(LĐ online) - 47 mùa xuân Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách và tấm lòng vì dân, vì nước của Người đã để lại cho muôn đời sau là những tài sản vô giá. Trong đó, tình yêu thương con người của Bác được lưu lại trong "Nhật ký trong tù"…
(LĐ online) - 47 mùa xuân Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách và tấm lòng vì dân, vì nước của Người đã để lại cho muôn đời sau là những tài sản vô giá. Trong đó, tình yêu thương con người của Bác được lưu lại trong “Nhật ký trong tù”…
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” (Ngục trung nhật ký); gồm 114 bài thơ được Bác sáng tác vào năm 1942 tại nhà tù Tưởng Giới Thạch khi Người bị chế độ cầm quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt và giam cầm tại đây. Trong hoàn cảnh tù đày suốt “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” (Tố Hữu); Dù “thân thể ở trong lao”, nhưng “tinh thần ở ngoài lao”, Người đã giữ tâm hồn ung dung, tự tại để viết ra những câu thơ, những bài thơ bất hủ ! Có thể xem, đây là tập nhật ký bằng thơ đã ghi lại chặng đường đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất đỗi lạc quan của người tù cộng sản - Hồ Chí Minh.
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
Tình yêu thương con người của Bác mênh mông vô tận “Ôm cả non sông mọi kiếp người”. Và, bắt nguồn từ tình yêu thương con người, nhất là con người bị áp bức, đọa đày để từ đó Bác đã dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân với mong muốn cháy bỏng là làm sao xóa đi tất cả những áp bức, bất công, nô lệ mang hòa bình, hạnh phúc về cho dân tộc Việt Nam.
Tình yêu thương của Bác không giới hạn, Bác dành cho cả người dân Trung Hoa không khác gì tình yêu thương dành cho những người con đất Việt.
Với những người dân lao động, Bác cảm nhận được đó là những con người bị bóc lột nặng nề nhất, tình cảm Bác chan chứa yêu thương, ta hãy lắng nghe tiếng thơ của Bác ở bài Phu Làm Đường:
“Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,
Phu đường vất vả lắm ai ơi!
Ngựa xe, hành khách thường qua lại,
Biết cảm ơn anh được mấy người”.
Đọc từng câu thơ chợt rưng rưng khóe mắt bởi nó chạm đến trái tim mỗi con người. Thơ Bác không hoa mĩ, không cầu kỳ trong cách dùng từ, cái gốc của thơ chính là ở tình cảm. Hai câu thơ sau Bác đã thấu hiểu cảm thông và còn đặt ra cả một vấn đề hệ trọng, đó là thái độ của người đời… Nói cách khác, Bác đã thấu hiểu hai tầng thống khổ: khổ về sự vất vả bởi thời tiết khắc nghiệt, họ càng khổ hơn bởi sự bạc bẽo của người đời… Tình cảm như thế thật thấm thía vô cùng.
Tình cảm của Bác với người dân lao động còn được thể hiện trong rất nhiều bài thơ, cảnh thơ Người ghi nhận lại từ những điều trông thấy, cảnh thơ được bổ sung thêm bằng cả nỗi đau đớn lòng người. Cảnh từ Long An Đồng Chính, Người ghi nhận lại để mà xót xa:
“Nghe nói xuân này trời đại hạn,
Mười phân, thu hoạch chỉ vài phân”.
Trong thơ Bác, không chỉ có những nỗi xót xa, trên đường giải lao khi gặp cảnh nông dân được mùa tiếng thơ của Người bỗng trở thành tiếng reo vui:
“Tới đây khi lúa còn con gái,
Gặt hái hôm nay quá nửa rồi;
Khắp chốn nông dân cười hớn hở,
Đồng quê vang dậy tiếng ca vui”.
Trong thơ của Bác, hai đối tượng chính là phụ nữ và trẻ em được Người dành tình yêu thương đặc biệt. Chứng kiến cảnh vợ bạn tù đến thăm chồng. Tiếng thơ của Bác đã trở thành tiếng lòng nghẹn ngào và xúc động. Bác chứng kiến cảnh “Anh ở trong song sắt, em ở ngoài song sắt”. Xa nhau họ có biết bao nhiêu điều muốn nói, muốn tâm sự nhưng vì giờ đây xúc động quá họ không nói thành lời được “Chưa nói lệ tuôn tràn”. Chứng kiến cảnh tượng đó từ sâu thẳm trong tấm lòng Bác đã phải thốt lên “Cảnh tình đáng thương thật”. Người phụ nữ còn hiện lên trong bài người vợ có chồng trốn đi lính, cảnh ngộ éo le đến mức người đàn bà chân yếu tay mềm ấy phải sống kiếp tù nhân thay chồng:
“Biền biệt anh đi không trở lại,
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu;
Quan trên xót nỗi em cô quạnh,
Nên lại mời em tạm ở tù”.
Đằng sau nụ cười mỉa mai chua chát kia đó chính là giọt nước mắt Bác nhỏ xuống để khóc cho thân phận khổ đau này. Với trẻ em, có thể coi đây là những nạn nhân đáng thương nhất, Bác đã nghe được trong tiếng khóc của trẻ thơ, một bức tranh hiện thực nghiệt ngã trớ trêu:
“Oa...! Oa...! Oaa...!
Cha trốn không đi lính nước nhà;
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha”.
Cái nghe của Bác ở đây rất lạ. Bài thơ lại mở đầu bằng tiếng khóc, lại là tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng khóc ấy vang lên dễ làm nhói đau lòng người bởi đó là tiếng khóc của trẻ thơ trong ngục. Đây lại là trường hợp đặc biệt trong “Nhật ký trong tù”. Bác “ghi âm” tiếng khóc của trẻ bằng tiếng Việt, ngôn ngữ tượng thanh khiến người đọc cảm nhận được tiếng khóc của trẻ thơ dường như không có biên giới. Đây là khả năng kỳ lạ ở Bác, một tấm lòng yêu thương con người vô bờ bến.
Có thể nói rằng, đối với Bác dường như ai đau khổ là đều được Bác dành tình thương yêu. Trong chốn lao tù, bất cứ ai, vì lý do gì mà phải sa chân vào đây Bác đều gọi họ là “nạn hữu”, đều dành cho họ tình yêu thương chân thành, trọn vẹn; thậm chí khi chứng kiến cảnh người tù cờ bạc vừa chết, tiếng thơ của Bác như là tiếng khóc của một người bà con ruột thịt. Bác hướng mọi người đến chính cuộc sống đời thường, tình yêu thương của Bác vì thế mà mang độ nhân văn sâu sắc. Từ lòng yêu thương con người Bác đã nâng lên thành một quan điểm hoạt động trong thơ ca ít gặp. Trong bài thơ “Nửa đêm” Bác viết:
“Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Bác cho rằng bản tính của con người không phải là hiền là dữ, mà là sự tác động của ngoại cảnh trong đó yếu tố không nhỏ là giáo dục có thể cải biến lòng người. Hãy đừng ghét bỏ họ, hãy giúp đỡ họ để họ phát triển thành người tốt. Đó là một tư tưởng nhân sinh mới mẻ, một quan điểm riêng ta chỉ gặp ở Bác.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác là những lời tâm huyết, mang tầm cao về tư tưởng và nghệ thuật, chiều sâu về cảm xúc, là những bài học lớn về đấu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau. Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Bác đã hiển nhiên trở thành cẩm nang cho sự tu dưỡng, phấn đấu của mỗi người, đã thành nguồn sức mạnh cho cả một nền thơ cách mạng Việt Nam.
Mỗi lần đọc lại tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mỗi lần nhắc nhở chúng ta, các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ phải không ngừng tu dưỡng, học tập những phẩm chất đạo đức cao đẹp của một người chiến sĩ cộng sản - một con người suốt đời vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng cao cả của loài người.
Kiều Ninh