"Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm" - mảnh tình riêng Phan Quang

09:01, 24/01/2017

Nhà văn - nhà báo Phan Quang, sinh năm Mậu Thìn 1928 tại Quảng Trị. Ông làm báo từ năm 1948, tại Báo Cứu quốc Liên khu 4, Báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, Đài Tiếng nói Việt Nam… Phan Quang cũng từng giữ những trọng trách tại Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam...

Nhà văn - nhà báo Phan Quang, sinh năm Mậu Thìn 1928 tại Quảng Trị. Ông làm báo từ năm 1948, tại Báo Cứu quốc Liên khu 4, Báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, Đài Tiếng nói Việt Nam… Phan Quang cũng từng giữ những trọng trách tại Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam; tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các Nhà báo OIJ. Ông đã xuất bản một số tác phẩm văn học, báo chí, biên khảo, dịch thuật (trong các tác phẩm dịch có “Nghìn lẻ một đêm”, “Nghìn lẻ một ngày”…), sách thiếu nhi. Tác giả hiện sống ở Hà Nội và trong hơn mười năm gần đây liên tục xuất bản nhiều đầu sách có giá trị. Trung tuần tháng 12/2016, Phan Quang đã ra mắt cuốn bút ký “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” (Nhà Xuất bản Trẻ, dày trên 440 trang, khổ 15,5x23cm) gây ấn tượng tốt với độc giả. Giới thiệu tập bút ký, nhà văn Ngô Thảo viết: “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm là bức tranh sống động về cuộc đời trong sáng của cả một thế hệ, từ bà mẹ Việt Nam, anh bộ đội Cụ Hồ, chàng trai bị coi là tiểu tư sản, cô gái dịu dàng dù hơi kiêu ngạo, mấy anh cán bộ luôn nghiêm trọng hóa vấn đề…, mỗi người đều vì nghĩa cả mà hết mình trong công việc. Thấp thoáng tâm tư của chàng trai với mối tình đầu trong đẹp như pha lê. Hai người thân thiết đến mức người trong cơ quan, ai cũng nghĩ họ yêu nhau và vun vào. Nhưng chỉ hai người mới biết điều đó là không thể, vì gia đình cô gái đã hẹn ước với gia đình một chàng trai, dù cô chưa yêu, nhưng lúc này anh ấy đang ở ngoài mặt trận… Và cứ như thế, chàng trai quê bên dòng Thạch Hãn, giã từ làng quê từ thuở niên thiếu, trưởng thành dần trong công việc trên những nẻo đường kháng chiến, cho đến một mùa Thu đẹp, theo chân các đoàn quân, lần đầu tới Thủ đô trong ngày giải phóng…”. 
 
Tâm sự về nghề viết cũng như về tập bút ký, nhà văn - nhà báo Phan Quang có “Lời thưa” đầu tác phẩm: “Từ tuổi thiếu niên tôi đã ước mong trở thành người cầm bút, bởi vậy luôn chú ý quan sát và ghi chép. Những cuốn sổ tay đầu tiên nay còn giữ được ghi năm 1948, khi tôi bắt đầu làm việc tại Báo Cứu quốc Liên khu 4. 
 
Tôi thường dùng ba loại sổ. 
 
Trước hết, những cuốn mọi cán bộ đều có, ghi chép công việc hằng ngày, hội nghị, giao ban, học tập, thời sự… Hai là loại sổ tay thu thập tư liệu viết báo, viết văn: mẫu người, mảnh đời, sinh hoạt, phong cảnh, cảm xúc, số liệu..., thường ghi nhanh tại chỗ. Cũng có khi ghi sau - những lúc này do có thời gian, cũng có chú ý phần nào câu chữ. Ba là nhật ký tâm tình, những cảm nhận văn chương, suy ngẫm non dại về buồn vui chuyện đời, triết lý vặt…, tiện đâu ghi đấy. 
 
Trải qua mấy cuộc kháng chiến và cả đời lao động, đi đâu tôi cũng kè kè cuốn sổ tay. Cách đây hơn 15 năm, nhân có thời gian, tôi chọn lọc, sắp xếp lại, loại bỏ phần lớn, chỉ giữ những gì may ra có thể có ích, bắt đầu từ cuối năm 1949 ở mặt trận Bình Trị Thiên và kết thúc với cái Tết hòa bình đầu tiên tại Hà Nội, gọi chung là Nhật ký Phóng viên. 
 
Quá khứ lùi xa, có những dòng chép nay đọc lại bản thân người ghi cũng không tường tận lắm về nội dung, bối cảnh, và chắc có thể nhầm, do trình độ hạn chế và một số tên đất, tên người phải viết tắt để giữ bí mật. Điều quả quyết là không chi tiết nào bịa đặt hoặc thêm thắt. Từ ngữ có nhiều tiếng địa phương nay không thông dụng, đến người ghi cũng chẳng lần ra nổi, vẫn giữ nguyên si, chỉ chỉnh lý trong trường hợp quá tối nghĩa. Nếu cần, mở ngoặc đơn hoặc ghi chú dưới chân trang. Các phụ đề mới thêm về sau, để khi đọc đỡ miên man hết ngày này sang ngày khác, và cũng tiện cho việc tra cứu lúc cần, và gọi chung là Nhật ký. Dù vậy vẫn dài tới hơn nửa triệu từ. 
 
Năm nay, tôi lại cắt bỏ, chỉ giữ lại một phần bản nói trên.
 
Văn hào Gabriel Marquez tác giả “Trăm năm cô đơn” có lần nói: Nhà văn đến một tuổi nào đó chỉ có thể viết về mình nữa mà thôi. Và ông đã dành những năm tháng cuối đời, vượt lên tuổi tác, yếu đau,“sống để kể lại”. Và ông đã kể lại cho đời nhiều trang tuyệt tác về tuổi ấu thơ, những bước chập chững vào nghề, cuộc thảm sát mà tổ tiên ông phải chịu đựng. Gabriel Marquez một ngọn Thái sơn, tôi hạt phù sa nổi chìm theo thời cuộc, nhưng đã là những người đam mê văn chương, từ ngữ thì trách nhiệm xã hội và nỗi niềm xét đến cùng ai cũng có cái giống ai.  
 
“Một mảnh tình riêng”, đã thế, lại không phải là sáng tác. Ngược lại, chỉ là những mẫu sống nguyên thô, dăm mớ quặng vụn, cùng bộc bạch tâm tình một chàng trai trưởng thành nhờ kháng chiến tại một vùng đất nghèo sáu, bảy mươi năm về trước - những dòng ghi chưa trải qua bất kỳ sự chắt lọc nào. Suốt cả đời, cho đến hôm nay, tôi vẫn đinh ninh những dòng chữ ghi vội trên các nẻo đường, bên bờ khe, giữa chiến trận hay những đêm thao thức này sẽ mãi mãi dành riêng “ta với ta”. Vậy mà một hôm xếp lại mớ sách cũ, tình cờ gặp lại những cảnh những người, những tấm lòng vàng một thời xa lắm, trong đó thấp thoáng bóng chàng trai nuôi ảo mộng văn chương…, tôi chợt nghĩ: Biết đâu một mai ai có nhu cầu tìm hiểu con người và cuộc sống một thời, thì mảnh tình riêng ta ngại ngùng chi mà không sẻ chia.
 
Bởi vậy mới đến với bạn đọc tập sách thô sơ này”...
 
Nhận xét về “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”, Ngô Thảo còn viết thêm: “Nguyện ước lớn của một thời tuổi trẻ là có những tác phẩm trung thực để hậu thế biết về thời chúng ta đã sống. Tôi nghĩ nhà văn - nhà báo Phan Quang (tên thật là Phan Quang Diêu, còn có các bút danh Hoàng Tùng, Phan Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Hoàng Xá…) đã có thể yên lòng. Hình thức văn chương dẫu tân kỳ đến đâu cũng không có nghĩa gì nếu nó không vận chuyển trong bản thân tác phẩm hình ảnh của cuộc sống. Trong dạng thức nguyên thô, thêm tập tư liệu, văn liệu, sử liệu về một mảng cuộc sống những năm kháng chiến chống Pháp, được ghi nhận chân chực qua cách cảm và nhận của một chàng trai trẻ giàu mơ mộng, giàu tình cảm yêu thương này hẳn mách bảo với người đọc hôm nay nhiều điều không hoàn toàn đã thuộc về quá khứ”.
 
“Tết Hòa bình đầu tiên tại Hà Nội” là bút ký viết chân thực, sinh động và dạt dào tình cảm của Phan Quang về Xuân Ất Mùi 1955 mà hơn 60 năm qua tác giả được thưởng thức ở Thủ đô Hà Nội, Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu với bạn đọc!
 
ÐAN THANH