"Các bạn hãy đứng lên vai chúng tôi" - đó là lời nhắn nhủ thân tình và trọng thị của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khi ông đứng trước những người viết văn trẻ 8x, 9x tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ IX (Hà Nội, 28 - 29/9/2016).
“Các bạn hãy đứng lên vai chúng tôi” - đó là lời nhắn nhủ thân tình và trọng thị của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khi ông đứng trước những người viết văn trẻ 8x, 9x tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ IX (Hà Nội, 28 - 29/9/2016). Không chỉ riêng nhà thơ Hữu Thỉnh, nhiều nhà văn, nhà thơ khác đánh giá đây là một kì đại hội thành công khi tập hợp được nhiều cá tính sáng tạo và cho thấy một lực lượng kế thừa xứng đáng.
|
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (đội mũ), nhà văn Nguyễn Quang Thiều và các cây viết trẻ |
Tiếng nói bên ngoài trang sách
Dịp để người viết trẻ được thẳng thắn nói lên tiếng nói bên ngoài trang sách là tâm tư mà nhiều người viết trẻ cùng đặt kỳ vọng ở một kì hội nghị. Đó là dịp để những cây viết gặp nhau, chia sẻ với nhau bên ngoài trang viết, ngoài những FB, email. Hơn 100 cây bút trẻ đại diện cho 63 tỉnh, thành đã cùng chia sẻ những điều họ quan tâm về hành trình sáng tạo, xây dựng vốn sống để bồi đắp chất lượng tác phẩm...
Đại biểu Lê Vũ Trường Giang đến từ Huế chia sẻ, điều khó khăn với cây bút trẻ là vốn sống và xây dựng cá tính sáng tạo. Điều này làm nên sự khác nhau giữa người viết này và người viết khác. Để có vốn sống và cá tính phải là quá trình gắn bó nghiêm túc với chữ nghĩa, lao tâm khổ tứ với chữ nghĩa.
Cũng là cách nhìn cần nghiêm túc với nghề viết, đại biểu Nhật Phi của Hà Nội chia sẻ, anh coi viết văn là một trò chơi đòi hỏi sự đầu tư lớn về tinh thần, trí óc. Bởi với anh, đỉnh cao thành công của một trò chơi luôn đòi hỏi sự cực kỳ nghiêm túc. Trung bình mỗi năm người Việt Nam chỉ đọc được vài đầu sách, thì mơ mộng viết được cuốn sách tác động lên đại chúng quả hơi lạc quan quá. Mình thích thì mình viết thôi!
Nhật Phi là tác giả của Người ngủ thuê, giải nhất văn học tuổi 20. Trang viết của anh thể hiện sự sáng tạo và nghiêm túc với nghề, như chính những chia sẻ.
Hãy im lặng vươn mình để thành Phù Đổng
Không chiến thuật, chiêu trò gây “sốc”, từ chối những chủ ý gây tạo ồn ào bên ngoài trang viết, những người viết văn trẻ đang lặng lẽ cần mẫn gieo cấy trên cánh đồng chữ nghĩa. Với sự lựa chọn tâm thế văn chương này, văn trẻ đang đi những bước điềm tĩnh nhưng chắc chắn, không vấp váp, sa ngã, không chệch đường, lạc đường. Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào một mùa văn chương mới - Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa. |
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Văn trẻ, HNV Việt Nam chia sẻ, Thánh Gióng trước khi vươn vai trỗi dậy đánh thắng giặc Ân, có 3 năm im lặng. Nhà văn trẻ hãy học tập tinh thần ấy, miệt mài, âm thầm tạo nội lực vươn lên.
Không riêng nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhiều nhà văn tên tuổi khác có chung đánh giá, những người viết trẻ hiện nay có nhiều điều kiện để quảng bá tên tuổi, tác phẩm của mình nhưng cũng không nên đua theo thị hiếu, số lượng tác phẩm mà quên rằng giá trị chất lượng đáng quan tâm hơn số lượng.
Một trong những nghĩa cử ấn tượng trong hội nghị văn trẻ lần thứ VIII, nhà thơ Phạm Phú Thang từng tham dự hội nghị lần thứ I, năm 1959 trao tặng tấm hình kỷ niệm gần 60 năm trước. Khi ấy những gương mặt thi nhân văn nhân nổi tiếng một thời vẫn còn là những người viết trẻ. Nhà thơ Phạm Phú Thang cho rằng, ông luôn tin vào những người trẻ vì đó chính là đội ngũ kế thừa.
Điều đặc biệt trong hội nghị văn trẻ lần thứ IX này là đội ngũ sáng tác trẻ được coi là phong phú đa dạng về phong cách, chất lượng và chắc tay. Nhiều người viết trẻ đoạt giải cao nhất trong những cuộc thi uy tín trên văn đàn như Nguyễn Thị Kim Hòa (giải nhất truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, giải nhất truyện ngắn do NXB Kim Đồng và Đan Mạch tổ chức), Nhật Phi (giải nhất văn học tuổi 20), Đinh Phương (giải nhì truyện ngắn Văn nghệ Quân đội)…
Hầu hết đại biểu đều công nhận rằng, không có Hội nghị Những người viết văn trẻ thì những cây bút trẻ vẫn cứ viết theo đam mê, bằng nội lực của riêng mình. Đơn giản vì việc của người viết văn là viết. Tuy nhiên, nói như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, không thể phủ nhận vai trò, khả năng “tạo cú hích”, “tiếp lửa” đối với những người viết văn trẻ của những kì hội nghị đã lần lượt diễn ra. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX thành công khi làm tốt nhiệm vụ tạo ra không gian tinh thần rộng mở cho những người viết văn trẻ cả nước quy tụ, gặp gỡ, giao lưu, là dịp để điểm danh, biểu dương lực lượng, xốc lại đội ngũ, là cơ hội để cùng nhìn lại và nhìn về phía trước. Các cây bút trẻ được mạnh dạn cất lên tiếng nói của họ, khát vọng của mình về văn chương, cuộc sống và con người.
Văn học trẻ Tây Nguyên - dòng chảy chậm
Một trong những đại biểu đến từ vùng đất Tây Nguyên, nhà thơ Ngô Thanh Vân (Gia Lai) đã đánh giá rằng, văn học trẻ Tây Nguyên tựa như một mạch ngầm lặng lẽ, như trăm con sông cũng đổ về biển lớn dẫu bằng cách này hay cách khác. Những dòng sông ấy như những mạch ngầm len lỏi vượt qua các chướng ngại vật để trong hành trình ấy, góp thêm một lát cắt vào diện mạo văn học trẻ của nền văn học Việt Nam đương đại Tây Nguyên là vùng đất với địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Thổ nhưỡng vì thế hun đúc những con người tứ xứ lập nghiệp có những cá tính đậm chất Tây Nguyên. Chỉ đáng tiếc một điều, trong văn học của Tây Nguyên nói chung và văn học trẻ Tây Nguyên nói riêng, hiện nay, chất Tây Nguyên đang còn rất mờ nhạt.
Bên cạnh nhiều tác giả đa số là người Kinh, đã có dấu ấn, tác phẩm như Nie Thanh Mai, Ngô Thanh Vân, Miên Di,… gần đây đặc biệt có 4 sự xuất hiện của 4 cây bút trẻ nữ người bản địa H’Siêu Bỹa, H’Xíu Hmok, H’Phila Niê, H’Wêra trong cùng một tập sách “Nhánh cỏ dưới chân Đăm San” - đây là một tín hiệu mừng cho văn học Tây Nguyên. Đa số người viết trẻ ở Tây Nguyên không phải là người dân tộc thiểu số, kèm với việc không am hiểu sâu về phong tục tập quán của các đồng bào sinh sống nơi đây. Có lẽ vì vậy, trong tác phẩm của họ thiếu hẳn hơi thở của màu sắc bản địa. Đây là một phần thiếu sót trong bức tranh văn học Tây Nguyên. Nhưng bên cạnh đó, Văn học trẻ Tây Nguyên cũng có những điều đáng ghi nhận. Sự đam mê và nỗ lực của người viết nếu được ghi nhận thì mới tạo đà, tạo bệ phóng và niềm hưng phấn để họ có niềm tin và tình yêu đối với công việc lao động chữ nghĩa vốn dĩ “cơm áo không đùa với khách thơ”. Với sự góp mặt của hơn ba mươi cây bút rải rác 5 tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là một niềm hy vọng cho văn học ở vùng đất này.
KHÔI NGUYÊN THẢO