"Từ mái trường Nông nghiệp I đến cao nguyên Lâm Viên"

09:09, 22/09/2016

Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội - nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ lâu đã trở thành một ngôi nhà chung sâu nặng nghĩa tình, gắn kết thân thương, giàu kỷ niệm một thời đáng nhớ của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, viên chức, người lao động nông nghiệp, đồng bào trong cả nước và bầu bạn quốc tế... 

Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội - nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ lâu đã trở thành một ngôi nhà chung sâu nặng nghĩa tình, gắn kết thân thương, giàu kỷ niệm một thời đáng nhớ của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, viên chức, người lao động nông nghiệp, đồng bào trong cả nước và bầu bạn quốc tế... Trải qua hơn nửa thế kỷ phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm trường (24/5/1959): “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng để tiến bộ mãi!”, phát huy truyền thống vẻ vang của một đơn vị Anh hùng, nhà trường đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - hòa bình thống nhất đất nước đã có 135 anh chị em là cựu cán bộ, sinh viên đồng môn từ khóa 1 đến khóa 49 của Trường Đại học Nông nghiệp I, rời thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác lần lượt vào Đà Lạt - Lâm Đồng, một địa bàn chiến lược trọng yếu ở Nam Tây Nguyên, để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung và sinh cơ lập nghiệp lâu dài...
 
PGS-TS Nguyễn Văn Uyển bên vườn khoai tây tại thành phố Đà Lạt
PGS-TS Nguyễn Văn Uyển bên vườn khoai tây tại thành phố Đà Lạt

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam (12/10/1956 - 12/10/2016), Ban Liên lạc cựu cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Lâm Đồng được thành lập và đi vào hoạt động từ 1996 đã mạnh dạn tổ chức vận động nội bộ sáng tác, sưu tầm, biên tập, ấn hành... và xuất bản cuốn sách “Từ mái trường Nông nghiệp I đến cao nguyên Lâm Viên” (Nxb Học viện Nông nghiệp Hà Nội) làm món quà tinh thần gửi về chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại của Đại học Nông nghiệp I.
 
Nội dung chủ yếu của tác phẩm “Từ mái trường Nông nghiệp I đến cao nguyên Lâm Viên” tập trung phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống lao động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm tận tụy phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với đồi ruộng, buôn làng cùng bà con các dân tộc Tây Nguyên của những cựu cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm lực lượng nòng cốt xung kích trên mặt trận hàng đầu là sản xuất nông-lâm nghiệp ở Lâm Đồng. Trải qua hơn 40 năm đoàn kết phấn đấu, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thách thức phức tạp, anh chị em đã góp phần đưa tỉnh Lâm Đồng trở thành một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, cây công nghiệp đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và an toàn. Trong quá trình xây dựng thành công Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, tiến tới thành lập huyện Lâm Hà được như hôm nay cùng với việc tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch tiếp nhận, khôi phục, phát triển mạnh ngành nghề Dâu - Tằm - Tơ ở thành phố Bảo Lộc và cả tỉnh Lâm Đồng trước mắt cũng như lâu dài... đều có sự tham gia đóng góp nhiều công sức, trí tuệ của lực lượng cựu cán bộ, sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
 
Ban tổ chức bản thảo tập sách gồm: Phan Hữu Giản (Chủ biên), Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thanh Đạm, Trần Ngọc Trác, Nguyễn Xuân Thùy, KS. Nguyễn Thanh Hương. Nội dung tập sách gồm 4 phần: Văn, Thơ, Nhạc, Ảnh tư liệu với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, quản lý, văn nghệ sĩ, nhà báo… trong và ngoài tỉnh. 
 
Phần Văn có những bài chính như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá để Lâm Đồng trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp Đông Nam Á (TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng); Phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng theo hướng toàn diện, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (TS Nguyễn Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng); Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống, xây dựng quy trình và chuyển giao các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao (ThS. Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm khoai tây, rau & hoa Đà Lạt, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam); Nguyễn Văn Uyển - Người Thầy, người Anh, người Bạn đồng nghiệp đáng kính của tôi (viết về nhà sinh học hàng đầu của Việt Nam đương đại cùng các cộng sự đã nghiên cứu thành công và tận tình giúp đỡ người dân Đà Lạt sớm tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào hệ thống sản xuất khoai tây sạch bệnh, nhân giống rau, hoa cao cấp bắt nguồn từ nuôi cấy mô qua kỹ thuật “luống mạ”…) (GSTS NGND Nguyễn Quang Thạch - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, hiện nay là Chủ tịch HĐKH Viện Sinh học Nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội); Khát vọng Rừng Hoa (Doanh nhân Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu sinh học“Rừng Hoa Đà Lạt”); Chủ nhiệm Trần Đức Quang với HTX Xuân Hương Đà Lạt (Nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng); Một gia đình nghệ nhân của làng hoa truyền thống Hà Đông (Nhà thơ Thanh Dương Hồng, Trưởng phòng Văn nghệ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng); Hoa đào Nhật Tân thắm vườn xuân Đà Lạt (Cố nghệ nhân Bùi Văn Lời và con trai Bùi Văn Sang - Thung lũng Đào Hoa Mười Lời); Có một Hà Nội trên cao nguyên (Nhà báo Thùy Dương); Hơn 10 năm - một chặng đường khai mở (Cố nhà văn hóa Giang Quân,“công dân ưu tú” của Thủ đô Hà Nội); Nhớ những tấm lòng (Phan Hữu Giản, nguyên Thành ủy viên Hà Nội, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt; cựu cán bộ, sinh viên chuyên tu KT7 Trường ĐHNN I Hà Nội); Từ Nam Ban đến Lâm Hà (Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng); Hương sắc cà phê đậm đà quê mới (Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương & Trần Thanh Phương, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, cựu sinh viên K20 ngành Cây trồng Trường ĐHNN I Hà Nội); Gặp lại Lâm Hà (Nhà văn Nguyễn Gia Nùng); Cựu cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam với sự nghiệp phát triển dâu tằm tơ trên đất Lâm Đồng (KS Nguyễn Thanh Hương); Phấn đấu xây dựng thành phố Bảo Lộc thành trung tâm lớn về dâu, tằm, tơ, lụa của cả nước (Lê Hoàng Phụng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy TP Bảo Lộc); Kết quả một số công trình nghiên cứu khoa học về dâu tằm của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng sau 30 năm (1986 - 2016) (KS Nguyễn Văn Quảng)…
 
Phần Thơ có sự góp mặt của nhà thơ: Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Trinh Đường, Hải Như, Giang Quân, Phan Hữu Giản, Võ Tá Linh, Phan Quốc Sủng... Phần Nhạc có: Cố nhạc sĩ Trần Hoàn, Mộng Lân, Xuân Oanh, Đình Nghĩ, Mạnh Đạt, Dương Toàn Thiên, Trương Quang Lục… Phần Ảnh sưu tập nhiều ảnh tư liệu về tổ chức và hoạt động của BLL và cựu cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Lâm Đồng.
 
ĐAN THANH