Được chờ đợi từ khá lâu, triển lãm "Mở cửa" - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016) thu hút đông đảo người đến xem từ trước giờ khai mạc cả tiếng đồng hồ; không gian ngoài trời cùng hai gian triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trở nên chật chội...
Được chờ đợi từ khá lâu, triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016) thu hút đông đảo người đến xem từ trước giờ khai mạc cả tiếng đồng hồ; không gian ngoài trời cùng hai gian triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trở nên chật chội...
|
Khách tham quan tác phẩm “Cầu mưa” trưng bày ngoài trời tại triển lãm |
Mỹ thuật Việt Nam may mắn có thời Đổi mới
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ (sinh năm 1943), một trong những nghệ sĩ lớn tuổi góp mặt tại triển lãm Mở cửa chia sẻ, ông từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham dự triển lãm với một tâm thế vô cùng hào hứng. “Tôi đến Mở cửa để được nhìn thấy chính tôi đã đổi mới ra sao, và đồng nghiệp ở các thế hệ chuyển mình như thế nào. Những cơ hội như thế này đâu dễ gì có được”, ông tâm sự. Trả lời những ánh mắt tò mò, họa sĩ bộc bạch: “Tôi thường nghĩ về những đề tài trong quá khứ, nhưng lại khao khát làm mới quá khứ trong cách thể hiện. Cái mới đó ở đâu? Nó nằm trong chính tâm hồn mình chứ không phải là từ đề tài của bộ não…”. Với cách đổi mới đó, những tác phẩm của Hồ Hữu Thủ hoàn toàn không có chủ đề định trước, khi vẽ xong ông mới đặt tên.
Chia sẻ về sự đổi mới của cá nhân mình, họa sĩ Thành Chương trỏ tay vào bức sơn mài Tuổi thơ tôi mà anh lựa chọn góp mặt trong Mở cửa. “Tôi từng là người lính từng trải qua chiến tranh, chứng kiến nhiều mất mát và khốc liệt. Nỗi ám ảnh chiến tranh đã tác động vào những sáng tác của tôi một giai đoạn rất dài, nhưng rồi tôi nghĩ mình không nên sống mãi với quá khứ. Tôi chuyển sang vẽ các đề tài về cuộc sống, trẻ em, những cảm xúc thanh bình, dùng nghệ thuật ca ngợi thành quả mà đất nước có được…”.
Còn với họa sĩ Đặng Xuân Hòa, mỹ thuật Việt Nam may mắn khi có thời kỳ Đổi mới. Ông nhận xét: “Với triển lãm Mở cửa, một thế hệ trong hội họa Việt Nam đã được công nhận và không còn bị nhìn bằng những góc nhìn thiếu tích cực như trước…”.
Mang “gan ruột” đến triển lãm
Đại diện 50 gương mặt ở Mở cửa phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Nguyễn Quân bộc bạch, ông xúc động khi được gặp ở đây những đại diện của nền mỹ thuật ở các thế hệ. Từ họa sĩ cao tuổi nhất đến ít tuổi nhất cách nhau 60 năm, nhưng trên tất cả, nghệ thuật hội họa luôn tạo nên một dòng chảy xuyên suốt, với tình yêu và tinh thần thượng tôn nghệ thuật…
Họa sĩ Trần Lưu Hậu, người cao tuổi nhất ở triển lãm đã không thể đến khai mạc Mở cửa vì lý do sức khỏe. Thế nhưng cái “tinh thần mở cửa” của ông thì có lẽ không chỉ được thể hiện ở tác phẩm mang tên ông tại triển lãm. Một cây bút luôn dồi dào sáng tạo, vẽ không ngừng nghỉ, cái cách “mở cửa” của họa sĩ cao niên Trần Lưu Hậu chính là sự truyền lửa mãnh liệt nhất đến các thế hệ nghệ sĩ trẻ đương đại.
Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn đã có mặt tại triển lãm từ rất sớm để chuẩn bị trưng bày tác phẩm. “Cầu mưa” (chất liệu tổng hợp) của anh gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi được trưng bày trong một không gian khoáng đạt bên ngoài sân vườn của Bảo tàng Mỹ thuật mà còn bởi sự tương tác, gần gũi với người xem khi nghệ sĩ đã sáng tạo bằng nghệ thuật sắp đặt, lấy cảm hứng của câu chuyện cổ tích Việt Nam “Cóc kiện trời” và những chất liệu thân quen như gốm, gỗ, tre, rơm, nước… “Khi được mời tham gia triển lãm, tôi có cảm giác như đã động chạm được đến một cái gì đó trong tôi, trong quá khứ của tôi. Đây là vinh dự cũng như trách nhiệm của tôi trong cuộc chơi này…”, họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn bộc bạch.
Với cảm xúc ấy, tâm thế ấy, 50 gương mặt họa sĩ có tên trong Mở cửa đã cùng nhau mang đến cuộc chơi những “gan ruột”. Và người xem, có lẽ đã lâu rồi mới thỏa thích được chiêm ngưỡng “dung nhan” mỹ thuật Việt được khắc họa một cách sinh động và xuân sắc nhất của thời mở cửa…
Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016) diễn ra từ ngày 21 đến 28/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm của 50 nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tiêu biểu trong thời kỳ này do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tuyển chọn. Đây là những gương mặt có tư duy sáng tạo mới, có dấu ấn và bản sắc cá nhân. Tác giả cao tuổi nhất là họa sĩ Trần Lưu Hậu (88 tuổi) và trẻ nhất là Thái Nhật Minh (32 tuổi). Mỗi nghệ sĩ tự chọn trưng bày 1 tác phẩm tiêu biểu.
Sau triển lãm, BTC sẽ xuất bản một cuốn sách có bài viết, hình ảnh giới thiệu về Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới với chân dung, lý lịch, tự bạch và ảnh 3 tác phẩm của 50 nghệ sĩ này.
|
TS tổng hợp (theo baovanhoa.com.vn và hanoimoi.com.vn)