Hoàng Phủ Ngọc Tường, những mùi hương xa xăm…

08:10, 20/10/2016

Những câu thơ mở đầu "Địa chỉ buồn" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, giống như những mở đầu của nhiều bút ký, tùy bút, nhàn đàm hay thơ của ông, bao giờ cũng bàng bạc mùi hương ký ức xa xăm như thế

“Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm”
 
Những câu thơ mở đầu “Địa chỉ buồn” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, giống như những mở đầu của nhiều bút ký, tùy bút, nhàn đàm hay thơ của ông, bao giờ cũng bàng bạc mùi hương ký ức xa xăm như thế. Đọc Hoàng Phủ, tôi nhận ra mùi hương ấy không chỉ đến trong đêm sâu, nó còn thoảng đến từ sông Hương “ai đã đặt tên” mênh mông, từ rặng núi Bạch Mã ảo ảnh mờ xa, từ những khu vườn um tùm “hoa trái quanh tôi” và cả ngôi nhà cỏ hoang vu “Tuyệt tình cốc” nữa. Nó đến từ không gian trầm mặc của văn hóa Huế mà ông chính là người đã tìm cách lập ngôn cho nó, một cách mẫn cán, ân cần, như một tín đồ tỏ lòng chịu ơn trước cái Đẹp.
 
Những mùi hương hoa cỏ ấy cứ dậy lên trên hàng ngàn trang văn đẹp đầy triết lý và tài hoa đến lạ lùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó chứng thực là mùi hương văn hóa đã ngập tràn trong dòng sông tâm hồn ông, để từ đó bất kỳ trang văn nào của ông cũng sẽ là cánh đồng hạ lưu để chúng chảy tràn bờ cực kỳ lãng mạn. 
 
Những bức chân dung do Trịnh Công Sơn vẽ. Bức chân dung do Đinh Cường vẽ.
                     Những bức chân dung do Trịnh Công Sơn vẽ                          Bức chân dung do Đinh Cường vẽ

Lạ một điều là văn hóa rực rỡ của Huế hàng bao nhiêu năm có những cái đã tưởng như ngủ yên, cho đến khi văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc đến, bỗng nhiên nó cựa mình thức dậy, tỏa mùi thơm ngát. Như trường hợp võ phái Thiếu Lâm Vạn An, trước khi có tạp bút “Võ Kinh”, thì Thiếu Lâm Vạn An cũng chỉ như các võ phái khác của Huế. Nhưng sau khi Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lúc ông vừa ngồi dậy được sau bạo bệnh, Thiếu Lâm Vạn An mới trở nên nổi tiếng, thu hút hàng ngàn người theo học, có cả học trò quốc tế. Đó là một sự PR lạ lùng trong lịch sử võ thuật. Cũng một câu chuyện khác hư hư thực thực. Người ta kể khi viết về ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng trên núi, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tưởng tượng về những chiếc lá ngô đồng bên ngoài cổng chùa tỏa mùi hương trong sương sớm mỗi ban mai, thế là các sư đã trồng trước chùa những cây ngô đồng, để thực chứng mùi hương trong văn chương Hoàng Phủ đã viết là có thật.
 
Ôi những mùi hương của văn chương Hoàng Phủ, sao lãng du thênh thang mà da diết làm vậy.
 
Đó là những mùi hương rất xa của miền cỏ thơm, của mùi thiền rỗng không của nắng vàng trên sông Hương, của mùi mơ hồ, và cả mùi biển dâu cuộc thế… Nhưng dẫu sao đi nữa, thì bao giờ mùi hương ấy cũng đẹp, cũng thơm tho như từ tầng cao thinh không vòi vọi: “Hương tràn vào thành phố như gần như xa, khiến tôi nghĩ rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn Địa Đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới gốc cây đào nở hoa, với mùi hương bát ngát như thể mùi tóc bay trong những chiều gió” (Miền cỏ thơm)…
 
Lạ lùng nhất là những mùi hương của ông, nếu lan tỏa trong đêm thì bao giờ cũng có ánh trăng. Một thứ trăng ngọt lành, thanh trong, trăng vô nhiễm. Mùi hương đầy màu trăng. “Một nét bút kỳ tuyệt của thiên nhiên trên lụa, ấy là vẻ đẹp của hoa mai dưới màu trăng nguyệt bạch” (Mùa xuân thay áo trên cây).
 
Nhưng đến gần, có thể nhận ra những mùi hương rất thực, mùi của lòng trần tục lụy, của trà, của rượu mây, của cả mùi rừng cháy do đốt xác máy bay kiếm nhôm của những bàn tay đói… Nhưng đa phần dậy lên trong không gian của Hoàng là hoa trái, mùi “anh đào nở hoa giữa lau lách, tự nở tự tàn, đẹp như một tâm hồn nhân hậu”, mùi của “lúc có một chiếc mo cau rơi xuống và mùi hương tinh khiết của hoa cau len vào giấc ngủ lúc về sáng, đánh thức trong tôi một nỗi quyến luyến” (Thời ấu thơ xanh biếc); và “Ôi, những kỷ niệm của tôi, sao lại thơm mùi hương sầu đông, lạ thật!”…
 
Nhưng phải đến khi nhà văn nhắc đến mùi hương cỏ, mới thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường cực kỳ có lý khi viết: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ”. Và xa hơn, cỏ cũng mang bóng dáng của Tổ quốc. Mùi hương của hoa ngũ sắc ám ảnh tuổi thơ ông. Thật bất ngờ khi nghe ông lý giải: “Hoa là trí nhớ của đất, và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây cỏ hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi, cây cỏ nhắc lại” (Bông ngũ sắc). Và nữa “Anh hái cho em bông hoa cỏ ở Lạng Sơn... ở đấy tự nghìn năm cỏ hoa đã định hình Tổ quốc” (Ngọn cỏ làm chứng).
 
Cỏ cây đã không quên, cỏ cây đã nhắc lại những điều mà mảnh đất Việt Nam không thể quên. Cũng như ông, làm sao có thể quên những gì mà ông và bạn bè, thế hệ ông đã đi qua.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường và bạn bè của ông: Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Đinh Cường, Bửu Ý, Bửu Chỉ, với tài năng và một hệ thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt, thật sự đã tạc nên một thế hệ vàng cho văn học nghệ thuật xứ Huế.
 
Trong mái tóc những người bạn đó của ông, vẫn còn mùi hương từ tán cây vang tiếng thơ Ngô Kha đêm đêm: “Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng/chung quanh anh phù sa cát đỏ/ anh hỏi thầm về đời mình/ gỗ đá có buồn không?”. Mùi hương ấy vẫn theo ông đến sau này, khi trở lại “Tuyệt tình cốc”, “tình hoa vẫn ấp ủ giùm tôi trong hương phấn riêng, ôi những năm tháng sống say mê và âm ỉ mộng đầy trời”…
 
Trong nhiều bút ký, ông kể trong những năm tao loạn con người không biết sẽ về đâu đó, khi mà đêm đêm người ta vẫn ám ảnh bởi tiếng hót của “con chim chiến tranh” (Oiseau de guere). Thuở ấy, “phi lý” là cõi tư tưởng nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Ý. Trong khi “trách nhiệm” là nguyên lý ứng xử của nhà thơ Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng như ông kể “cả bốn người này luôn luôn gắn bó với nhau trong một không khí gọi là “văn nghệ Huế” (Tuổi đá buồn).
 
Ngày đó, ông và Trịnh cùng bạn bè đã có rất nhiều buổi sinh nhật nơi ban công của Câu lạc bộ Cerle bên bờ sông Hương. Không thể đếm được có bao nhiêu ly rượu sinh nhật uống xong được ném xuống sông, như một nghi lễ chôn cất thêm một tuổi vừa qua đời giữa thế gian. Mùi hương của những ly rượu chìm dưới sông sâu ấy, tôi biết đã không chỉ nằm trong ký ức của ông, mà đã lan tỏa sang những tâm hồn thế hệ sau.
 
Bằng những câu chuyện kể của một người kể chuyện tài hoa, ông nói giùm cho bao nhiêu khuất lấp trong văn hóa Huế, cũng như ông nói giùm cho bao nhiêu điều hay ho khác nữa đang bị loài người lãng quên. Tuổi thơ dế mèn của ông, chén rượu mây trên chốn núi rừng xa khuất của ông, cuộc đời “người ham chơi” của ông, mùi hoa cỏ của ông... tất tật đã làm nên một văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường trong văn chương đậm đà chất Huế.
 
Một Huế khác trong Hoàng Phủ thầm lặng, mà vọng khơi xa, là âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trong rất nhiều trang sách viết về Trịnh, không hiểu sao tôi lại bị ám ảnh bởi một đoạn ông viết trong tuyệt bút “Ngọn núi ảo ảnh”: “Mặt đất bao la - anh em ta về gặp nhau cười như bão cát… Ừ thì về, ừ thì cười, ừ thì cát bụi bay! Niềm vui tới mãnh liệt như cơn lốc, để rồi qua nhanh như cơn lốc, Sơn ạ. Mỗi lần về Sài Gòn, tôi vẫn tới Sơn chơi, khoảng mười giờ sáng, nhà Sơn vắng người. Hai đứa im lặng như Whisky, đọc nhau trên vầng trán hững hờ những nếp nhăn của niềm hy vọng đã cũ. Thôi thế, Sơn ạ.”.
 
Có rất nhiều điều sau cái dấu chấm của “Thôi thế, Sơn ạ.” ấy. Nó khiến tôi đã bỏ sách xuống, lặng người và rưng rức cảm nhận cái “thôi thế” mà tôi biết, phải qua bao dâu bể thăng trầm với tấm lòng bao dung rất mực, mới thốt lên được hai chữ vô thường ấy.
 
Bao nhiêu chiếc ly của những người bạn đã im lặng, đã ném xuống sông Hương? Mùi hương của những giọt rượu năm ấy, sao vẫn còn vương đến giờ? Thế hệ đó, người còn, người vĩnh viễn ra đi. 
 
Chợt nhớ năm nào đó, khi còn trẻ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết “Còn lại mình tôi, đêm nay về nhìn lại sông. Chợt nhiên, tâm hồn tôi trĩu nặng một điều ủy thác, thay mặt bạn bè, kẻ mất người còn để thưa lại với dòng sông một lời thưa rằng: Thưa mẹ, trái tim…” (Hành lang của người và gió)
 
Tôi nghe như thể trong gió bời bời hôm đó, có mùi hương ký ức đẹp đẽ, hào hùng vừa thổi qua đây, gió như là “để gió cuốn đi”…
 
HỒ ÐĂNG THANH NGỌC