Mỹ thuật Lâm Đồng hướng về cuộc sống

08:07, 07/07/2016

Đã gần 65 năm kể từ ngày Bác Hồ viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc với tình cảm và những lời nhắn nhủ ân cần, tâm huyết của Bác được các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước còn mãi khắc ghi.

Đã gần 65 năm kể từ ngày Bác Hồ viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc với tình cảm và những lời nhắn nhủ ân cần, tâm huyết của Bác được các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước còn mãi khắc ghi.
 
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”
 
Câu nói ân cần của Bác đã thấm sâu trong nhận thức của các thế hệ văn nghệ sĩ đi theo Đảng suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và cho mãi đến tận hôm nay. Bác nêu cao vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật và nhấn mạnh đến tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh trên mặt trận này. Một mặt trận không có tiếng súng, không có kẻ thù trực tiếp nhưng tính chất phức tạp và đối kháng của nó đã được thực tiễn lịch sử chứng minh. Câu nói giản dị, thân mật của Bác như một lời trò chuyện mà đã có sức mạnh thay đổi, lay chuyển to lớn đến nhận thức tư tưởng về trách nhiệm của người nghệ sĩ cách mạng, thôi thúc các văn nghệ sĩ hăng hái tham gia kháng chiến bằng việc lấy văn nghệ làm thứ “vũ khí” sắc bén phục vụ kháng chiến, phục vụ sự nghiệp cách mạng Đảng, của dân tộc.
 
Trong thư, Bác nhấn mạnh đến nhiệm vụ, lập trường, tư tưởng sáng tác không những cho giới Mỹ thuật mà cho cả lĩnh vực văn hóa và văn học, nghệ thuật nói chung. Về nhiệm vụ, Bác nhấn mạnh “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công - nông - binh”. 
 
Triển lãm tranh tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh - Ảnh: VĂN BÁU
Triển lãm tranh tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh - Ảnh: VĂN BÁU

Ngày nay, sự nghiệp kháng chiến cứu nước đã thành công, cả nước đang hướng về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của giới Mỹ thuật và văn nghệ sĩ trong cả nước. Bác nhắc nhở: “Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng”. Bác nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Lời dạy của Bác rõ ràng, dễ hiểu, là bài học sâu sắc, tinh tế có giá trị định hướng cụ thể cho giới văn nghệ sĩ nước nhà. Văn nghệ sĩ khi sáng tác phải nghĩ đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân.
 
Năm 1945, sau khi nước ta giành được độc lập, trong bộn bề việc nước, đối phó với thù trong, giặc ngoài, Bác vẫn dành thời gian đến xem và thăm hỏi từng tác giả dự khai mạc Triển lãm Văn hoá tại nhà khai trí Tiến Đức, Hà Nội. Bác đã nói chuyện với các họa sĩ, ý kiến của Bác rất mực chân tình và ấm áp tại triển lãm đã giúp cho nhiều họa sĩ chuyển biến trong suy nghĩ và trong sáng tạo tác phẩm. Triển lãm được coi như là triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên của giới Mỹ thuật nước ta, để các cuộc triển lãm Mỹ thuật tiếp theo vào những năm 1946, 1958, 1960, 1962 và cho đến 2 cuộc triển lãm ký họa miền Nam, Bác đều đến xem, động viên và có những nhận xét quý báu. Ngoài ra, Bác còn đến thăm các Trường Mỹ thuật, hay gặp gỡ trò chuyện, và từng “ngồi mẫu” cho các họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc sáng tác…
 
Học tập và làm theo lời Bác dạy, trong đời sống văn nghệ đã hình thành lớp lớp các văn nghệ sĩ hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút, tác phẩm của mình phục vụ cho cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến với tiền tuyến lớn và đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Tiêu biểu có những tấm gương sáng trong giới nghệ sĩ tạo hình như: họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Vũ Giáng Hương, Nguyễn Tư Nghiêm… Trong số họ có nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến dành lại độc lập, tự do cho non sông, đất nước.
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh và Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, đội ngũ làm mỹ thuật Lâm Đồng đã có bước phát triển không ngừng. Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội hiện nay có trên 30 hội viên, trong đó có 10 hội viên thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng thường xuyên tổ chức cho đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia nhiều trại sáng tác của Trung ương và địa phương; các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, các cuộc Liên hoan và nhất là những đợt triển lãm mỹ thuật hàng năm như: Triển lãm mỹ thuật “Những Mảng Màu Tháng Hai” và các đợt triển lãm chào mừng Festival Hoa Đà Lạt... Hướng về cuộc sống và gắn bó với nhân dân, các họa sĩ trong tỉnh có nhiều tác phẩm nổi tiếng, đạt giải thưởng cao, được nhiều người biết đến như Phạm Mùi, Vi Quốc Hiệp, Đinh Thanh, Nguyễn Văn Lại, Lê Sinh Thục, K’Minh Tuấn… đã tổ chức những đợt triển lãm mỹ thuật của nhóm và từng cá nhân nhân các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh...
 
Để cổ vũ, động viên tinh thần lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ nói chung và với các họa sĩ nói riêng, Hội Mỹ Thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh Lâm Đồng đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII Đông Nam Bộ năm 2016 tại thành phố Đà Lạt (dự kiến tháng 8/2016). Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ tại chiến khu Việt Bắc (10/12/1951-10/12/2016), kết hợp với triển khai Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
 
Kiều Ninh