Cuộc chiến nơi đại ngàn

08:10, 06/10/2016

Dòng người cứ chen nhau vào căn phòng nhỏ hẹp của bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhiều người không vào được đành đứng ngoài hành lang bệnh viện dõi mắt nhìn qua lớp cửa kiếng để nhìn tận mặt người kiểm lâm nhỏ xíu con kia nhưng "chì" đến nỗi bốn tên lâm tặc phải tháo chạy khỏi hiện trường sau khi bỏ lại chiếc xe công nông chất đầy gỗ Pơmu.

Dòng người cứ chen nhau vào căn phòng nhỏ hẹp của bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhiều người không vào được đành đứng ngoài hành lang bệnh viện dõi mắt nhìn qua lớp cửa kiếng để nhìn tận mặt người kiểm lâm nhỏ xíu con kia nhưng “chì” đến nỗi bốn tên lâm tặc phải tháo chạy khỏi hiện trường sau khi bỏ lại chiếc xe công nông chất đầy gỗ Pơmu. Khi lực lượng kiểm lâm đến giải vây chỉ còn lại Hùng nằm bất động trên vạt đất xám xịt của vùng đất núi khô khan đầy nắng gió.
 
- Ba ơi! Ba tỉnh lại đi ba. Ba hứa tựu trường năm nay, ba về đưa con đi dự lễ khai giảng mà. Ba ơi! Sao ba nằm lặng thinh không nói gì với con với mẹ!
 
Tiếng thằng Long nức nở làm mọi người xung quanh không kiềm được nước mắt.
 
- Con đừng khóc nữa. Bác sỹ nói ba con sẽ qua khỏi thôi mà. Vết thương không còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. - Quang, đội trưởng kiểm lâm an ủi.
 
- Cái quân ác nhơn, thất đức, rồi tụi bây cũng bị trời tru, đất diệt, bị cây rừng đè chết banh thây hay bị lật xe xuống vực chết mất xác. Cái đồ… cái đồ… - Ông Y Bun nguyền rủa liên hồi kèm đôi mắt đỏ rừng rực vì giận dữ.
 
- Ông khỏi nói, Giàng cũng không tha thứ cho cái bọn ăn cắp của cải, cây cối của rừng. Tụi nó chỉ biết có tiền bất chấp hậu quả. Quân chết tiệt. - Tiếng Siu Blon chen vào.
 
Ngồi im lặng trầm tư không nói một lời, những điếu thuốc cứ cháy mãi trên môi không dứt, Quang đăm đăm nhìn ra khoảng trời xanh lồng lộng, nhìn về những cánh rừng đen thăm thẳm với bao nhiều điều bí ẩn lạ thường. Với anh và đồng đội, rừng là điều gì đó thiêng liêng thật khó tả. Vậy mà nhiều người không hiểu hết về tánh nết của rừng, chưa từng sống chết với nó, chưa từng ngắm rừng thay lá mới; nghe tiếng suối reo; tiếng thú dữ thét gầm… vẫn viết được những bài báo, những vần thơ, những câu chuyện thật “độc đáo” về rừng một cách vô tội vạ. Anh phẫn nộ, bực dọc rồi lại thôi. Đời mà. Họ ở phòng lạnh, nhậu nhẹt những quán sang trọng ở thành phố, lên mạng xã hội, truy cập tin tức trên các phương tiện truyền thông để nắm thông tin về rừng rồi vô tư “ bịa” ra hàng trăm câu chuyện ở rừng với văn phong thật mỹ miều, xúc cảm. Mặc. Có còn hơn không. Dù sao những tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật “ảo” kia cùng góp phần đánh thức sự lãng quên của nhiều người về cuộc sống của rừng, về những con người “biệt lập” được nhiều người mai mỉa gọi đùa là “người rừng” như Quang và biết bao đồng đội đang ngày đêm bảo vệ rừng thoát khỏi tay của thần “Lữa” và nguy hiểm hơn hết là sự tàn phá của lâm tặc.
 
Minh họa: P.NHÂN
Minh họa: P.NHÂN

Quang nhớ cái ngày nhận quyết định lên rừng nhận nhiệm vụ đã hơn hai mươi năm qua, người bộ đội phục viên đã hăm hở đến nỗi quên hẳn một điều không có ai tiễn anh tại bến xe kể cả Liên, người vợ sắp cưới của anh. Tất cả đều phản đối quyết liệt trước quyết định “điên rồ” của Quang.
 
- Mầy đi bộ đội bấy nhiêu chưa đủ hả? Ba mẹ chỉ có mỗi mình mầy, mầy còn phải tính đến việc cưới vợ sinh con để ba mẹ có cháu bồng bế với người ta. Lên đó có ngày bọn lâm tặc nó giết mầy. Mầy hiểu chưa. Lương tháng được bao nhiêu, có đủ lo thang thuốc nơi rừng thiêng, nước độc. Tao nói gàn nói gở việc nầy, lỡ mầy có chết trên đó, tao cũng chẳng biết đường để mang thây mầy về đây. Hiểu chưa?
 
- Ba. Chuyện gì thì cũng còn có luật pháp. Ai cũng tránh né thì… thì…
 
- Mầy đừng có dạy khôn tao. Định nói là trách nhiệm người trai của chế độ xã hội chủ nghĩa, rồi nhiệm vụ bảo vệ rừng nguyên sinh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài sản quốc gia chứ gì. Khỏi. Tao đẻ ra mầy được thì tao hiểu mầy định nói gì. Nầy. Nếu mai mầy đi thì đừng về đây nữa. Coi như tao không có đứa con nào hết. Chuyện cưới hỏi cứ tự lo liệu. Tao không nói nữa.
 
Nói xong ông đùng đùng nổi giận rồi ngoe nguẩy bước vào căn buồng kéo cửa lại phát ra tiếng kêu nghe rầm rầm chói tai. Quang bần thần ngồi xuống chiếc ghế với bao tâm trạng ngổn ngang. Đi hay ở? Đối với anh thật khó xử vô cùng. Ba anh thật có lý khi buộc anh phải từ bỏ ước mơ chung sống với rừng vì ông hiểu anh rất “mê” rừng khi còn rất nhỏ thông qua những tranh ảnh do anh vẽ từ tấm bé. Lớp 5 thôi mà anh đã đạt giải nhất cuộc thi thơ cấp tỉnh với bài thơ “Tôi đến với rừng”. Đã vậy thời học phổ thông trung học, Quang còn đoạt nhiều giải ca nhạc cũng với những bài hát kể về rừng. Với anh, rừng luôn huyền bí, hấp dẫn, cuốn hút rất lạ thường. Cái ngày anh được thông báo nhận việc làm kiểm lâm ở rừng, Quang chạy lòng vòng quanh nhà với nụ cười phấn khích khiến hàng xóm phải trố mắt ngạc nhiên. Vậy mà hôm nay gánh nặng gia đình như những quả tạ khổng lồ, to lớn đè nặng xuống tâm hồn và trái tim anh.
 
Một đôi tay nhẹ nhàng choàng qua cổ làm Quang trở về thực tại. Liên nói rất nhẹ nhàng:
 
- Thôi đừng buồn. Bác trai nói đúng đó. Không có “mợ thì chợ cũng đông”. Không có anh thì cũng có hàng khối người lên đó làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Bây giờ thất nghiệp tràn lan. Tìm việc làm khó khăn lắm. Vả lại, người có trình độ “đại học” như anh thì tội gì phải làm cái chuyện “gác rừng”, hổng chết vì bệnh, cũng chết vì tụi phá rừng.
 
- Em nói sao tỉnh “rụi” giống hệt ba anh. Chuyện anh làm, anh chịu. Em không ưng thì thôi. Chuyện cưới xin từ từ tính. Mai anh phải đi! - Quang xẵng giọng.
 
Tưởng nói chơi, vậy mà Quang làm thật. Anh ra đi không một người thân đưa tiễn. Mặc. Rồi mọi người sẽ hiểu và thương mình hơn. Bao giờ anh cũng dặn lòng như thế. Cả năm trời lặng lẽ trôi qua, mỗi ngày anh cứ cô đơn, thất vọng khi bắt gặp cái lắc đầu thương hại của người đưa thư từ huyện lên rừng. Có ai gởi đâu mà nhận dù anh vẫn đều đặn mỗi tuần gửi thư về thăm nhà và người vợ sắp cưới.   
 
Rồi cái ngày hạnh phúc cũng đến. Ba mẹ anh cùng Liên đã đến tận trạm kiểm lâm để thăm Quang. Cả bốn con người đều đỏ hoe đôi mắt.
 
- Tháng sau mầy xin đơn vị nghỉ phép về làm đám cưới. Tội nghiệp con Liên, giận thì nói vậy chớ nó thương mầy đứt ruột, đứt gan, cứ khóc hoài. Còn tao với mẹ mầy “chào thua” cái nết ngang bướng của mầy rồi. Ba mươi tuổi mà không lo tới chuyện vợ con. Ba Quang cười rất tươi.
 
Đám cưới đơn giản được tổ chức. Ba ngày sau Quang trở về đơn vị. Vậy mà đến năm năm sau anh mới có con đầu lòng trong sự hạnh phúc “cha già, con mọn”. Quang đặt tên con là Nguyễn Kiểm Lâm trong sự ngạc nhiên của gia đình bè bạn, cái tên mà anh giải thích với nhiều người để gắn bó với cái nghề của mình.
 
Những tháng gần đây, cả đội mất ăn, mất ngủ vì bọn lâm tặc tăng cường hoạt động ngày đêm. Mười con người giữ rừng gầy xọp vì thiếu ngủ và phải chia nhau tuần tra. Những bữa ăn tạm bợ cứ nối nhau không dứt. Không một ai rời bỏ nhiệm vụ và vẫn với những ánh mắt đăm đăm đầy nghị lực. Thằng Hùng quê Hà Tĩnh tuy nhỏ con nhưng nhanh như sóc, ca nhạc “sến” thì mùi mẫn hết ý. Thằng Thuôn người Khơ Me đen thui, đen thùi, nghe nói quê miệt Trà Vinh mạnh cùi cụi quanh năm hổng thấy bệnh ngày nào, hễ hứng lên là nó múa Lăm thoan với cái xà rông “dã chiến” bằng cái mền hôi chua của nó. Thằng Thành quê Quảng Nam da dẻ trắng phau như con gái, nấu ăn thì khỏi phải chê. Thằng Út quê Quảng Ngãi có tài “tán gái”, không biết nó dùng “chiêu” gì mà thư “bồ” gởi lên đây nườm nượp… Mười con người như anh em ruột thịt một nhà không rời nhau nửa bước.
 
Nhiều lần bọn lâm tặc lên tiếng nếu cả đội im lặng cho qua vài “phi vụ” thì chúng sẵn sàng “hậu tạ” với những món tiền béo bở, hậu hĩ nhưng tất cả đều bị từ chối, thay vào đó là hàng trăm vụ phá rừng bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời để máu rừng không tuôn chảy. Hàng chục vụ lâm tặc tấn công để tẩu tán, phi tang gỗ quý hay hung hãn đánh trả để giành lại tang vật nhưng đều thất bại. Máu kiểm lâm đã đổ nhưng rừng vẫn tươi nguyên.
 
Có lần Quang nhận được tin Liên qua điện thoại: có người mang hàng chục triệu đồng đến tận nhà anh để xin anh bỏ qua cho một vụ trộm gỗ quý, họ hứa sẽ giữ bí mật và uy tín cho anh. Phong bì đầy tiền ấy được dúi qua khe cửa từ sáng sớm. Được tin, Quang tất tả đi xe máy về quê trong cơn mưa đêm tầm tã trong sự ngạc nhiên của đơn vị. Hôm sau, anh mang phong bì trên đến báo cáo cùng cấp trên và xin gởi lại rồi tất tả về lại với rừng. Gấp đến nỗi quên lời hứa với vợ con là sẽ ghé nhà buổi trưa để ăn cháo gà xé phay, món ăn mà anh rất thích từ nhỏ đến giờ và luôn được vợ thiết đãi mỗi khi về thăm nhà.
 
Vậy mà giờ đây thằng Hùng đang nằm đó. Người đồng nghiệp vẫn đang hôn mê sau những chấn thương khi đấu tranh cùng bọn lâm tặc. Anh thấy thương nó nhiều quá… Tiếng điện thoại di động bất chợt vang lên. Từ bên kia, giọng thằng Thành nói chắc nịch “… cho tụi em gởi lời thăm thằng Hùng với vợ con nó, bận tuần tra nên không đến bệnh viện, thông cảm. Anh yên tâm, cả đội mình quân số vẫn đầy đủ, không ai rời bỏ rừng đâu…”.
 
Quang tắt điện thoại với niềm hạnh phúc vô biên. Nơi đại ngàn, cuộc chiến đấu giữ rừng vẫn còn tiếp diễn. Rồi thằng Hùng sẽ trở về cùng anh, cùng đồng đội để máu của rừng thôi chảy.
 
Truyện ngắn: TRƯƠNG THANH LIÊM