Từ tập thơ đầu "Bàn tay năm tháng" in năm 1982, bẵng 15 năm sóng gió đoạn trường mãi đến năm 1997, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Vương Tùng Cương mới tái xuất tập thứ hai "Lửa tầm xuân". Đã gần 35 năm theo đuổi nghiệp thơ, tháng 9/2016, nhà thơ trình làng tập thứ 8 "Lặng lẽ phố sương" (NXB Hội Nhà văn).
|
Bìa tập thơ “Lặng lẽ phố sương” |
Từ tập thơ đầu “Bàn tay năm tháng” in năm 1982, bẵng 15 năm sóng gió đoạn trường mãi đến năm 1997, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Vương Tùng Cương mới tái xuất tập thứ hai “Lửa tầm xuân”. Đã gần 35 năm theo đuổi nghiệp thơ, tháng 9/2016, nhà thơ trình làng tập thứ 8 “Lặng lẽ phố sương” (NXB Hội Nhà văn).
Bạn bè và công chúng thi ca thường gọi Vương Tùng Cương - người con núi rừng Yên Thế là nhà thơ của trung du, của “Làng” bởi hình ảnh và tứ thơ, chất thơ của ông rất giản dị nhưng sâu lắng và không vơi nỗi niềm đau đáu về nhân tình thế thái của ngày hôm qua, ngày nay và ngày mai. Những vần thơ Vương Tùng Cương ngỡ rung lên, ùa đến từ sâu thẳm tình yêu quê hương xứ sở. Năm 2014, trong tập “Gặt với sao mai” - nghe tựa này đã thấy “chân quê” quá rồi, 54 bài thơ đều dành cảm hứng cho xứ Kinh Bắc trữ tình, đậm đặc bản sắc văn hóa truyền thống ngàn năm trầm tích… Có gắn bó, thổn thức với quê hương lắm lắm thì thi sĩ mới có những câu thơ tả nét đẹp bình dị, dân dã và cũng không kém phần hào sảng của một vùng sơn cước:
“Những cơn lốc ngựa hoang cuốn bụi/ nhuộm đường cây, mái phố đỏ lừ/ sực lấm láp những bước chân tứ xứ/ chợ quê nghèo hàng bán có bao nhiêu/ bánh đúc ngô quấy hồng bếp củi/ mẹ quảy sang Ấp Sậu, Đình Vồng/ vẫn sàng bánh thuở tiệc khao Yên Thế/ vọng lời thề lửa cháy non sông” (Phiên chợ heo may)… Trong tập này, bài “Chùa Bổ Đà” được nhà thơ vung bút vẽ ngỡ tâm hồn như bị cuốn theo những câu thơ dung dị - những gam màu trầm ấm:
“Trăm gian chùa ngỡ tầng đá núi/ mây vàng hiển hiện gió nguyên sơ/ suối cát trắng lẩn vào huyền bí/ ngõ dọc ngang thế võ bất ngờ/ trúc dóng hàng mảnh mai tố nữ/ rặng tầm xuân đan mành hoa tím/ bước chập chờn hồn bướm mơ tiên/ tiếng mõ chợt dừng, kinh tụng lỡ/ sư thầy dọn sắn vội sân mưa/ cây gạo trầm tư tay dâng lửa/ hoa như đổ phẩm lối sau chùa”… Tâm tư luôn ấp ủ hình bóng quê hương thế nhưng khoảng 10 năm mặc dù sống say đắm với thành phố ngàn hoa, ngàn thông Đà Lạt, hồn thơ Vương Tùng Cương dường như đã chạm tới độ “chín” của sự trải nghiệm, ông “lặng lẽ” dồn cảm xúc “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cho phần lớn trong 44 bài thơ của tập “Lặng lẽ phố sương”. Tình cảm miên man dành cho Đà Lạt được nhà thơ thể hiện:
“Chỉ thông thôi đủ mộng xanh rồi/ ngàn hoa nữa cầm lòng sao được/ đành vậy nhé nếu em về trước/ thì mình ta ở lại chốn này/ biệt Hà thành ta xanh cùng núi/ lạc suối đàn đá thức sương mơ” (Xanh cùng núi). Trước sắc dã quỳ “vàng đến mê man làm sao ta cưỡng nổi” đã thành biểu tượng, chuyện tình huyền thoại, Vương Tùng Cương trầm tư day dứt mà không sầu mị:
“Bạt ngàn hoa miền hoang thẳm gió/ đầm đìa vàng dát ngợp triền thu/ đẹp lặng lẽ rồi tàn lặng lẽ/ hồn hoa em tỏa ấm chốn sương mù” (Cúc quỳ em). Nhà thơ cũng có tứ thơ “Lửa Cúc quỳ” khá ấn tượng:
“Ngập tràn khung tranh sắc vàng chói lóa/ cả bức toan dở dang cũng vàng dát đầm đìa/ thu cao nguyên cháy bùng theo nét cọ/ em vẽ Cúc quỳ bằng lửa khát bazan”. Đà Lạt khiến say lòng người lữ thứ không chỉ bởi hoa, sương, thông, thác, hồ mà còn bởi tâm hồn người phố núi đôn hậu và phong thái thi vị, tinh tế:
“Em vẽ tranh từ ước nguyện mùa hè/ và thông nữa/ hồn xanh Đà Lạt/… những bức tranh vào khung yên vị/ lung linh vi diệu sắc màu/ khoảng khắc em lặng thầm đứng ngắm/ tranh hóa gương trời/ xanh thẳm hồn em” (Em vẽ). Những người tâm giao được nhà thơ khắc họa
“phút bừng thức/ mắt họa sĩ lênh loang màu trăng dát bạc/ ngôi sao sa cháy đậu tay mình/… người họa sĩ già thổn thức vẽ sao đêm” (Người vẽ hoa đêm), hay một nhạc sĩ
“Huế Sông Hương, những đền đài rêu phong ở lại/ bước phiêu du mang hồn nhạc kinh thành/ nghệ sĩ về Say Trăng Đà Lạt, thương Miền Cỏ Cháy gọi Ngàn Xanh” (Say), hay chân dung nhà văn
“Ba mươi năm mưa nắng cao nguyên nhuộm đẫm anh rồi/ danh lợi đắng đau bạc nhàu sương tóc/ cả nơi đến, nơi đi chẳng tính gì mất được/ trang văn độc hành, độc bộ đường anh” (Là anh), hoặc người bạn là con của rừng
“Nếu thích thì về chơi đi/ người Chu Ru không khéo mời nhưng đợi/ tới Bon mình phải mỏi chân đèo suối/cho mày có thật nhiều thơ” (Bạn Chu Ru)… Và nỗi niềm đau đáu khi tiễn biệt bạn thơ về chốn vĩnh hằng:
“Hà đã đi… không thể nữa rồi/ đừng khóc mãi, xin những người đưa tiễn/ hãy nhẩm đọc thơ Hà/ lặng ngắm áng mây trôi” (Hà ơi). Yêu thiên nhiên, nhà thơ dẫu muộn phiền với cảnh tàn phá rừng nhưng vẫn tỏ lòng đề cao tiết nghĩa “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”:
“Người đốt thông lấy than, xẻ thông làm gỗ/ thông chẳng sao lường trước tuổi đời mình/ hiểm họa rập rình tháng ngày thông vẫn hát/ lũ lượt người về thư giãn dưới gốc thông” (Với thông rừng Tuyền Lâm). Chia sẻ cùng gian khó cao nguyên, Vương Tùng Cương rưng rức ngậm ngùi:
“bốn tháng không mưa đốt thiêu trời đất/ mặt hồ đóng rêu, suối chết/ cạn nguồn sông lười chảy, khép dòng/ trăm mét khoan sâu vẫn không gặp nước/ khát muối/ thay bằng tro đốt rễ tranh/ khát nước/ không gì thay được buôn làng lùa nhau tìm nước” (Tây Nguyên khát)… Từ niềm yêu, men đời say dào dạt ấy nên không lấy ngạc nhiên khi
“Chưa xa sao đã nhớ/ nẻo thông rừng phiêu diêu/ bước chập chờn phố dốc/ lạnh gió sương đường chiều” (Đà Lạt nhớ).
Khép lại tản mạn về người và thơ, xin chép lại tâm sự của Vương Tùng Cương:
“Cây súng ngày nào/ bây giờ cây bút/ trái tim trọng thương bao phen sống chết/ máu lửa thời trai đọng mực những đêm dài/ từng giọt chữ tưới xanh cánh rừng xưa hủy diệt/ thắp hương trầm trước Đồng Lộc ngã ba/ bao phận bạc tìm về ấm áp tin yêu/ người thật người hơn sau đau đắng ưu phiền”! Trên đỉnh chon von Langbian và miền thơ Đà Lạt, nội tâm thi Vương sẽ chinh phục những chặng chót vót mới!
Khuya
Thông ngàn hồ
sóng trăng sương
lấp lay vài giọt
sao vương lửa chài
hình như lửa thức
đợi ai
sào khuya cắm bóng
đêm dài Trương Chi
và em trắc ẩn điều gì
trách nàng hay giận
Trương Chi cắm sào
mà giàn giụa mắt
chiêm bao
nấc lời thổn thức
nghẹn ngào giấc em.
Tự xanh
Rồi tất cả cũng thành ly biệt
cô đơn không đồng nghĩa nỗi buồn
nhận gió sương tự xanh như lá
đến úa vàng thanh thản nhẹ không.
VƯƠNG TÙNG CƯƠNG
|
ÐAN THANH