Đặt tập hồ sơ xuống bàn làm việc, Thẩm phán Trần Huy mở cửa bước ra ban công. Hôm nay là ngày bao nhiêu mà trăng đã tròn vạnh trên đầu. Lâu lắm rồi ông mới nhìn thấy trăng, nói đúng hơn thì lâu rồi hôm nay ông mới nhìn lên trời.
|
Minh họa: H.TOÀN |
Đặt tập hồ sơ xuống bàn làm việc, Thẩm phán Trần Huy mở cửa bước ra ban công. Hôm nay là ngày bao nhiêu mà trăng đã tròn vạnh trên đầu. Lâu lắm rồi ông mới nhìn thấy trăng, nói đúng hơn thì lâu rồi hôm nay ông mới nhìn lên trời. Ở giữa nơi phố phường điện lúc nào cũng sáng trưng thì mấy ai để ý đến ánh trăng. Một làn gió nhẹ thoảng qua mang theo hương hoa ngâu của nhà ai dưới phố làm cho ông nhớ lại mùi hoa bưởi đêm trăng của ngôi làng nhỏ ven sông nơi ông đã sinh ra, và những năm tháng tuổi thơ bên dòng sông ấy…
* * *
… Thằng Hoạt đứng trên lưng trâu che bàn tay ngang trán nhìn sang bên kia bờ sông, gật gù rồi ngồi xuống, thúc hai cái gót chân vào bụng trâu lao lên bãi soi. Đám trẻ trâu làng ông hôm nào cũng lùa đàn trâu lên bãi soi, rồi mặc sức mà bơi lội, lặn ngụp dưới dòng sông. Nước sông trong vắt nhìn rõ những vạt rong rạp xuống theo dòng chảy. Tắm chán rồi, cả bọn lại kéo nhau lên bờ nằm dài trên bãi cỏ. Thằng Hoạt đạp vào chân ông hỏi:
- Huy! Mày có đói không?
Có ba lưng cơm độn toàn sắn lại bơi từ trưa đến giờ không đói mới là lạ, ông đưa tay xoa xoa vào cái bụng lép kẹp trả lời:
- Da bụng tao đang dính vào xương sống rồi.
Thằng Hoạt ngồi nhổm dậy hô:
- Tất cả theo tao lên bãi lạc nhà lão Bính, vào tầm này, lạc già lắm rồi, lạc sống ăn vừa bùi vừa ngọt.
Ông cùng thằng Hoạt và đám trẻ trâu trong làng tấn công vào bãi lạc. Thằng Hoạt bảo cả bọn:
- Không thằng nào được nhổ cây, thọc tay xuống gốc mà moi.
Cả đám răm rắp làm theo, cứ như thằng Hoạt là chỉ huy vậy. Mỗi đứa moi đầy hai túi quần rồi cùng nhau chui xuống bờ sông vừa rửa vừa bóc lạc ăn thật ngon lành. Ăn xong cả bọn kéo nhau lên bãi. Nhưng hãi hùng thay, vừa mới đến đầu bãi đã thấy lão Bính đứng chắn ngang đường, trên tay cầm một chiếc roi bằng tay tre, quát:
- Ai cho chúng mày moi lạc của tao?
Cả đám khựng lại, mặt mày tái mét, không thằng nào dám lên tiếng. Lặng đi một lúc, thằng Hoạt cãi:
- Chúng cháu có moi lạc của bác đâu. Đây, bác khám đi, làm gì có củ lạc nào.
- A! Thằng này còn cãi hả?
Vừa nói lão Bính vừa thọc tay vào túi từng thằng, móc nấy móc để. Quả tình lão Bính không tìm được củ lạc nào. Thằng Hoạt vênh mặt đắc ý. Lão Bính cười khẩy, lùa cả bọn xuống mé sông rồi ra lệnh:
- Mỗi thằng ngụm một ngụm nước to súc miệng đi, khi nào tao bảo nhổ ra thì nhổ xuống sông.
Cả bọn lại răm rắp làm theo. Lão Bính cầm cái roi chỉ vào thằng nào thì thằng ấy nhổ nước trong miệng xuống sông. Dòng sông trong xanh, thường ngày là người bạn yêu thương không thể dời nhau của ông và đám trẻ trâu trong làng, nhưng hôm nay dòng sông trong vắt ấy lại là bằng chứng tố cáo đám trẻ. Nhìn những ngụm nước nhổ xuống sông đục ngầu vẩn lạc sống, lão Bính khoái chí cười vang:
- Chúng mày còn cãi nữa không?
Đến lượt thằng Hoạt, lão Bính hô:
- Thằng này nhổ xuống!
Nhưng thằng Hoạt nhe răng ra cười:
- Khát nước quá, cháu nuốt mất rồi.
Lão Bính sững người quay sang chỗ ông và đám trẻ, kết quả cuối cùng là ông và đám trẻ mỗi đứa bị hai roi tre lằn đít như hai con lươn, thằng Hoạt bình an vô sự.
Ông và đám trẻ trâu trong làng không chỉ bị hai roi mà còn bị lão Bính đến bảo với bố mẹ từng đứa, mỗi đứa lại lĩnh thêm mấy roi. Cả đám trẻ phục thằng Hoạt lắm. Mấy ngày sau cái vụ moi lạc nhà lão Bính, thằng Hoạt vẫy ông ra góc mé sông thì thầm:
- Mày có nhìn thấy rặng tre bên kia sông không?
Ông nheo mắt nhìn theo tay thằng Hoạt, gật đầu. Thằng Hoạt ghé sát tai ông, thì thầm:
- Bây giờ đang mùa măng tre, măng bãi soi vừa mập vừa non, bố tao bảo măng bãi soi mà ngâm dấm ớt là ngon nhất. Nếu không ngâm dấm ớt thì luộc hai nước rồi đem thả xuống giếng qua một đêm, đem luộc lại, chấm mắm tôm thì ngon phải biết.
Thằng Hoạt dừng lời, nuốt nước miếng rồi gật gù như đang thưởng thức món măng tre luộc chấm mắm tôm. Hoạt bỗng đứng dậy, đến bên bụi cây rút ra một con dao tông kéo ông bơi qua sông. Lên đến bờ, nó lẩn vào rặng tre, chỉ một loáng đã ném ra năm cái măng tre to tướng rồi nói như ra lệnh:
- Mày lấy hai cái.
Nói xong nó cởi áo gói ba cái măng còn lại rồi quay sang, giục:
- Chuồn thôi!
Như bị thôi miên, ông ôm bọc măng bơi qua sông.
Trưa hôm sau vừa nhìn thấy ông ở bãi soi thằng Hoạt đã vội chạy đến hỏi:
- Nhà mày luộc hay ngâm dấm ớt?
Ông cúi xuống, lúng túng, không trả lời.
Tối qua, khi ông hồ hởi vác hai cái măng vào nhà khoe với bố:
- Bố ơi! Con lấy được hai cái măng tre to ngon lắm, bố thằng Hoạt bảo măng này mà đem ngâm dấm ớt thì ngon tuyệt bố ạ.
Bố ông bảo ông ngồi xuống ngưỡng cửa rồi ôn tồn hỏi:
- Con lấy hai cái măng này ở đâu?
- Dạ con với thằng Hoạt lấy ở bên kia sông ạ.
Bố ông nghiêm mặt nói:
- Con có biết rặng tre ấy của ai không?
Ông thật thà trả lời:
- Dạ con không biết rặng tre ấy của ai ạ.
- Không biết của ai sao con lại lấy? Chắc con biết rặng tre ấy phải trồng mới có được. Con lấy như vậy nghĩa là con đã ăn cắp. Ăn cắp là một hành động hèn hạ và vô cùng xấu xa, con có biết không?
Nói xong bố ông ra đầu xối nhà lấy chiếc thuyền nan bảo ông cầm theo hai cái măng tre, chèo thuyền đưa ông sang sông. Đến bên rặng tre, bố ông nói:
- Con cầm hai cái măng tre đặt vào gốc tre và nói lời xin lỗi người chủ rặng tre và hứa không bao giờ lấy bất cứ thứ gì không phải của mình.
Ông ngoan ngoãn làm theo lời bố bằng cả tấm lòng chân thật và hối hận. Bố ông còn bảo ông xin lỗi cả rặng tre vì đã làm một điều không phải.
Ông đã kể cho thằng Hoạt toàn bộ câu chuyện. Nghe ông nói, thằng Hoạt cười ré lên:
- Hớ… Hớ… bố mày hâm rồi, của đến mồm mà không ăn. Ba cái măng của tao mang về, bố tao khen măng non và ngon lắm. Bố tao còn bảo nếu lấy được nhiều thì đem phơi khô để đến tết hầm chân giò.
Sau lần ông được bố chèo thuyền đưa qua sông trả lại hai cái măng và thành tâm xin lỗi chủ rặng tre và rặng tre, ông không bao giờ lấy một thứ gì kể cả quả ớt, trái ổi....
... Còn thằng Hoạt thường xuyên bơi qua sông lấy trộm măng đem về để phơi khô. Có lần bị ông chủ rặng tre bắt được lôi về tận nhà giao cho bố nó. Lúc ông chủ rặng tre về, bố nó nói với nó “may quá, tao nhanh tay cất nia măng khô vào buồng, chứ để lão ấy nhìn thấy thì rách chuyện”.
* * *
Thời gian trôi đi, con sông của quê hương đã chảy vào ký ức. Học xong phổ thông ông và thằng Hoạt mỗi người thi vào một trường. Ông thi vào trường luật và trở thành một thẩm phán của tòa án tỉnh. Thằng Hoạt học kinh tế, làm đến chức trưởng phòng của một huyện.
Sáng mai là ngày phiên tòa mở xét xử Trưởng phòng Tài chính Trần Trọng Hoạt với tội danh tham nhũng, lợi dụng chức quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Không ai khác, ông là chủ tọa phiên tòa, là người phán xử thằng bạn đã tắm chung một dòng sông.
Không sao chợp mắt được, sáng nay ông dậy rất sớm, mở tủ quần áo lấy bộ com - plê mà ông thường chỉ mặc trong những vụ án lớn, phải đấu tranh quyết liệt nhất.
Trên ghế chủ tọa nhìn xuống, ông thấy ở ngay hàng ghế đầu tiên gần vành móng ngựa, “đám trẻ trâu” cùng ông trên bãi soi ngày ấy gần như có mặt đông đủ. Những cặp mắt đang nhìn ông như cùng muốn nói một điều gì.
Sau khi đọc Bản cáo trạng với gần hai trăm bút lục, đại diện Viện kiểm sát quay xuống hỏi:
- Bị cáo đã nghe rõ bản cáo trạng của Viện kiểm sát chưa?
- Dạ! Bị cáo đã nghe rõ!
Tận lúc này ông mới nhìn vào mặt Hoạt. Vẻ mặt rất bình tĩnh của Hoạt chợt làm ông nhớ lại cái lần bọn chăn trâu moi lạc trộm bị lão Bính bắt ngậm một ngụm nước nhổ xuống sông. Và lần ấy Hoạt đã “vô tội” do biết cách nuốt miếng nước để phi tang.
Từ vành móng ngựa, ông thấy Hoạt ngước nhìn mình. Trần Huy hơi ngạc nhiên khi nhận ra đó không phải là ánh mắt của kẻ ngoan cố, cũng không phải là ánh mắt van lơn, cầu khẩn của hầu hết các bị cáo từng ít nhiều quen biết với ông. Ông thấy lạ là chẳng hiểu vì lý do gì mà bị cáo Hoạt không cần luật sư bào chữa. Có lẽ nào Hoạt quá tự tin vào sự tự bào chữa của mình?
Đọc xong lời luật tội, vị đại diện Viện kiểm sát đang chờ những lời tranh luận từ bị cáo. Sau phút giây lặng phắc, cả phiên tòa bỗng ồn lên khi thấy bị cáo không những không có nửa lời tranh luận hoặc chối tội mà còn sẵn sàng và thanh thản đón nhận hình phạt 9 năm tù giam của Viện kiểm sát đưa ra. Ông hơi ngạc nhiên, nhìn đăm đăm vào cặp mắt cụp xuống của người bạn cũ.
Khi phiên tòa chuyển sang phần bị cáo được nói lời cuối cùng, ông thấy Hoạt đứng thẳng người, đưa mắt nhìn lên chủ tọa rồi quay sang nhìn từng người trong “đám trẻ trâu” năm xưa. Lặng đi một lúc, Hoạt nói bằng một giọng trầm buồn:
- Xin quí tòa hãy tin là tôi đã nhận tội và hình phạt một cách tâm phục, khẩu phục, không né tránh tội trạng và đổ lỗi cho bất cứ ai. Nhưng thưa quý tòa, lời sau cùng tôi muốn nói là…
Hoạt ngừng lời, vẻ mặt đầy tâm trạng. Hình như phải cố gắng lắm Hoạt mới tiếp tục nói bằng những tiếng nghẹn ngào:
- Điều tôi muốn nói là… giá như năm xưa tôi cũng được đưa lên chiếc thuyền nan cùng ba cái măng tre sang bên kia sông, đặt ba cái măng ấy trước rặng tre để nói lời xin lỗi người chủ rặng tre và xin lỗi cả rặng tre vì đã làm một việc không phải, thì có lẽ nơi gặp gỡ của bọn trẻ trâu làng tôi hôm nay không phải là nơi này.
Người dự phiên tòa hôm ấy, có lẽ không thể hiểu hết ý tứ sâu xa những lời sau cùng ấy của bị cáo Trần Trọng Hoạt. Chỉ có “bọn trẻ trâu”, mặc dù Hoạt cố tình giấu, nhưng họ đều nhìn thấy hai mắt Hoạt ướt đầm.
Truyện ngắn: ĐÀO NGUYÊN HẢI