Sau mấy chục năm âm thầm theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Cao Bằng hành về phương Nam, điệu Then và cây đàn Tính đã "cắm bản" và "bám rễ" ở mảnh đất Phi Tô, huyện Lâm Hà, tạo nên một vùng văn hóa khá ấn tượng trong không gian văn hóa Nam Tây Nguyên.
Sau mấy chục năm âm thầm theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Cao Bằng hành về phương Nam, điệu Then và cây đàn Tính đã “cắm bản” và “bám rễ” ở mảnh đất Phi Tô, huyện Lâm Hà, tạo nên một vùng văn hóa khá ấn tượng trong không gian văn hóa Nam Tây Nguyên.
|
Các thành viên CLB hát Then xã Phi Tô “trình làng” bài Then “Lâm Đồng yêu thương”. Ảnh: L.Trọng |
Những tưởng, vốn quý này sẽ “ngủ quên” trong cuộc mưu sinh đầy cơ cực, thế nhưng những làn điệu hát Then và thanh âm của cây đàn Tính đã được “đánh thức” nơi đại ngàn. Bà Hoàng Thị Dích - Phó Chủ nhiệm CLB hát Then xã Phi Tô, bộc bạch: “Xuất phát từ niềm đam mê nên tôi đã tập hợp một số chị em cùng sở thích lại với nhau để cùng tham gia lớp học hát Then và đàn Tính do nghệ nhân Hoàng Thanh Vắng - Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh Lạng Sơn trực tiếp truyền dạy… Trong quá trình tập luyện đã gặp phải không ít khó khăn, nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị em đều đến Nhà Văn hóa xã hoặc nhà riêng của một số thành viên tập luyện đông đủ, nghiêm túc, chẳng ai bỏ buổi nào”.
Sau một thời gian “thai nghén” và tích cực chuẩn bị, tháng 5/2016 CLB hát Then xã Phi Tô do bà Hoàng Thị Phẩy làm Chủ nhiệm đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Ban đầu khi được nghệ nhân Hoàng Thanh Vắng truyền dạy các lớp cơ bản và nâng cao, do khá chênh lệch về độ tuổi và trình độ nhận thức nên một số thành viên CLB cũng đã gặp không ít những khó khăn nhất định khi tiếp cận với loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn các thành viên đã nhanh chóng tiếp thu và thể hiện các điệu Then một cách bài bản. CLB hiện có 21 thành viên, trong đó thành viên lớn tuổi nhất là bà Lô Thị Bích (63 tuổi) và 2 thành viên nhỏ tuổi nhất là bé Triệu Thảo Ly (4 tuổi) và bé Hoàng Việt Tiến (7 tuổi). Bà Lô Thị Bích tâm sự: “Được tham gia sinh hoạt CLB tôi rất vui. Già rồi nhưng tôi vẫn lặn lội tập luyện cùng với lớp trẻ, cốt là để làm gương cho con cháu. Mong sao CLB hát Then của xã nhà tiếp tục được duy trì để bảo tồn vốn quý của đồng bào mình”. Điều đáng ghi nhận là, các thế hệ không chỉ cùng nhau tham gia sinh hoạt một cách đều đặn mỗi tuần 2 buổi ở Nhà Văn hóa xã, mà những lúc nông nhàn các thành viên trong CLB cũng tích cực tập luyện tại nhà riêng của một số thành viên để truyền dạy cho nhau những điệu hát Then hay cách đánh đàn Tính sao cho thật chuẩn, thật nhuần nhuyễn. Thực tế đó đã tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa lý thú và bổ ích trên vùng đất này.
Đến nay, CLB hát Then xã Phi Tô đã tự trang bị được18 bộ trang phục Tày, Nùng và 11 cây đàn tính phục vụ cho hoạt động biểu diễn vào các dịp lễ hội tại địa phương. Ngoài ra, các thành viên trong CLB cũng đã tập luyện và chơi tương đối thành thạo 12 bài hát Then cơ bản, như: “Làm theo lời Bác”, “Lâm Đồng yêu thương”, “Lâm Hà đổi mới”, “Ngày xuân đi trẩy hội”… trong niềm phấn khích xen lẫn một chút tự hào của bà con đồng bào nơi đây.
Một khi điệu Then và đàn Tính lên núi, lên Tây Nguyên, đến với vùng đất mới… “cắm bản” - điều đó cũng đồng nghĩa với việc những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc được mang theo, gìn giữ và bảo tồn, tạo nên một vùng văn hóa - sự giao thoa văn hóa khá ấn tượng trong không gian văn hóa Nam Tây Nguyên.
LÊ TRỌNG