Lão Quang nhìn người đàn ông ăn mặc lịch lãm hồi lâu, rồi đưa mắt quay ra bờ sông. Khuất sau rặng tre, sau những dòng phù sa đục ngầu là ngôi trường THPT cổ kính, nơi một thời lão từng đứng lớp dạy môn toán.
Đang ngồi cặm cụi đan mấy cái rổ, cái rế cho vợ ngày mai mang ra chợ bán, chợt lão Quang giật mình vì tiếng gọi phía sau lưng:
- Thầy ơi! Thầy ơi!
Lão Quang quay lại, nhìn người đàn ông trung niên hồi lâu nhưng vẫn không nhớ:
- Anh là… ai thế? Sao biết tôi từng là thầy giáo?
- Dạ, con là Tuấn, học trò cũ của thầy đây nè!
- Tuấn? Tôi nghỉ dạy lâu rồi nên không nhớ. Anh học khi nào ấy nhỉ?
- Thằng Tuấn lớp 12B2, quậy số một cách đây 20 năm đó thầy.
Lão Quang nhìn người đàn ông ăn mặc lịch lãm hồi lâu, rồi đưa mắt quay ra bờ sông. Khuất sau rặng tre, sau những dòng phù sa đục ngầu là ngôi trường THPT cổ kính, nơi một thời lão từng đứng lớp dạy môn toán. Lần tìm về ký ức mươi giây, chợt lão thốt lên:
- A, thằng Tuấn “ba búa” đây mà! Phải không?
- Dạ, đúng rồi thầy! Thầy còn nhớ biệt danh của em hả thầy?
- Nhớ chứ sao không! Cũng vì chuyện đó mà thầy ngồi đây đan rổ, đan rá nè!
- Thầy… thầy cho con xin lỗi chuyện cũ.
- Người xin lỗi lẽ ra là thầy mới phải! Thầy đã hại em…
Đoạn lão Quang lại nhìn sang kia sông. Hình như lão đang tiếc nuối một thời quá khứ. Rồi như nắng hạn lâu ngày gặp mưa rào, lão bồi hồi nhớ lại chuyện ngày xưa.
|
Minh họa: P.Nhân |
Hồi ấy, thầy Quang là giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2. Lớp quậy nhất trường, khiến ai cũng sợ khi vào lớp giảng dạy. Từ khi thầy lên làm thuyền trưởng, điều hành con tàu 12B2, cả lớp lấy lại trật tự dần dần. Rất nhiều học sinh ngổ ngáo đã trở nên hiền lành, chăm học, đặc biệt là giỏi mấy môn tự nhiên do thầy đảm trách. Duy chỉ có Tuấn, do là cậu ấm con nhà giàu được nuông chiều từ nhỏ nên đâm ra ương bướng. Ngựa non háu đá, Tuấn chẳng sợ ai và chẳng muốn nghe lời ai. Vì vậy mà rất nhiều giáo viên đề nghị thầy Quang cho Tuấn chuyển trường mới để giữ danh tiếng cho trường mình. Khỏi phải nói cũng biết thầy Quang không đồng ý. Thầy vẫn ra sức kèm cặp, uốn nắn Tuấn để Tuấn hoàn thiện bản thân, chăm học.
Nhưng Tuấn đã phụ tình cảm mà thầy dành cho mình. Càng ra sức thuyết phục, dùng chiến thuật mềm dẻo, Tuấn càng làm lừng. Trong sổ điểm của các môn học, tên của Tuấn chi chít toàn những con số dưới trung bình, thậm chí “xơi trứng ngỗng” liên tục. Sổ đầu bài thì lúc nào cũng bị các giáo viên phê mình là: Em Tuấn không tập trung. Em Tuấn cãi lại thầy cô. Em Tuấn gây sự với bạn… Tuy nhiên, theo cách nhìn của thầy Quang, Tuấn đang bộc lộ chiều hướng tích cực nhưng do thích thể hiện cái tôi ra bên ngoài nên có phần bốc đồng.
Một hôm, thầy hiệu trưởng gọi thầy Quang lên bàn bạc:
- Trường chúng ta trước giờ luôn có thành tích tốt, nhận được nhiều bằng khen. Năm nay chúng ta tiếp tục thi đua với nhiều trường khác trong tỉnh. Nhưng với sức học của em Tuấn lớp thầy, tôi nghĩ…
- Ý thầy là Tuấn sẽ làm mất mặt trường mình.
-Thật tình tôi không có ý đó. Nhưng thầy phải hiểu, trường chúng ta không thể rớt thi đua. Xấu hổ lắm đấy!
- Thầy cho tôi thêm thời gian, tôi sẽ huấn luyện em ấy học tốt hơn. Ở cái tuổi dở dở ương ương, bọn trẻ nó hay bướng bỉnh thế. Tôi hứa cuối năm, lớp tôi sẽ đi thi tú tài đầy đủ.
Thầy hiệu trưởng thay đổi sắc mặt:
- Thời gian ư? Tôi đã cho thầy quá nhiều thời gian rồi còn gì! Học kỳ I đã qua, em ấy bị xếp hạng yếu, như vậy còn chưa đủ sao?
- Tôi biết thế, nhưng còn một học kỳ nữa mà, thưa thầy! Mọi sự có thể thay đổi vào giờ chót.
- Không thể đợi “nước đến chân mới nhảy” được. Tôi cho thầy thời gian 3 ngày, nếu không ký giấy cho em ấy nghỉ học, chuyển trường thì tôi không thể nhượng bộ được nữa.
- Chúng ta làm vậy có quá đáng không? Nghề sư phạm là làm dâu trăm họ, tất nhiên có nhiều em khó bảo. Chúng ta cần phải tận dụng sự giáo dục, đạo đức của một người đưa đò để dạy các em nên người, học tốt chứ không phải xô các em yếu kém lụi tàn tri thức.
- Thầy đừng lên lớp dạy tôi! Thời gian 3 ngày, thầy nhớ đấy! Giờ thì thầy có thể về lớp dạy được rồi.
Thầy Quang lủi thủi quay về lớp, lòng buồn rười rượi. Tuấn đang có chiều hướng thay đổi, cần có thêm thời gian nhưng… Lớp học hôm ấy mất sinh động. Môn toán thầy giảng cứ ru ngủ, cả lớp ngáp dài ngáp vắn. Nhiệt huyết của thầy không có trong giáo án. Thầy dạy kiểu buông xuôi.
3 ngày - nó sẽ dài đằng đẵng đối với những ai đang trông ngóng. Nhưng khi lo lắng, nó sẽ đến rất nhanh. Nhanh như cái chớp mắt. Hôm ấy có mặt Tuấn và ba mẹ, thầy hiệu trưởng không ngần ngại tuyên bố lý do cho em Tuấn thôi học. Tờ đơn cho thôi học có chữ ký của thầy Quang. Chữ ký của thầy rất có giá trị trong trường hợp này, hơn cả hiệu trưởng. Bởi thầy là giáo viên chủ nhiệm, theo dõi suốt quá trình học tập của Tuấn. Đọc xong tờ đơn, mẹ Tuấn bức xúc buột miệng nói:
- Các thầy làm ăn gì kỳ vậy? Học trò thì phải có em giỏi em dở. Lẽ ra nhà trường phải chứng tỏ năng lực của mình, biến học sinh yếu thành học sinh khá. Đằng này thấy học lực yếu là đuổi, vậy thôi lên trường chuyên cho rồi.
Thầy hiệu trưởng ra mặt:
- Xin lỗi anh chị, chúng tôi có nguyên tắc riêng. Cháu Tuấn rất ngang bướng, lại lười học, chúng tôi đã cảm hóa rất nhiều lần nhưng không được. Nếu thấy trường nào phù hợp với cháu, anh chị có thể xin chuyển đến. Phía trường tôi làm hết mình để thủ tục rút học bạ nhanh gọn. Ba Tuấn giận quá, lôi con mình về, không quên mắng con một câu:
- Mày nghe chưa, người ta khi dễ mày kìa. Không chịu lo học hành, mà quậy phá suốt ngày. Về nhà chăn trâu đi con.
Tuấn chù ụ ra về, không quên ngoái lại nhìn thầy Quang một cách hờn giận.
Những ngày tiếp theo, thầy Quang không còn tinh thần dạy học. Thầy luôn ám ảnh về chuyện của Tuấn. Thầy nghĩ, làm như vậy là trái đạo đức nghề nghiệp, đánh mất tương lai của một học sinh. Nhưng nếu thầy không làm thì chính thầy là người phải ra đi. Ba mẹ già, vợ và hai con nhỏ cần đồng lương ít ỏi của thầy đã gây nên áp lực. Thầy căng thẳng đến mức đổ bệnh xin nghỉ phép. Và rồi vì lương tâm cắn rứt, thầy quyết định nghỉ dạy. Thầy nghĩ: “Mình đã hại em ấy! Năm nay là kỳ thi tú tài, nếu Tuấn bỏ học, sẽ mất đi tương lai”. Và từ đó thầy không muốn ai gọi mình bằng danh xưng “thầy giáo” nữa. Vì thầy cảm thấy xấu hổ vì điều đó.
Giờ nhớ lại mọi chuyện, lão Quang càng đau lòng hơn:
- Cho thầy xin lỗi vì chuyện cũ.
- Thầy không có lỗi, thưa thầy! Thật ra lúc ấy em cũng tính nghỉ học theo ba mẹ kinh doanh. Nhưng vì giận thầy, em quyết học để khẳng định mình không tệ. Em ra sức học ngày học đêm, thuê gia sư về nhà dạy kèm, thậm chí em dành cả ngày chủ nhật đi chơi để học thêm các môn tự nhiên. Và em đã đậu tú tài, đỗ cả đại học đó thầy.
- Em có chí như vậy thầy rất mừng. Đúng là suy nghĩ của thầy không sai. Vậy bao nhiêu năm qua em làm gì?
- Dạ, giám đốc, thầy ơi! Nối tiếp truyền thống của gia đình em. Cũng nhiều lần về quê, em định ghé thăm thầy nhưng sợ thầy không tiếp. Em đã hiểu mọi chuyện. Vì em mà thầy phải nghỉ dạy cho đến bây giờ. Nếu không nhờ thầy, em nghĩ mình sẽ không có ngày hôm nay. Thầy, cho em xin lỗi thầy lần nữa!
- Thôi, em gác lại quá khứ đi! Thầy không muốn bị ám ảnh. Nhìn em thế này là thầy vui rồi. Cứ tưởng hồi trước em sẽ sa vào ăn chơi rồi phá của gia đình vì nghỉ học đó chớ! Thôi, vào nhà uống với thầy ly trà cho ấm bụng.
- Thầy! Em có chuyện muốn thưa với thầy!
- Chuyện gì, em cứ nói!
- Em thấy thầy còn rất minh mẫn dù đã ở tuổi hưu. Công ty em có một quỹ từ thiện. Em tính dùng số tiền ấy xây một phòng học và mời thầy về dạy thêm toán-lý-hóa cho các em nghèo trong xóm. Đơn giản thôi thầy. Tất cả đều miễn phí, thầy thấy sao?
- Ồ! Thế thì quá hay rồi! Nhưng thầy sợ đảm trách không xuể!
- Thầy có thể tìm thêm một giáo viên trẻ để hỗ trợ. Việc học chỉ diễn ra ban đêm nên em nghĩ họ sẽ rảnh tay. Về phần lương của thầy, phía quỹ từ thiện sẽ chi cho thầy coi như bồi bổ sức khỏe.
- Đừng nhắc chuyện tiền lương với thầy. Thầy nghỉ dạy mấy chục năm cũng đâu có đói. Em biết nghĩ cho thế hệ tương lai là thầy vui rồi. Thôi, vào nhà làm với thầy vài ly, rượu chứ không phải trà nhé! Nay là ngày đặc biệt, 20 tháng 11, thầy mời em!
Hai người khoác vai nhau đi vào nhà. Một đầu bạc, một đầu xanh, đang nghĩ về sự nghiệp “trồng người” ở xóm nghèo này.
Truyện ngắn: ÐẶNG TRUNG THÀNH