Sông Vân vắt qua làng, mềm mại và bí ẩn như một vần thơ siêu thực. Những đêm rằm, ánh trăng nhung huyền, bàng bạc lướt trên từng gợn sóng lung linh, dập dềnh, mê mị. Dọc theo bụi bờ thơm thoang thoảng hương hoa dành dành, tiếng bìm bịp thảm thiết kêu ran càng làm cho cảnh sắc thêm hoang liêu, rợn ngợp.
Sông Vân vắt qua làng, mềm mại và bí ẩn như một vần thơ siêu thực. Những đêm rằm, ánh trăng nhung huyền, bàng bạc lướt trên từng gợn sóng lung linh, dập dềnh, mê mị. Dọc theo bụi bờ thơm thoang thoảng hương hoa dành dành, tiếng bìm bịp thảm thiết kêu ran càng làm cho cảnh sắc thêm hoang liêu, rợn ngợp. Điệu chảy trầm buồn vọng lại tự ngàn xưa. Mỗi năm, sông Vân lại bắt đi một người. Hòa tan vào dòng chảy mát lành ấy không chỉ là phù sa, mà còn có cả máu tươi và nước mắt. Con đò khuya rẽ sóng, tiếng ai vừa khua mái chèo vừa nỉ non hoài vọng xa xôi:
“Người qua một thoáng sông Vân
Mái chèo níu sóng tần ngần nhớ thương…”
Lâu rồi chẳng còn nghe ai hát. Nỗi buồn lên rêu xanh riết mái chèo. Bông lục bình nở trong đêm chẳng thể tự mình thắp sáng lên. Dưới trùng trùng lớp sóng du êm, những linh hồn đuối nước oan khuất đang kêu gào quằn quại. Rồi thì tất cả cũng bị ánh trăng giam hãm xuống đáy sông Vân chìm giấc miên trường…
|
Minh họa: P.NHÂN |
Cậy nhờ dòng chảy Vân giang, gái làng này ai cũng xinh xắn, tươi nhuần, trắng trẻo. Trai làng ngoài muốn sang sông tán tỉnh, thì chịu khó sắm thêm mấy đôi dép chắc bền. Ấy vậy mà làng vẫn có người ngậm ngùi đắng cay mang tiếng ế chồng: cô Ngận. Cô Ngận sở hữu đôi gò má cao như hai cái đít chai úp vào gương mặt. Người làng bảo, con gái có gò má như vậy sẽ mang họa sát phu. Tướng mạo vận vào số phận. Thành thử đường tình duyên của cô lận đận một đời.
Cái làng ven sông vốn dĩ yên bình này bỗng chốc lốn nhốn hẳn lên khi cái bụng cô Ngận đã lùm lùm bật tung cúc áo. Những đêm trăng tròn vạnh, vài người đánh cá về muộn vẫn hoảng hồn khi nhìn thấy cô Ngận lững thững dọc triền sông phía hạ nguồn. Làn tóc ngấm sương lạnh và ánh trăng rũ dài sõa sượi. Ai hỏi thì cô đáp như đang mộng du: “Đi tìm cha đứa bé!”. Họ lẳng lặng bỏ đi. Cô Ngận cứ đợi. Một đêm rằm… Hai đêm rằm… Sông Vân có bao giờ chảy ngược? Lời hẹn thề nhẹ như hơi sương, bạc như ánh trăng và xa như tiếng kêu bìm bịp… Cô Ngận thả vào dòng Vân những giọt nước mắt mặn mòi, cô độc…
*
Trong ngôi nhà nhỏ bên mé sông, đứa trẻ xé toạc ánh trăng hắt qua cửa sổ bằng tiếng khóc chào đời thổn thức. Bế nó trên tay, mẹ cô Ngận trông ra một miền trăng sóng sánh sông sâu, nén tiếng thở dài sắp trào lên từ lồng ngực: “Là con gái. Hay mang nó trả sông Vân?”. Giật phắt dậy, cô Ngận giằng lại đứa con: “Mẹ không nuôi được thì tôi nuôi!”. Cô Ngận vuốt ve rồi nhìn vào khuôn miệng, đôi mắt đứa trẻ rờ rỡ dưới trăng, đầu cô chợt miên man câu hát qua đò, miên man hẹn thề ngày cũ. Sông Vân chẳng bao giờ chảy ngược!
Vẫn hằng mong đời đứa con sẽ tươi sáng hơn, cô Ngận đặt tên nó là Dương. Và cũng để âm thầm nhen lên trong lòng một đốm than hy vọng. Như một bóng ma lầm lũi, cứ đến tuần trăng là cô Ngận lại thả tóc, lang thang dọc triền cỏ sông Vân gió tràn man dại. Mùi hoa dành dành trôi theo từng bước chân đi. Từ đó, trai làng ngoài không còn bơi qua sông Vân vào làng này tìm vợ. Mọi người rỉ tai: “Cô Ngận si tình!”.
*
“Cha cháu là ai?”, con bé Dương giờ đã là thiếu nữ rồi vẫn cứ vặn đi vặn lại bà nó một câu mà nó chưa bao giờ dám trực tiếp hỏi mẹ. Bà ngoại Dương nhìn nó bùi ngùi, câu trả lời còn cũ mèm hơn cả vạt áo sờn đang bận: “Bà đã bảo rồi. Bố cháu là Hà Bá dưới sông Vân. Một đêm trăng, mẹ cháu ra sông tắm về rồi mang thai cháu”. Thật lạ, kể từ khi con bé chào đời, sông Vân thôi lệ mỗi năm bắt lấy một người. Nhưng những đêm rằm, sông Vân buồn hơn, lạnh hơn, rợn hơn. Tiếng người trong gió. Tiếng bìm bìm trong trăng. Tiếng oan hồn trong ngàn xưa sóng vỗ. Nước sông Vân tanh tanh. Nước sông Vân mằn mặn…
Chiếc roi mây vẫn giắt trên chái bếp, nhắc nhở Dương đừng bao giờ dại dột lỡ chân chạm nước sông Vân. Vậy mà một buổi chiều chạng vạng, Dương trốn mẹ ra sông tắm một mình. Sông Vân mơn man dỗ dành những khổ hận, tủi hờn của một cô bé hơn mười lăm năm bị người đời khinh miệt là đứa con hoang rẻ rúm. Dương úp mặt vào sông khóc òa hậm hực cho đến khi giật mình với bóng người đàn ông vừa khua tay chèo vừa hát âm u: “…Người qua một thoáng sông Vân…”. Dương vội vã chạy lên bờ mà không hay biết rằng người đàn ông vẫn nhìn chằm chặp vào chiếc quai áo mỏng hằn in sau xống áo mong manh. Trừ những đêm trăng sáng, bình thường, cô Ngận là một người mẹ nghiêm khắc. Sau lần ấy, đôi chân tròn thẳng tắp của Dương hằn ngang vết roi mây đỏ gắt. Dương không khóc mà cô Ngận rưng rưng nước mắt lưng tròng:
- Mày biết mấy năm rồi sông Vân chưa bắt người nào không hả?
- Con không sợ. Bà ngoại bảo con là con gái của Hà Bá.
Dương cúi gằm mặt. Làn tóc vừa được gió hong khô còn vương vương mấy cánh hoa dành dành trắng tinh khôi, thơm mê muội. Dương chẳng có nét nào giống cô Ngận, từ gương mặt, mái tóc, làn da cho đến ánh cười, dáng đi, điệu đứng. Dương là con gái Hà Bá. Dương đẹp hơn tất thảy con gái vùng này. Nên người đời cứ độc mồm, độc miệng: “Con tập tàng xinh nhất làng, lạ thật”.
*
Chôn quá khứ vào đáy sông Vân, càng lớn lên, con bé Dương càng giỏi giang, xinh đẹp. Đám trai làng bên lại tất tả bơi qua sông, chỉ để lén nhìn trộm cô gái có mái tóc buồn ngồi thao thức bên ngọn đèn dầu đã cháy mòn lòng bấc. Dương đóng cửa chặn ánh trăng, chặn cả những ánh mắt đang thập thò ngoài cổng. Nó thương bà. Nó thương mẹ - người phụ nữ nửa tỉnh, nửa điên những đêm trăng tròn vẫn chân trần giẫm gai dọc miền sông Vân đi tìm cha cho nó.
Dương đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Cô Ngận photo tờ giấy báo dán chình ình ở giữa cổng làng. “Cho thiên hạ sáng mắt ra. Giờ thì đố cha đứa nào khinh con tao là con hoang, con bãi”, cô Ngận chỏng lỏn. Dương gói đồ đạc xuôi sông Vân xuống thành phố xa hoa trọ học. Cô Ngận ôm con vào lòng, thủ thỉ:
- Gắng học hành đỗ đạt thành tài. Mai này trở về đưa mẹ đi càng xa cái sông Vân này càng tốt!
Dương mạnh mẽ như trước nay vẫn vậy:
- Mẹ con mình chẳng cần đi đâu hết. Con nhất định sẽ về làng.
Con thuyền xẻ sóng sông Vân. Bóng cô Ngận mờ dần sau miền hoa dành dành rộ nở. Dương thầm nghĩ, đời mẹ nó đã thả xuống dòng Vân này nhiều nước mắt rồi, nên nó đặt xuống đây một nụ cười - nụ cười rạng rỡ như cánh dành dành ngậm sương soi mình trong nắng.
*
Những ngày trọ học xa nhà, Dương thấy nhớ sông Vân tha thiết. Thỉnh thoảng, cô Ngận gửi người xuôi sông Vân cho Dương mớ tép khô và lá thư viết vội. Nó vừa bắc bếp nấu canh dọc mùng với tép, vừa đọc thư mẹ mà nước mắt ngắn dài. Chả gì thì nó cũng là con của mẹ, con của sông Vân. Xa nơi ấy không buồn sao được? Đời sông chảy xuôi, kiếp người trôi ngược, khi yếu lòng lại muốn trở về úp mặt vào lòng mẹ mà thì thầm kể lể, mà ngủ thật say chẳng chút muộn phiền. Và chẳng hiểu tại sao, trong những giấc chiêm bao chập chờn sương khói, Dương vẫn hằng thấy sông Vân mang cha về bên nó, thật gũi gần mà cũng thật chênh vênh…
Rồi thay vì những mớ tôm, mớ tép sông quê, dạo gần đây, Dương hay nhận được những chiếc phong bì căng phồng xấp tiền polyme mới cứng với mấy dòng chữ viết qua loa, ngắn gọn: “Mua thêm thức ăn bồi bổ và mấy bộ quần áo mới tử tế cho bằng bạn, bằng bè con nhé!”. Người cùng làng đồn thổi rằng vào một đêm trăng đỏ như máu, cô Ngận lên cơn điên tình chạy dọc sông Vân vấp phải cục vàng. Người khác khểnh cười bóng gió, vấp cục vàng hay vấp trúng mấy thằng cha “chẳng thiếu tiền, mà chỉ thiếu tình” ở bên kia bến bãi? Dương không tin vào điều đó. Cuối tuần này, kiểu gì nó cũng ngược sông Vân về nhà một chuyến.
*
Nghe tin Dương về, cô Ngận ra bến sông Vân đợi đón. Chiếc áo bà ba cô đang mặc chẳng thể che được cái bụng đang đùn lên tròn ủng. Bần thần nhìn mẹ, Dương ngúng nguẩy:
- Mẹ chưa đủ khổ hay sao còn đèo bòng thêm của nợ ấy làm gì?
Cô Ngận đưa cặp mắt ra xa theo từng gợn sóng đã nhuộm tím hoàng hôn, im lặng. Đến bao giờ con mới hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ, Dương ơi? Có đám lục bình luẩn quẩn chỗ nước tù, cứ xoay xoay mãi mà không trôi ra được.
Đêm ấy, nằm quay mặt vào cửa sổ nghe tiếng bìm bịp kêu sương, Dương thấy mẹ đáng thương hơn là đáng trách. Người đàn bà ấy bất chấp tất cả để sinh Dương ra mà suốt đời phải đeo lên mình bia miệng thế gian. Giờ lại thêm một lần lầm lỡ. Dương khóc không thành tiếng. Nước mắt ướt đầm trên chiếc gối bông ướp hương hoa dành dành phưng phức. Thôi thì sự cũng đã rồi, mấy tháng nữa căn nhà nhỏ này sẽ ấm thêm một chút. Sông Vân ngoài kia cuộn chảy như nhắn nhủ Dương rằng lẽ ra nó nên vui mới phải!
*
Vào một đêm trăng, Dương lại trở về mà không báo trước. Chiếc cặp nhỏ của nó nặng hơn vì mấy bộ quần áo thêu hình thỏ bông và những món đồ chơi ngộ nghĩnh do nó thức khuya tự mày mò học trên báo để làm. Bà hàng xóm cất vó bên sông Vân cười cười, xun xoe:
- Con Dương về muộn thế. Đợt này về không được bế em rồi. Mẹ mày bán em cho người mạn xuôi rồi!
Không tin câu nói nửa đùa, nửa thật của bà hàng xóm, Dương chạy như bay về nhà. Căn nhà lạnh lẽo đến lạ. Bà ngoại đang ngồi trên chiếc giường tre mối mọt ám màu thời gian, an ủi mẹ nó:
- Thôi thì cố quên mà sống tiếp thôi con ạ! Thằng bé về đấy sẽ sung sướng suốt đời. Không khổ như con Dương, con ạ.
- Chín tháng mười ngày đâu ngắn ngủi mẹ ơi?
Siết chiếc cặp trong vòng tay thật chặt, Dương ào vào bà và mẹ:
- Mẹ ơi, em con đâu rồi?
Cô Ngận úp mái đầu ướt bên bết vào vai người mẹ già còm cõi khóc rưng rức. Thẫn thờ nhìn nó như người mất hồn, bà ngoại nó lập cập:
- Em… Em… cháu bị chết ngạt trong bụng mẹ. Bà đã… mang thả sông Vân…
- Cháu biết hết rồi! Bà đừng gạt cháu!
Vứt chiếc cặp ngay đầu giường, trong vô thức, Dương lại ào ra sông Vân. Mùa này, những bông dành dành thả xuống dòng nước lam xanh một thứ màu lờ mờ, nhạt nhòa, tang tóc hòa lẫn trong ánh trăng huyền hoặc, u trầm. Gió hoang hoải phả vào mặt Dương hơi nước tanh nồng. Dương cứ đi, đi vào lòng sông Vân để nước đong đầy những vết đau thẳm nhức. Sông Vân bao đời vẫn vậy, vẫn mềm mại, dịu dàng và kỳ bí như một áng thơ siêu thực, mơ hồ. Đến lúc thấy lành lạnh ngang ngực, nó vừa đau đáu nhìn xuống mạn xuôi, vừa rát họng tuyệt vọng gào to: “Em ơi! Em ơi! Em của chị ơi!”. Trên mỏm đá chấp chới, giọng bà ngoại nó khàn đặc lẫn trong tiếng bìm bịp kêu mòn khắc khoải:
- Dương ơi, vào đây với bà. Chỗ đó sâu lắm. Nếu mẹ mày không mang thai hộ cho người ta thì lấy tiền đâu ra cho mày ăn học hả cháu? Dương ơi…
Truyện ngắn: PHAN ĐỨC LỘC