Ánh mắt rạng ngời, giọng nói hồ hởi,… Chiều đã tắt nắng, nhưng những câu chuyện của người cựu chiến binh Vũ Văn Đương (phường 8, TP Đà Lạt) vẫn được nối dài, những câu chuyện thú vị của cuộc đời ông giữa không gian của tiếng đàn ghi-ta, đàn bầu thánh thót.
Ánh mắt rạng ngời, giọng nói hồ hởi,… Chiều đã tắt nắng, nhưng những câu chuyện của người cựu chiến binh Vũ Văn Đương (phường 8, TP Đà Lạt) vẫn được nối dài, những câu chuyện thú vị của cuộc đời ông giữa không gian của tiếng đàn ghi-ta, đàn bầu thánh thót. Với niềm say mê đối với âm nhạc - ông đã lựa chọn gắn bó với nó từ những tháng năm gian khổ trên mặt trận cho đến tận bây giờ.
|
Với người cựu chiến binh Vũ Văn Đương, âm nhạc đã trở thành duyên nợ. Ảnh: V.Quỳnh |
Âm nhạc là duyên, là nợ
Ông đã nói như vậy, khi bảo rằng “Âm nhạc với mình là người yêu, người tình. Lỡ yêu say đắm rồi nên không bao giờ bỏ được”.
Với ông, mỗi sự kiện đưa đời ông đến gần hơn với âm nhạc đều là một dấu ấn khó quên. Sinh năm 1954 tại tỉnh Hưng Yên, cậu bé Vũ Văn Đương từ nhỏ đã có niềm yêu thích đặc biệt với tiếng đàn bầu và sớm bộc lộ năng khiếu văn chương khi năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi môn Văn. Vậy là sau mỗi buổi học, thay vì cùng bạn bè trang lứa đá bóng, đá cầu, Vũ Văn Đương lại ở nhà, mày mò cách đánh đàn và tự tập luyện. Những lúc đóng cửa trong nhà, tự tập đánh những giai điệu rời rạc ban đầu, cậu bé nhỏ tuổi lúc đó không hề nghĩ sẽ có một ngày, mình có đủ tự tin, và đủ vinh dự mang tiếng đàn biểu diễn trên sân khấu để nhiều người cùng nghe.
Năm tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Vũ Văn Đương lên đường nhập ngũ, cây đàn bầu được bỏ lại ở góc nhà. Vào mùa thu năm 1974, Sư đoàn QK5 mở chiến dịch giải phóng Nông Sơn, Tiên Phước và hàng loạt cứ điểm dọc con sông Thu Bồn, Vũ Văn Đương được điều về đơn vị trinh sát C21, E38, F2 và được cử lên chốt trực đài quan sát. Một hôm chuẩn bị đến ngày giỗ của mẹ, lòng ông đau đáu nỗi nhớ mẹ, nhớ quê, chỉ biết viết thơ cho nguôi nỗi da diết trong lòng:
“Trông hướng Bắc cố nhớ ra hình mẹ
Không nhớ rõ rồi, Đương nhỉ?
Chỉ thấy rừng cây bên lán
Lán đã mờ đi
Chỉ thấy bên con những người đồng chí
Đi xa quê sống chết cùng nhau”
Không ngờ rằng, bài thơ hôm ấy lại lọt vào tai của trợ lý tuyên huấn trung đoàn. Vậy là ông được điều về làm báo tường cho Trung đoàn. Tại đây, một dịp tình cờ mà tài năng đánh đàn bầu của ông được các anh em đồng chí phát hiện, vậy là đời lính của ông gắn với cây đàn bầu từ đó.
“Tham gia vào đội tuyên văn, nhìn những nhạc cụ mà các anh tự sáng tạo, làm ra mới biết bộ đội mình yêu văn nghệ biết nhường nào. Mới biết các anh khéo léo, thông minh, sáng tạo. Chả thế mà một chương trình hội diễn cấp sư đoàn mà các anh xây dựng chương trình có đủ các thể loại: Ca múa, nhạc kịch, tự sáng tác cả chèo, ca cảnh,... Càng khâm phục các anh bao nhiêu lại càng thương vì sự thiếu thốn phương tiện hoạt động, các anh em lại càng cố gắng bấy nhiêu.”- ông đã luôn nhớ về một thời tuổi trẻ đẹp đẽ của mình gắn với những hình ảnh thân thương như vậy.
Lần đầu tiên ông biểu diễn bài “Vì miền Nam” trên sân khấu lớn, trước hàng trăm người trong trung đoàn (bài này lúc đó đang rất nổi tiếng, do nghệ sĩ Mạnh Thắng độc tấu đàn bầu trên đài phát thanh), thì cái tên “Mạnh Đương” gắn với ông từ đó.
Mỗi sáng tác là một kỷ niệm của đồng đội
Hòa bình lập lại, ông lập gia đình, rồi tham gia công tác ở nhiều đơn vị. Ngỡ như những tất bật, lo toan của cơm áo gạo tiền sẽ chôn vùi niềm say mê với âm nhạc một thời của người lính. Vậy nhưng, ông vẫn nặng lòng như thể mất đi một phần quan trọng của cuộc đời. Vậy là năm 1994, ông quyết định bỏ hết những công việc, lo toan, bộn bề để lập nên ban nhạc dân tộc Xuân Hương, quy tụ những con người có tài mà ông yêu mến. Tiếng đàn tranh, đàn sáo, đàn bầu lại có dịp vang lên bởi những con người đam mê và nặng lòng với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Hơn 15 năm hoạt động, từ những ngày đầu ông tự bỏ tiền ra để trang trải chi phí biểu diễn, đến những tháng ngày biểu diễn liên tục từ điểm du lịch này đến điểm du lịch khác, điều khiến ông Đương hạnh phúc nhất là “May mà không làm gì có lỗi với cây đàn bầu. Nếu bỏ quên nó trong một xó nào đó để chạy theo cuộc sống, chắc tôi sẽ day dứt cả một đời”.
Chiến tranh đã kết thúc, nhưng những câu chuyện của đời lính vẫn luôn “sống” trong lòng người cựu chiến binh này, với những kỷ niệm không thể nào quên về những người đồng đội, đồng chí. Những da diết đó, ông gom hết vào những vở kịch tự mình sáng tác. Mỗi vở kịch đều dựa trên một câu chuyện có thật trong những tháng năm chiến đấu của ông. Nếu như “Chú ấy là ân nhân” là câu chuyện về một kỷ niệm của chính bản thân ông trong một đợt càn quét của địch tại cầu Bà Rén (Quảng Nam), thì “Bài ca đã thành kỷ niệm” lại là câu chuyện của 2 người đồng đội của ông, là người yêu của nhau, cùng hi sinh vì bị trúng đạn khi đang cùng nhau biểu diễn trên sân khấu tiểu đoàn 5. Những vở kịch cảm động này đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng mang đi biểu diễn và dự thi và đoạt giải cao tại các liên hoan. Mới đây nhất, câu chuyện về lá thư của người đồng đội nhờ ông gửi cho bạn gái trước lúc hi sinh, cũng được đưa vào bài hát “Kỷ vật thiêng liêng”, tha thiết và day dứt...
Gian nhà nhỏ giữa phường 8 của ông, giờ đây lúc nào cũng thánh thót tiếng đàn bầu, và khắp nơi treo nhạc cụ, treo những bức ảnh biểu diễn một thời. Một tuần 3 buổi, ông lại đến nhà văn hóa phường, tập hát, tập kịch cho các cô chú trong CLB dân ca Nghệ Tĩnh ở đây. Những buổi tập đó, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười xen trong tiếng nhạc.
VIỆT QUỲNH