Dưới thời tiết lạnh giá của đêm Ðà Lạt, ở quảng trường, từng nhóm khách từ mọi miền của đất nước vẫn chăm chú thưởng thức từng tiết mục đặc sắc mang âm hưởng Acoustic đến từ các bạn trẻ - những người "nghệ sĩ đường phố" ở Ðà Lạt.
Dưới thời tiết lạnh giá của đêm Ðà Lạt, ở quảng trường, từng nhóm khách từ mọi miền của đất nước vẫn chăm chú thưởng thức từng tiết mục đặc sắc mang âm hưởng Acoustic đến từ các bạn trẻ - những người “nghệ sĩ đường phố” ở Ðà Lạt.
|
Hạnh phúc của những người trẻ khi được sống trọn với đam mê. Ảnh: Steven Nguyễn |
Tiếp nối âm nhạc phòng trà - không gian văn hóa rất thịnh của người Đà Lạt những năm 60 - 90 của thế kỷ trước, những quán cà phê Acoustic ra đời để đáp ứng nhu cầu âm nhạc của giới trẻ. Tuy nhiên, cũng là Acoustic, nhưng nhiều người lại chọn cho mình một không gian thoáng hơn, mở hơn, để tâm hồn được “phiêu” theo từng giai điệu ngân nga cùng với đam mê của người biểu diễn. Từng giai điệu Acoustic nhẹ nhàng, cất lên từ những người trẻ tuổi, có khi sâu lắng, chút bồng bột, vội vàng, đôi khi đứt quãng bởi những lần sai nhịp. Nhưng rồi cứ thế, nhóm bạn trẻ “du ca” nơi đây, như đang thêm một “gia vị” để níu chân khách thập phương tới thành phố ngàn hoa.
“Ngồi bệt dưới nền, nhâm nhi ly cà phê nóng, thưởng thức cái lạnh và âm nhạc đường phố. Chẳng hiểu sao đơn giản vậy mà cũng có thể khiến người ta nao lòng và quyến luyến. Họ hát mộc mạc và chân chất. Chắc không riêng mình cảm nhận như vậy đâu. Mong các bạn hãy mãi như vậy, giản đơn mà thắm đượm cái tình sâu sắc. Lại có thêm một địa điểm để giới thiệu với bạn bè về chuyến đi này rồi” - Đó là cái cách mà Phạm Thiên Bình (Đà Nẵng) ngang qua Quảng trường thưởng thức và cảm nhận.
Phan Quốc Linh (SN 1990), một trong các “nghệ sĩ” ở đây vẫn chẳng thể quên được cái cảm giác ngày đầu “đi hát”. Vào những ngày cuối năm 2015, một chàng trai với công việc và thu nhập khá ổn định, quyết định bỏ ngang tất cả, đi “hát rong” ở chợ, ở quảng trường mỗi khi màn đêm buông xuống. Hỏi nguyên nhân, cậu cười và bảo rất nhẹ: Mình mê hát, vậy thôi!
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, ở bất cứ nơi đâu chúng ta đều có một chương trình “ca nhạc theo yêu cầu” bên cạnh. Ấy vậy mà mỗi đêm, các thành viên trong nhóm Du ca của Hữu Quốc, Quốc Linh có hàng chục khán giả gửi gắm những yêu cầu khác nhau. Chính điều này khiến cho mỗi người trong số họ phải luôn làm mới các ca khúc và thể loại âm nhạc của chính mình để phục vụ khách bốn phương.
Buồn vui với “nghề” này, Quốc Linh cũng không giấu nổi xúc động khi nhắc lại: “Mình ra đây hát, một phần vì nhiều người muốn nghe mình hát, phần lớn là mình muốn được hát. Những hôm sương gió lạnh, khách không có nhiều, nhưng chỉ cần có người nghe là tụi mình vẫn sẽ hát. Có ngày hát nhiều quá, tối đến đau họng không nói được nhưng lại chạy ra ngoài mua mấy liều thuốc uống cho đỡ rồi lại hát tiếp. Cũng được mấy tháng rồi, nhiều hôm nhìn thấy khán giả toàn những người quen, kể cả những người ở Sài Gòn, Nha Trang quay trở lại đây du lịch, vẫn ghé thăm Du ca. Cũng chẳng biết có thể hát như thế này được đến bao giờ, nhưng cứ hát đi đã”.
Lưu lại Đà Lạt gần 1 tuần, Đoàn Thị Thu Trang - cô gái trẻ đến từ Quảng Bình ở lại quảng trường đến gần 11h mỗi đêm. Trang bị cuốn hút bởi màn trình diễn sâu lắng của các chàng trai. Trang cảm nhận: “Mình đã nghĩ là một thành phố du lịch thì con người Đà Lạt cũng sẽ bị cuốn vào guồng quay hối hả của cuộc sống, kiểu như lúc nào cũng cảm giác vội vã. Vậy mà hoàn toàn ngược lại. Nghe các bạn hát mà lòng nhẹ nhõm lắm, còn cảm thấy ấm áp nữa. Thật sự cảm ơn các bạn đã làm mình yêu Đà Lạt hơn. Hy vọng lần tới quay lại vẫn còn các bạn ở đó”.
Để có thể duy trì nhóm hát hàng đêm, những chàng trai này còn có thêm 1 xe bán cà phê di động phục vụ những khách có nhu cầu thưởng thức những ly cà phê, ly trà ấm nóng. Còn ban ngày thì mỗi người một công việc, để đảm bảo có thời gian hàng đêm phục vụ khán giả. Kể từ lúc bắt đầu đến nay, hầu như chẳng khi nào người ta không thấy Du ca ở Quảng trường, trừ những ngày mưa lớn.
HỒNG THẮM