Bài thơ được viết dưới dạng lá thư của người lính biên cương gửi cho người thương vào lúc mùa đông. Vì thế dễ bộc lộ những tâm tình với những cung bậc sắc thái khác nhau: giữa "mùa" và "người", giữa "ấm" và "lạnh", giữa "miền xuôi" và "miền núi".
Thư viết cho em nhòe nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Núi rét đêm qua chừng mất ngủ
Sáng ra thêm bạc một nhành lau
Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng
Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ chảy thành thư
Chắn gió cây run trong rễ tím
Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm
Có hôm đồng đội đi công tác
Nhớ đấy, nhưng mà… thêm lớp chăn
Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản
Ca bát khua cho đỡ bất thường
Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng
Anh bòn không kiếm đủ rau ăn…
Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em…
Mây đến thường rủ anh mơ mộng
Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên.
Mèo Vạc 1982
HỮU THỈNH
LỜI BÌNH:
Bài thơ được viết dưới dạng lá thư của người lính biên cương gửi cho người thương vào lúc mùa đông. Vì thế dễ bộc lộ những tâm tình với những cung bậc sắc thái khác nhau: giữa
“mùa” và
“người”, giữa
“ấm” và
“lạnh”, giữa
“miền xuôi” và
“miền núi”. Chính cái chênh chao này đã tạo ra những cảm giác, những so sánh để tần số
“ăng-ten” nhạy cảm bắt được những tần số sóng yêu thương diệu vợi nhất. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã chọn lọc những chi tiết cụ thể, cô đọng mà có sức gợi, sức lan tỏa dồn nén để lay thức mở ra một trường phấp phỏng của tình cảm được bù đắp chia sẻ sự thiếu hụt…
Mùa đông đã rét - Mùa đông của miền cực bắc đất nước càng lạnh giá hơn nhiều. Chỉ khi viết thư chạm đến bút mực mà “mực đóng thành băng trong ruột bút” chàng thi sĩ người lính này mới nhận ra cái lạnh buốt người khi nỗi xa cách chợt đến, len lỏi lòng mình như: “Phên thưa sương muối cứ bay vào”. Và núi đêm qua mất ngủ (hay người thao thức khó ngủ?). Lại nữa, nhành lau bạc (hay tóc người lính lại thêm sợi bạc), tất cả đều có thể đều vận vào mình. Và sự tương tư hòa đồng giao cảm nương tựa che chắn cho nhau của con người và thiên nhiên thật gắn bó. Nhất là ở vùng đất biên cương phên dậu của đất nước…
Cứ ngỡ như người lính kể những nỗi ám ảnh nhớ thương thường trực. Nhưng không, ở đây là sự
“trải lòng” hay cao hơn là sự
“động lòng”. Có bập bùng ánh lửa khi
“bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ” và
“hơ hoài than đỏ chảy thành thư” - Than hay là sực ấm của tình người nên mỗi dòng thư đều chứa chan chảy xuống trang giấy không chỉ là nét mực nữa mà là bầu máu nóng của con tim. Nhà thơ dùng thủ pháp đặc tả cận cảnh để khắc họa hình ảnh
“cây run trong rễ tím” hay
“hạt ngô cũng co mầm”. Cái màu tím của rễ cây khi bén vào lòng đất đã run lên một sắc tím do giá rét nhưng cũng bền bỉ có cả màu thủy chung trong đó. Mầm cây co lại nhưng chính tình yêu lại tỏa ra, lại sẻ chia, lại đong đầy thắm thiết. Và có nét gì đó thật hóm hỉnh theo kiểu
“chất lính” vừa hồn nhiên ngồ ngộ vừa ngân ngấn bao nỗi lòng:
“Có hôm đồng đội đi công tác/ Nhớ đấy nhưng mà… thêm lớp chăn”. Cái lớp chăn thật cụ thể nhưng đằng sau đó là cả một bề dày của nghĩa cử ân tình. Thư đã thoát ra khỏi thư bởi tâm sự với người thương mà như đang tâm tình với đồng đội. Cái hay của tứ thơ chính là chỗ đó, cứ chồng mờ, cứ thổn thức để rồi thấm thía. Để rồi vang âm lên những náo nức sức trẻ khi
“Ca bát khua cho đỡ bất thường”. Tôi lại bất chợt nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:
“Có chàng lính trẻ mang tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”. Cái chất lạc quan có pha chút tếu táo của người lính đã làm cho mùa đông nơi này bớt lạnh hơn. Và dường như chỉ là cái cớ để người lính tự rộn ràng xích lại gần nhau hơn. Xích lại cả niềm nhớ thương biền biệt xa cách khi có một không khí gia đình, làng xóm bỗng ùa vào đây. Và
“đông” của mùa lại thêm
“đông” của người của cái số đông trong sự sum vầy chia sẻ, để được thèm nghe tiếng người khi
“Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm”…
Hai câu thơ hay nhất, ấn tượng nhất và tài hoa thi sĩ trực cảm nhất vốn là thế mạnh của Hữu Thỉnh khi ông
“chộp” được một ám ảnh bất ngờ:
“Quanh năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em…”. Tôi cứ hình dung ra
“màu con gái” có thể là: màu da, màu áo, màu môi, màu tóc… Nhưng màu lại dậy hương, hương tình, hương sắc, hương ngát… Hương của cả nét đẹp bình dị thôn quê cứ
“lộc cộc” xen vào như tiếng đập dồn của con tim rạo rực:
“Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em” thật là thần thái và diệu vợi biết bao. Phải thật tinh tế, sâu sắc, phải thật thi sĩ Hữu Thỉnh mới có cái liên tưởng thần kỳ ấy. Giữa
“vó ngựa” của người lính biên phòng với tiếng
“guốc em” như là những âm thanh thường trực bao khao khát. Như là một sự bình yên thường trú ngay trong tận sâu thẳm tâm hồn người lính.
Mở đầu bài thơ là ánh lửa bếp của người lính ở biên cương thì kết thúc bài thơ
“khuya đỏ ánh đèn” của người thương xa cách. Gấp trang thư lại với ao ước có chút hương bồ kết, hương của tình yêu thôn quê mộc mạc, chân tình. Đi từ giá băng đến
“mềm” ruột bút, đi từ hương bồ kết đến
“mềm” đá núi là một kiểu
“đi” của thơ. Và chỉ có
“thơ” mới trải lòng thấm thía đến như vậy.
NGUYỄN NGỌC PHÚ