Nhiếp ảnh Lâm Đồng: Thêm một "tay máy" nữ tài năng

08:09, 01/09/2016

Có một người phụ nữ khiêm nhường, lặng lẽ buôn bán làm điểm tựa cho chồng cho con, rồi lặng lẽ bỏ bán bún bò theo chồng làm dịch vụ ảnh cưới…; để rồi một ngày "trời xanh, cát trắng, nắng vàng" chị vượt qua hàng trăm tay máy chuyên nghiệp bước lên bục nhận Huy chương Bạc trong số hơn 267 người tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ lần thứ 24 năm 2016 vừa diễn ra tại Ninh Thuận. Chị là Trương Thị Hạnh (50 tuổi) hiện đang sinh sống ở 1/1A Nguyễn Trãi - phường 10 - Đà Lạt. 

Có một người phụ nữ khiêm nhường, lặng lẽ buôn bán làm điểm tựa cho chồng cho con, rồi lặng lẽ bỏ bán bún bò theo chồng làm dịch vụ ảnh cưới…; để rồi một ngày “trời xanh, cát trắng, nắng vàng” chị vượt qua hàng trăm tay máy chuyên nghiệp bước lên bục nhận Huy chương Bạc trong số hơn 267 người tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ lần thứ 24 năm 2016 vừa diễn ra tại Ninh Thuận. Chị là Trương Thị Hạnh (50 tuổi) hiện đang sinh sống ở 1/1A Nguyễn Trãi - phường 10 - Đà Lạt. 
 
Chị Trương Thị Hạnh bên bộ sưu tập thành tích của cả hai vợ chồng
Chị Trương Thị Hạnh bên bộ sưu tập thành tích của cả hai vợ chồng

Chị Hạnh sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, người Đà Lạt bao giờ cũng sống hài hòa với thiên nhiên, nên chị cũng yêu thiên nhiên, mê nhiếp ảnh. Lấy chồng, sinh con, cuộc sống mưu sinh gắn chị với bếp núc, bán buôn. Chồng chị - nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Phước từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Dù bận rộn nhà cửa, bếp núc, con cái và công việc làm ăn, chị vẫn luôn là công chúng nhiếp ảnh, dành thời gian xem từng tác phẩm chồng chụp được, hỗ trợ chồng trong công việc kinh doanh dịch vụ chụp hình cưới. Có những lúc anh cần, chị cũng gác công việc của mình, dậy từ 3 giờ sáng theo chồng, lội bộ lên núi để “đón bình minh”, đồng thời làm “người mẫu” cho chồng. “Vai” chị thể hiện trong những tác phẩm của nghệ sĩ chồng chủ yếu là người nông dân lao động, với nón lá đội đầu, quang gánh trên vai, tưới rau hoa, nhặt cỏ. Đi miết, rồi yêu, rồi mê, dần dần chị bỏ nghề bán bún bò chuyển qua cùng chồng phát triển dịch vụ chụp hình cưới. Mỗi lần đưa các cặp cô dâu chú rể đến những điểm đẹp, lạ, bắt gặp những khoảnh khắc trên đường, hay trong lúc nghỉ giải lao, chị lại đưa ống kính lên “bấm” lấy những khoảnh khắc cho riêng mình. 
 
Giữa đất trời tươi đẹp như Đà Lạt khiến nhiều người có đam mê chụp ảnh, chơi ảnh mong níu giữ được những khoảnh khắc đẹp. Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiện đại, một tâm hồn đẹp là có cơ hội trở thành nghệ sĩ. Trong đó, không ít người miệt mài đi, miệt mài bấm máy, miệt mài gửi dự thi, nhưng đều bị giải thưởng chối từ; bởi càng nhiều người chơi thì “cuộc đua” càng khắc nghiệt. Khắc nghiệt đến mức trung bình 100 tác phẩm dự thi thì chỉ có chưa đến 5 tác phẩm được vào vòng chung khảo, được trưng bày triển lãm và chưa đến 0,5% tác phẩm được trao giải thưởng. Vì thế, chị Hạnh không “dám” nghĩ rằng mình cũng bị “xoáy” vào cuộc đua khắc nghiệt ấy. 
 
Thế mà, sau gần 10 năm âm thầm với những cú bấm máy, một ngày vào năm 2013, được mọi người xem ảnh chị chụp ngợi khen, động viên, chị đã mạnh dạn gửi tham dự Liên hoan Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ VII tại Việt Nam, khởi đầu một cuộc chơi. Trong hàng chục ngàn tác phẩm của hàng ngàn tác giả từ các quốc gia trên thế giới gửi dự thi, tác phẩm “Trẻ em vùng cao” của chị được chọn trưng bày triển lãm. Đó là tấm ảnh chị chớp được trong một lần đi Tây Bắc và bắt gặp những đứa trẻ vùng cao hồn nhiên chơi trò đi cà kheo. Liên tục các năm tiếp theo, tác phẩm của chị gửi đi và được chọn trưng bày tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc - 2014, rồi Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ lần thứ 23 - 2015…, năm nào cũng đạt được thành quả. Năm nay, trong Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực lần thứ 24 - 2016, chị Trương Thị Hạnh có đến 2 tác phẩm được chọn vào chung khảo, trưng bày triển lãm là “Người Mỹ với trái tim Việt Nam” và “Đua xe địa hình”; trong đó, tác phẩm “Đua xe địa hình” đã đoạt HCB trong 13 tác phẩm xuất sắc đoạt giải (1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ, 6 giải khuyến khích) trong 1.922 ảnh tham dự liên hoan. 
 
Tác phẩm “Đua xe địa hình” được chị chụp tại một giải đấu được tổ chức tại Đà Lạt đầu năm 2016. Chị phải nắm tin tức thời sự, rồi dậy từ sáng sớm, đi trước, đón đầu đoàn đua để bắt đúng, nhắm trúng góc và chớp những khoảnh khắc “đắt”. Tác phẩm được chị bấm máy ở một con đường đất đá gập ghềnh, với khúc cua là bờ đất một dòng suối cạn chắn ngang, khi một tay đua nữ vừa lao vút xuống đúng lòng suối, nước tung lên, trước mặt là lởm chởm đất đá, một tay đua theo sát phía sau. Tác phẩm không chỉ là khoảnh khắc đẹp của một giải đua xe đạp địa hình, các tay đua là phụ nữ, mà còn gửi thông điệp: Cuộc đua nào cũng vậy, muốn đạt đến đỉnh vinh quang, giành chiến thắng thì phải dũng cảm vượt qua gian khó… 
 
Nghệ thuật không cho phép người ta đi theo lối mòn, mà phải không ngừng sáng tạo, không ngừng khám phá những góc nhìn mới. Trong đó, nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc, chỉ có tâm hồn nhạy cảm, sự tinh tế thì mới chớp được những khoảnh khắc “vàng” từ cuộc sống khiến người xem rung động. Phụ nữ vốn tinh tế, nhạy cảm, nên khi cầm máy là luôn hướng ống kính đến những góc cạnh lẩn khuất nhất, chạm đến tâm can, khiến người ta rung cảm. Điều đó cũng đủ để tay máy Trương Thị Hạnh làm nên nét riêng cho mình. Giản dị, khiêm nhường, nhưng nói về nhiếp ảnh, chị sôi nổi hẳn lên. Chị gọi việc tác nghiệp trên thực địa của nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng giống như khi đã vào “chiến trường”, cũng lăn, lê, bò, toài, cũng trèo leo, đu bám, không ngại nguy hiểm, mới mong có góc độc, lạ, có hình đẹp. Những thành quả đạt được bước đầu từ các cuộc thi nhiếp ảnh khu vực, trong nước và quốc tế như một chất xúc tác, khích lệ chị Trương Thị Hạnh tiếp tục “lăn” vào cuộc chơi.
 
QUỲNH UYỂN