Hà Linh Chi tên thật là Nguyễn Đệ, sinh năm 1940 tại Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Nếu cuộc sống bình yên Hà Linh Chi sẽ là một thầy giáo dạy văn, làm thơ nhưng anh đã sống một cuộc đời từng trải như nhiều người cùng thế hệ chống Mỹ, cứu nước...
… Các nhà thơ đến với đời chầm chậm
Đôi lúc họ còn được sinh ra sau khi đã từ trần…
Câu thơ của Bogida Bogilov, nhà thơ Bungari trong bài “Ánh sáng chậm” cứ vương vấn trong tôi khi nghĩ về số phận hết sức đa dạng của các nhà thơ. Điều đó càng được chứng nghiệm sau khi Hà Linh Chi đã đột ngột ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 21/6/1994 tại TP Đà Lạt, nơi anh chọn làm quê hương thứ hai từ sau ngày thống nhất nước nhà. Tôi viết về anh với cảm giác day dứt về sự muộn màng. Lẽ ra khi còn sống thơ anh phải được đánh giá một cách xứng đáng.
Hà Linh Chi tên thật là Nguyễn Đệ, sinh năm 1940 tại Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Nếu cuộc sống bình yên Hà Linh Chi sẽ là một thầy giáo dạy văn, làm thơ nhưng anh đã sống một cuộc đời từng trải như nhiều người cùng thế hệ chống Mỹ, cứu nước. Năm 1954, anh theo thân phụ tập kết ra Bắc, được học hành bài bản và sống tuổi thanh niên đầy khát vọng lý tưởng dưới mái trường XHCN. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, anh về làm giáo viên Trường Phổ thông cấp III Thuận Thành (Hà Bắc). Năm 1970, sau khi tham gia một khóa bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, anh vào chiến trường, được phân công hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại cơ quan Khu ủy Trị Thiên - Huế. Những bài thơ của anh viết từ năm 1972 đến 1975 trên vùng đất lửa dữ dội ấy đã được bạn đọc đón nhận với nhiều cảm mến. Những câu thơ sắc sảo trong cảm nhận hiện thực chiến tranh đã lập tức găm vào trí nhớ của tôi:
Đường hành quân ngang Cùa
Không phải ngụy trang bằng màu xanh
Cứ để nguyên màu đỏ.
(Màu đỏ đất Cùa)
Gặp anh ở Đà Lạt năm 1983, chúng tôi lập tức thân nhau và từ ngày ấy anh đã dành cho tôi tình cảm một người anh thân thiết, một bạn thơ vong niên cùng chung một hoàn cảnh không mấy thuận lợi trong đời sống và sáng tác.
Ngày ấy, Hà Linh Chi là cán bộ biên tập của Phòng Văn nghệ Đài PT-TH Lâm Đồng, sau đó chuyển sang làm phóng viên Báo Lâm Đồng. Như đa số cán bộ, công nhân viên hoạt động trong ngành văn hóa, văn nghệ, anh chị sống rất nghèo nhưng cánh cửa thì luôn luôn rộng mở trước anh em, bạn bè. Bạn thơ từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các địa phương khác khi đến Đà Lạt thường tá túc tại nhà anh trong một hẻm nhỏ quanh co ở đường Hà Huy Tập. Để bù lại, từ sân nhà anh có thể nhìn thấy gần như toàn cảnh đồi núi phía Nam thành phố. Ban mai, làn sương trắng mơ màng ngủ quên trên mặt đất, những đỉnh núi, đồi thông như mọc giữa lưng trời, gợi những nét tranh thủy mặc. Giữa dạ hội những vì sao đất, sao trời và sương đêm trắng đục, ngọn đèn trên đỉnh cột ăng ten Đài PT-TH dựng trên đồi cao đỏ từng nhịp thở của thành phố cao nguyên. Trong căn nhà đó Hà Linh Chi đã viết báo, làm thơ, sáng tác kịch bản truyền thanh bên chén rượu “nặng đô” và ấm chè hương Bảo Lộc, ngắm hoa lan, hoa quỳnh, đã ồn ào nói cười hoặc trầm ngâm sâu sắc. Tôi nhớ mãi một đêm trăng uống rượu ngắm hoa quỳnh nở với anh. Mười hai bông quỳnh cùng nở như một điều kỳ diệu. Có một cái gì đó thật “liêu trai” khi nhìn những bông quỳnh trắng muốt từ từ mở cánh như một thứ pháo-hoa-lặng-lẽ. Thi nhân xưa đã nói đến “hồn hoa”. Nhờ anh tôi đã có dịp cảm nhận được nó trong cái đêm khó quên ấy.
Hà Linh Chi còn có một mảnh vườn cạnh hồ Tuyên Lâm do tự tay anh khai phá. Anh có cái thú đãi bạn văn bằng một cuộc bơi thuyền trên mặt hồ. Mặt nước mênh mông, vịt trời còn bơi dạn dĩ không xa con thuyền nhỏ. Vào một buổi hoàng hôn cháy trầm trong nước, tôi cảm nhận hết vẻ đẹp câu thơ của thi sĩ tài danh Nga Xécgây Êxênhin:
“Mặt trời bơi trên mặt hồ như một con thiên nga đỏ…”.
Gắn bó với thiên nhiên, đất đai cỏ cây, Hà Linh Chi có một hồn thơ hồn hậu, gần gũi với đời thường. Trong nhiều bài thơ thể hiện tình yêu lao động của anh, tôi yêu nhất bài “Bờ suối sau một ngày” (đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Chất thơ chắt lọc từ lấm láp mà trong sáng lạ thường:
Cuốc xẻng cả ngày vùi trong đất
Gặp nước ngời lên lưỡi sáng choang
Như được suối trong mài thêm sắc
Nâng sức cho người mùa phát hoang.
Bàn chân người phóng viên ấy đã đi đến nhiều nơi, chứng kiến nhiều chuyện. Khi làm thơ, anh thực sự đã “chưng cất” chất liệu hiện thực. Những bài thơ anh viết về đồng bào dân tộc chứng tỏ một sự hiểu biết nhập thân, một sự đồng cảm không dễ gì có được:
Ơi người vợ hiền như củ bở
“Bắt chồng” mình cực lắm phải không?
Uống cái rượu cho lòng có lửa
Nung củi vào cho ấm bàn chân.
(Bếp lửa người Chil)
Là một người làm thơ có ý thức nghiêm túc về nghề, Hà Linh Chi đã làm chủ được khá nhiều thể loại, bút pháp linh hoạt và luôn tìm cách thể hiện mới cho thơ. Nhìn chung thơ anh thường khai thác khả năng cảm nhận tinh tế:
Nhắm mắt bừng hương lúa
Biết tàu qua cánh đồng
Nghe ầm ầm dông bão
Biết tàu qua dòng sông.
(Ngủ quên khi tàu qua Thành Cổ)
Nhưng Hà Linh Chi cũng khá nhuần nhuyễn trong những bài thơ mang cảm hứng phê phán xã hội: “Lượm củi” là một bài thơ hay nhưng gai góc. Nó chỉ có thể ra đời trong tập thơ “Lời đá” mà Hội Văn nghệ Lâm Đồng và bạn bè đã tích cực thực hiện sau khi anh qua đời.
Tôi quý Hà Linh Chi ở ý thức luôn đổi mới cách thể hiện và rất thích bài thơ “Người đẽo ngo ở chợ Đà Lạt” anh làm chưa lâu trước lúc vĩnh biệt. Nạn phá rừng là nỗi đau nhức nhối của cả xã hội, nhiều người đã viết, nhưng Hà Linh Chi vẫn tìm được cách nói mới.
… Người đẽo ngo đẽo cả cánh rừng thành ngọn lửa
Người đẽo ngo đẽo cả đời mình thành ngọn lửa…
Không tự lặp mình là ý thức thường trực của Hà Linh Chi.
Có một nhà thơ như thế đã sống và sáng tác ở Đà Lạt. Trong hàng trăm bài thơ của anh, do hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp, chỉ mới một số ít được ra mắt trên các báo Trung ương. Anh cũng chưa kịp thực hiện cho mình một tập thơ riêng mà bản thảo đã hoàn thành từ sáu, bảy năm trước với Lời giới thiệu đầy tri kỷ của nhà thơ Thanh Thảo.
Hà Linh Chi có thể chưa để lại được “một vầng sáng” mà chỉ là một “vạch sáng nhỏ trên bầu trời thi ca” nhưng đó là vạch sáng của riêng anh.
PHẠM QUỐC CA