Thổi hồn vào đường kim...

08:08, 25/08/2016

Khi nghề thêu tay đang có dấu hiệu "lão hóa" do lớp trẻ không đủ kiên nhẫn và tỉ mỉ, thì những người thợ thêu yêu nghề của Công ty TNHH Thêu Nghệ Thuật và Mỹ Nghệ Hữu Hạnh (Tranh thêu Hữu Hạnh) đang bền bỉ, kiên trì giữ và bảo tồn nghề thêu bằng nhiều cách

Khi nghề thêu tay đang có dấu hiệu “lão hóa” do lớp trẻ không đủ kiên nhẫn và tỉ mỉ, thì những người thợ thêu yêu nghề của Công ty TNHH Thêu Nghệ Thuật và Mỹ Nghệ Hữu Hạnh (Tranh thêu Hữu Hạnh) đang bền bỉ, kiên trì giữ và bảo tồn nghề thêu bằng nhiều cách. Họ được đền đáp xứng đáng bằng Giải thưởng “Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ASEAN năm 2016” trong tháng 7 vừa qua. Và người sáng lập, làm nên tên tuổi và thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh - bà Nguyễn Thị Hữu Hạnh được vinh danh là “Nghệ nhân Ưu tú” do Bộ Công thương tổ chức lần đầu tiên vào tối 26/8/2016.
 
Tranh Thêu Hữu Hạnh nhận giải thưởng “Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ASEAN năm 2016”
Tranh Thêu Hữu Hạnh nhận giải thưởng “Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ASEAN
năm 2016”

“Cảm xúc thì có sẵn - chỉ việc tuôn trào”
 
Bà Phạm Ngô Nhật Thảo - Giám đốc Điều hành Tranh thêu Hữu Hạnh đã trả lời như vậy khi chúng tôi thắc mắc, sao họ có thể - khi trước mặt chẳng có tranh mẫu mà hình hài sống động của bức tranh thêu cứ hiện dần lên… Trong phân xưởng của Tranh thêu Hữu Hạnh, gần hai chục người thợ thêu đang lặng lẽ, say sưa, miệt mài với những ngón tay thoăn thoắt. “Bàn tay vàng” Tạ Thị Lài đang hoàn thiện những đường kim cuối cùng của bức tranh thêu “Việt Nam ơi!” - họa tiết là cô gái Việt Nam và những chú chim đang tung cánh biểu tượng của 54 dân tộc Việt Nam mang thông điệp hòa bình; “Bàn tay vàng” Nguyễn Thị Trang với bức tranh “Hồ Gươm” - khung cảnh rực rỡ sắc màu mùa xuân bên làn nước trong xanh; những người thợ thêu khác - người thêu họa tiết trang phục đôi mẹ - con, người thêu áo dài… 
 
Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Tâm huyết, tận tụy với nghề; nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; có tối thiểu 15 năm hoạt động trong nghề… Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân được xét tặng cho cá nhân đã là Nghệ nhân Ưu tú và đạt thêm các tiêu chuẩn như: Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên; Nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…
Đặc biệt, có 5 cô gái đang thêu những mẫu thêu nhỏ xíu, nhiều màu sắc. Bà Thảo giới thiệu, các em là những người khiếm thính, được truyền nghề và được tạo điều kiện làm việc tại công ty với công việc vừa sức và mức lương đủ trang trải cuộc sống. Tranh thêu Hữu Hạnh cũng đang dạy nghề cho 5 em khiếm thính khác. Theo bà Thảo: “Việc truyền nghề cho các em khuyết tật rất cần sự tận tâm của những người yêu nghề - yêu người. Bởi các em là người khiếm thính, nên giao tiếp đâu có dễ dàng. Hơn nữa luôn bị áp lực tâm lý của người khuyết tật nên hay tự ti, bi quan, mặc cảm. Truyền nghề và dạy nghề cho các em còn phải hiểu hoàn cảnh và tâm trạng của từng em để tạo niềm tin, động lực cho các em vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với môi trường công việc, cộng đồng. Là người đứng đầu công ty, còn phải tạo được sự kết nối giữa em này với em kia và giữa các em khuyết tật với những người thợ thêu khác…”.
 
Tranh là sản phẩm truyền thống của “Tranh thêu Hữu Hạnh”, gồm dòng tranh phối màu, tranh hai mặt, tranh gia công... Tranh thêu Hữu Hạnh có những đơn hàng thêu họa tiết trên trang phục xuất khẩu sang Na Uy, Nhật, như quần áo, khăn tay, áo dài… sử dụng kỹ thuật thêu thô trên vải thô (Na Uy); hay những họa tiết nhỏ, nhưng tinh xảo, tỉ mỉ trên cổ, nẹp áo (Nhật)… Tranh thêu Hữu Hạnh có tiêu chí “giữ gìn, bảo tồn nghề”, nên người thợ thêu nào cũng phải biết tất cả các công đoạn của nghề thêu. Ngoài ra, gần 50 thành viên của công ty đều là phụ nữ (công ty chỉ có 2 nam), nên yêu cầu nữa là phải dung hòa được cuộc sống gia đình và công việc.
 
Công ty TNHH Thêu Nghệ Thuật và Mỹ Nghệ Hữu Hạnh vừa nhận Giải thưởng “Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ASEAN năm 2016”. Dù “Top 100 thương hiệu ASEAN” không có tiêu chí rõ rệt, nhưng yêu cầu phải là những doanh nghiệp có những đóng góp cho xã hội và hoạt động nhiều năm; đồng thời, phải có những chính sách và chế độ đãi ngộ người lao động rõ ràng cũng như những thành tích tạo nên tên tuổi trong ngành nghề… Nhiều năm nay, Tranh thêu Hữu Hạnh còn nhận đào tạo các em từ trường câm điếc hoặc ở những nơi khác đến xin học chỉ với một tiêu chí là các em yêu nghề và muốn học nghề. Công ty hỗ trợ và tạo điều kiện để các em khuyết tật học nghề, làm nghề, có thể tự lập, hòa nhập… và thông qua các em, quảng bá, giữ gìn, bảo tồn được nghề thêu, khi những người thợ thêu tay đang ít dần, đang thiếu tầng lớp trẻ thay thế… Nhưng điều quan trọng là đã giúp các em ổn định và duy trì cuộc sống. 
 
Nghệ nhân ở tranh thêu Hữu Hạnh
 
Nhắc đến những thành tích của Tranh thêu Hữu Hạnh, không thể không nhắc đến người sáng lập và tạo nên linh hồn của dòng tranh này - Nghệ nhân Ưu tú đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Thị Hữu Hạnh được vinh danh ngày 26/8/2016. Trước, bà đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp vào tháng 2/2013, hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ và Mỹ thuật ứng dụng Hữu Hạnh và là cố vấn kỹ thuật của Công ty TNHH Thêu Nghệ Thuật và Mỹ Nghệ Hữu Hạnh. Bà Hữu Hạnh bước vào nghề thêu từ mẹ năm 12 tuổi, 17 tuổi đã làm thợ thêu các mặt hàng xuất khẩu sang Đông Âu và Nhật. 
 
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hữu Hạnh
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hữu Hạnh

Năm 1985, bà lập nhóm thêu tại nhà và bắt đầu dạy thêu - khi đó bà 26 tuổi. Trong 30 năm qua, bà đã truyền nghề cho khoảng 1.000 học viên, trung bình mỗi năm mở 2 khóa - mỗi khóa khoảng 20-30 học viên, nhiều nhất là vào thời điểm thịnh hành của nghề thêu (1990-2010). Năm 1994, bà chính thức thành lập cơ sở Tranh thêu tay Hữu Hạnh và chuyển thành hợp tác xã năm 1999. Năm 2010, bà thành lập thêm Công ty TNHH Mỹ nghệ & Mỹ thuật ứng dụng Hữu Hạnh và làm Giám đốc cho đến nay. Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH Thêu Nghệ Thuật và Mỹ Nghệ Hữu Hạnh ra đời và do sự phát triển của thêu máy, dẫn đến suy thoái của nghề thêu tay, bà chuyển qua dạy nâng cao và nghiên cứu, quảng bá những kỹ thuật về nghề thêu và sáng tác (vẽ mẫu).
 
Với nhiều tâm tư, trăn trở về nghề thêu, bà luôn tìm học và sáng tạo nhiều kiểu thêu mới để truyền đạt lại cho các học viên và quảng bá nghề thêu tay qua các cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Từ năm 1999, công ty của bà thường mở triển lãm và dạy nghề cấp tốc tại Pháp. Bà cũng có nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng cao quý của nghề thêu “Bàn tay Vàng, Huy chương Vàng, Ngôi sao Việt Nam… Có sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Bà là người tiên phong đưa kỹ thuật thêu ứng dụng vào mỹ thuật - hội họa, tạo ra trường phái tranh thêu tay hiện đại, như tranh thêu 2 mặt, 3D… Bà là ủy viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam, là người sáng lập ra dòng “Tranh thêu Hữu Hạnh”.
 
Tranh thêu Hữu Hạnh đã từng có 3 cơ sở, nhưng đều gắn bó với tên tuổi và những thành tích của nghệ nhân Hữu Hạnh. Bà Hữu Hạnh lý giải: nghề thêu tay mang tính cá nhân nhiều. 30 năm nay, dù chỉ là cơ sở thêu cho tới khi chuyển đổi quy mô lên công ty cổ phần đều lấy tên Hữu Hạnh là vì vậy. Nay được nhận danh hiệu này cũng hãnh diện lắm, nhưng trách nhiệm lại nhiều hơn. Những nghệ nhân có tâm huyết và có tay nghề, luôn đồng hành, sát cánh với Tranh thêu Hữu Hạnh để tạo ra những dòng sản phẩm đưa Hữu Hạnh đến vị trí như ngày hôm nay đều là những học trò xuất sắc của bà, nay vẫn còn theo nghề thêu và đang giữ những vị trí quan trọng trong công ty là Phạm Ngô Nhật Thảo (Giám đốc Điều hành), Lê Thị Diễm Quỳnh (Kỹ thuật trưởng), Phan Trần Nhã Trang (Thiết kế - kỹ thuật), Nguyễn Thị Chi (Kỹ thuật - KCS)…, “Bàn tay vàng” Tạ Thị Lài, Nguyễn Thị Trang…
 
Nghề thêu nhìn đơn giản và mang tính cá nhân cao. Các giải thưởng đi cùng với tên tuổi của Tranh thêu Hữu Hạnh từ xưa đến giờ là kết quả cho tâm huyết và nỗ lực gìn giữ nghề, truyền nghề, hành nghề và phát triển những tinh hoa của nghề thêu truyền thống mà Tranh thêu Hữu Hạnh đã miệt mài cống hiến. Bà Hữu Hạnh cho biết: “Danh hiệu là sự khẳng định và đền đáp công sức và sự cần mẫn của người thợ thêu… Nó tạo cho tôi động lực để hăng hái hơn, thêm nhiều ý tưởng hơn, muốn làm nhiều cái mới hơn. Mặc dù đến tuổi nghỉ hưu, nhưng dường như sức sáng tạo lại được thổi bùng lên, dồi dào hơn. Nó cũng làm lan tỏa đến những đồng nghiệp, cộng sự và những lớp học trò có thêm niềm tin khi giữ và theo nghề - và họ phải cố gắng hơn”.
 
LÊ HOA