Phiên tòa về một mũi tiêm

08:01, 19/01/2017

Có một thời thèm cả miếng thịt gà. Mà sao miếng thịt ngày ấy nó thơm ngon thế, nó dai dai, ngầy ngậy, đậm đà, gây ấn tượng thưởng thức khó quên. Giờ thì dửng dưng, dự tiệc cưới đĩa thịt gà còn lại nhiều nhất, lắm khi chẳng ai đụng đũa. Vì mức sống cao hơn, được ăn thường xuyên nên ngán chăng, hay miếng thịt ngày ấy nó khác miếng thịt bây giờ? Có lẽ là cả hai.

Có một thời thèm cả miếng thịt gà. Mà sao miếng thịt ngày ấy nó thơm ngon thế, nó dai dai, ngầy ngậy, đậm đà, gây ấn tượng thưởng thức khó quên. Giờ thì dửng dưng, dự tiệc cưới đĩa thịt gà còn lại nhiều nhất, lắm khi chẳng ai đụng đũa. Vì mức sống cao hơn, được ăn thường xuyên nên ngán chăng, hay miếng thịt ngày ấy nó khác miếng thịt bây giờ? Có lẽ là cả hai. Ngày xưa nhà nào cũng nuôi gà mà vẫn hiếm thịt gà. Thịt con gà là một sự kiện, đãi khách quý hay giỗ tết gì đó. Nhiều nhà nuôi mấy con gà chờ tết. Ác cái giáp tết khó tránh khỏi một đợt rét, con nào con nấy lử đử lừ đừ, lần lượt rũ xuống theo nhau quay ra chết. Ăn gà rù, gà toi toàn những xương, nhạt thếch và hơi... ngài ngại. Nhưng mà tiếc của, biết làm sao. Thời đó nghe nói ở phương Tây bọn tư bản chôn hàng vạn con gà để giữ giá cứ lấy làm lạ, giờ ở ta cũng vậy, có dịch cúm gà ai dám ăn gà rù gà chết, chạm tay vào còn ghê nữa là. Lại nghe nói H1N3, H5N1... mà sợ.
 
Vừa cho gà ăn bà vừa nghĩ miên man. Hàng ngày tự tay bới giun cho gà, nhìn chú gà choai choai tham ăn vớ được con giun chạy vội ra chỗ vắng, ngửa cổ sốc là một cái thú thư giãn. Ngọn gió vô tình thổi lông gà bay lên cùng những chiếc lá khô rơi lả tả. Cái lạnh đã tràn về, cái lạnh của những ngày áp tết như muốn đếm tuổi người già, khiến người ta nghĩ về quá khứ.
 
Minh họa: H.Toàn
Minh họa: H.Toàn

Hồi chiến tranh ở cứ bà còn rất trẻ, mới mười sáu tuổi làm y tá kiêm văn thư đánh máy cho cơ quan. Giữa rừng sâu, một mình con gái trong tập thể toàn nam khó tránh khỏi chuyện nọ chuyện kia. Thủ trưởng tuổi bốn mươi, bằng tuổi con trai bà bây giờ nhưng sao lúc đó bà thấy ông ta già đến thế. Quan hệ nam nữ là chuyện tày đình thuộc phạm trù đạo đức chứ đâu thoáng như bây giờ. Chỉ một đụng chạm có phần khiếm nhã mà ông đã bị bà lên án đến không dám ngẩng mặt lên nữa. Trong lễ kỷ niệm 22/12 của Hội Cựu Chiến binh vừa rồi, bà cố tình lướt qua trước mặt ông nhưng ông làm như không hay biết. Và giờ thì ông mù thật sau một cơn tai biến, các cháu ông bảo thế. Có lẽ đây là cơ hội cuối cùng để bà chuộc lại lỗi lầm. Bà đến, xách theo con gà béo nhất.
 
Mấy hôm sau có tin đồn ầm lên một vụ sát hại trả thù. Nghe đâu từ thời chiến tranh hai người đã có xích mích vì một chuyện nam nữ gì đó. Giữa dịch cúm gà H5N1, bà ta tiêm ngay cho ông một mũi máu gà! Người đâu mà dã man, miệng lưỡi thế gian đủ điều thêu dệt. Ai đó đã đâm đơn kiện và hôm nay bà đứng trước vành móng ngựa.
 
Vị đại diện Viện Kiểm sát kết thúc bản cáo trạng bằng những lời như đinh đóng cột:
 
- ... Vì hiềm khích cá nhân trong quá khứ bị cáo đã tiêm máu gà rù cho bệnh nhân!
 
- Tôi phản đối! - Bà giẫy nẩy.
 
- Tòa chưa hỏi, bị cáo chưa được phép trình bày.
 
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhắc và quay sang ghế nhân chứng. Nhân chứng thứ nhất là một cháu nhỏ, cháu nội của người bị hại đứng lên:
 
- Bà ấy cầm bơm tiêm rút máu từ cánh gà bơm vào tay ông cháu. Chúng cháu đang chơi ở ngoài sân, nhìn qua cửa sổ thấy rất rõ.
 
- Có đúng bà tiêm máu gà cho bệnh nhân không?
 
- Đúng. Nhưng không phải gà rù.
 
Nhân chứng thứ hai là bà già hàng xóm của nạn nhân:
 
- Thưa quý tòa, tôi cả đời sống bằng nghề buôn gà. Cái đầu nó rũ xuống mềm oặt như thế mà bảo là gà khỏe à?
 
- Kể cả gà khỏe cũng không được. Đến người truyền cho người cũng phải thử xem có hợp nhóm máu không. Bị cáo cho biết gà thuộc nhóm máu nào?
 
- Nhóm máu O! 
 
Cả hội trường phì cười. Luật sư biện hộ đứng lên xin phép cho thân chủ được trình bày kỹ hơn.
 
Bà kể rành rẽ:
 
Năm 1972, chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt, tôi là y tá chiến trường có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo. Một hôm trên đưa xuống tài liệu hướng dẫn dùng máu gà chữa bệnh. Mười hai năm trước tôi có in bài hồi ký Cựu Chiến binh có đoạn: “Để có máu gà tốt phải chọn gà tơ khỏe mạnh, làm chuồng cao cách mặt đất hơn 1 m. Cho gà ăn uống đầy đủ. Với điều kiện chiến trường lương thực còn thiếu thốn nên phải vào rừng đào ụ mối, nhặt những con mối chưa có càng, đào trùn (giun đất), đào dế cho gà ăn. Phải chắt chiu nuôi nó đến hai, ba tháng mới lấy được máu, nhưng cũng chỉ đủ cung cấp cho một số cán bộ mà thôi... Mỗi lần chỉ rút 10 - 20ml máu một con. Có con sau khi hút máu xỉu luôn, tội lắm (!). Con gà mà bà hàng xóm nhìn thấy là sau khi bị hút máu tôi đem về.
 
Luật sư luận tội:
 
- Bà nói chỉ cán bộ lãnh đạo mới được tiêm. Cán bộ lãnh đạo là những ai?
 
Nhiều! Bà nêu tên từng người, toàn những vị lão thành, cán bộ cốp đã nghỉ hưu hoặc mới qua đời mà nhắc đến ở đây ai cũng biết. Một ông lão ngồi ở hàng ghế cuối tự ý giơ tay đứng lên: “Chính tôi được cô ấy tiêm cho 5 lần!”.
 
- Anh Sáu! Anh Sáu! - Bà reo lên, quên cả mình đang đứng trước vành móng ngựa.
 
Mọi người nhìn nhau. Thì ra là chuyện có thật. Hội trường xử án bỗng trở nên nhốn nháo. Chủ tọa cho phép nghỉ mấy phút xuống cuối hội trường bắt tay ông già ban nãy bằng cả hai tay, khom người nghe ông ta nói cái gì đó, đầu gật lia lịa.
 
Một hồi chuông reng reng, ai nấy vào chỗ của mình. Chủ tọa hỏi ai có ý kiến gì không, vị đại diện Viện Kiểm sát lại đứng lên:
 
- Mặc dù chưa xảy ra chuyện gì nhưng đấy là ăn may, đứng ở góc độ khoa học chúng ta không thể chấp nhận cái bài thuốc lang băm như vậy được. Tin vào một tờ giấy vu vơ trên đưa xuống.
 
- Ngày xưa nói “trên” là người ta tin tưởng. Bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, bảo thắng là thắng. Sao lại có chuyện nghi ngờ. - Bị cáo bình tĩnh trả lời.
 
- Về cơ sở khoa học tôi thấy chưa thuyết phục. - Đại diện Viện Kiểm sát ngồi xuống.
 
Hội thẩm nhân dân là cán bộ y tế về hưu có ý kiến:
 
- Vừa rồi tôi có đọc được một bài viết của tác giả Nguyễn Văn Nghiệp trên tạp chí Cây thuốc quý nhan đề là: “Tôi tin máu gà chữa được bệnh”. Trang 26, số 37 có nhắc lại mấy dòng trong hồi ký của bác sĩ Trần Nam Tiến như sau: 
 
“Nhân một chuyến anh Thạch (bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế) đi Trung Quốc có anh Lý Ban - Thứ trưởng Bộ Ngoại thương cùng đi, tôi được anh Thạch cử đi tháp tùng... Đến Bệnh viện Trung tâm Bắc Kinh một cảnh đập vào mắt tôi là hàng người dài đến hơn 1 km xếp hàng đôi trước cửa một khoa của bệnh viện, mỗi người có một con gà kẹp ở nách đợi đến lượt chữa bệnh bằng máu gà...”. Phương pháp này tồn tại trong dân gian Trung Quốc đã 4.000 năm, chữa được đến 130 loại bệnh và Bộ Y tế Trung Quốc (lúc đó gọi là Bộ Vệ sinh) coi là phương pháp tuyệt mật của quốc gia.
 
- Nhưng ở ta, Bộ Y tế có văn bản chính thức nào cho phép sử dụng không? - Một luật sư lên tiếng.
 
- Đúng là chưa. - Hội thẩm nhân dân thừa nhận. -  Nhưng năm 1967, căn cứ vào thực tế điều trị, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đồng ý cho nghiên cứu sử dụng và đã dùng cho 5.000 bệnh nhân, kết quả điều trị tốt, không gặp một tai biến nào.
 
- Thế còn bây giờ?
 
- Giờ thì ở Trung Quốc và ta đều không dùng bài thuốc này.
 
- Vì sao vậy?
 
- Cái đó tôi không được biết.
 
Đại diện Viện Kiểm sát nhếch mép cười sau câu trả lời này.
 
Không ai còn ý kiến gì nữa, chủ tọa hạ giọng:
 
- Đời sống trong chiến tranh là không bình thường. Trong hoàn cảnh không bình thường thì cách giải quyết cũng không bình thường. Dùng lưỡi lê cắt cánh tay bị thương lủng lẳng có không? - Có. Dùng cưa thợ mộc cưa chân đồng đội có không? - Có. Lấy nước dừa truyền cho thương binh mất máu có không? - Có. Nhưng ngày nay trong hòa bình, sang thế kỷ 21 rồi, ta có đầy đủ thuốc men phòng và chữa bệnh thì tiêm máu gà là bất hợp pháp. Yêu cầu tất cả đứng lên. Tòa tuyên án!
 
Bà choàng dậy, sờ trán toát mồ hôi hột. Tiếng chuông điện thoại di động ở đầu giường réo gọi. Ai gọi bà vào giờ này? Một giờ đêm chắc có chuyện chẳng lành. Tiếng bệnh nhân thều thào: “Cám ơn cô! Tôi đã tỉnh, cử động được, còn nhìn thì... hơi mờ”.
 
Hú vía! Chẳng may mà ông lão cứ thế lịm đi thì chết. Chú Hai ơi, chú cứu cháu rồi. Ngày xưa ở chiến trường cháu không sao túm được con gà vì chuồng quá sâu. Chú lùa tay vào giúp lại nắm luôn bàn tay cháu. “Cảnh cáo chú Hai!”. Cháu đã làm chú sợ và rồi từ chối tiêm máu gà với lý do nhường cho các đồng chí khác từng kinh qua hai cuộc kháng chiến. Thương quá chú ơi! Đây là mũi tiêm máu gà cuối cùng của một nữ y tá chiến trường. Cháu đã không hỏi ý kiến gia đình, mong chú thông cảm.
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM