Mấy lần rồi Ngân khuyên ba mình bỏ cái miệt rừng này để dọn lên thành phố ở với vợ chồng cô. Đợt này về, cô phải thuyết phục sao cho bằng được để đưa ông về trên ấy chăm lo phụng dưỡng.
|
Minh họa: H.Toàn |
Mấy lần rồi Ngân khuyên ba mình bỏ cái miệt rừng này để dọn lên thành phố ở với vợ chồng cô. Đợt này về, cô phải thuyết phục sao cho bằng được để đưa ông về trên ấy chăm lo phụng dưỡng. Ông Hai tần ngần:
- Bây đừng khuyên nữa. Tao không bỏ cái miệt U Minh này đâu.
- Tụi con có buộc ba phải bỏ nó đâu. Chỉ là thỉnh thoảng ba về đây thăm cũng được mà.
Ngân rót tách trà mời ông. Hơi nóng bay lên thành sợi lượn vòng rồi phả vào gương mặt đã dạn dày theo sự nhọc nhằn năm tháng. Ông Hai nghe có vị ngọt ngào của bông tràm mới trổ pha lẫn trong tách trà đơn sơ ấy. Nhấp thêm vài ngụm nữa rồi ông quay sang Ngân:
- Bây có biết nơi này nó quan trọng đối với ba thế nào hông? Ở đây quen rồi, ba cũng không muốn đi đâu hết bây à.
- Nhưng vợ chồng con không muốn nhìn ba sống một mình ở cái nơi khỉ ho cò gáy này.
Ông Hai bừng bừng đổ giận:
- Khỉ ho cò gáy thì sao. Chẳng phải ngày trước bây từng ăn đây, ở đây rồi lớn lên học hành ở đây sao. Lên trên ấy đâu có mấy năm mà bây bày đặt chạy theo lối sống thị thành rồi chê này chê nọ.
Ngân không nói thêm câu nào nữa. Biết ba đang giận, cô chỉ cúi đầu xuống như vừa nhận ra mình đã trót lỡ lời.
Chiều đã rót lên vạt rừng tràm một màu vàng sẫm. Gió cũng bắt đầu lay nhẹ những đọt xanh của thứ cây chịu nắng mưa gian khổ đặc trưng của vùng U Minh Hạ này. Gắn bó nơi đây gần cả một đời, ông Hai không muốn mình phải xa rời cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Sống với rừng, ở với rừng và cùng rừng trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, ông quý rừng như quý mến một người bạn tri âm tri kỷ. Những năm tháng chiến tranh, giặc thù đã để lại cho rừng những vết thương chưa lành lặn cũng như ông còn đau đáu cõi lòng qua từng vết hằn trong ký ức. Gần ba chục năm nay, ông nâng niu và giữ gìn rừng như giữ gìn một kỷ vật. Từ lúc Ngân vào đại học, ông xin phép chính quyền khoán luôn mảnh rừng tràm gần nhà để ông được trọn vẹn cái tình cái nghĩa với quê hương.
Ông Hai có hai người con, một trai một gái. Khác với chị hai mình, Lâm không theo học kinh tế mà chỉ mong muốn gắn bó với bà con chòm xóm ở nơi này. Cậu giống hệt ba ở cái tính yêu mến và trọn lòng với quê rừng xứ sở. Sau khi tốt nghiệp nông lâm cậu về đây công tác. Sau giờ làm ở cơ quan, Lâm về đỡ đần ba từ việc nhặt nhạnh trong nhà đến việc săn sóc mấy vạt rừng bạt ngàn mà ba nhận khoán.
Năm trước, Lâm được cử đi nghiên cứu khoa học ở Ba Lan về giống tràm vùng ngập trũng nhiều than phèn miệt rừng U Minh. Ông Hai cảm thấy hài lòng. Trước khi cậu đi, ông còn dặn dò kỹ lưỡng:
- Bây đi, học hành cho đàng hoàng để còn về đây mà giúp bà con xứ mình giữ rừng giữ đất nghe hông?
Lâm nhìn ông Hai như thay lời chào với ba mình:
- Ba yên tâm đi. Con sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất nếu có thể. Ở nhà, có việc gì ba gọi chị Hai về nghe. Thôi, để lát nữa lên xe con gọi điện chị ấy cho ba.
- Ừ, việc nhà ba sắp xếp được mà.
Đứa con gái mà ông yêu thương, dạy dỗ sau khi nhận được tấm bằng cử nhân kinh tế thì quyết định ở lại và lập nghiệp trên đất Sài thành. Trước kia thì đôi ba tuần về thăm nhà một bận. Khoảng hơn năm nay thì một hai tháng mới về. Từ ngày Lâm đi học, Ngân thường xuyên về nhà hơn. Nhưng mỗi lần về, cô lại thường than vãn cái miền quê nghèo nàn, cục mịch này. Vợ chồng Ngân có ý định đưa ông Hai lên Sài Gòn ở luôn. Lúc đầu, ông còn lưỡng lự bâng khuâng:
- Hai à, ba đã quen sống ở nơi đây rồi. Lên trên ấy, cuộc sống ồn ào náo nhiệt ba chắc hông chịu được.
- Có gì đâu, ba cứ lên ở đi. Thiếu gì chỗ yên tĩnh cho ba mà.
- Còn đất đai, mồ mả ông bà, rồi giỗ quải của má bây.
- Ba cứ yên tâm, việc đó để tụi con lo cho.
Tiếng muỗi vo ve bay tới bay lui bên tai, ông Hai vẫn ngồi đó với bình trà sớm. Rảo hết mấy lượt rừng về, ông nghe trong lòng mình có gì đó giục giã, có gì đó níu kéo. Cây tràm miệt Khánh Lâm này có tội tình gì mà ông tính bỏ nó đi. Tiếng chim chóc hót rôm rả thường ngày hình như sáng nay cũng tỉ tê ngoài kia những tiếng trách than hờn giận. Ông Hai trầm ngâm suy nghĩ biết bao điều về cuộc sống. Ngước lên nhìn quanh một lượt, ông tự nhủ thầm: “Tôi có nên nghe theo lời con Hai mà lên trên kia hông bà? Mảnh đất này biết bao anh em đồng đội đã hi sinh để giữ lại màu xanh cho đất, cho cây tràm để dáng dấp nó ngày càng thêm thẳng ngọn. Ngày xưa, bom đạn khốc liệt tôi còn chẳng ngại, hông lẽ bây giờ đất nước hòa bình tôi lại bỏ đi cho đành”!
Cắm lại nén nhang, ông khấn vợ mình và như tự thấy bản thân đã gây nên những điều lầm lỗi, bởi vì ông vừa trải qua phút giây không giữ lòng được nữa, ít nhiều đã có một sự lung lay nào đó trong ý nghĩ. Từng làn khói cuộn vòng sưởi ấm lại căn nhà nhỏ đang nằm im lìm bên vạt rừng tràm tươi tốt. Trời hửng sáng, Ngân vội vã chuẩn bị đồ đạc để về lại Sài Gòn. Thấy ba ngồi đó bên tách trà, cô mỉm cười:
- Con có chuyện phải về trên ấy gấp. Ba ở đây thu xếp mọi thứ cho xong xuôi hết đi, chiều mai vợ chồng con sẽ về rước ba lên.
- Thôi bây về lo công chuyện đi, ba quyết định ở lại đây chứ không đi theo bây được.
Công việc hối thúc nên Ngân không có thời gian hỏi lại ba nguyên nhân vì sao.
* * *
Chiều nay, cô đã ngồi thuyết phục ba mình mấy lần nhưng vẫn không làm cho ông thay đổi lại quyết định. Có lẽ miệt rừng này đã hằn sâu vào trong tiềm thức của ông Hai rồi. Khi nghe lời mắng lúc nãy, cô nhận ra mình đã thật sự vô tâm không nghĩ đến điều gì trong tình cảm của ba. Nếu lên Sài Gòn mà không vui vẻ rồi sống trong bồn chồn, thấp thỏm, ba sẽ ra sao. Đất U Minh đã hun đúc nghĩa tình cho con người nơi đây, chẳng phải trước kia cô đã từng lớn lên trong tình yêu thương gắn bó ấy đó sao.
Đối với người khác, không biết đêm Khánh Lâm có buồn hay không, nhưng còn riêng ông Hai thì cảm thấy hào hứng khi chống chiếc xuồng ba lá đi thăm rừng đến tối mịt mới về. Lũ muỗi lại vo ve những giai điệu cũ rích trên vòm cây kẽ lá. Tiếng côn trùng cứ râm ran đã làm nên nét đặc trưng cho vùng đất nhiễm phèn này. Những câu hỏi chưa tìm ra được sự trả lời đã theo Ngân vào trong giấc ngủ.
Thời gian lặng lẽ trôi, Lâm trở về sau những tháng dài đi học xa nhà. Cậu mang về những kiến thức đã được học hỏi ở quê người để tiếp tục gắn bó với cây tràm U Minh. Ông Hai càng vui hơn khi nhìn thấy con trai mình không rời bỏ mảnh đất mà chạy theo vật chất, xa hoa của lối sống thị thành. Sau khi Lâm đi dự Hội thảo khoa học khu vực đồng bằng sông Cửu Long về cây tràm và định hướng phát triển mở rộng diện tích rừng ngập mặn về, ông Hai phấn khởi:
- Bây làm được việc này, ba mừng lắm. Cả đời khó nhọc, nay nhìn bây thành người có ích cho quê hương, cho chòm xóm ba thấy tự hào.
- Có gì đâu ba, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của con mà. Vả lại, vùng đất Khánh Lâm này có nhân có nghĩa thì con người nơi đây cũng phải mở lòng để đáp lại cái ý cái tình đó chứ ba.
- Phải chi con Hai nó nghĩ được giống bây thì tốt biết mấy.
Ông Hai gật gật đầu hài lòng như thấy đời mình ấm lại. Rồi đây, cánh rừng kia sẽ được mở rộng thêm, cây tràm lại tiếp tục sinh sôi nảy nở, màu xanh lại bạt ngàn. Bầy ong cũng về đây góp mật cho đời với cái hương vị ngọt ngào của xứ sở.
Còn Ngân từ lúc về thành phố tới giờ, cô mang mãi trong lòng những câu hỏi của ba để cố gắng tìm lời giải đáp. Cô mải mê với bộn bề công việc bởi cuộc sống hối hả của Sài Gòn đâu cho phép người ta buông lơi thời gian bươn trải. Cho đến khi cầm tờ báo mà chồng cô vừa đặt xuống để chuẩn bị dọn bữa cơm tối, một thứ gì trên mắt mình dường như chực trào ra khi cô nhìn thấy bài phóng sự “Nhớ rừng” viết về ba và em trai, những người thân yêu ruột thịt của cô. Những con người đã đem nhiệt huyết của cả đời mình ra giữ rừng giữ đất. Cô tự hào về họ bao nhiêu thì lại thấy trong lòng hổ thẹn bấy nhiêu. Và câu nói của ba hôm nào cứ vọng lại. “Chẳng phải ngày trước bây từng ăn đây, ở đây rồi lớn lên học hành ở đây sao. Lên trên ấy đâu có mấy năm mà bây bày đặt chạy lối sống thị thành rồi chê này chê nọ”.
Thành phố đã vào khuya, xe cộ cũng bớt đi ít nhiều. Cảnh vật chỉ còn là những cột đèn thâu đêm chơ vơ đứng đó. Lâu lắm rồi cô không đứng một mình ngắm cảnh phố đêm như thế này. Chợt nhớ đến bài báo lúc nãy, cô lặng người thật lâu. Bàn tay ấm áp của người chồng đặt lên vai, Ngân quay lại:
- Khuya rồi, em còn ngẫm nghĩ gì đó?
- Em đang nghĩ về ba, nghĩ về cậu Lâm. Có lẽ vợ chồng mình đã sai khi cố thuyết phục ba lên đây ở, phải không anh?
Anh cũng im lặng giây lâu:
- Anh có đọc bài phóng sự “Nhớ rừng” và em đã nói đúng. Chúng ta đã sai thật rồi em à.
Ở đây, không có muỗi vo ve, tiếng côn trùng nỉ non mỗi tối mà chỉ có tiếng thở của thành phố mệt lả lúc về đêm. Cái tuổi thơ có bông tràm nở trắng, cô chẳng những đã bỏ quên trong ký ức mà còn có lần buột miệng chê rằng cái xứ đó là khỉ ho cò gáy. Tí tách ngoài kia, sương đã đổ giọt lên mái hiên rồi. Đêm nay, Ngân nghe lòng mình thắt lại. Cô nhớ da diết về ba, về cậu em trai, về mảnh đất Khánh Lâm và cả cái bông tràm của miệt rừng U Minh Hạ.
Ông Hai vẫn dạo quanh mấy vạt rừng mỗi buổi sớm. Tràm đã trổ những chùm bông trắng mịn màng thành từng dải xa xa, theo gió đong đưa, hứng lấy những giọt nắng đầu tiên trong ngày. Tiếng Lâm nói vọng ra với ông:
- Chị Hai đang trên đường về ba ơi!
Mái tóc của ông giờ đã lấm tấm y hệt như cái màu trắng của bông tràm. Ông gật đầu mỉm cười hiền từ.
Một hành trình dài mấy trăm cây số đang chở vợ chồng Ngân về lại với gia đình, về lại với Khánh Lâm. Mà hành trang của họ lại đơn sơ lắm, đó chỉ là nỗi nhớ rừng.
Truyện ngắn: DĨ LANG