Hồi ức làng quê

08:12, 08/12/2016

Tôi được sinh ra trong một làng nhỏ ven sông Bùng. Con sông nhỏ đến nỗi không đủ để viết một dòng tên trên tấm bản đồ Tổ quốc.

Tôi được sinh ra trong một làng nhỏ ven sông Bùng. Con sông nhỏ đến nỗi không đủ để viết một dòng tên trên tấm bản đồ Tổ quốc.
 
Ở đời ai cũng có một quê hương nhưng ý nghĩa của quê hương với mỗi người không giống nhau. Làng Thọ Khánh, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là một phần máu thịt của tâm hồn tôi, làm nên phần trữ tình đậm đà nhất trong thơ tôi. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một bài viết đã có nhận xét: “Thơ Phạm Quốc Ca khắc khoải tình yêu quê hương, đồng nội”.
 
Bưởi Diễn vườn nhà. Ảnh: Trường Thi
Bưởi Diễn vườn nhà. Ảnh: Trường Thi

Quê tôi là một làng quê pha phố chợ, có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc-Nam chạy xuyên qua. Đây cũng là nơi xuất phát tỉnh lộ 38 nối với quốc lộ 7 ở Yên Thành để sang Lào. Ngày tôi còn nhỏ sông Bùng chưa bị ngăn đập chống mặn, còn tấp nập trên bến dưới thuyền. Những cánh buồm nâu căng phồng gió qua lại. Những người chân sào chào nhau bằng câu hò, điệu ví... Chợ Sy mười ngày một phiên, người ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và nhiều nơi khác về họp mặt. Đặc biệt, phiên chợ Tết 21 tháng Chạp - “Chợ Sy hai mốt/Con dốt cũng đi” có không khí một ngày hội văn hóa dân gian. Nhớ quê, tôi đã viết những dòng thơ:
 
- Làng tôi xanh dừa, xanh tre 
Nghiêng xuống sông Bùng mảng hồn mát rượi.
 
- Những buổi hoàng hôn
Đàn trâu uống ráng chiều cháy đỏ
Trưa nắng trắng nón người họp chợ
Con đò ngang nằm thở phập phồng...
(Làng trong nỗi nhớ)
 
Diễn Châu là vùng đất cổ, lịch sử danh xưng đã có gần 1.400 năm, đất chật, người đông. Khí hậu Nghệ Tĩnh nhìn chung rất khắc nghiệt, cả cái nóng, cả cái lạnh đều khủng khiếp. Ký ức về làng quê của tôi luôn gắn với hình ảnh thiên nhiên đặc trưng đó:
 
Nhớ trưa tháng Năm phừng phừng nắng lửa
Những đám mây trắng gắt lưng trời
Rặng tre làng hiu hiu xác bạc
Bóng mỏng che người lây lất mồ hôi.
 
Nhớ hun hút những ngày gió bấc
Mưa bay mờ mịt cánh đồng
Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá
Con bò gầy rút từng sợi mùa đông...
(Nhớ quê)
 
Bạn có tin ngày đông lạnh đến nỗi chết cá, chết trâu bò? Ngày hè nắng nam, gió Lào, nóng nổ mắt tre, nóng cong phản gỗ, nhà tre, mái lá cựa mình răng rắc? Cây lúa được gieo cấy trong điều kiện thiên nhiên như vậy từ bao đời:
 
Tháng Năm mùa xuống hạt đồng khô
Thương mầm giống cựa mình trong cát bỏng
Tát nước lên đồng như cho trẻ uống
Ruộng lúa xanh dần
Áo mẹ trắng mồ hôi...
(Hương lúa miền Trung)
 
Có câu thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo’’. Câu này có thể áp dụng trong trường hợp tôi. Tôi chỉ sống một nửa với thế giới hiện thực lúc bấy giờ. Một nửa tâm trí tôi sống trong thế giới mà các nhà văn, nhà thơ đã sáng tạo ra. Đói nghèo chả có mấy ý nghĩa đối với thằng bé luôn chìm đắm trong thế giới văn chương. Chú họ tôi - Phạm Đình Hòa là thầy giáo dạy văn, sau làm Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy, có một tủ sách văn học và tôi là người may mắn được ngốn ngấu tủ sách đó. 
 
Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan đến quê hương khi tôi 13 tuổi. Đó là những năm tháng mịt mù bom pháo. Trường cấp 2 của chúng tôi sơ tán vào làng, rồi phải học ban đêm dưới hầm thùng. Mỗi học trò một ngọn đèn dầu, bọc ánh sáng lại bằng ống bơ, chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ soi trang sách. Buổi học bị cắt ngang, cắt dọc bởi tiếng rít ghê rợn của máy bay phản lực Mỹ ném bom cầu Bùng, tiếng gào rít của pháo từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào và tiếng pháo cao xạ đủ loại của ta bắn trả. Để chống bom bi, không biết từ đâu có sáng kiến sử dụng mũ rơm. Năm 1967, nhà thơ Tố Hữu trong chuyến công tác vào tuyến lửa Khu IV, ghé thăm quê tôi đã nói một cách hình ảnh: “Đúng là Diễn Kỷ đội bom đi học”. Truyền thống hiếu học của người dân trên mảnh đất này có từ xa xưa. Thời Lê có chuyện hai cha con ông Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa cùng đỗ tiến sĩ một khoa. Đời cháu cũng đỗ tiến sĩ. Dân gian có câu đối truyền tụng:
 
Sáng khoai, trưa khoai, chiều khoai, khoai ba bữa 
Ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà 
 
Trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt Trường Phổ thông cấp II xã Diễn Kỷ đã phấn đấu và được công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động Xã hội chủ nghĩa”. Cá nhân tôi là học sinh xuất sắc đạt điểm 5 (điểm 10 ngày nay) ở tất cả các môn học. Riêng môn văn hai lần giải Nhất thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An (1964 và 1970). Năm 1965, tôi có vinh dự lớn được Bác Hồ tặng Giải thưởng. Tự tay Người viết bằng bút mực lên trang đầu cuốn sổ tay rất đẹp dòng chữ: “Giải thưởng của Bác Hồ tặng cháu Phạm Quốc Ca”... Tôi đã run lên vì xúc động, suốt ngày ngắm nghía dòng chữ gầy guộc, thiêng liêng đó. Ngày tôi nhập ngũ thầy Hiệu trưởng Đậu Ngọc Núi đã nói với tôi: “Đây là phần thưởng cao quý của Bác Hồ tặng em, em có quyền giữ cho mình. Nhưng thầy nghĩ nếu em tặng lại nhà trường để đặt ở Phòng Truyền thống thì sẽ có tác dụng lớn trong việc động viên lớp lớp đàn em!”. Là một học sinh ngoan tôi đã nghe lời thầy. Thật tiếc là khi từ chiến trường trở về tôi có hỏi cuốn sổ tay nhưng không ai biết ở đâu. Thật tiếc!
 
 Năm 1970 tôi còn được UBND tỉnh Nghệ An và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. 
 
Trong sự trưởng thành của tôi có tình yêu thương, động viên của các thầy, đặc biệt là thầy Phạm Đạt, thầy giáo - nhà thơ Nguyễn Trọng Bản, thầy Nguyễn Hòe. Thầy Nguyễn Trọng Bản quê ở xã Diễn Hạnh nhưng có thể nói sự nghiệp làm thầy đã hiến dâng cho quê tôi. Tôi còn nhớ năm 1967, để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp 7 tỉnh Nghệ An, thầy đã đưa chúng tôi về nhà để bồi dưỡng kiến thức và... nuôi ăn cả những ngày ấy. Tôi còn nhớ mãi cảm giác tâm hồn đã bị chấn động như thế nào khi được đọc cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân từ tủ sách của thầy. (Ngày đó phải đọc lén, nếu có người biết sẽ bị quy là thưởng thức văn hóa phẩm độc hại). Đây là một cuốn sách đã định hướng đời tôi: Nhất thiết tôi phải trở thành một nhà thơ. Việc tôi trở thành nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là không lạ với các thầy. Các thầy cô giáo kính yêu của tôi chỉ lo lắng không biết tôi có may mắn trở về từ chiến trường không? Sự trưởng thành của anh bạn học Hoàng Kông Tư mới ngoạn mục. Ngày đó ít ai nghĩ sau này anh trở thành PGS-TS, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ Đổi mới, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an). Nhỏ tuổi hơn lứa chúng tôi còn có Thiếu tướng Ngô Sĩ Hiền, Cục trưởng C54 Bộ Công an. Danh sách những người có học vị Tiến sĩ, có quân hàm Đại tá được sinh ra trên mảnh đất nghèo này cũng kha khá. Riêng gia đình tôi đã góp mặt bốn Tiến sĩ (Phạm Đinh Thái, Phạm Quốc Ca, Phạm Tuấn Vũ, Phạm Triều Dương) và một Thạc sĩ đang làm luận văn Tiến sĩ ở Canada (Phạm Quang Huy). Phạm Triều Dương còn giành được Giải Ba Toán Quốc tế.
 
Mừng vì sự trưởng thành của những người con Diễn Kỷ bao nhiêu càng thương xót bấy nhiêu những người đã hy sinh trên các chiến trường, hạnh phúc lứa đôi chưa kịp nếm trải. Đối với những gia đình có người thân hy sinh, cuộc chiến tranh như chưa hề đi qua. Tháng 10 năm 1975 tôi từ miền Nam trở về, cô tôi đã ôm tôi mà khóc nức nở: “Cháu ơi, cháu về đây mà thằng Tường nhà cô không biết đang nằm ở bờ bụi nào, cháu ơi!’’... Anh trai tôi - liệt sĩ Phạm Văn Cừ cũng đã nằm lại rừng Tây Ninh trong một trận chống càn năm 1969, đến nay chưa tìm thấy mộ. Người ta đã giấu mẹ tôi, mãi đến tháng 9 năm 1975 mới báo tử. Mẹ tôi không nguôi thương xót anh. Trong bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” tôi đã đưa vào thơ sự thật đó:
 
Có nhiều đêm mẹ mơ thấy anh về
Ngồi choàng dậy 
Bàng hoàng bật khóc.
Em cứ đợi điều không còn có được
Một đêm kia tiếng gõ cửa
Anh về...
 
Không tìm thấy hài cốt anh ở đâu để đưa về quê hương đắp cho anh nấm mộ, tôi đã tạc cho anh nấm mộ tinh thần. Bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” đã được tặng Giải Nhất Cuộc thi sáng tác đề tài Thương binh, liệt sĩ do Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 1984 và có mặt trong các tuyển tập thơ đề tài này. 
Trở lại với tuổi thơ.
 
Ngày ấy, vì thanh niên đã đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong hết, ở tuổi mười ba, mười bốn chúng tôi đã phải lao động thực sự trên đồng ruộng. Năm 1967 vì thành tích học tập xuất sắc ở tất cả các môn học và hăng hái phục vụ chiến đấu, tôi được thay mặt thiếu nhi toàn huyện tham dự “Đại hội mừng công chống Mỹ, cứu nước” của Huyện đội Diễn Châu. Tôi đã mặc tấm áo rộng thùng thình của người anh trai ra trận để lại, tham dự Đại hội này.
 
Tôi không nhớ rõ đã có mấy chiếc máy bay Mỹ đền tội ở tọa độ lửa Cầu Bùng nhưng không quên chuyện hai dân quân quê tôi là Ngô Gườm, Ngô Ái bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ bằng 6 phát đạn trung liên. Chuyện này đã được ai đó dựng thành hoạt cảnh sân khấu, hồi nhỏ tôi có được xem nhưng không thể nhớ tên tác giả. Hai ông là cựu binh chống Pháp, bây giờ là dân quân chống Mỹ ngay tại quê hương mình. Ngày 3/4/1965, hai người được cử lên Huyện đội nhận khẩu súng trung liên về trực chiến ngoài cánh đồng bắn máy bay Mỹ. Trên đường về gần đến Cầu Bùng một chiếc máy bay phản lực RF 105 bổ nhào xuống để ném bom. Thấy “ngon ăn” quá, Ngô Ái đứng làm giá súng, Ngô Gườm quỳ xuống xiết cò. Có lẽ tên giặc lái trúng đạn nên chiếc máy bay cứ thế mà cắm đầu xuống đất quê tôi, nổ tung như một quả bom lớn. Ngô Gườm xem lại băng đạn. Mới mất có 6 viên! Hoạt cảnh văn nghệ hóa chiến công này không ai còn nhớ nhưng tên hai nông dân áo nâu, chân đất đã vít cổ giặc trời Mỹ thì còn mãi trong trang sử quê hương anh hùng.
 
Lần đầu tiên tôi bắn súng là năm 15 tuổi. Khoảng 9 giờ tối, một chiếc máy bay AD.6 trinh sát Hải quân Mỹ lượn rất thấp, thả pháo sáng để săn tìm xe pháo của ta qua phà Cầu Bùng. Đủ các loại súng phòng không tầm thấp của dân quân bắn lên, vui như nghe pháo tết. Tôi cùng mẹ, chị Hiếu tôi và cháu Xoan mới sinh được hai tháng chui vào căn hầm nổi đầu hè nhà. Sực nhớ anh Cừ tôi đi vắng, khẩu súng Garant còn treo trên vách nhà, tôi chạy vào xách ra, đứng trước cửa hầm, lên đạn, giương súng về phía chiếc máy bay bắn một phát. Mẹ và chị gái tôi bị bất ngờ ngã dúi vào vách hầm. Cháu nhỏ không biết lúc đó ra sao? Tôi bị mẹ mắng vì lo cháu còn sơ sinh bay mất hồn vía. Tôi bị Xã đội trưởng gọi sang nhà. Sau khi biểu dương tinh thần yêu nước, ông phê bình tôi đã làm phí một viên đạn, mà một viên đạn trị giá 3 cân thóc! “Cháu phải biết rằng chỉ 18 tuổi trở lên, được huấn luyện cách bắn máy bay, được giao súng mới có quyền được bắn”.
 
Ôi tuổi thơ của tôi! Sao tôi lại có thể quên tất cả những người thân yêu của mình vì khát vọng lập công như thế kia chứ?
 
Nhưng tôi đã không phải đợi 18 tuổi mới được bắn súng. Ngày 21 tháng tư năm 1970, tôi đã cùng 12 đứa bạn làng tại sân hợp tác xã đồng loạt chữa tuổi từ 17 lên 18 theo gợi ý của cán bộ Xã đội để nhập ngũ. Xã cần thực hiện khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, còn tôi thì hăng hái đi vào chiến tranh với khát vọng âm thầm, lãng mạn là trở thành nhà thơ Quân đội (!).
 
Sau chiến tranh xã Diễn Kỷ quê tôi được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quê tôi có khá nhiều người nổi tiếng, được biết đến trên phạm vi cả nước. Ngô Sĩ Nguyên là một trong số đó. Nguyên là bạn chăn trâu và là em họ phía vợ tôi. Gặp nhau sau giải phóng nhiều lần, có lần còn chung chuyến xe trả phép vào Sài Gòn sau tết, nói đủ thứ chuyện nhưng Nguyên không hề đả động đến chuyện chiếc xe tăng 390 của các anh mới là xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc Lập. Gần đây nhất, nhân Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9, tôi từ Đà Lạt ra Hà Nội có dịp thăm nhà Nguyên. Qua câu chuyện tôi được biết tâm trạng của các anh, của đa số người lính chúng ta và của chính tôi là đánh giặc xong thì về nhà với mẹ, với vợ, với người yêu đang héo mòn vì trông đợi. Tranh công là ở cấp nào kia.
 
Nằm trên quốc lộ 1 huyết mạch vào Nam, có bến phà, nhà ga, có bến trung chuyển hàng hóa, đạn dược... quê tôi trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ và chịu bao đau thương, mất mát… Cùng lớp với tôi đã có các bạn bị bom Mỹ giết hại. Võ Thị Hà bị mảnh bom trúng ngực khi đang ngồi trú ở cửa hầm, phía trong là các em. Cái chết của Hà gây xúc động sâu sắc. Em mới 15 tuổi khi bị cắt đứt ngang kiếp người. Ngô Thị Sâm bị trúng mảnh đạn rocket khi cùng chồng chưa cưới là một chiến sĩ bộ đội địa phương đi mời bà con, bạn bè dự đám cưới sẽ tổ chức hai ngày sau. Vì quá đau khổ, người chồng chưa cưới của em đã tự sát. Tôi đọc thư em trai út (bây giờ là Tiến sĩ Phạm Tuấn Vũ - Đại học Vinh) kể câu chuyện đau thương này khi đang đóng quân trong rừng Minh Hòa (Bình Dương) năm 1973. Lúc ấy là 12 giờ trưa. Một con bướm đen lớn chưa từng thấy bất ngờ hiện ra, nhẹ nhàng đậu lên lá thư tôi đang mở đọc trên tay. Tôi cứ để yên như vậy vì quá kinh ngạc. Khoảng 5 phút sau con bướm đen lớn một cách đáng ngờ ấy mới bay đi.
 
Tôi rùng mình, nổi da gà, nghĩ tới linh hồn người bạn gái hiền lành, ít nói, bẽn lẽn lúc nào cũng mặc đồ đen. Ngày đi học Trung cấp Sư phạm ở Thanh Giang (Thanh Chương, Nghệ An) em đã viết cho tôi một lá thư thổ lộ tình cảm đầu đời. Trong khi đó tôi lại đang mất ngủ vì một hình bóng khác. Nếu có duyên, tôi yêu em sẽ không có việc em đi mời dự đám cưới kia, cũng có nghĩa là em không phải chết. Phải thế không, em ơi!
 
Cái chết của em đã vào thơ tôi trong bài “Vầng trăng giao liên”. Trong bài thơ đó tôi đã để linh hồn người trinh nữ bị bom đạn Mỹ giết hại nhập vào vầng trăng:
 
Đêm lửa hừng mặt trận
Thấp thoáng bóng hình em
Con đường đi tìm giặc
Một vầng trăng giao liên...
 
Đà Lạt, tháng 10/2016
 
PHẠM QUỐC CA