Ngày nhà báo Việt Hưng - tên đầy đủ của anh Nguyễn Việt Hưng, rời xa cõi trần mãi mãi, tôi ghi vào sổ tang lời vĩnh biệt hai câu thơ anh viết thuở nào "Biển mênh mông đến vô bờ/Biển sâu sâu đến không ngờ người ơi".
Nhà báo Việt Hưng |
Lời thơ nào chẳng mang bóng dáng quê hương, tình biển mênh mông chính là nơi anh sinh ra (năm 1953) - xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khi mới đôi mươi anh vào lính đóng quân trên dải “Trường Sơn thời hoa lửa”, rời tay súng theo học Văn khoa Trường Tổng hợp Hà Nội, năm 1978 còn đầy rẫy khó khăn, tạm biệt bãi biển Thiên Cầm quê xứ, tạm biệt người vợ trẻ dấu yêu, anh lên miền Tây Nguyên gió lộng hoang vu bắt đầu sự nghiệp cầm bút dưới bút danh nhà báo Việt Hưng công tác tại Báo Lâm Đồng. Đồng nghiệp bảo rằng anh là “nhà báo lành” và luôn “thương nhớ đồng quê” cũng đúng, bởi mỗi khi có dịp ngồi uống với ai vài ly rượu, anh hay cất lời ca về “Con sông quê dạt dào như tình mẹ...”, về “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”... quê anh.
Lại hát về kachiusa
Đã một thời
những người lính Hồng quân
Hát kachiusa trên đường ra trận
Bài ca ấy là lời hò hẹn
Bởi kachiusa vẫn nhắc vẫn chờ
Bản tình ca sống trọn đến bây giờ
Chúng tôi hát
say sưa trên điểm tựa
Khi đường biên
tạm thời im súng nổ
Chúng tôi ôm đàn hát kachiusa.
Kachiusa với người lính Nga
Là tình yêu, căm thù và sức mạnh
Lời ca ngân vang
giữa chiến hào bom đạn
Có người lính ngã xuống
rồi vẫn thầm nhắc kachiusa...
Kachiusa - hợp khúc tình ca
Bản hùng ca
của những người lính trận
Kachiusa là hậu phương vô tận
Là nỗi nhớ thương
khát vọng đến nao lòng.
Nhờ cánh chim
gửi lời về quê hương
Rằng ta nhớ ta
thương suốt chiều dài năm tháng
Những người vợ,
những người yêu của lính
Có nghe chăng
khúc hát chốn biên thùy?
Đất nước tràn chiến tranh -
những người lính ra đi
Mất mát, hy sinh
và quê hương không quản
Bài hát của Hồng quân
ngày xưa còn vọng
Trong tâm hồn
mỗi chúng tôi hôm nay.
Kachiusa
bản tình ca mê say
Hồng quân hát
giờ chúng tôi lại hát
Bản hùng ca
của những người giữ chốt
Trên biên cương -
trước họng súng quân thù.
Việt Hưng
|