 
- Anh… Anh Tuấn ơi! Tư….. Tư lém hy sinh rồi. 
 
Đưa Tư lém về đến chốt bên con khe cạn thì trời đã sẩm tối. Đói khát, mệt mỏi, anh em ngồi lặng bên nhau không ai nói một lời. Tôi cố nuốt nghẹn: 
 
- Thôi, lấy cơm lên ăn đi rồi nghỉ ngơi lấy sức, mai còn đưa Tư về.
 
Thằng Hùng quay nhìn chín túi cơm xếp hàng ngay ngắn dưới lòng suối, bật khóc:
 
- Anh em mình ăn lương khô thôi. Em không muốn phá vỡ đội hình. Cứ để nguyên chín túi cơm để Tư nó về đây thì vẫn còn nguyên đồng đội. 
 
Đêm tối đen chẳng nhìn thấy mặt nhau, chỉ thỉnh thoảng bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào. 
 
* * *
 
Đưa Tư lém về đơn vị, đã đi hơn một ngày mà chẳng được bao nhiêu đường đất. Phần vì mệt mỏi, phần vì nước uống đã dốc đến giọt cuối cùng, tám anh em còn lại thì ba người lên cơn sốt rét. Nhìn đồng đội hốc hác, môi khô trắng nứt nẻ đang cố nhoài đi từng bước, cổ tôi nghẹn đắng, hai mắt rát bỏng vì không còn nước mắt. 
 
Sang đến ngày thứ tư thì chúng tôi không còn di chuyển nổi. Thân xác rã rời, đổ sụp vào bóng đêm. 
 
Rồi tôi bỗng thấy cái cơ thể đau nhừ dần của mình bập bềnh trôi trên mặt nước. Gắng hết sức, tôi vẫn không thể mở nổi mắt. Một lúc khá lâu, tôi mới tỉnh hẳn và nhận ra mình đang nằm trên võng cáng thương. 
 
Vừa đến đại đội trinh sát, giọng nói vô tư của cậu y tá đơn vị làm tim tôi thắt lại: 
 
- Mấy anh ơi! Quà của Tư lém đây nè.
 
Tôi cau mày, nói như thét lên:
 
- Quà cáp gì! Ở đâu ra!
 
Không nhận ra giọng nói giận dữ của tôi, cậu y tá vẫn thản nhiên thông báo:
 
- Dạ mấy bữa trước em lên trung đoàn nhận thuốc, biết em ở đại đội trinh sát, má và người yêu Tư lém gởi. Em còn nghe mấy đứa vệ binh biểu lần này xin cho Tư lém nghỉ tranh thủ về để cưới vợ. 
 
Tôi lặng người đi trong nỗi đau đến tột cùng.
 
Sáng hôm sau, dù chưa hồi sức nhưng tám anh em chúng tôi vẫn cùng đoàn vận tải đưa Tư lém lên trung đoàn. Trung đoàn trưởng đón chúng tôi ở tận đầu cánh rừng. Có lẽ hiểu được những lo lắng của mọi người, ông đến bên vỗ nhẹ vào vai tôi: 
 
- Do điều kiện chiến dịch, tôi đã gửi má và người yêu Tư theo xe sư đoàn về Việt Nam rồi. 
 
Đêm hôm ấy, tám anh em tôi ở lại cùng Tư lém trong căn lán tạm lưu liệt sỹ.
 
Tôi bảo Hùng đốt một đống lửa rồi lặng lẽ mở ba lô lấy gói quà của Tư lém, lần lượt bầy từng thứ lên mặt sạp: lạp xưởng, đậu phộng, rượu đế. Hùng run run mở bi đông rượu rót đầy một nắp đưa cho tôi. Cầm nắp rượu trên tay, tôi cố gọi thành tiếng: 
 
- Tư ơi!... Tư ơi!... anh em đã về đến đất quê em rồi đây. Rượu đế Gò Đen, lạp xưởng Cần Giuộc, đậu phộng Đức Hòa. Anh em mình cùng nhậu nhé. 
 
Nói rồi tôi cầm nắp rượu đổ vòng quanh Tư lém. 
 
Chín anh em tôi ở bên nhau đến sáng...
 
Sau chiến dịch truy quét, tám anh em tôi cắt rừng về con khe cạn. Có một điều rất lạ là chín túi cơm vẫn đứng bên nhau theo đội hình, không hề bị chuột hay thú rừng đào bới. Và một điều kỳ lạ nữa, như trong chuyện cổ tích, ở giữa túi cơm của Tư lém mọc lên một cái cây xanh ngắt. Cây đã cao ngang ngực, đang xòe tán lá đón những trận mưa đầu mùa. Tám anh em tôi đứng lặng. Hùng bàng hoàng thốt lên: 
 
- Tư lém! Hình như Tư lém đã… nhập vào… cái cây này!
 
Vừa phát xung quanh cái cây, Hùng vừa nói với tôi: 
 
- Anh Tuấn, hay mình đào cái cây này về đơn vị trồng đi.
 
Cả tám anh em cùng nhất trí, nhưng sau một hồi tính toán, mọi người hiểu là không thể thực hiện nổi cái công việc mang nhiều ý nghĩa ấy. Chiến dịch còn ngổn ngang ở phía trước, mà đơn vị thì nay đây mai đó, cái cây làm sao mà sống nổi. Chúng tôi đành để lại nguyên trạng cùng mong ước mai này cái cây sẽ ngày một xanh tươi hơn.
 
Lúc chia tay chúng tôi giơ tay chào cái cây, như chào tạm biệt một người đồng đội. Chẳng biết đấy là cây gì nhưng anh em chúng tôi đặt tên là cây Cơm Sấy.
 
Hôm nay, từ miền trà xứ Thái, tôi trở lại đất bạn Căm-pu-chia, với tư cách là một người khách du lịch. 
 
Ngồi trên chiếc xe sang trọng, lướt trên con đường phẳng lì về thành phố Bat Đam Boom, lòng tôi không khỏi bồi hồi về những quá khứ hào hùng nhuốm chút buồn đau. Trước mặt, dẫy núi Đan Rếch xanh rì cong cong như cái đòn gánh hiện dần giữa khung trời trong vắt. Bất chợt, một làn gió lùa vào trong xe làm du khách cùng sung sướng thốt lên:
 
- Chà! Đúng là gió núi! Mát mẻ và trong lành kì lạ!
 
Cơn gió ấy chắc được làm lên bởi ngàn triệu ngọn lá từ dãy núi Đan Rếch kia. Nhưng có lẽ chỉ một mình tôi biết, để làm nên cái mát mẻ trong lành ấy có cả ngọn lá cây Cơm Sấy của đội trinh sát chúng tôi năm xưa.
 
Truyện ngắn: ĐÀO NGUYÊN HẢI