Người lính già

10:07, 28/07/2016

Ông Tá tháo chiếc chân giả để vệ sinh mỏm cụt bằng nước ấm. Công việc này diễn ra suốt mấy chục năm trời, từng động tác vỗ về da thịt thành thạo và nhẹ nhàng. Cảm giác trống vắng của thịt da thường được thấy rõ nhất mỗi khi có gió thổi qua

Ông Tá tháo chiếc chân giả để vệ sinh mỏm cụt bằng nước ấm. Công việc này diễn ra suốt mấy chục năm trời, từng động tác vỗ về da thịt thành thạo và nhẹ nhàng. Cảm giác trống vắng của thịt da thường được thấy rõ nhất mỗi khi có gió thổi qua. Mà ở xứ này không có gì trù phú bằng gió. Mỏm cụt ấy tưởng đã chai lại vì thời gian vậy mà gió vẫn khua khoắng đầy hẫng hụt. Thằng Cò sẵn cầm thanh khời bếp trên tay chạy lại gõ lộp cộp vào chiếc chân giả được tháo rời đặt ngay dưới đất. Nó hỏi:
 
- Một bên chân ông để ở nơi nào ạ?
 
- À… ông gửi lại nhờ Trường Sơn giữ hộ.
 
- Vậy Trường Sơn có xa lắm không ông?
 
Xa chứ. Xa bằng chiều dài ký ức của một người lính già từng đi qua nhiều trận chiến. Nơi mà ông chưa một lần đủ can đảm nghĩ đến chuyện trở lại. Sợ những cơn đau cũ ùa về, trái tim già nua này làm sao chịu nổi. Khi mà những người đồng đội từng vào sinh ra tử đều đã hóa mây trời. Người ta chỉ nhìn thấy những vết thương hiện hữu trên cơ thể. Thấy vết dấu của chiến tranh mỗi khi ông chống gậy tập tễnh đi ngang qua ngõ. Thế nào họ cũng hất mặt bảo nhau kìa ông Tá cụt. Đôi lúc gặp mấy bà bạo mồm, họ còn tếu cụt đến gần háng thế kia liệu có “làm ăn” được gì không nhỉ? Được chứ sao không, vẫn ngon lành cành đào chán. Rồi véo nhau cười rinh rích. Hoặc có vài lần thấy ông vấp váp ngã chỏng chơ giữa đường, loay hoay tìm mọi cách đứng lên thì người ta tặc lưỡi than “khổ thân ông cụt”. Người ta đâu có nhìn thấy những vết thương không rõ hình hài trong lồng ngực, trong trí óc của người lính như ông. Mà ông cũng không bao giờ để lộ ra ngoài. Không than vãn về chiến tranh. Không rên rỉ về nỗi đau thân thể. Tất cả đã qua. Phải, nên để nó qua như những người xung quanh vẫn nghĩ. Hàng ngày, ông quanh quẩn với cửa hàng tạp hóa chăm sóc mấy sào hoa trên cánh đồng bên kia đường làng. Hoa chủ yếu để bán cho bà con trong làng khi có đám cưới hỏi và thắp hương ngày rằm, mồng một. Giá toàn hữu nghị cả, ai đến mua cũng có cái cớ để bớt giá cho đến khi không thể bớt thêm. Không họ hàng gần thì họ hàng xa, hết bạn của mình đến bạn của con cháu. Thấy người ta lam lũ cũng bớt. Thấy người ta nâng niu hoa cũng bớt. Thành ra có lắm vụ trồng hoa chỉ lỗ. Mùa nào hoa ấy nhưng ông vẫn thích trồng hoa hồng nhất. 
 
Minh họa: P.NHÂN
Minh họa: P.NHÂN

Quán tạp hóa trông rất lành phành. Con cái đã bao lần định xây dựng kiên cố nhưng ông không chịu. Ông bảo ở nhà lá tường đất cho mát mà toàn mì tôm, nước mắm, xà phòng thì lo gì mất cắp mà phải cửa khóa then cài. Quán mở suốt ngày nhưng có khi không thấy người đâu. Khách đến gọi cả chục câu mới thấy một tiếng “ơi” vẳng ra từ cánh đồng hoa bên kia đường. Khách nghĩ ôi chao, chân chống nạng như thế kia thì đi lại nhiều làm chi cho khổ. Thôi thì mua gì cứ lấy, tiền để ở bàn uống nước, đặt cái chén lên cho gió khỏi bay. Có khi ông đi vắng cả ngày, thằng Cò mải chạy chơi chẳng để ý gì đến quán. Nhưng tối về sẽ thấy hàng vơi đi một ít, trên bàn những đồng lẻ được vuốt thẳng thớm đặt chồng lên nhau ngay ngắn. Cũng có khi mất mát vài món đồ đấy chứ, chuyện thường thôi mà. Ông không kêu vì sợ con cháu tiếc của lại tính chuyện xây quán. Mà ông thì yêu cái quán lá này lắm. Nó giống những căn lều thời chiến. Chỉ cần phủ lên ít lá ngụy trang, mắc võng nằm nghe gió luồn, nghe tiếng chim lảnh lót. 
 
Những buổi trưa ở làng bình yên đến mức nghe được cả tiếng muỗi vo ve. Trưa nắng mọi người đều đã đóng cửa nghỉ ngơi. Ngoài đường không có người đi lại, chỉ thỉnh thoảng bật lên một tiếng ho khan giữa không trung. Làng quê thời bình giống như khoảng thời gian yên ắng hiếm hoi và đáng sợ trong cuộc chiến. Có những hôm núi rừng lặng thinh, cảm giác như không gian đặc quánh, một tiếng chim cũng chẳng thể lọt xuống. Ông và đồng đội xua cảm giác bất an bằng những cuộc chuyện trò. Thằng Hùng công tử luôn nói về những bữa cơm. Nó liệt kê một loạt món ăn do mẹ nấu, mà thằng ấy kể sao mà khéo thế. Cảm giác như từng ngôn từ đều biến thành hương vị nghi ngút khói. Bánh gio màu hổ phách, chấm với mật mía, cắn một miếng là vị ngọt thanh mát tan dần trên đầu lưỡi. Món thịt bò kho, chao ôi nghe nó kể mà nước miếng cứ tứa ra. Thằng nào cũng ao ước giá được một bát cơm trắng với dăm miếng thịt bò thì ngày mai ra trận chết dưới đạn bom cũng chẳng nuối tiếc gì. Trước đợt bom kinh hoàng vào giữa trưa hôm ấy thằng Hùng còn nói, đêm nào cũng mơ thấy mẹ và nồi cá kho thơm mùi tương. Cá kho bằng nồi đất, đun bếp củi đến khi thịt cá cứng chắc lại thì “ăn quên đời”. Nó hứa khi nào kết thúc chiến tranh sẽ dẫn cả bọn về nhà, thưởng thức hết tất cả những món ngon mẹ nấu. Thể nào mẹ vui lắm, khuôn mặt phúc hậu cười không ngớt. Trong bữa cơm mẹ sẽ ăn rất ít mà ngồi gắp hết đứa này đến đứa kia. “Ồ, đừng tưởng mẹ tớ bếp núc suốt ngày mà đầu bù tóc rối. Nói cho mấy cậu biết là mẹ tớ đẹp mê hồn. Lam lũ nhưng quần áo lúc nào cũng thẳng thớm. Mái tóc mẹ thì… chao ôi đen và mượt”. 
 
Thằng Hải nằm trên võng, một chân buông xuống đất khẽ đung đưa. Nó bảo bao giờ toàn thắng sẽ trở về đi tìm cô gái làng bên. Cái cô gái gặp lần đầu trong đêm diễn văn nghệ. Có lần cô ấy bảo thích nhất hoa hồng mà khổ nỗi bói cả làng cũng chẳng thấy hoa hồng. “Chiến tranh mà, nơm nớp lo tránh đạn bom, lo cái ăn cái mặc đã kiệt sức người thì còn ai nghĩ đến việc trồng hoa”. Hải kể trước lúc nhập ngũ kiếm được mảnh vải lụa đỏ, tính học cách cuốn thành hoa hồng tặng nàng mà chưa kịp làm thì nhận lệnh lên đường. Nói rồi Hải rút ở túi áo ngực ra một mảnh vải lụa đưa lên mũi hít hà. Đúng lúc ấy thì máy bay địch từ đâu kéo đến, nhanh một cách ngỡ ngàng. Tất cả vội vàng về vị trí chiến đấu nhưng chưa đầy vài phút sau chỗ đóng quân của đơn vị tan hoang dưới bom đạn Mỹ. Ông may mắn thoát chết, trước khi ngất lịm đi còn kịp nhìn thấy mảnh vải đỏ tươi bay lên như một cánh chim bị thương giữa trời giông gió. Bay mãi, bay mãi cho đến khi ông không còn biết được gì. Suốt gần năm mươi năm qua, mảnh vải đỏ vẫn bay xao xác trước mặt ông. Bay xuyên qua giấc mơ, bay đến những buổi chiều hoàng hôn màu huyết dụ. Bay cho đến khi ông chạm vào những cánh hoa hồng đỏ. “Hải ơi, hãy mang những bông hoa này đi tìm cô gái mà cậu từng thầm thương trộm nhớ”. Nước mắt ông đã nhiều lần rơi xuống những cánh hoa. Vì thương những người đồng đội nằm xuống khi tuổi mới hai mươi. Còn chưa kịp đặt lên môi người mình yêu một nụ hôn cháy bỏng. Lúc đi còn ngại ngùng chưa dám ôm mẹ một cái. Không còn cơ hội ăn thêm một bữa cơm mẹ nấu. Có đứa ước ao được trở về để cùng mẹ nuôi những đứa em. Và sự sống của ông bỗng trở thành ích kỷ. 
 
Thỉnh thoảng ngồi ăn cơm cổ ông bỗng nghẹn đắng. Thương những người bạn nằm lại chiến trường, lẫn trong đất và màu lá Trường Sơn. Tất cả chỉ còn lại một tờ giấy báo tử đến tay người thân và ký ức sót lại trong những người đang sống. Năm nào ông cũng chọn đúng ngày mình bị thương làm giỗ cho đồng đội. Nấu một nồi cơm trắng, canh cá nấu chua và không quên nồi cá kho tương cho bạn. Trên bàn thờ lúc nào cũng có thêm một lọ hoa hồng. Cúng giỗ đó mà không biết đồng đội có về được không. Hay chỉ mình ông ngồi nhằn xương cá mà đầm đìa nước mắt.
 
Hải ơi, Hùng ơi, Tính, Thụy, Trọng ơi… Đồng đội ông sẽ sống mãi với tuổi hai mươi. Những tiếng cười ha ha vang cả khắp núi rừng. Và sẽ nói về tình yêu trẻ trung, sôi nổi. Chỉ có ông là già nua đến từng ý. Sau này gặp lại có khi chúng nó không nhận ra ông là thằng Tá năm xưa, cái thằng đêm nào ngủ cũng ngáy vang khắp lán. Chúng nó sẽ nhào vào vạch lưng ông xem có cái sẹo dài bằng hai đốt tay không. Rồi bắt phải đọc thử biệt danh của từng thằng rồi mới chấp nhận. Chúng sẽ sờ mỏm chân cụt và bảo “chúng tớ vẫn còn giữ hộ cậu một bên chân”. Rồi sẽ cười ha ha.
 
Thằng Cò bảo:
 
- Khi nào ông vào Trường Sơn nhớ cho cháu đi cùng. Cháu sẽ giúp ông tìm một bên chân còn lại.
 
- Ồ, thật thế à. Ông cảm ơn cháu nhé.
 
Khẽ xoa đầu thằng cháu ông bật cười ha ha. Thằng nhỏ 5 tuổi cứ tưởng chân ông cũng như cái má lúm đồng tiền của nó. Mỗi lần trêu Cò, ông thường đưa tay bấu má nó và bảo “mất má lúm rồi”. Thằng nhỏ sẽ khóc toáng lên cho đến khi ông chạm tay vào má nó và bảo “trả má lúm”. Nên giờ nó nghĩ sự mất mát của ông cũng chỉ là tạm bợ. Cái hồn nhiên của con trẻ gợi cho ông về sự hồn nhiên của những người lính trẻ đôi mươi. Nếu mất mát được nghĩ theo cách đó chắc sẽ nhẹ nhàng hơn. Những người nằm xuống có thể đã quên chiến tranh. Vậy mà người may mắn còn sống như ông sao cứ ám ảnh mãi về cuộc chiến. Hoa hồng không dành cho súng đạn, chẳng phải nó chính là ước vọng của hòa bình và tình yêu đó hay sao. Nếu những người đồng đội ấy có cơ hội còn được ngắm nhìn cuộc đời này chắc họ sẽ lạc quan để sống. Khẽ ngả lưng đung đưa cánh võng, ông nằm ngoẹo đầu nhìn băng qua đường làng, ngắm nhìn cánh đồng hoa hồng đang trổ nụ. Ông nhắm mắt để mặc từng cơn gió đùa nghịch xung quanh. Ông thấy mình đang nằm võng giữa rừng Trường Sơn, đồng đội đang ngồi quây xung quanh. Họ đánh đàn và hát say mê bài “Thời hoa đỏ”. Khi những câu ca cuối cùng vang lên: “Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi/ Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ/ Sau bài hát rồi em như thế em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa”… thì ông thấy trên trời cả ngàn cánh hoa hồng rơi xuống như thảm lụa.
 
Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG