Đảo xa trong nỗi nhớ (truyện ngắn)

08:12, 01/12/2016

Đêm Trường Sa Lớn gió lạnh se se. Sóng biển mùa này êm dịu hơn, thỉnh thoảng kéo nhau vào bờ đùa giỡn tạo những cột nước trắng xóa va đập huỳnh huỵch vào ghềnh đá. Trời đầy sao li ti. Xa xa ánh trăng rằm màu ngà soi bóng hai người tạo thành hai vệt xám dài in trên mặt biển. 

Đêm Trường Sa Lớn gió lạnh se se. Sóng biển mùa này êm dịu hơn, thỉnh thoảng kéo nhau vào bờ đùa giỡn tạo những cột nước trắng xóa va đập huỳnh huỵch vào ghềnh đá. Trời đầy sao li ti. Xa xa ánh trăng rằm màu ngà soi bóng hai người tạo thành hai vệt xám dài in trên mặt biển. Những rặng bàng vuông, phong ba sừng sững khua quần quật trong gió biển như muốn sẻ chia câu chuyện đổi trao giữa người con gái vùng quê Quan họ và người lính đảo.
 
Minh họa: P.Nhân
Minh họa: P.Nhân

Những nén nhang trầm cứ cháy rừng rực trong đêm lạnh. Loan bật khóc vì thương nhớ những chiến sỹ Trường Sa đã hy sinh trên đảo. Những con người đã đánh đổi đời mình để giữ yên từng hải lý, từng tấc đất thân yêu của đất nước. Không tính toán vụ lợi, không chùn bước trước bao gian khổ, trong họ chỉ có một lời thề, một niềm tin tất thắng. Họ quá vĩ đại trong cuộc sống hôm nay.
 
- Mai chị vô, đừng có viết cái chuyện buồn tôi kể mấy ngày nay nghe. - Nhân nói thật nhỏ.
 
- Sao anh nói vậy? Bộ… bộ… - Loan thắc mắc.
 
- Hổng có bộ, có ban gì hết. Tại nó vậy nên phải vậy. Đời mà. Mà tôi hỏi câu này chị thiệt lòng trả lời cho tôi biết. Giả sử nhà nước phân công chị ra công tác luôn ở đảo này, chị đi không? - Nhân hỏi.
 
- Thì… thì… tùy tình hình thực tế… rồi tính. - Loan chống chế.
 
- Thấy chưa? Đôi khi văn nghệ sỹ, nhà báo, nhà đài như mấy chị thường ca ngợi tụi tôi lên tuốt mây xanh, nào là hiên ngang đầu sóng ngọn gió, nào là hậu phương luôn nhớ về hải đảo với nỗi thương mến vô cùng, nào là sẵn sàng tiên phong ra đảo công tác để giữ yên bờ cõi… Vậy mà đụng tới ai cũng né tránh hết. Tôi nói có đúng không? Hỏi cho vui chớ tôi biết trước câu trả lời rồi. - Nhân cười khà khà. Cái cười độ lượng mà man mác nỗi buồn.
 
Loan cúi gầm mặt xuống những viên đá to đùng trên bãi biển, như để trốn chạy câu trả lời. Nhân nói đúng. Quá đúng nữa là đằng khác. Người ta - trong đó có Loan - đã dùng biết bao nhiêu từ ngữ đẹp đẽ, mỹ miều để ca ngợi những người lính Trường Sa, nhưng nếu bảo cô cùng rất nhiều người khác đánh đổi đời mình, đổi cuộc sống đủ đầy đang có nơi đất liền với các chiến sĩ nơi đây thì…
 
Chiều nay, đoàn văn nghệ sỹ của Loan chia tay lính đảo Trường Sa Lớn bằng một cuộc liên hoan rất “Trường Sa”. Thịt heo, bánh ngọt, vài con vịt xiêm với chút rượu “Bàu đá”. Ai cũng hát, cũng hò. Ai không hát hò thì vỗ tay hưởng ứng. Lính đảo chơi văn nghệ cũng không thua ai. Chỉ mỗi chuyện nhạc cụ thiếu thốn trăm bề nên tận dụng cả nồi nấu cơm làm trống, đũa, muỗng làm dùi. Hứng chí có người còn lấy mùng mền của lính quấn ngang lưng làm xà rông, nhún nhảy. Vậy mà vui thiệt. Loan nhớ nhất giọng ca ngọt ngào của Nhân với bài hát “Gần Lắm Trường Sa” với những lời bài hát thân thương “… Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.
 
Tiệc tan, từng nhóm người chuyện trò rôm rả bên những đống lửa bập bùng... Những đôi mắt đỏ hoe nhìn nhau im lặng. Nhiều giọt nước mắt của các cô gái trong đoàn đã rưng rức trên khóe mắt chực rơi xuống cát. Loan bất chợt nhìn thấy một đôi mắt đăm chiêu xa xăm thật lạ. Đôi mắt sáng của sự tự tin đến lạ thường. Đôi mắt của Nhân. Loan chợt nhận ra hình như lính đảo này đều khá giống nhau về đôi mắt sáng, làn da ngăm đen, cái giọng nói ồm ồm, rè rè mùi biển và bước đi chắc nịch.
 
Tiếng Nhân kể về đời mình cứ đều đều trong màn đêm đang ập xuống rất nhanh. Anh ra đảo đã bảy năm rồi, về phép hai lần và sắp làm cha.
 
- Ở đảo thèm nhất là món gì? - Loan hỏi.
 
- Đàn bà. - Nhân đáp gọn lỏn.
 
- Đàn bà? 
 
- Thì là đàn bà. Nói chị đừng giận. Bộ chị tưởng lính đảo này mình đồng da sắt trái tim bê tông cốt thép hả. Tụi này cũng biết yêu thương, cũng khao khát một vòng tay phụ nữ mỗi đêm chớ. Nói thiệt nghe. Mơ ước vậy có tội tình gì chớ. Lính đảo này, người nào nói không mơ là “xạo”. Nhiều đêm nằm chiêm bao thấy về đất liền với vợ con. Thức dậy chỉ thấy bốn bề sóng gió. Mộng vỡ tan một cái “bịch”. Hòa cả làng.
 
- Vợ anh sống ra sao? Làm nghề gì? Đã ra đây lần nào chưa?
 
- Làm cô giáo, cùng quê với tôi. Ra đây một lần rồi  thì… - Nói đến đó Nhân chợt im lặng nhìn ra biển đêm với đôi mắt thật buồn, thật xa xăm.
 
- Thì… sao? Anh kể tiếp đi.
 
- Thì kêu tôi “ra quân” về đất liền mà sống, nếu không sẽ “ly dị” tôi luôn. Vợ tôi nói: mắc mớ gì mà ra đây đày ải tấm thân, thiếu thốn trăm bề. Đã vậy phải đương đầu với bão to sóng lớn, rồi còn lo đối phó với cái đám “láng giềng” ngang ngược.
 
- Rồi anh trả lời sao?
 
- Tôi phản đòn liền đại thể là: Ai cũng nghĩ như em thì đất nước này sẽ ra sao? Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh để giữ gìn biển đảo quê hương, anh sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, mong em thông cảm và động viên anh. Thấy tôi nói oai phong lẫm liệt chưa? - Nhân cười hề hề.
 
- Kết quả ra sao? - Loan thúc giục.
 
- Trời đất. “Bà xã” tôi nín thinh cả mấy tháng trời hổng thèm trả lời trả vốn gì hết. Gần Tết tôi mới nhận được thư hồi âm. Trong thư nói “… Lo thì nói vậy chớ có trách móc gì đâu…”. Sướng nhất là cái đoạn tái bút: “… mình sắp có chuột con, chắc là con trai…”. Đêm đó tôi như thằng khùng đi đi, lại lại trên bờ biển rồi cười khà khà làm đơn vị sốt vó tưởng đâu tôi bị lưng tưng, tửng tửng. Vậy là từ đó êm re bà rè luôn.
 
Nhân dẫn Loan đến với ngôi chùa Phật đầu tiên có mặt trên đảo Trường Sa Lớn để nghe tiếng chuông chùa buổi sáng uy thiêng như một lời hiệu triệu giữ lấy cõi bờ.
 
- Chị có tin ma quỷ, thánh thần không? - Nhân hỏi.
 
- Sao anh hỏi vậy?
 
- Tụi tôi hổng tin dị đoan nhưng cứ linh cảm những người đã hy sinh cứ vương vẩn đâu đây, trong gió, trong mây, trong sóng biển ầm ào, trong tiếng chuông ngân mỗi ngày, đâu đây cũng thấy họ. Họ không chết đâu phải không chị?
 
Loan im lặng bước dần ra phía biển. Cây bàng vuông nở hoa tím cả góc trời. Phía sau là bước chân của Nhân đang chậm rãi theo sau. Đúng như Nhân nói: Họ không chết mà bất tử trong tâm hồn đồng đội. Họ là những người mãi mãi nằm lại với Trường Sa để dõi canh biên cương Tổ quốc.
 
Hôm qua, cả đoàn theo lính đảo đến với nhà giàn DK1. Sóng to gió lớn dữ dằn như muốn nhấn chìm, nuốt chửng nhà giàn… Đứng trên nhà giàn Loan khá bất ngờ trước sự bình thản, bình thản đến lạnh lùng của những chiến sỹ nhà giàn khi bên ngoài sóng to tràn đến chỉ còn thấy những khối nước khổng lồ xanh thẫm ập lên không thương tiếc. Nguy hiểm vậy mà họ vẫn cười, nụ cười lính biển rắn rỏi đầy lạc quan. Loan thầm nghĩ chỉ có những con người ý chí bằng thép và lòng yêu quê hương thật sự từ trái tim mình mới đủ sức vượt qua bao giông bão ở Trường Sa.
 
Sáng nay chuẩn bị cho buổi liên hoan chia tay, Loan mới có dịp chứng kiến sự gian khổ của lính đảo để có rau xanh cải thiện bữa ăn và để dành “đãi khách” đất liền. Mỗi luống rau đã thấm đẫm biết bao công sức người lính qua việc chăm chút, cần mẫn, vun trồng.
 
Tiếng còi tàu đã hụ vang báo hiệu giờ chia tay đã đến. Đứng trên lan can boong tàu, Loan đã khóc thật nhiều vì thương người lính đảo. Tàu dần xa. Tiếng Nhân nói vọng theo mồn một, át cả tiếng sóng biển.
 
- Tạm biệt đất liền. Nhớ ra thăm tôi, thăm Trường Sa nghe Loan ơi! Đất liền ơi!
 
Loan bật khóc giữa muôn trùng sóng nước Trường Sa.
 
Truyện ngắn: PHƯƠNG ANH