Đất nước Việt Nam có một ngày dâng hương tưởng niệm và tri ân những người đi trước đã cống hiến máu xương hay một phần thân thể của mình cho Tổ quốc được trường tồn vĩnh cửu. Đó là Ngày Thương binh, liệt sĩ diễn ra từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng duyên hải miền Trung đến vùng núi cao xa xôi, hẻo lánh
|
Tranh cổ động: NGUYỄN HOÀNG KHAI |
Đất nước Việt Nam có một ngày dâng hương tưởng niệm và tri ân những người đi trước đã cống hiến máu xương hay một phần thân thể của mình cho Tổ quốc được trường tồn vĩnh cửu. Đó là Ngày Thương binh, liệt sĩ diễn ra từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng duyên hải miền Trung đến vùng núi cao xa xôi, hẻo lánh. Nhớ hồi mới lớn, xem truyền hình, thấy mọi người đi thắp nhang ở các nghĩa trang liệt sĩ, tôi tò mò hỏi mẹ mới biết rằng đó là nơi những người đã tham gia chiến tranh, hi sinh rồi được quy tập về một chỗ để an táng, thờ phụng. Mẹ nói: “Hầu như trên khắp nước mình, đâu đâu cũng có nghĩa trang liệt sĩ hết con à”. Tôi hỏi mẹ: “Sao mà nhiều người hi sinh vậy?”. Mẹ tôi cúi đầu im lặng, chưa vội trả lời câu hỏi của tôi, sau này tôi mới biết mẹ cũng là một thương binh 3/4, mỗi lần trái gió trở trời bà thường đau nhức do vết thương cũ hành hạ. Bồi hồi trong tưởng niệm qua những dòng nước mắt, mẹ chậm rãi nói tiếp: “Con biết không, nước mình đâu chỉ đánh giặc một lần, tính gần nhất đây thôi, phải đương đầu với hai đế quốc to là Pháp và Mỹ cũng đã mất 30 năm rồi, chưa kể nhiều cuộc chiến bảo vệ biên cương suốt một ngàn năm phong kiến và trước đó nữa. Cha ông mình hi sinh nhiều lắm con, những người thương binh cũng không sao kể xiết!”. Nhìn mẹ ngùi ngùi, tôi hiểu mẹ mang một tâm trạng, một nỗi đau lớn lao mà một đứa trẻ như tôi không làm sao hiểu và sẻ chia hết được.
Lớn lên, được đi học và đọc qua nhiều sách báo, nhất là qua những bài giảng của thầy cô, tôi càng hiểu nhiều hơn những mất mát, đau thương to lớn của đồng bào mình suốt dặm dài những cuộc trường chinh cứu nước. Có lúc, dù chỉ một mình, không cần thiết đó là Ngày Thương binh, liệt sĩ hay không, tôi lại thẫn thờ bước chân đến Nghĩa trang liệt sĩ của xã. Tôi thấy rất nhiều ngôi mộ được xây cất đàng hoàng, vuông vắn, có nhiều ngôi mộ vẫn chưa tìm được tên người nằm xuống, chắp hai tay khấn vái những mộ phần buồn thương ấy, ngồi lặng lẽ một hồi mới quay về. Cái cảm giác xót xa, rưng rức trong lòng vẫn khó nguôi ngoai khi nghĩ về những người đã khuất. Đó là những con người còn rất trẻ, có người chưa đến tuổi hai mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người, lòng thầm cầu mong trên đất nước mình đừng bao giờ có những cuộc chiến tranh phi nghĩa như thế từ các thế lực ngoại bang khác. Nhớ mấy câu thơ của một nhà thơ thời chống Mỹ đã viết về hình ảnh người lính dấn thân cho Tổ quốc quyết sinh trong những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu):
“Chúng tôi ra đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em!”
Đúng vậy, tuổi hai mươi rất đẹp, nhưng nếu ai cũng tiếc, cũng lo sợ thì chắc rằng Tổ quốc sẽ khó tồn vong qua những cuộc chiến chống kẻ thù. Ngồi viết những dòng này trong những ngày tháng Bảy tri ân, lòng chợt ngậm ngùi thương về một thời gian khổ, lầm than của đất nước, càng cảm thấy yêu quý và trân trọng hơn những giây phút hòa bình hiện tại. Tôi viết bài này và dự định sẽ đọc cho mẹ nghe, chắc mẹ sẽ mỉm cười xoa đầu tôi và thầm thì kể tiếp những câu chuyện về chiến tranh, những tấm gương dũng cảm mà bà đã từng chứng kiến và cũng nhờ đó mà được trưởng thành nên người. Cảm ơn những tấm gương cha ông đã liệt oanh vì nước, sẵn sàng vong thân cho Tổ quốc thanh bình. Ngước nhìn lên ngày rực rỡ ánh mặt trời chiếu sáng cùng muôn triệu đóa hoa khoe sắc rực hồng, lòng thành kính trước thiêng liêng màu cờ đỏ thắm. Tôi nghe trái tim mình trào dâng một niềm cảm xúc tri ân với tổ tiên hồn nước ngàn đời. Dường như trong từng mạch đất quê hương, tiếng vọng cha ông vọng về tha thiết: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi).
Tạp bút: Mỹ Nga