Tục xông nhà ngày xuân

08:01, 25/01/2017

Theo quan niệm dân gian thì sự việc đầu tiên diễn ra đối với mỗi người, mỗi nhà vào buổi sáng sớm ngày mồng một của năm mới rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống trong suốt cả năm. Chính vì vậy, nhiều gia đình rất coi trọng và cẩn thận trong việc chọn người xông nhà (hay xông đất), tức là người đầu tiên bước vào đất nhà mình trong ngày đầu năm mới.

Theo quan niệm dân gian thì sự việc đầu tiên diễn ra đối với mỗi người, mỗi nhà vào buổi sáng sớm ngày mồng một của năm mới rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống trong suốt cả năm. Chính vì vậy, nhiều gia đình rất coi trọng và cẩn thận trong việc chọn người xông nhà (hay xông đất), tức là người đầu tiên bước vào đất nhà mình trong ngày đầu năm mới.
 
Tục xông nhà đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta. Ảnh: P.N
Tục xông nhà đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta. Ảnh: P.N

Giờ xông nhà bắt đầu từ giao thừa trở đi, khi tiếng chuông đồng hồ đầu tiên báo hiệu một năm mới đã đến. Tùy theo mỗi gia chủ mà người ta chọn cách xông nhà khác nhau. Có thể là chọn một người trong gia đình ra khỏi nhà trước giao thừa, từ lúc chưa hết giờ trừ tịch và dự lễ tại đình chùa, sau đó xin hương hái lộc, chờ cho thời gian điểm năm mới, người này tự xông nhà với mong muốn: mang về cho gia đình nhiều điều tốt lành và may mắn. Lựa chọn cách này được cái là gia đình chủ động được người và thời gian xông nhà. Tuy nhiên, nhiều người lại thích người ngoài xông nhà hơn vì có sự mới mẻ và khác lạ trong năm mới.
 
Người được gia chủ chọn để nhờ xông nhà thuộc mọi lứa tuổi. Tiêu chí đầu tiên phải là người khỏe mạnh, vui vẻ, nói năng lưu loát và dễ tính, tốt nết. Được như vậy thì gia chủ mới tin rằng cả năm mọi việc đều suôn sẻ, thuận lợi. Gia chủ sẽ chọn lựa người có phẩm chất ấy trong số những người quen mà hợp tuổi với mình hoặc tuổi hợp với năm đó. Thông thường, trẻ em là đối tượng được nhờ xông nhà nhiều hơn cả, vì đây là lứa tuổi hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Chính vì vậy, Tết Nguyên đán của chúng tôi là những ngày quên ăn, quên ngủ để đi xông nhà. Sau giờ phút giao thừa, tất cả đều ăn mặc thật đẹp, gọn gàng và sạch sẽ, tụ tập ở điểm hẹn đã định trước, rồi kéo nhau đi chúc tết. Chúng tôi vừa đi, vừa hát bài đồng dao quen thuộc Xúc xắc xúc xẻ... Lời bài hát hồn nhiên với những hình ảnh đẹp đẽ gợi nên sự sang trọng, sung túc. Đứa nào được coi là tốt vía và nhanh nhẹn nhất thì được cử dẫn đầu. Khi vào đến cổng nhà nào là chúng tôi đồng thanh cất to giọng chúc gia chủ đủ mọi điều tốt lành với những lời hay ý đẹp mà người lớn đã dạy cho từ trước, nào là: Tăng phúc, tăng thọ (nếu gia chủ là người già); Mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt (nếu nhà làm nghề nông); Tốt tài sai lộc (nếu là nhà trí thức); Mua may bán đắt (nếu là nhà buôn); Thăng quan tiến chức (nếu là quan chức)... Vừa bước vào nhà, chúng tôi trao cho gia chủ chút quà tết, như: tấm bánh chưng, quả bưởi... mang tính chất tượng trưng. Chủ nhà hoan hỉ đón chào, cảm ơn rồi chúc lại chúng tôi những điều may mắn, như: ngoan ngoãn, khỏe mạnh và học giỏi. Sau đó, chủ nhà mừng tuổi cho chúng tôi, gọi là mở hàng lấy may mắn đầu năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng là nhiều hay ít mà phải còn mới, chưa có nếp gấp thì chúng tôi mới thích. Chúng tôi ở lại chỉ chừng mươi, mười lăm phút chứ không ngồi lâu. Cứ rồng rắn kéo nhau đi như thế, thấy nhà nào còn sáng đèn, mở cửa thì chúng tôi vào xông nhà...
 
Tục xông nhà đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta. Trải qua thời gian, dù đã có nhiều đổi thay trong cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân nhưng phong tục này giữ nguyên ý nghĩa tâm linh và có sức sống lâu bền cùng dân tộc...
 
TRẦN VĂN LỢI