Đó là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây.
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây.
|
Lễ Bà Chúa xứ Núi Sam, một lễ hội mang lại nhiều lợi ích kinh tế từ việc thu hút khách du lịch của tỉnh An Giang |
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý và tổ chức lễ hội mùa 2016 vẫn tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý. Một trong những hạn chế là tình trạng phục dựng lễ hội tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi.
Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam tỉnh An Giang được đánh giá là mô hình quản lý điển hình về trật tự, an toàn, các hiện tượng tiêu cực xảy ra rất ít.
Theo số liệu mới nhất, những năm gần đây, mỗi mùa lễ hội, Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam tỉnh An Giang lại mang về cho địa phương và cộng đồng nguồn thu trên 90 tỷ đồng. Đây cũng là lễ hội được đánh giá có mô hình tổ chức, quản lý điển hình về trật tự, an toàn, phát huy được các giá trị văn hóa, các phong tục cổ truyền và ít xảy ra các hiện tượng tiêu cực nhất.
|
Trước những hình ảnh phản cảm liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hồi đầu năm, các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL đã phối hợp với lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, cùng các nhà khoa học, cộng đồng địa phương tổ chức các tọa đàm tìm tiếng nói chung nhằm khắc phục những hiện tượng bạo lực, phản cảm này.
Khẳng định công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực song Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng lưu ý, không có con đường tắt nào để tạo nên những thay đổi mang tính chiều sâu. Một trong những giải pháp luôn cần thiết và không bao giờ cũ vẫn là tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi thành phần, đối tượng tham gia lễ hội. Chỉ khi mỗi thành tố của hoạt động lễ hội tự ý thức về trách nhiệm của mình thì tự khắc những hành vi, hiện tượng vẫn bị lên án như bạo lực, phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy... cũng sẽ dần dần được giảm thiểu.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu của đời sống tâm linh tín ngưỡng ngày càng phát triển thì hoạt động lễ hội bên cạnh việc bảo tồn văn hóa truyền thống còn có sức hút ngày càng mãnh liệt đối với du khách. Tháng Giêng bây giờ không chỉ còn là tháng ăn chơi, ở khía cạnh du lịch còn được nhìn nhận là khoảng thời gian có sức thu hút đối với đông đảo du khách đến với các di tích, lễ hội nữa…”, Bộ trưởng lưu ý.
Trong những hạn chế cần tiếp tục tìm giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho rằng, cần lưu ý đối với tình trạng trục lợi, vì mục đích kinh tế mà làm biến tướng lễ hội, làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống.
TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, tôn trọng, đối thoại với cộng đồng chính là một bí quyết thành công của công tác quản lý đối với những lễ hội vốn hàm chứa nhiều vấn đề nhạy cảm.
Đi mãi rồi sẽ thành đường, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu mỗi địa phương đang “sở hữu” các lễ hội, di tích trọng điểm cần chú ý đến sự phát triển bền vững, có chiều sâu, bảo tồn các giá trị truyền thống trong lễ hội gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan; lễ hội phải gắn với văn hóa, di tích, du lịch và cộng đồng. Nếu cộng đồng biết cách bảo vệ, phát huy tốt các giá trị của di tích, lễ hội thì đương nhiên, du khách sẽ tìm đến ngày càng đông, và lợi ích kinh tế cho địa phương từ đó cũng sẽ tăng theo tỉ lệ thuận.
Theo Báo Văn hóa