Vẫn người xưa ấy

08:11, 03/11/2016

Tôi mắc một cái bệnh mãn tính là nghiện chương trình thời sự trên VTV1. Xem buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và cả buổi tối nữa. Có vậy thôi mà cứ nghe đi nghe lại, thường là nằm nghe, không cần nhìn màn hình. 

Tôi mắc một cái bệnh mãn tính là nghiện chương trình thời sự trên VTV1. Xem buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và cả buổi tối nữa. Có vậy thôi mà cứ nghe đi nghe lại, thường là nằm nghe, không cần nhìn màn hình. Vợ tôi đến phát bực, hay là ông yêu mấy cái cô phát thanh viên trẻ đẹp có giọng nói quyến rũ? Bọn trẻ hay lên mạng bảo theo dõi VTV1 khác gì đọc báo Nhân Dân, phải xem tin ngoài luồng kia ông ạ.
 
Thôi thì tôi cứ chung thủy với VTV1. Ừ thì từ sáng đến trưa chẳng ăn ai, chiều muộn rồi, hoàng hôn sắp tắt ngấm rồi nhưng vẫn muốn xem cái con tạo nó xoay vần ra sao. Ngồi một chỗ, người ta đem cả thế giới đến cho mình, không sướng à.
 
Xem ra cái thế giới này chả ngày nào được yên, không chỗ này thì chỗ kia, bất hòa, đụng độ, chiến tranh… dân chúng đến là khổ. Hóa ra ở ta lại ổn định hơn cả, người người lo làm ăn, thỏa sức làm giàu, vui thật. Hiềm một nỗi biến đổi khí hậu đã đến mức khôn lường: hạn hán, bão lũ, sạt lở đất, nước biển dâng, đất ngập mặn… Nhưng đấy là chuyện của trời, bất khả kháng, còn chuyện của ta, do ta cơ.
 
Minh họa: P.NHÂN
Minh họa: P.NHÂN

Vào một buổi tối, VTV1 đưa tin dân Đơn Dương, Lâm Đồng, sữa ăn không hết, tưới cho cây thay phân, thậm chí đổ cả ra đường. Có hình ảnh hẳn hoi, focus đặc tả dòng sữa trắng lấp lánh lấp lánh chảy tràn ra mặt đường!
 
Chết thật, ngày xưa, tôi ốm thập tử nhất sinh mới được bác sỹ kê đơn cho một hộp sữa Ông Thọ, những người bán máu thường xuyên mới được cung cấp mỗi tháng có năm hộp. Bác sỹ nói: “Sữa thay được tất cả, nhưng tất cả không thay thế được sữa”. Cũng chính vì bổ mà sữa khó bảo quản, tôi sẽ về Đơn Dương hướng dẫn những người nuôi bò làm phomat dễ bảo quản hơn, chủ động nguồn hàng chứ cứ để bọn gian thương mặc sức ép giá dân thế này không chịu được!
 
Lại đặt chân lên mảnh đất bazan mềm xốp tươi màu bã trầu mà những người lười nhác không chịu bón phân cây trái vẫn cho thu hoạch. Mấy chục năm trước sao mà khổ thế, đường mòn lầy lội, tay xách đôi dép rọ đứt quai nhấc từng bước chân. Tôi đến nông trường bò sữa lấy nước tiểu bò.
 
Sau chiến tranh cái gì cũng thiếu, để sản xuất thuốc ho Benzo và chất chống mốc cho magi xì dầu người ta phải dùng đến Natribenzoat mà chất tiền sinh ra nó là axit hypuric có trong nước đái bò. Đến chuồng trại thì thấy trống huếch trống hoác, mấy chục con bò sữa đen trắng loang lổ bê bết đất nằm trên nền bùn như giữa ruộng khoai sau thu hoạch. Thế này thì gom thế nào được nước tiểu. Người ta bảo xí nghiệp dược phải đầu tư cho mấy bao xi măng tráng nền. Tất nhiên, để có mấy bao xi măng phải chạy lên chạy xuống, đem giấy giới thiệu đến tận Ty Xây dựng xin xét duyệt, vậy mà nền tráng được mấy bữa đã bị móng bò cày xới thảm hại. Đành đem xô đến hứng nước tiểu từng con một. K’Brit là công nhân người dân tộc K’Ho có sáng kiến rất hay: Sáng sớm dội lên lưng bò một gáo nước lạnh là lập tức nó đái. Thật nực cười mà rồi ngẫm ra người ta cũng vậy, một con tè là cả đàn thi nhau tè theo. Rắc rối đây, không thể dùng một vài cái xô mà hứng được, phải đầu tư thêm 20 cái nữa. Trời ạ, có 20 cái xô nhựa, lúc ấy sao mà nghèo, mà khổ thế. Với bao nhiêu hy vọng quay lại vẫn không được giọt nước đái nào, những chiếc xô nhựa không cánh mà bay, công nhân mượn rồi “quên” đem trả. Đơn giản chỉ có thế, “dự án nước đái bò” không khả thi! 
 
Giờ nghe đâu nông trường giải thể, cổ phần hóa rồi bán cho tư nhân. Nông thôn mới có khác, đường liên thôn, liên xã bê tông hóa hết, xe máy, taxi phóng vù vù. Tôi bảo người lái xe dừng lại cho xem nhà kính khổng lồ ven đường. Bên trong là những luống ớt ngọt thẳng tắp có căng dây nilon, quả xanh quả đỏ bằng nắm tay người lớn treo dọc thân từ dưới lên. Trồng rau công nghệ cao đấy, người lái taxi giải thích và chỉ cho tôi những sợi dây tưới nhỏ giọt vùi dưới mặt luống có phủ ni lông chống cỏ và giữ độ ẩm. Israen đấy, anh ta nói. Không có người trông thế này liệu có mất trộm không? Camera kia kìa, anh không nhìn thấy à? Mà nhà nào chẳng có, lấy làm gì. Xe lướt qua mấy vạt ngô non là một cánh đồng cỏ voi cao lút đầu. Sắp đến gia đình người K’Ho nuôi bò sữa rồi đây.
 
Một lão nông quắc thước, đen như tượng đồng nắm chặt tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi thật lâu khiến tôi bối rối. 
 
- Ông “Nước đái bò”! - Ông ta reo lên.
 
Tôi cười ôm lấy ông:
 
- Bao nhiêu mùa rẫy rồi? 
 
- Nhiều, nhiều lắm không đếm được đâu.
 
Ông chính là K’Brit, người mà tôi nhờ hứng nước đái bò năm xưa.
 
K’Brit bây giờ đại gia rồi, gần trăm con bò sữa, trồng rau hoa công nghệ cao, năm thu hoạch tiền tỷ. Chuồng bò lát loại gạch đặc biệt chịu lực có rãnh thoát nước tiểu. Thấy tôi để ý đến nền nhà anh mủm mỉm cười.
 
- Còn có cả sân chơi cho bò nữa kia kìa.
 
- Sân chơi cho bò?
 
- Chứ sao? Thoải mái nó mới cho nhiều sữa.
 
Đúng là… đến sân chơi cho trẻ con bây giờ nhiều nơi kiếm không ra.
 
Tôi kể chuyện xem tivi thấy bà con ta thiếu đầu ra, sữa phải đổ đi, ông phá lên cười:
 
- Có đâu, mấy người pha phách tùm lum đem bán người ta kiểm nghiệm phát hiện ra từ chối không nhập hàng đổ đi thôi. Giờ hợp đồng rồi, làm gì có chuyện đó.
 
Rời khỏi cái máy thái cỏ, ông chỉ vào đống thùng nồi inox sáng choang:
 
- Giờ vắt sữa bằng máy hết.
 
- Ông có làm phomat không, tôi sẵn sàng dậy miễn phí.
 
- Không được không được!
 
- Sao?
 
- Hợp đồng rồi, phải bảo đảm đúng số lượng, chất lượng sữa. Nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng nông sản thực phẩm sạch, tay tôi nuôi bò mà đâu có được chạm vào sữa. 
 
Lúc K’Brit lắp bốn cái máy hút sữa vào bốn đầu vú vừa mới được tiệt trùng có ống dẫn vào thùng inox tôi mới vỡ lẽ, chẳng những không được chạm tay mà đến nhìn cũng không được nữa. Và cái dự án làm phomat của tôi thất bại nốt. 
 
Tôi nhắc lại chuyện làm ăn với nông trường bò sữa xưa kia, K’Brit cười tặc lưỡi:
 
- Nhà nước mà anh! - Chúng tôi đổi cách xưng hô.
 
- Nhưng nếu các anh không lấy xô nhựa thì đâu đến nỗi.
 
- Cả xi măng nữa chứ. Mang gô cơm đi ăn trưa, về đong đầy xi măng xây cái chuồng heo ở nhà.
 
- Thảo nào…
 
- Chậc! Dân mà anh! - Lại cười.
 
Hai lần thất bại chẳng lần nào giống lần nào. Vẫn con người ấy, vẫn là K’Brit thôi, vô trách nhiệm làm hỏng việc nước. Giờ đây ông lại quá nghiêm khắc trong cái việc của mình, cấm tôi dính vào cái chuỗi sản phẩm sạch của ông. 
 
Ai không muốn sống thật, ngay kẻ lưu manh trộm cướp cũng bắt con học hành, dậy con phải ngoan ngoãn thật thà. Nói đi cũng phải nói lại. Cùng hoàn cảnh có người xấu kẻ không, song cơ chế môi trường cũng góp phần vào đấy. “Con người là tổng hòa của quan hệ xã hội” mà.
 
Lại nói sức khỏe, một đợt gió mùa đông bắc tràn về, trẻ thì ho viêm phế quản, già kêu đau xương nhức khớp, nắng ấm lên thế là hết. Thuốc chữa bệnh cho từng người, khí hậu, thời tiết chữa cho cả cộng đồng. Làm thế nào để có sinh thái tốt không phải lưu manh vẫn có thể tồn tại và sống được bằng lương thiện, thật thà.
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM