Xuân Đinh Dậu đã đến, tết con gà sắp về. Để có món gì viết ra cho Tết Dậu, nên cứ mải mê "lần giở trước đèn" truyện Kiều bất hủ, tìm ghi ra cho đủ những câu có sắc màu, âm thanh của tiếng gà; và âm thanh ấy có liên quan gì, liên quan thế nào đến thân phận nhân vật chính trong truyện là nàng Kiều.
Xuân Đinh Dậu đã đến, tết con gà sắp về. Để có món gì viết ra cho Tết Dậu, nên cứ mải mê “lần giở trước đèn” truyện Kiều bất hủ, tìm ghi ra cho đủ những câu có sắc màu, âm thanh của tiếng gà; và âm thanh ấy có liên quan gì, liên quan thế nào đến thân phận nhân vật chính trong truyện là nàng Kiều.
Bỏ bao nhiêu thời gian, cũng bõ công, khi tìm thấy những khung cảnh, những câu thơ nói về những lần Kiều nghe tiếng gà, và tâm trạng của nàng khi đó, trong suốt 15 năm đoạn trường. Như vậy, tất cả có bốn lần Kiều nghe tiếng gà, đó là:
Lần thứ nhất, Kiều nghe tiếng gà: Đó là sau một đêm chịu thất thân với họ Mã - đêm vĩnh biệt trinh bạch, là một đêm đau đớn của đời Kiều, khi Tiếc thay một đóa trà mi/Con ông đã tỏ đường đi lối về. Nghịch cảnh thay, nghịch cảnh này, lại đúng vào đêm xuân, đêm đáng ra là tươi đẹp của cuộc đời. Trong đau đớn, nước mắt tầm tã, giận hờn, tủi phận, không chịu nổi, Kiều đã cầm con dao để tự kết liễu đời mình. Trong tay nắm chặt con dao, lúc này, Kiều day dứt, trăn trở nghĩ suy: Nghĩ đi nghĩ lại một mình/Một mình thì chớ hai tình thì sao?. Đang dằn vặt và quyết liệt giữa sống hay chết, khi lúc rạng sáng đó, thì bỗng có Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường. Tiếng gà cất vang, một thứ âm thanh quen thân, có sức thức tỉnh, lay động tâm can, làm Kiều qua cơn miên man, tâm can tỉnh lại và giật mình, rồi ngừng tay, buông dao, cam chịu, buông thân, dấn mình vào chặng đầu của đoạn trường khổ ải, trong đời ngang trái.
Lần thứ hai, Kiều nghe tiếng gà: Là khi trong lòng Kiều đã rộn lên điều nhen nhóm nghi ngờ, mà vẫn bị mắc lừa mưu của tên Sở Khanh rất sở khanh. Đây là một đoạn trường cực nhục trong đời Kiều. Nghe lời, nàng đã sinh nghi. Thế rồi, tính cách với hoàn cảnh, đã dồn nàng đến cực điểm, mà lại buông xuôi Song đà quá đỗi quản gì được thân/Cũng liều nhắm mắt đưa chân/Mà xem con tạo xoay vần đến đâu. Lần này, Kiều phải làm theo, đi theo lối chỉ của họ Sở giữa đêm thu linh cảm, dự báo tai họa ập đến Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương và cùng Lối mòn cỏ nhợt. Trong cảnh tình này, Kiều nghe tiếng gà thấy nó “xao xác” - Tiếng gà xao xác gáy mau. Tiếng gà này chỉ thúc cho Kiều càng thổn thức trên lưng ngựa, khi nhìn phía trước không còn ai, khi Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào. Thế rồi, ít phút sau là Tú Bà lốc thẳng đến nơi, gây cho đời Kiều nhiều hệ lụy đắng cay... Thế là, Kiều phải nói lời đoạn quyết cởi bỏ trinh bạch của mình, và Kiều đã phải Uốn lưng thịt đổ giập đầu máu sa và Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Lần thứ ba, Kiều nghe tiếng gà: Là khi nàng bị dồn vào đường cùng, Kiều phải tự quyết lấy mình. Trong suy nghĩ, Kiều phải: Thân ta ta phải lo âu/Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này. Sau ý nghĩ, Kiều phải hành động: Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân/Bên mình giắt để hộ thân/Lần nghe canh đã một phần trống ba/Cất mình qua ngọn tường hoa. Thế là Kiều vượt thoát khỏi nhà Hoạn Thư. Trên đường chạy trốn mịt mù, thăm thẳm, cây cối rậm rạp lúp xúp, bê bết đất cát... bỗng Kiều nghe văng vẳng tiếng gà - Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương. Đây là điềm lành, là đoạn đời thoát khỏi bão tố vùi dập, đã đi đến phương Trời đông vừa rạng ngàn dâu. Cảnh được nơi nương náu đã hiện ra, trước tấm lòng thương cảm bao dung bao la của sư bà Giác Duyên, với Rành rành Chiêu ẩn am ba chữ bài.
Lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng, Kiều nghe tiếng gà: Là lần cuối Kiều nghe tiếng gà này, vang lên, thấu đến tâm can cả hai người yêu nhau vừa tái hợp trọn một đêm tân hôn, mà không hợp cẩn. Và cũng trọn một đêm, Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối. Cũng là lần quyết đoán: Một phen tri kỷ cùng nhau/Cuốn dây từ đấy về sau cũng thừa. Tiếng gà lần này song hành cùng ánh sáng một ngày mới: Gà đã gáy sáng trời vừa rạng đông, thì chắc cuộc sống êm đềm, thanh thanh, tĩnh tâm, tuy cuộc đời Kiều không hết cay đắng. Đời Kiều là thế! Thế mới là Kiều! Và có như vậy, Kiều mới sống mãi, làm mọi người trong mọi thời đại suy nghĩ mãi về Kiều.
NGUYỄN TIẾN BÌNH