Trang đón nhận hộp quà to từ tay anh bưu tá với vẻ mặt hớn hở. Ký tên xong, Trang vội mang quà vào đặt ở giữa phòng. Ba cô gái ở chung phòng đang bận việc giặt đồ, nấu ăn, ủi quần áo phải ngưng tay vì hiếu kỳ. Rồi cả bọn nhốn nháo, ồ lên rõ to: "Bồ gửi tặng hả Trang? Quà gì mà to thế? Mở ra xem nào?".
Trang đón nhận hộp quà to từ tay anh bưu tá với vẻ mặt hớn hở. Ký tên xong, Trang vội mang quà vào đặt ở giữa phòng. Ba cô gái ở chung phòng đang bận việc giặt đồ, nấu ăn, ủi quần áo phải ngưng tay vì hiếu kỳ. Rồi cả bọn nhốn nháo, ồ lên rõ to: “Bồ gửi tặng hả Trang? Quà gì mà to thế? Mở ra xem nào?”. Chộn rộn là lẽ tất nhiên. Căn phòng trọ này đã 5 năm rồi chưa có tiếng gõ cửa của anh bưu tá hay những chàng trai trồng cây si. Công việc quần quật từ sáng sớm cho đến quá khuya của nghề thợ may xí nghiệp như các cô gái trẻ này đã chiếm hết thời gian để giải trí, hò hẹn. May thay sáng này, xí nghiệp cúp điện nên toàn thể công nhân được nghỉ làm. Dự định là sau khi dọn dẹp phòng xong, Trang cùng Thùy, Phượng, Hoa sẽ dắt tay nhau đến siêu thị gần đấy để trốn nóng, mua chút ít đồ dùng cá nhân và sẵn tiện tận hưởng ánh mặt trời chói chang là như thế nào. Suốt ngày cứ ru rú trong phòng lạnh, bên chiếc máy may vi tính, nghe tiếng máy chạy nhịp đều theo lập trình đến nỗi chẳng biết thế giới bên ngoài đã thay đổi như thế nào. 4 cô gái đến từ bốn làng quê khác nhau nhưng lại có cùng sở thích, hợp nhau đến lạ thường. Dù độc thân nhưng các cô gái không buồn, mà xem đó là một chủ nghĩa mới, phong cách mới. Trang, cô gái có nhan sắc trội nhất nhóm nghĩ thoáng: “Trên thế giới này có nhiều người độc thân chứ đâu riêng gì mình”.
- Để mình đi lấy kéo cắt dây buộc ra xem đó là món quà gì? - Hoa nhanh nhẩu giở rương tìm kéo.
Thú thật thì ban đầu Trang cũng vui đấy, hân hạnh đấy, nhưng giờ cô lại suy tư nhiều hơn. Họ tên và địa chỉ nhà thì đã rành rành rồi, nhưng người gửi là ai? Khi nãy vì quá bất ngờ, quá choáng ngợp vì món quà to như thế nên Trang vội vàng ký vào tờ giấy để nhận quà mà quên mất nhìn xem tên và địa chỉ người gửi. Khi chiếc kéo đã sắp thọc vào sợi dây nhựa thì Trang ngăn Hoa lại:
- Khoan! Mình nghĩ không nên vội mở quà, biết đâu nhầm người thì sao?
Đang hồi hộp hơn cả người nhận, Hoa nói:
- Trang cứ lo xa! Bưu tá đã giao đúng địa chỉ, đúng cả họ lẫn tên rồi thì còn nhầm gì nữa. Mở ra nhé, xem bên trong là gì!
Tiếng kéo cắt cái phựt, đi kèm với lời nói, Trang không kịp ngăn lại. Một lớp giấy hoa bọc bên ngoài được mở ra. Bên trong là dây ruy-băng hồng buộc nơ rất đẹp. Tháo vội chiếc nơ thì Trang lại thấy dường như có lỗi lầm gì đấy, liền bảo Hoa hãy từ từ hẵng mở. Thùy góp lời vào:
- Trang nói đúng đấy! Chuyện bưu phẩm bị nhầm lẫn vẫn thường xảy ra mà.
Nhưng Phượng lại về phe Hoa:
- Mình dám chắc có anh chàng nào đó trong xưởng may để ý Trang nên mới bày ra trò này thôi. Mở ra đi Hoa.
Hoa tháo lớp keo dán vội vàng để ngăn dòng suy nghĩ vẩn vơ của Trang.
- Oa, một hộp bánh trung thu! Cái bánh to quá mấy đứa ơi! - Hoa há hốc mồm thảng thốt.
Tám con mắt nhìn chăm chăm vào hộp bánh không nén nổi thèm thuồng. Phượng vọt miệng.
- Có cái bánh trung thu ở đây mình mới nhớ. Sắp tới Tết Trung Thu rồi còn gì! 5 năm rồi, có được thử miếng bánh dẻo ra làm sao đâu!
Hiểu được ý của Phượng, Hoa đề nghị với Trang:
- Hay mình dùng thử nhé?
Dù gì cũng đã mở ra rồi nên Trang gật đầu. Rồi cả bọn mang dao ra cắt bánh ăn. Cái bánh thập cẩm khá to, bằng cái rổ đựng rau trong phòng chứ ít đâu. Vậy mà chỉ một loáng, do đang đói nên bốn cô gái ngồi ăn ngon lành. Thậm chí Hoa còn ước gì có một anh bưu tá nào đó mang lại một hộp quà như vậy thì hay biết mấy.
Cũng phải thôi, từ lúc bước chân vào công ty này, bốn đứa chỉ lo làm, tăng ca nhiều để có lương cao gửi về cho gia đình chứ nào có dám mua của ngon vật lạ mà dùng. Đến mùa trung thu, người ta bày gian hàng bánh dẻo hai bên đường thiếu gì nhưng nào dám ghé vào mua chứ. Một cái tệ gì cũng 40-50 ngàn đồng, bằng với ba giờ tăng ca chứ ít đâu. Vài lần cả bọn định mua ăn rồi thấy tiếc vì nghĩ lại mồ hôi mình đổ ra đến ba giờ, uể oải cả người mà chỉ bằng cái bánh bé nhỏ, mua uổng quá nên nhịn thèm.
|
Minh họa: H.TOÀN |
Bốn cô gái vừa ăn vừa bình luận xem bánh này ngon hay dở, thiếu gì, dư gì, có cái gì trong nhân... Nói chung là chỉ bình luận cho vui chứ ai cũng hài lòng, vì bánh quá ngon, không có lời nào để tả. Nhưng bất giác, lúc mang hộp xếp lại để bỏ vào thùng rác thì bên dưới, một tấm thiệp nhỏ rơi ra khiến Hoa giật mình:
- Ê mấy đứa, có cả thiệp này!
Trang nhanh tay giở ra xem:
“Trang của anh! Một mùa trung thu nữa lại về trong nỗi mong chờ, nhớ thương của anh! Vẫn giữ đúng lời hứa, anh gửi tặng em món quà để ghi dấu cái ngày mà chúng ta chính thức yêu nhau trong đêm trung thu đáng nhớ! Anh tặng em món quà với cả tình yêu chân thành mà anh dành cho em, chúc em một mùa trung thu rực rỡ, hạnh phúc. Tuấn của em!”.
- Thôi chết, món quà này gửi bị nhầm rồi, giờ tính sao? - Trang hoảng hốt.
Hoa, Thùy, Phượng cũng không giấu nổi hoang mang. Hoa trấn an:
- Chuyện cũng đã lỡ rồi, thì mua đền người ta chứ sao giờ?
- Nhưng biết ai để mà đền đây? - Phượng thắc mắc.
May thay khi xem kỹ ở bì thư, Trang thấy có ghi họ tên và địa chỉ người nhận:
- Đây này mấy đứa! Trần Thị Ngọc Trang, số nhà 40/30/01. Vẫn ở chỗ khu vực mình nhưng có thêm một xuyệt (/) nữa. Mình nghĩ có lẽ vì thế mà anh bưu tá đã nhầm lẫn chăng? Chắc nhà cô gái này phải đi cuối đường hẻm này rồi quẹo qua một ngách nữa. Không được, mình phải mua trả lại cho người ta.
- Mình nghĩ là thôi đi. Dù gì cũng lỡ rồi, cho nó qua luôn đi, có ai biết đâu chứ. - Thùy bao biện.
- Thùy nói vậy mình không đồng ý - Hoa phản đối. - Cái gì không phải của mình không thuộc về mình thì mình nên trả lại cho người ta chứ! Chắc giờ này cô gái tên Trang ấy đang mong chờ quà của người yêu lắm! Tội cho người ta!
- Mình hiểu chứ! Nhưng nay là cuối tháng rồi, chúng ta chỉ đủ tiền cho việc ăn uống và mua vài thứ linh tinh cho cá nhân thôi. Chiếc bánh này to, lại đặc biệt, mình nghĩ nó không rẻ chút nào đâu.
- Dù không rẻ cũng phải mua để trả cho họ. Câu chuyện này bắt nguồn do mình nên mình sẽ bỏ tiền ra mua để trả. - Trang tuyên bố.
Tuy nhiên ba cô gái còn lại thề “sống chết có nhau”, làm sao nỡ để bạn vét mót hết tiền túi một mình trong khi cả bốn đứa cùng ăn. Thế là cuối cùng cả bọn nhất trí mang chiếc hộp ra cửa hàng để hỏi giá. Có lẽ sau khi mua chiếc bánh này xong, chắc đứa nào cũng phải “treo mỏ” vài ngày vì cạn tiền. Nhưng ai cũng nghĩ đó là việc nên làm.
Bước ra khỏi cửa hàng với gương mặt bí xị vì giá hộp bánh trung thu đến 2 triệu đồng, bốn nàng vội xách hộp bánh đi tìm nhà cô gái tên Trang. Dù khu lao động này có nhiều nhánh hẻm chằng chịt như mạng nhện nhưng cũng không khó tìm mấy bởi sự nhiệt tình, xởi lởi của bà con quanh đây. Chỉ cần mở miệng hỏi một tí là y như rằng đã là người nhà của nhau từ lâu lắm rồi. Cúp điện, bà con lao động kéo nhau ra ngồi trước cửa phòng, lề hẻm khá đông. Chỉ mươi phút, bốn cô gái hồn nhiên ấy đã tìm được địa chỉ. Đây là nhà riêng, cũng là chủ trọ của vài dãy phòng trọ ọp ẹp - theo như một người lao động chỉ giúp. Trang đưa tay bấm chuông cửa, chỉ vài giây, một người phụ nữ trung niên chạy ra mở cửa.
- Dạ cho cháu hỏi, đây có phải là nhà của Trang không ạ?
Thoáng tư lự vài giây, người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nói:
- Cô là mẹ của Trang. Các cháu là bạn của Trang ư?
- Dạ... cũng không phải lắm - Trang bối rối. Chuyện dài dòng lắm!.
Cô có thể cho cháu vào nhà gặp Trang để giải thích được không?
Nhìn hộp quà trên tay, rồi nhìn những gương mặt chân chất của các cô gái, người phụ nữ trung niên mời vào nhà uống trà ngay. Dẫn các cô gái vào nhà, bà chỉ lên bàn thờ rồi bảo:
- Nó là Trang, con gái của cô đấy!
Cả bốn cô gái giật mình suýt làm rơi hộp quà:
- Trang mất rồi sao cô? Vậy... vậy sao hộp quà này...?
Không để nỗi sợ hãi lẫn những suy nghĩ mơ hồ vây lấy Trang và nhóm bạn, bà giải thích:
- Theo cô nghĩ, các cháu là người có trách nhiệm mang quà từ Tuấn gửi tặng Trang đúng không? Cô nhớ là những năm trước, thường có chú bưu tá nhân viên bưu điện đảm nhận việc này. Nhưng mà thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Để cô giải thích luôn, sở dĩ mà Tuấn thường gửi món quà trung thu cho người đã mất là vì cậu ta bị quẫn trí, nói đúng hơn là lúc nhớ lúc quên như kẻ mất hồn. Sau một đêm tai nạn giao thông vào rằm tháng tám cách đây hai năm, cậu ấy trở nên như thế, riêng con gái cô thì...
Nói đến đây, bà mẹ của Trang không kìm được xúc động, khóc như đứa trẻ lên năm khiến bốn nàng cũng rươm rướm nước mắt...
- Nhà có mỗi mình nó, giờ nó bỏ cô ra đi,... để cô sống trong cô đơn trống trải thế này đây.
- Tụi con xin lỗi vì khơi lại chuyện buồn của cô.
- Không sao đâu. Lâu rồi cô không được khóc. Có thể như thế sẽ giúp cho cô nhẹ lòng hơn. Thực ra cái chuyện gửi quà này đã có từ lúc con cô còn sống. Tụi nó yêu nhau lắm, cứ hay gửi quà vào ngày chứng nhận tình yêu gì đó. Sau vụ tai nạn giao thông ấy, phía gia đình Tuấn không nỡ làm cậu đau lòng, cứ mỗi năm đến Trung thu là gửi quà cho con Trang nhà cô. Về phần cô cũng vậy, mới hôm qua ra bưu điện gửi cho thằng Tuấn một đôi giày rồi. Nó mà biết con Trang mất chắc nó không sống nổi.
- Vậy Tuấn có đòi qua gặp Trang không cô?
- Có chứ! Nó đòi qua nhà hoài nhưng phía bên đó dỗ ngọt, mang quà, hình cho nó xem nên nó mới thôi. À, mà các cháu làm công việc này lâu chưa. Trông các cháu, cô không nghĩ là nhân viên giao quà.
- Dạ, thật ra là bất đắc dĩ thôi cô!
Rồi Trang kể lại sự việc cho bà hiểu. Nghe xong, bà bảo:
- Thời này hiếm ai được như mấy đứa! Làm công nhân xa quê mà lại rơi vào thời gian cuối tháng, mua cả hộp hơn 2 triệu đồng như thế chắc khó khăn lắm! Thôi để cô gửi tiền lại.
- Không cô ạ! Tụi con chỉ làm đúng với lương tâm của mình thôi. Dù gì bốn đứa cũng đã ăn bánh rồi, sao nhận tiền của cô được. Như vậy là không phải lẽ.
- Thôi được rồi! Để cô mang hộp quà lên bàn thờ cúng cho con Trang. Bốn đứa ngồi chơi đi, chút cô làm cơm đãi. Có khó khăn gì thì nói cô giúp. Không có nhiều nhưng mấy đứa mượn chút ít thì vô tư.
- Dạ, mới gặp tụi con mà sao cô tốt bụng vậy? Không sợ tụi con là kẻ xấu lừa đảo à?
- Có tên lừa đảo nào tự nhiên nhận mình là kẻ xấu đâu? Cô coi như đây là cái duyên vậy mà! Muốn người tốt với mình thì trước tiên mình phải mở lòng chứ! Nhà chỉ có mỗi mình cô, rảnh rỗi cuối tuần không làm thì qua đây chơi.
Đoạn bà rút mấy cây nhang bật quẹt đốt, khấn trước di ảnh của con gái mình. Hộp bánh được đặt trân trọng trên bàn bởi bốn cô gái đáng yêu. Không để bà nhọc công làm thức ăn, cả bốn người xông xáo lao vào bếp trổ tài nấu nướng. Dự tính đi siêu thị của bốn nàng đã bỏ lỡ, tiền túi cũng “cháy khô”. Nhưng họ lại vừa tìm được một niềm vui mới, một hạnh phúc mới thật bất ngờ. Như mẹ của Trang đã nói: “đó là một cái duyên”.
Truyện ngắn: ĐẶNG TRUNG THÀNH