Đêm Đam Rông…"chạm mặt trời"

08:01, 12/01/2017

Tôi mượn ý nhạc phẩm "Phía ấy chạm mặt trời" của nhạc sĩ Đình Nghĩ - tiết mục mở màn đêm lưu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng ở huyện Đam Rông những ngày cuối năm làm tiêu đề. Những hạt sương li ti rây ánh đèn vàng của thành phố Đà Lạt lúc Đoàn trở về đã quá 24 giờ khuya lạnh, "mặt trời" ấy vẫn lâng lâng…

Tôi mượn ý nhạc phẩm “Phía ấy chạm mặt trời” của nhạc sĩ (NS) Đình Nghĩ - tiết mục mở màn đêm lưu diễn của Đoàn Ca múa nhạc (CMN) Lâm Đồng ở huyện Đam Rông những ngày cuối năm làm tiêu đề. Những hạt sương li ti rây ánh đèn vàng của thành phố Đà Lạt lúc Đoàn trở về đã quá 24 giờ khuya lạnh, “mặt trời” ấy vẫn lâng lâng…
 
Tiết dân ca dân vũ dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: M.Đạo
Tiết mục dân ca dân vũ dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: M.Đạo

Của hiếm vùng sâu
 
Những ngày cuối năm 2016, huyện Đam Rông tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm 12 năm thành lập (30/12/2004 - 30/12/2016); chương trình biểu diễn nghệ thuật là điểm nhấn chào mừng ngày lễ trọng đại và đón chào năm mới. Rộn ràng, sắc cờ phần phật trong gió lộng hòa cùng những giai điệu âm nhạc từng bừng… Thưởng thức đêm diễn tại thị trấn, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trong huyện và đây là đêm diễn thứ 4 của Đoàn phục vụ công chúng huyện Đam Rông. Trước đó, Đoàn diễn tại các xã Phi Liêng, Đạ R’Sal và Đạ Tông. Phó Chủ tịch UBND huyện Liêng Hót Ha Hai phát biểu: “Đêm văn nghệ chào mừng kỷ niệm 12 năm ngày thành lập huyện là dịp để chúng ta được gặp gỡ, trao đổi, cùng nhau thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó. Đây cũng là lúc chúng ta quên đi những nhọc nhằn, vất vả sau một năm tích cực trong lao động sản xuất để hòa mình vào không khí vui vẻ, phấn khởi đón chào năm mới; được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ diễn viên của Đoàn CMN tỉnh và Trung tâm VH-TDTT huyện phối hợp thực hiện”.
 
Anh Bùi Tiến Viết - Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Đam Rông cho tôi biết: Hằng ngày, vì là vùng sâu vùng rất xa như các xã của huyện Đam Rông thì bà con chủ yếu tiếp xúc với âm nhạc qua ti vi thôi, còn bây giờ họ được xem trực tiếp trên sân khấu như thế này rất hào hứng. Mỗi năm cũng có vài ba đoàn nghệ thuật nơi khác vào, nhưng không có quy mô như Đoàn CMN Lâm Đồng và họ bán vé, do đó thu hút người xem rất hạn chế. 
 
Còn anh Nguyễn Đình Vỹ - phụ trách chương trình của Đoàn cho biết: Chương trình năm nay xây dựng gồm gần 20 tiết mục, chia làm 3 phần: âm hưởng dân tộc Tây Nguyên, tuổi trẻ và mùa Xuân. Là những tiết mục cũ nhưng được đầu tư hoàn toàn mới bằng phối khí lại, màu rất khác trước. Các anh chị công phu dàn dựng và luyện tập từ tháng 5 năm trước mới có một chương trình lưu diễn đầy đặn với hơn 30 nhạc công, ca sĩ…
 
Từng cụm người dân dắt díu bồng bế trẻ em háo hức xem. Trò chuyện với cặp vợ chồng Đỗ Văn Thiện ở thôn 6, thị trấn Bằng Lăng, anh Thiện người miền Bắc vào Đam Rông 17 năm nay chia sẻ: “Hiếm có lắm. Nhân ngày thành lập huyện mới có được đêm diễn chất lượng, lại không mất tiền thế này đấy. Thật là ý nghĩa”. Mấy bạn thanh niên đến từ thôn 1 tấm tắc khen ngợi với tôi về chất lượng của đêm diễn. “Chúng cháu rất vui. Được nghe và xem nhạc sống ai cũng rạo rực. Bốc lửa lắm chú!”, Ka Lan cười nói. 
 
Không yêu nghề không thể làm được
 
Diễn vùng sâu, thiếu nhiều điều kiện, các thao tác phải năng động và linh hoạt “dã chiến”. Ví dụ chiếc xe không chỉ là phương tiện chở người, mà là “phòng đa chức năng”: truyền thông, thay đổi trang phục, trang điểm và nghỉ ngơi… của diễn viên. Nhưng cảm xúc chung của các diễn viên đều háo hức, phấn chấn. Lần đầu tham gia cùng Đoàn với tư cách cộng tác viên, cũng lần đầu bước chân đến vùng đất Đam Rông, sinh viên âm nhạc năm thứ 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trần Vinh Quang 20 tuổi bộc bạch: “Thật sự là sung sướng, khi được cống hiến vùng sâu, vùng xa, khi nghe tiếng vỗ tay của khán giả, họ đón nhận rất nồng nhiệt, hồ hởi và máu lửa lắm. Lại được học hỏi từ các cô chú, anh em nhiều về vốn sống, vốn biểu diễn, được gắn bó với nhau bằng ngôn ngữ âm nhạc. Khi mà đã sướng với đam mê âm nhạc thì gian khổ không là cái gì cả”. Lần này, Quang trình bày các ca khúc “Phía ấy chạm mặt trời”, “Cung đàn mùa xuân” và bài Rock của nước ngoài. Còn MơBon NicSam - người dân tộc K’Ho Cill, 28 tuổi, đến từ Đức Trọng, diễn viên đội múa 2 năm nay, và là năm thứ 2 đến Đam Rông. NicSam nói: “Trải nghiệm vùng sâu và phục vụ, bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Đồng bào tiếp xúc rất vui và chia sẻ cởi mở với anh em trong Đoàn, nhất là những tiết mục về bản sắc văn hóa Tây Nguyên”. Cô tham gia tiết mục “Tiếng chày trên nương” và “Phía ấy chạm mặt trời”... 
 
Qua giới thiệu của trưởng Đoàn NS Đình Nghĩ, tôi còn gặp 2 nữ diễn viên vốn là sinh viên ngoại đạo: Lê Thị Hải Yến, 28 tuổi, nhà ở Đắc Lắk, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Đại học Đà Lạt năm 2013 và Roja NaiNhi, 26 tuổi, người huyện Đơn Dương, tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học Cao đẳng Sư phạm năm 2012. Cả hai đều là diễn viên múa giỏi của Đoàn 5 năm nay. Trước đó, Hải Yến làm cho một công ty rồi ngân hàng, còn NaiNhi có một thời gian đứng bục giảng dạy học. Cơ duyên 2 cô trở thành diễn viên trước hết là tình yêu nghệ thuật đam mê; rồi thử việc, học hỏi, khổ luyện thành tài. Hải Yến nói: “Đi diễn được gần quần chúng, làm việc có ích, trong khi họ làm việc nặng nhọc. Vui lắm”. NaiNhi kể: “Diễn ở thành phố người ta không nhiệt tình xem như ở đây, đồng bào xem đến phút cuối mới về. Vui và cảm động lắm, tiếp xúc bà con ai cũng thân thiện”. Để trang trải thêm cuộc sống, lúc rảnh rỗi, các cô đều tranh thủ tham gia các sự kiện văn hóa giải trí ngoài Đoàn ở thành phố Đà Lạt… 
 
NS Đình Nghĩ vui kể: “Đấy, anh thấy đấy, Đoàn có đến khoảng 30% diễn viên học ngành nghề khác rồi được tuyển chọn, đào tạo; vừa thực tế vừa biểu diễn, giờ thì thành chuyên nghiệp rồi. Nhưng trước hết, cá nhân họ phải thực sự yêu quý nghệ thuật biểu diễn rồi mới vượt được những trở ngại từ khách quan”. 20 năm trước, tôi cũng đi cùng Đoàn của anh lưu diễn vùng huyện Cát Tiên, nên tôi hỏi trưởng đoàn Đình Nghĩ: “So với hồi đó anh thấy bây giờ thế nào về trang thiết bị?”. Anh nói ngay: “Giờ thì trang thiết bị tương đối hơn rồi. Ví dụ, dàn loa bát, loa trung, vài ngàn người nghe được; dàn nhạc đàn organ khá hiện đại, dàn trống và đặc biệt dàn tín hiệu thu phát âm thanh…”. Dĩ nhiên mức độ đi vùng sâu, vùng xa như vậy là khá. Vẫn còn đó những khó khăn về chế độ bồi dưỡng, nhưng khó từ chính sách nhà nước. Chủ yếu anh em tự lo ăn, lo ngủ khi lưu diễn, lắm lúc cũng vạ vật… “Không yêu nghề không thể làm được. Cũng là dấn thân, một cuộc chơi mà…”. NS Đình Nghĩ chia sẻ với tôi, tôi hiểu, cũng là liệu pháp giúp anh đeo bám, chống chèo Đoàn CMN Lâm Đồng suốt 37 năm với vai trò trưởng đoàn; và đồng thời, giúp anh gặt hái hàng chục giải thưởng quốc gia về sáng tác âm nhạc. 
 
Đêm nghệ thuật Đam Rông đã “chạm mặt trời” bởi sức nóng ấm, sự lan tỏa trong cộng đồng. Ở đó, còn cả những đồng vọng của sự hùng vĩ Mẹ Thiên nhiên. Sâu lắng, dư ba, và ngọt ngào theo tôi về phố thị trong đêm sâu… 
 
MINH ÐẠO