Xóm chân đê

08:12, 15/12/2016

Vừa xuống sân bay chị liền gọi taxi ra bến xe. Chuyến xe lèo tèo vài khách, một mình hai ghế, chị ngả lưng gối đầu lên ba lô, người mềm nhũn như cọng bún mà không tài nào chợp mắt nổi. Trong lòng cứ rấm rứt, cồn cào. 

Vừa xuống sân bay chị liền gọi taxi ra bến xe. Chuyến xe lèo tèo vài khách, một mình hai ghế, chị ngả lưng gối đầu lên ba lô, người mềm nhũn như cọng bún mà không tài nào chợp mắt nổi. Trong lòng cứ rấm rứt, cồn cào. Chắc giờ này mẹ đang sắt lát sắn phơi khô để dành lót dạ mùa giáp hạt, bố rít điếu cày sòng sọc đánh cờ một mình, còn con bé đang đan áo cho búp bê, à mà, năm nay nó lên lớp 9 rồi chắc chẳng chơi búp bê nữa. Chị cứ miên man vẽ lên tâm trí những bình yên ngày xưa ấy. Chị dí sát mũi vào mặt kính khi đồng ruộng vàng mỡ màng, khói tím xôn xao vỗ vào mái ngói xỉn màu như răng mẹ ăn trầu lững lờ trôi qua. Trước những điều thân thuộc con người ta bỗng hóa trẻ thơ. 
 
Minh họa: H.Toàn
Minh họa: H.Toàn

Xe khách chạy đến đầu làng, chị xuống đi bộ. Cởi đôi giày cao gót giẫm chân trần trên lô nhô sỏi đá. Năm năm chị xa quê, con đường sống trâu vẫn cần mẫn gánh hai hàng bạch đàn vút gió trườn mình bên mương nước tím lục bình. Tuổi già khêu rêu mốc loang lổ từng viên gạch, cổng làng vẫn hào phóng đôi vai để cây đa lụy vào qua giông bão. Cứ mỗi bước là chị nghe sỏi đá dưới chân gọi về cả một trời ký ức. Hương của mùa màng quền quện mùi ngai ngái của bùn đất thơm đến chín cả lòng. Chị hít lấy hít để như đứa trẻ khát sữa gặp bầu vú mẹ. Chị đứng chôn chân trên triền cỏ thoai thoải, ánh mắt lạc giữa thảm lúa vàng xuộm, gió luồn tung mớ tóc ngang lưng. Chị cứ ngỡ mình là cô gái mười sáu năm nào tay khư khư mảnh giấy vẽ đầy trái tim, đứng đợi chàng trai lớp bên. Chàng trai ấy sau này là chồng chị. Ngày đó, người ta rỉ tai nhau câu chuyện tình yêu cổ tích của hoa khôi trường, gia đình thuộc loại có tấm có món trong làng và chàng trai cụt một tay, mồ côi mẹ sống với cha trong căn chòi dưới chân đê. Có người trầm trồ, có người đổ tại thần Cupid ham chơi bắn nhầm mũi tên. Chị như con thiêu thân và tình yêu như bóng đèn, bỏ đằng sau giọt nước mắt của mẹ, lời mắng chửi của bố. Học hết cấp 3, chị đòi sống đòi chết lấy anh. Thương con, bố mẹ nhắm mắt đưa chân. Đám cưới rộn ràng. Cái xóm nhỏ chân đê này chỉ chực đám cưới mới ồn ã vài hôm rồi lại chìm nghỉm trong tĩnh mịch. Anh về ở rể nhà chị. Vốn là người có tiếng nói trong làng trong xã, bố chị xin cho anh chân văn thư trong ủy ban. Chị ở nhà chăm đàn lợn nái với mấy sào ruộng. Âu đó cũng là cuộc sống đáng mơ ước của bao đứa con gái sinh ra từ gốc rạ bùn tanh như chị. Ngặt một nỗi kể từ khi chị sinh đứa con gái đầu lòng, anh trở chứng. Anh ủ đời mình trong men rượu. Nhiều lần chẳng biết anh say hay mượn rượu chỉ thẳng vào mặt chị: “Mày khinh tao, cả nhà mày khinh tao, cả cái làng này khinh tao là một thằng ở rể... nhục, nhục như chó chui gầm chạn,... Ừ, mà có sai li nào... - anh ngửa cổ lên trần nhà mà cười khằng khặc - ... đã què quặt lại chẳng có nổi một miếng đất cắm dùi, đến nửa đồng mua rượu còn phải ngửa tay xin...”. Chị khóc rưng rức chắp tay xin anh nhỏ tiếng sợ bố mẹ thức giấc. Chị thương nhiều hơn là giận. Từ khi lọt lòng, số phận đã bỏ quên anh ở chân đê hoang gió xa kia. Với cánh đàn ông sĩ diện còn lớn hơn cả trời. Những lúc vợ chồng thân mật, chị rủ rỉ khuyên răn, anh chỉ ậm ừ cho có.
 
Chị xin bố mẹ cho hai vợ chồng dọn ra ở riêng. Mỗi lần về thăm nhà, chị mặc áo dài che vết bầm trên bắp tay, chị nói dối ngã xe trầy đầu gối, chị bấm môi dằn cơn đau bụng trong bữa cơm, cú đá của anh đêm qua còn in hằn vết giày,... “Đấy là rượu hành chứ nào đâu phải anh” - chị vẫn thường tự nhủ thế. Chị chịu đựng không hẳn vì yêu - cái tình yêu tuổi hai mươi sáu không giống như tình yêu mười sáu - mà bởi một chữ thương. Đến chặng nào đó trên đường tình, chữ thương sẽ nặng hơn chữ yêu. Chị chịu đựng vì đứa con gái thấy bóng anh liêu xiêu đổ đầu ngõ là bi bô “bố... bố!”. Chị chịu đựng vì tuổi xế chiều của bố mẹ ngắn ngủi lắm, không thể bị xáo động thêm một lần nào nữa. Chị chịu đựng cũng vì chính chị nữa. Đã một thời chuyện tình của anh chị được đám bạn học ví von xa xôi là chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung, chị không muốn muối mặt với chúng, với người làng người xã. Chị khô rạc không đủ sữa, con phải bú sữa ngoài. Mẹ gặng hỏi, chị cười xòa: “Chồng con... anh ấy chăm con lắm!”. Lúc ấy chị chỉ muốn sà vào lòng mẹ khóc cho nước mắt gột hết buồn đau nhưng chị không thể. Giá như mình được làm trẻ con thêm lần nữa, vui thì cười buồn thì khóc. 
 
Cái ngày vợ chồng chị ra tòa, xóm chân đê lại được dịp xôn xao. Người ta bàn ra tán vào, người bĩu môi: “Con bé đấy đẹp mơn mởn thế, nào nó chịu chôn thân với thằng cụt tay!”. Kẻ liếc ngang liếc dọc thì thọt: “Nghe đâu nó tòm tem với thằng kỹ sư nông nghiệp trên tỉnh về...”. Người gật gù: “À, ra thế, giai phố to cao vạm vỡ, trắng trẻo gái nào chẳng xin chết”... Thấy chị, họ cấu hông nhau tản ra. Chị đem con về nhà mẹ. Thỉnh thoảng chị sắp cơm canh vào cặp lồng sai đứa con gái mang sang nhà hay len lén lúc anh lên xã tạt qua quét quáy, giặt giũ. Những lần anh bò ra khỏi cơn ốm mê man thấy một tờ giấy to đoàng dán trên cửa tủ: Bịch thuốc ở đầu giường chia làm 6 liều uống trong vòng 2 ngày, sau ăn, nồi cháo em đặt sẵn trên bếp, anh hâm lại cho nóng.
 
Anh bỏ việc ở xã, cả ngày bù khú với đám bạn nhậu, có lần người ta phải khiêng anh cùng chiếc xe đạp từ đường cái về nhà. Họ bảo anh ra nông nỗi này là tại chị. Cánh cửa cổng nhà mẹ đóng im ỉm, bố không đi chơi cầu lông ở sân nhà văn hóa xã mỗi chiều, mẹ chẳng sang hàng xóm ăn trầu, con đến trường ngơ ngác giữa ngổn ngang ánh nhìn thương hại, lời gièm pha đục khoét cả giấc ngủ của chị. Gửi cháu lại nhờ ông bà chăm nom, chị đi xuất khẩu lao động. Bẵng năm năm trời, xóm chân đê đón chị trở về bằng nồng nàn nắng tím hoàng hôn.
 
Gặp chị, mấy tốp người vác cuốc đi làm đồng về xì xèo, dăm cô gánh nước giếng làng cười chào như có lệ, đám trẻ con chơi bắn bi, ném lon ngước lên trô trố mắt nhìn. Đâu rồi cảm giác gần gũi mà chị trằn trọc tưởng tượng suốt cả tháng trời trước ngày về. Chị thấy lạc nhịp giữa chính mảnh đất mình sinh ra. Chị rảo bước trên con ngõ mảnh khảnh nép vào thành tre rậm rạp dẫn đến chiếc cổng tán, đứa con gái chạy ra đón. Nhìn thấy con, môi chị run run hai hàm răng va vào nhau lập cập, gai ốc nổi từng chập từng chập. Đứa bé lên chín lên mười nước mắt nước mũi nhoe nhoét nhòe nhoẹt ôm ghì con gấu bông xỉn màu cháo lòng dưới gốc xoài đầu ngõ ngóng theo bóng chị giờ đã lớn vổng thành thiếu nữ. Mái tóc thề giống chị hồi đó, đôi mắt sóng sánh buồn giống chị, làn da bánh mật giống chị, ngón tay búp măng cũng giống chị,... Năm năm qua, trong chị, hình ảnh con gái chắp nối bằng những cuộc điện thoại chớp nhoáng. Chị cứ nghĩ nó sẽ ùa ra nhảy cẫng, ôm siết lấy, hôn lên má, lên trán, lên cổ, hay òa khóc ướt vai áo. Nhưng không, nó đỡ chiếc ba lô nặng trĩu trên vai chị rồi rót đầy cốc nước chè xanh sóng sánh, khói chon von miệng cốc, bưng cho chị. Chị gọi điện báo trước cả tháng, chị hỏi nó thích quà gì? Nó bảo không, ở nhà cái gì cũng có cả. Nó đã lớn hay còn giận chị không về để tang bố nó. Khi chị đi được hơn ba năm thì anh mất. Anh say rượu rồi ngã xuống vuông tôm chết trong đêm. Chị chỉ nghe được có thế từ cuộc điện thoại của mẹ, gió phập phùng bên tai. Chị thấy buốt xoáy vào trong óc, lê chân lùi lại dựa vào tường, khó thở đến bợt bạt mặt mày. Chị không thể về, số tiền đền hợp đồng quá lớn biết xoay xở thế nào nơi đất khách quê người. Đã vậy, tiền lương ba năm qua cũng bị chủ ghim lại một nửa cho đến hết hợp đồng. Chị thường mơ thấy anh, anh khóc như trẻ con trách chị cạn tình. Chị vùng dậy giữa đêm lang thang ngoài ban công đến sáng.
 
Chị nhấp một ngụm nước chè xanh, cả khoang miệng phủ chát đắng để rồi nơi cuống họng vị ngọt mênh mang. Ngước mắt lên bàn thờ, anh cười với chị qua dập dìu khói trắng. Chắc con bé vừa thắp nhang để thưa với bố nó rằng chị về. Con bé bảo từ trưa, tí tí bà lại lật đật chạy sang hỏi mẹ về chưa. Vừa nhắc đã thấy bóng ông bà chân thấp chân cao, chị luýnh quýnh chạy ra mừng mừng tủi tủi. Vai mẹ còng hơn và chân bố run hơn. Bố khoát khoát tay cười khà khà: “Thằng Sơn con bác cả chạy công nông qua í ới bảo mày về”. Mẹ gục đầu vào vai chị khóc nấc lên, một tay mẹ siết lấy cổ tay, một tay vỗ vỗ lưng chị.
 
Đêm đó, con bé vòng tay ôm chị và khẽ hỏi: “Lần này về, mẹ có đi nữa không?”. Chị lắc đầu: “Không, mẹ ở nhà với con!”. Ánh trăng rung rinh ngoài cửa sổ, ánh trăng rung rinh trong mắt con.
 
Truyện ngắn: ÐÀO MẠNH LONG