Độc giả chưa mặn mòi với sách điện tử

09:10, 20/10/2016

Dù trên thế giới, sách điện tử - ebook phát triển rất mạnh nhưng trong một hội thảo mới đây do Trường Đại học Văn hóa  TP Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề "Sách điện tử - thực trạng và xu hướng phát triển", các doanh nghiệp và chuyên gia xuất bản tại hội thảo cho rằng loại hình sách này vẫn chưa thịnh hành và có điều kiện phát triển ở  Việt Nam (VN). 

Dù trên thế giới, sách điện tử - ebook phát triển rất mạnh nhưng trong một hội thảo mới đây do Trường Đại học Văn hóa  TP Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Sách điện tử - thực trạng và xu hướng phát triển”, các doanh nghiệp và chuyên gia xuất bản tại hội thảo cho rằng loại hình sách này vẫn chưa thịnh hành và có điều kiện phát triển ở  Việt Nam (VN). 
 
Chọn mua sách điện tử tại Hội chợ sách Hà Nội năm 2015
Chọn mua sách điện tử tại Hội chợ sách Hà Nội năm 2015

Kinh doanh sách điện tử “từ lỗ đến lỗ”
 
4 năm trước, sách điện tử (ebook) chính thức phổ biến ở Việt Nam. Giới kinh doanh xuất bản rất hồ hởi tham gia vào thị trường này với niềm tin trong tương lai không xa, sách điện tử sẽ chiếm lĩnh thị trường, thay thế dần sách giấy. Tuy nhiên, cho đến nay, theo nhận định của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này, thị trường sách điện tử tại VN đang gặp nhiều khó khăn.
 
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật dành riêng cho ebook (quy định tại Chương 5 Luật Xuất bản 2012. Dù vậy, vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp tình hình Việt Nam bởi Luật Xuất bản vẫn chưa đưa ra các biện pháp chế tài đối với ebook lậu.
Bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng bộ phận Sách điện tử, Công ty CP Văn hóa Phương Nam cho biết, khó khăn chính trong việc kinh doanh ebook có bản quyền ở VN là chi phí đầu tư lớn, bao gồm xây dựng ứng dụng (còn gọi là app) để đọc được ebook trên các thiết bị di động; xây dựng công nghệ bảo vệ tác quyền điện tử để đảm bảo những ebook mình làm ra không bị sao chép và chi phí duy trì, nâng cấp, phát triển những nền tảng này thường xuyên và kịp thời. Ngoài ra, còn tốn chi phí không nhỏ để đầu tư sản xuất nội dung, chuyển đổi từ định dạng gốc nhận được từ các NXB, nhà phát hành sang định dạng ebook. “Việc cho ra đời một ebook và xây dựng công cụ để đọc được ebook không hề dễ nhưng việc làm sao bán được ebook đó lại còn khó hơn. Trong đó có nguyên nhân chính là việc tràn lan ebook không bản quyền - ebook lậu trên mạng”, bà Phương cho biết.
 
Là một trong những đơn vị tham gia vào thị trường này đầu tiên, tác giả, dịch giả Nguyễn Minh Tiến, Công ty Văn hóa Hương Trang thẳng thắn: “Công ty chúng tôi đã chú trọng việc khai thác sách điện tử từ rất lâu rồi. Sau khi cân nhắc giữa chi phí đầu tư, duy trì cũng như khoản thu từ bán sách điện tử thì chúng tôi thấy lỗ nhiều nên đã rút lui trước khi một số NXB khác đầu tư vào mảng này. Bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng nếu đi theo cuộc chơi này chỉ từ lỗ đến lỗ mà thôi”.
 
Hướng về văn hóa đọc có sách điện tử
 
Theo khảo sát đưa ra tại hội thảo, có 40% độc giả cho biết thường đọc và mua sách giấy, 10% đọc và mua sách điện tử, 50% độc giả còn lại thích mua và đọc cả sách điện tử lẫn sách in. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sách web NXB Tổng hợp TP.HCM cho biết, thói quen và tâm lý người đọc vẫn chuộng sách giấy hơn ebook, dù giá sách điện tử cùng nội dung chỉ bằng 10-40% sách giấy, thực lòng có thể nói rằng cho đến thời điểm này, sách điện tử mới chỉ là phương tiện kích thích cho sự phát triển của sách giấy hơn là đứng vững và đem lại doanh thu cho NXB. 
 
Theo các đại biểu cũng đồng thời là độc giả của sách điện tử cho biết, sách điện tử bất tiện ở chỗ muốn đọc phải tải app về. Ví dụ mua sách của 10 NXB thì trên thiết bị phải có 10 app khác nhau, rất phức tạp.
 
Dưới góc độ một nhà tâm lý, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh chia sẻ, xu hướng phát triển của sách điện tử là xu hướng không thể cưỡng, tuy nhiên sách điện tử không thể thay thế sách giấy được, mà vấn đề là sẽ song hành. “Tôi cho rằng khi đọc một quyển sách, ngoài nội dung và hình thức thì quan trọng nữa là sự cảm nhận, tôi có cảm giác khi đọc sách điện tử thì rất dễ phân tán, đặc biệt là khi đọc tài liệu dài thì khó khái quát. Đọc sách điện tử thì khả năng muốn đi sâu vào các tình huống, hoàn cảnh, tâm lý nhân vật cũng có vẻ khó hơn… Tới đây việc quan trọng là hướng cho người trẻ quay về văn hóa đọc, trong đó sách điện tử sẽ là phương tiện quảng bá cho sách giấy”, TS Ngọc Anh phân tích.
 
TS tổng hợp (theo baovanhoa.com.vn và nhandan.com.vn)