Lâm Đồng 10 năm bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

09:09, 21/09/2016

Sau 10 năm Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng đã được chính quyền địa phương và cộng đồng đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong việc góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau 10 năm Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (vào 15/11/2005), việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng (Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông) đã được chính quyền địa phương và cộng đồng đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong việc góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng đã tạo nên không gian huyền thoại, làm cho cồng chiêng có cơ hội được phô diễn
Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng đã tạo nên không gian huyền thoại,
làm cho cồng chiêng có cơ hội được phô diễn
10 năm làm hồi sinh di sản
 
Ngay sau khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, ngành Văn hóa Lâm Đồng đã tiến hành một cuộc tổng kiểm kê di sản. Những cuộc điền dã, điều tra, thống kê trên khắp các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa kết hợp với công tác tuyên truyền đã chặn đứng nạn chảy máu cồng chiêng, không để cồng chiêng thất thoát về số lượng (do chủ nhân mang cồng chiêng bán với giá “đồng nát” cho những người săn lùng đồ cổ, không đủ bộ do tục chia của cho người chết). Cuộc kiểm kê đã đưa đến sự nhận diện đầy đủ về một sinh hoạt văn hóa, một không gian văn hóa đang thực sự đứng bên bờ sự mai một. 
 
Trên cơ sở đó, Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn 2020” đã nhanh chóng được triển khai thực hiện. Đã có 38 lớp truyền dạy cồng chiêng được tổ chức; gần 1.000 nghệ nhân trẻ tuổi từ 15 - 30 được truyền dạy; 12 bộ cồng chiêng (nhạc cụ) và hàng trăm bộ trang phục biểu diễn bằng thổ cẩm truyền thống được cấp phát cho các đội cồng chiêng; 9 lễ hội dân gian, thực hành nghi lễ truyền thống, nghi thức cúng mùa được phục dựng ở các buôn làng người Churu, K’Ho (Đức Trọng, Di Linh), người Mạ (Bảo Lâm); 10 kỳ lễ hội văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh diễn ra hàng năm, hơn 130 nghệ nhân được tôn vinh. Cùng với những nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức truyền dạy và phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (dân ca, dân vũ, ẩm thực dân gian...), sự bảo tồn một cách khoa học, văn hóa cồng chiêng đảm bảo được phát huy phù hợp, hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại; có sức sống mạnh mẽ và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo với du khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Nhiều đội nhóm cồng chiêng đã được thành lập ở khắp các buôn làng ở Đạ Quyn, Tà Năng, Tà Hine (Đức Trọng), Tu Tra, Pró, M’răng, M’Lọn (Đơn Dương), Lộc Thành, Lộc An, Lộc Lâm (Bảo Lâm), Gung Ré, Tam Bố, Bảo Thuận, Tân Châu, Tân Nghĩa (Di Linh), Hiệp An, N’Thol Hạ (Đức Trọng), Đạ K’Nàng, Đạ M’rông (Đam Rông), Đưng K’Nớ, xã Lát (Lạc Dương), Đạ P’Loa, Đạ Oai (Đạ Huoai), Tố Lan, Đạ Nha (Đạ Tẻh)… Sau 10 năm, nguy cơ mai một bị đẩy lùi, không gian văn hóa cồng chiêng đã thực sự hồi sinh. 
 
Trách nhiệm bảo tồn văn hóa cồng chiêng ăn sâu vào tâm thức của cộng đồng
 
Hôm nay, các buôn làng của người Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông ở Lâm Đồng đã khoác lên mình màu áo mới của sự no ấm, đồng bào càng ý thức sâu sắc hơn việc gìn giữ báu vật của cha ông. Sự hồi sinh Di sản không gian văn hóa cồng chiêng thể hiện ở niềm tự hào, ý thức trách nhiệm được đánh thức trong chính những chủ nhân di sản, những người con tâm huyết với văn hóa cha ông. Nghệ nhân K’Điệp của buôn làng Tam Bố đã chủ động liên hệ với ngành văn hóa để được trang bị cồng chiêng, cùng với anh em dòng họ của mình truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Anh K’Vâng - vừa làm cán bộ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã phối hợp truyền dạy cồng chiêng cho các chàng trai, cô gái ở Đa Nhim (Lạc Dương) hình thành đội nhóm cồng chiêng giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với du khách khi đến với núi rừng. Vợ chồng Già làng Ya Hiêng ở Pré - Phú Hội (Đức Trọng) đã biến sân nhà mình thành nơi tập trung trai gái trong buôn dạy múa hát, cồng chiêng để bà con trong buôn đến xem luyện tập. Không chỉ nam giới đánh cồng chiêng, nhiều phụ nữ cũng nhận thấy trách nhiệm của mình, nữ nghệ nhân Ma Bio ở thôn Diom A - Lạc Xuân (Đơn Dương) đã dạy cho con trai, con gái đánh cồng chiêng và những vũ điệu Arya truyền thống của người Churu. Đội cồng chiêng nữ ở buôn Bồ Liêng - thị trấn Đinh Văn, đội cồng chiêng nữ ở xã Phi Tô (Lâm Hà) đã từng biểu diễn trong nhiều lễ hội làm nức lòng người xem. 11 đội nhóm cồng chiêng dưới chân núi Lang Bian hàng đêm giới thiệu vẻ đẹp của di sản, làm cồng chiêng sống lại ngay giữa buôn làng, níu chân du khách đã cho thấy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng không chỉ hồi sinh mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Nhóm nghệ nhân 4 thế hệ K’Bát (88 tuổi), K’Bét (65 tuổi), K’Brét (53 tuổi), K’Binh (24 tuổi) ở Lâm Hà đã đại diện vùng văn hóa Tây Nguyên đưa đến chung kết Liên hoan Dân ca Việt Nam 2015 màn trình diễn chiêng đôi đầy ngẫu hứng, đậm chất nguyên thủy đã đoạt giải đặc biệt và trình diễn ấn tượng tại liên hoan... là minh chứng cồng chiêng vẫn âm ỉ với sức sống trong cộng đồng các dân tộc bản địa Lâm Đồng. Không dừng lại ở đó, mô hình “mỗi chi Đoàn một đội nhóm cồng chiêng” của Đoàn thanh niên ở thôn, buôn vùng dân tộc đã cho thấy việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa mà còn có sức lan tỏa thành trách nhiệm chung cộng đồng.
 

 

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng 2016 – 2020
 
Phát huy những thành quả đạt được trong 10 năm bảo tồn văn hóa cồng chiêng, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho việc bảo tồn và phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng 5 năm tiếp theo 2016 - 2020. Qua đó, nhằm bảo tồn đầy đủ 5 thành phần (cồng chiêng và các nhạc cụ đi kèm, hệ thống bài bản, nghệ nhân diễn tấu, môi trường diễn tấu, thời điểm diễn tấu) của Không gian Văn hóa Cồng chiêng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; biến những giá trị văn hóa cồng chiêng thành tài sản, mang lại cả hiệu quả chính trị, xã hội và hiệu quả kinh tế. 
 
Trong đó sẽ tập trung: đầu tư hệ thống nhạc cụ (cồng chiêng là hạt nhân) cho 1/2 số thôn, buôn, xã vùng đồng bào dân tộc đã có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; khôi phục và truyền dạy tất cả bài bản chiêng truyền thống cho tất cả các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; mỗi năm phục hồi 2-4 lễ hội truyền thống nhằm duy trì không gian diễn tấu cồng chiêng; lập hồ sơ xếp hạng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào có liên quan mật thiết đến văn hóa cồng chiêng; sưu tầm, bảo tồn hiện vật có giá trị tiêu biểu của các nhóm cộng đồng đang có nguy cơ mai một; hình thành các đội văn nghệ cồng chiêng gắn với tổ chức các hoạt động cho nhà văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc bản địa; phát huy hiệu quả phục vụ du lịch, tăng thêm nguồn thu, đầu tư trở lại cho bảo tồn văn hóa cồng chiêng; nghiên cứu, ứng dụng sản xuất một số mặt hàng đồ lưu niệm có biểu trưng về văn hóa bản sắc các dân tộc bản địa nhằm quảng bá du lịch...
 
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, việc thực hiện xã hội hóa bảo tồn văn hóa cồng chiêng cũng được tăng cường. Khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa theo hướng du lịch - dịch vụ. Ngành văn hóa sẽ quan tâm đào tạo và ưu tiên tuyển dụng đội ngũ cán bộ văn hóa là người bản địa, có chế độ ưu đãi, tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa như sưu tầm, nghiên cứu phong tục tập quán, di sản vật thể và phi vật thể của chính đồng bào mình. Bằng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ngành Văn hóa Lâm Đồng đang nỗ lực làm cho Không gian Văn hóa Cồng chiêng có sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.
 
QUỲNH UYỂN