Bước đi từ giảng đường thân thuộc, nhiều kĩ sư tâm hồn cũng đã mạnh dạn chọn sáng tác âm nhạc làm hoạt động chính của đời mình, như trường hợp cô giáo Bích Hường (Di Linh) và thầy giáo Hồ Thanh Hùng (Đà Lạt).
Bước đi từ giảng đường thân thuộc, nhiều kĩ sư tâm hồn cũng đã mạnh dạn chọn sáng tác âm nhạc làm hoạt động chính của đời mình, như trường hợp cô giáo Bích Hường (Di Linh) và thầy giáo Hồ Thanh Hùng (Đà Lạt). Hồ Thanh Hùng sinh năm 1965 tại Đà Lạt, trông dáng dấp bề ngoài - thầy giáo kiêm nhạc sĩ này gần giống với một nhà hoạt động kinh doanh hơn. Dưới đây là câu chuyện đối thoại về nghề và nghiệp sáng tác với nhà giáo - nhạc sĩ Hồ Thanh Hùng (Trường THCS Quang Trung - TP Đà Lạt).
|
Nhà giáo - nhạc sĩ Hồ Thanh Hùng đang truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ảnh: M.Lân |
Tháng 1/2014 cùng với Vũ Uy, Cao Nguyên thì anh là người vinh dự được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, con đường đến với âm nhạc của anh đã diễn ra như thế nào, thưa anh?
Vâng, đam mê âm nhạc từ nhỏ, 6 tuổi tôi đã được làm quen với âm nhạc, khi lớn lên tôi theo học Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, sau đó lại được tu nghiệp thêm bốn năm nữa tại Nhạc viện Hà Nội. Mặc dù công việc chính là giáo viên dạy nhạc ở trường phổ thông nhưng đam mê âm nhạc cộng với vốn liếng tích lũy trau dồi được luôn thôi thúc nên tôi đã đến với sáng tác. Tới nay nhẩm tính lại cũng hơn trăm bài rồi, tôi viết về nhiều đề tài: Quê hương đất nước, Trường lớp, Đà Lạt, ca khúc thiếu nhi, ca khúc phổ thơ, sáng tác mang âm hưởng dân ca và cả sáng tác cho giáo đường nữa (vì tôi là một người dân công giáo mà!).
Với tư cách là một thầy giáo dạy nhạc, điều quan tâm nhất của anh trong giáo dục thẩm mĩ thông qua âm nhạc là gì, cũng như anh đã làm gì để tăng cường sự thích thú khi học đối với các em học sinh của mình?
Tôi phụ trách dạy nhạc ở Trường THCS Quang Trung hơn mười mấy năm rồi. Trong quá trình đó các em được học hát, tập đọc nhạc, học âm nhạc thường thức… Ngoài ba phân môn căn bản đó, tôi còn chú ý tìm kiếm một số em có năng khiếu âm nhạc để bồi dưỡng thêm. Đáng mừng là hiện nay đã có một số trường hợp đã trưởng thành trong môi trường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, như: chuyên nghành Piano - Guitar - Sáng tác - Lý luận và chỉ huy âm nhạc tại các nhạc viện. Ví dụ như em Khánh Trân (tốt nghiệp xong Nhạc viện, đã đi làm tại TP Hồ Chí Minh), Hạ Nguyên (đã học Nhạc viện - Khoa Lý luận Sáng tác và Chỉ huy), một học sinh nữa đang chuẩn bị vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh là em Anh Thư (Khoa Lý luận và Chỉ huy). Các em là niềm tự hào và sự kì vọng chung của Đà Lạt - Lâm Đồng trong tương lai gần. Tôi cũng từng tham gia cộng tác ở Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng, dạy theo lời mời của một số trường học trong thành phố, ngoài biên chế dạy học chính thức ở trường Quang Trung, tôi có nhận dạy tại nhà hoặc tại tư gia với phương thức “Một thầy một trò”để dễ đào sâu kĩ năng thực hành cho từng người học.Trong quá trình dạy học, vốn liếng tích lũy được giúp tôi có điều kiện chuẩn bị chu đáo hơn về giáo trình: chẳng hạn với các tiết học hát, ngoài biên soạn kĩ nội dung liên quan, tôi tự tìm tòi và viết thêm một số đoạn intro-gian tấu-inding chọn lọc phù hợp để tăng sự kích thích cho học sinh khi học. Điều cơ bản là phải trình bày để cho các em nghe và cảm nhận trước, một khi đã thích rồi thì các em đi vào nội dung bài học rất dễ dàng. Ở thể loại dân ca cũng vậy, những kiến thức âm nhạc đã được đào tạo và nghiên cứu được tôi vận dụng vào nhằm tăng tính hấp dẫn và hứng thú cho các em, có khi tiết học kết thúc rồi các em vẫn yêu cầu thầy hát và chơi lại thêm một lần nữa rồi mới chịu nghỉ. Đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy tôi tiếp tục…
Có người đã gọi anh là một “KCS” của âm nhạc học đường, thực hư chuyện ví von này ra sao, thưa anh?
Lợi điểm về bằng cấp và công tác dạy học lâu năm, cộng với khả năng chơi tốt nhiều nhạc cụ cũng như kinh nghiệm giảng dạy… nên tôi được cấp quản lí tin tưởng giao phó cho một số công việc như: Đi về một số trường học để thanh tra môn âm nhạc, chấm thi giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, chấm giải pháp hữu ích của giáo viên, chấm các cuộc thi văn nghệ ngành giáo dục… Được Phòng và Sở Giáo dục - đào tạo cử tham gia một số chương trình tập huấn quan trọng hoặc thay mặt tỉnh tham gia một số chương trình mới.
Anh có quan tâm tới việc dạy hợp xướng trong trường học hiện nay không, vì theo nhiều chuyên gia - hợp xướng cũng là hình thức giáo dục thẩm mĩ và thể chất rất tốt giúp học sinh học hỏi tính tập thể cao?
Trước hết, học hát cho đúng sắc thái là một chuyện, nhưng muốn hoàn thiện phải kết hợp động tác (múa, thể hình nâng cao).
Tôi rất thích thể loại hợp xướng được triển khai rộng và thường xuyên trong nhà trường nói chung, nhưng thể loại này đòi hỏi trình độ ở người dạy lẫn người tập (phân bè, tổ chức bè, phối hợp bè…). Tôi đã từng tập hợp xướng cho cả giáo viên và học sinh, nhưng tốn rất nhiều công phu và thời gian, điều kiện hiện nay chưa cho phép chúng ta tổ chức rộng rãi, thường xuyên thể loại này cũng như một số tiết học âm nhạc nâng cao trong từng năm học.
Trở lại câu chuyện về sáng tác âm nhạc: Đà Lạt mưa sương, Làng hoa mến yêu, Bình yên quê mẹ, Hoa quả trái mùa, Đà Lạt vào đông, Trường Quang Trung mến yêu, Đi chơi xuân… là những ca khúc phổ biến của anh. Dù viết về tình yêu, nghề nghiệp hay về quê hương đất nước dường như anh vẫn ổn định ở phong thái chừng mực, nhẹ nhàng và có phần hơi “hiền lành” trong diễn đạt ca từ nữa - phải chăng vì anh vốn là một nhà giáo thuần chất?!
(Cười) Là người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, âm nhạc của tôi cũng như chính con người tôi vậy: chân thành và lắng đọng, tôi chỉ viết những gì mình cảm và mình thích chứ không bị bó buộc hay bị hối thúc. Bạn vừa nhắc tới Hoa quả trái mùa, kì thực nó bắt đầu từ sáng tác tập tễnh ban đầu của một học trò là em Khánh Trân, tôi là người hợp soạn và chỉnh lí, như là một kỉ niệm giữa hai thế hệ thầy và trò, một ca khúc viết về đề tài nhà giáo cũng được nhiều người yêu thích bởi sự dung dị và chân thành. Làng Hoa mến yêu viết riêng cho làng hoa Thái Phiên, khi tôi được tham dự Trại Sáng tác của Hội Nhạc sĩ tại Đà Lạt và được đi thực tế, có đi thì mới thấy, mới hiểu nhiều về cuộc sống nơi đây, ngay cả tên gọi một số loài hoa mình cũng phải học và ghi chép lại để gọi tên cho đúng. Trường Quang Trung mến yêu tôi dành tặng cho thầy và trò ngôi trường mà tôi hằng gắn bó, giai điệu sôi nổi và tự hào đúng với tâm tình của bao thế hệ về một ngôi trường vinh dự mang tên người anh hùng áo vải của dân tộc!
Vậy trong âm nhạc, điều quan trọng nhất với anh là gì?
Đó là sự chân thành và dung dị. Tôi mê dân ca và đặc biệt yêu thích đề tài về quê hương, đất nước, mong muốn được truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh - đó là mục đích lớn của cuộc đời tôi, ngoài việc dạy học. Tôi cũng mong được mang nhiều sáng tác của mình phổ biến và phục vụ rộng rãi hơn đến với cuộc sống!
Trân trọng cám ơn nhà giáo - nhạc sĩ Hồ Thanh Hùng, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kính chúc anh cùng quý thầy cô sức khỏe - hạnh phúc!
MINH LÂN (Thực hiện)