Nhạc sĩ Doãn Nho - tác giả của những bài hát vượt thời gian: Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái Sông La… chia sẻ về những ngày "mùa thu nay khác rồi" - tháng 9/1945 với một niềm háo hức chưa bao giờ nguôi cạn.
Hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên Quảng trường Ba Đình, khắp các phố phường Hà Nội, khắp trên những ngọn tre, mái đình ngoại thành nơi tôi ở vẫn đi suốt cuộc đời… Nhạc sĩ Doãn Nho - tác giả của những bài hát vượt thời gian: Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái Sông La… chia sẻ về những ngày “mùa thu nay khác rồi” - tháng 9/1945 với một niềm háo hức chưa bao giờ nguôi cạn.
Giác ngộ cách mạng từ người anh
Ấn tượng về ngày 2/9/1945 dẫu đã hơn 70 năm trôi qua vẫn còn in sâu đậm trong kí ức người nhạc sĩ nổi tiếng này. Sinh năm 1933, mùa thu độc lập ông mới 12 tuổi. Ông kể, sở dĩ có ấn tượng mạnh như vậy vì năm 1944 Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu và điểm họp mặt của lớp Đảng viên Hoàng Văn Thụ đặt ở nhà ông. Một thời gian dài, nhà ông cũng là nơi nuôi giấu, qua lại của những cán bộ Việt Minh. Anh ruột của nhạc sĩ Doãn Nho là cán bộ Việt Minh.
Doãn Nho là một nhạc sĩ, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông sinh ngày 1/8/1933, quê ở huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà nội. Ông còn có các bút danh khác là Ánh Quyên, Bun Nho. Nhạc sĩ Doãn Nho đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2001. |
Lần đầu tiên cậu bé Doãn Nho nhìn thấy khẩu súng trường là năm 11 tuổi. Khi ấy, một anh cán bộ Việt Minh do vội họp bí mật nên đặt khẩu súng ngay góc nhà. Nếu tinh mắt, đi ngoài đường có thể trông thấy. Ngay lập tức, cậu bé Nho đã cuộn chiếc chiếu xung quanh khẩu súng “ngụy trang” lại che mắt địch. Người anh khi biết hành động ấy đã rất vui, kể cho em nghe những câu chuyện về tình yêu nước và ham làm cách mạng bằng những bài hát kháng chiến của nhạc sĩ Văn Cao. Đó cũng là lần đầu cậu bé Nho thấy âm nhạc có một sức hút đặc biệt qua những bài hát kháng chiến anh dạy.
“Nhiệm vụ” của ông vào thời khắc lịch sử ấy khá đơn giản nhưng rất ý nghĩa đối với lứa tuổi 13: “Tháng 5/1945, tôi được phân công phụ trách nhóm thiếu nhi cứu quốc nằm trong Mặt trận Việt Minh của làng. Khi nghe các anh đảng viên họp, báo tin sẽ có mít-tinh kỷ niệm quốc khánh, tôi có nhiệm vụ báo cho bạn bè và dân làng cùng tham gia. Các anh dạy cho Doãn Nho bài hát thiếu nhi “Nhanh bước nhanh nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã và Nho có nhiệm vụ dạy lại cho các bạn bè mình để hát vang trong những buổi đi mít-tinh kỷ niệm quốc khánh. “Lúc ấy, chúng tôi là thiếu nhi cứu quốc, về sau được tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, được chính các cán bộ đảng viên Việt Minh chỉ dạy, dẫn dắt” - nhạc sĩ chia sẻ.
Kí ức không phai
Sáng 2/9/1945, để không bỏ lỡ cơ hội, Doãn Nho dậy rất sớm cùng những người làng và bè bạn mình đi bộ vào nội thành. Dọc đường đi, hòa vào dòng người đông đúc, ai gặp nhau tay bắt mặt mừng hân hoan. Giây phút giọng Bác Hồ cất lên, cả biển người lặng phắc và vỡ òa khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Lúc ấy chữ “đồng bào” thật gần gũi và thiêng liêng. Trên đường đi về, cậu bé Nho do mê mải xem những đoàn quân nhạc thổi kèn, đánh trống những bài hát mừng độc lập, bị va đầu vào cột điện đau nhớ đời. Thật trùng lặp, đến nay, “Tiến bước dưới quân kỳ” của ông là bài hát được biểu diễn nhiều nhất của các đoàn quân nhạc, cũng là bài hát cất lên những dịp đại lễ, mừng chiến thắng của đất nước. Và hàng ngày, trong những tinh mai nắng sớm tỏa lan trên Quảng trường Ba Đình, giai điệu “Tiến bước dưới quân kỳ” lại được cất lên trong không khí trang nghiêm cùng đoàn binh chào ngày mới.
Về sau, do sớm tiếp xúc với các anh mặt trận Việt Minh, cậu bé Nho luôn mong mình lớn nhanh để làm cách mạng như các anh. Sau ngày quốc khánh không lâu thì đất nước lại bước vào trường kỳ kháng chiến. 17 tuổi, cậu khai tăng thêm một tuổi để được đi bộ đội. Do nhẹ cân so với tuổi tác nên Doãn Nho đã nhặt những cục sắt gỉ ở lò rèn nhét vào túi quần cho đủ yêu cầu cân nặng. Chính nhờ được các anh Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu dạy nhạc trước nên khi vào chiến trường, cậu được phân công làm quản ca đại đội, bắt nhịp cho mọi người. Về sau, chính môi trường công việc ấy là cảm hứng sáng tác để viết những ca khúc cách mạng.
“Tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho mình đi qua những giây phút gian truân lẫn vinh quang của đất nước, nhất là hình ảnh nạn đói năm 1945 và hình ảnh giành lại chính quyền, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi vào ngày 19/8 và 2/9 năm 1945; hình ảnh Bác Hồ ấm cúng tuyên bố độc lập trên Quảng trường Ba Đình… Những hình ảnh ấy luôn tươi mới, tôi mang theo tất cả suốt cuộc đời và đã là chất liệu quý cho những sáng tác của mình”, nhạc sĩ Doãn Nho xúc động nói.
Võ Thu Hương