Trước hết, xin được nói ngay, dân tộc ta là một dân tộc trọng chữ. Trọng chữ, quý chữ thành ra thờ chữ. Câu đối, xét về tính đại diện, cũng có thể coi là cách thức để biểu lộ sự trọng chữ ấy.
Trước hết, xin được nói ngay, dân tộc ta là một dân tộc trọng chữ. Trọng chữ, quý chữ thành ra thờ chữ. Câu đối, xét về tính đại diện, cũng có thể coi là cách thức để biểu lộ sự trọng chữ ấy.
Thể tài của câu đối là thể biền ngẫu, gồm hai vế đối xứng về mặt âm thanh, từ ngữ, vần điệu..., hợp lại thành một câu, nhằm biểu thị ý chí, quan điểm, tình cảm của người làm ra câu đối hoặc người treo câu đối trước một sự vật, một hiện tượng nào đó trong đời sống. Câu đối được người xưa (những người ít nhiều có dính dáng đến Nho học) sử dụng trong nhiều dịp, nhiều hoàn cảnh và không gian văn hóa, như: hiếu hỉ, văn đàm, giáo huấn, thờ phụng, đối đáp..., cốt bộc lộ tầm vóc trí tuệ gia chủ, thể hiện niềm tự hào về gia huy, cũng có khi là món quà nho nhã của tri âm tri kỷ gửi đến nhau. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, câu đối đỏ là thứ không thể thay thế trong các gia đình gia giáo. Bởi, sự hiện diện của nó trong nhà ngày Tết không đơn thuần chỉ là món quà tinh thần nữa mà đã được vật chất hóa để thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh...
Theo phong tục cổ truyền của dân tộc, sáng sớm mùng Một, sau khi làm lễ tạ ơn trời đất và gia tiên, gia chủ quần áo chỉnh tề, rồi ngồi vào bàn mài mực (Tàu) viết câu đối. Câu đối Tết thường được viết trên giấy điều (đỏ) rực rỡ, màu tượng trưng cho sự đầm ấm, hạnh phúc. Chọn câu đối để viết và treo trong nhà ngày Tết là cả một nghệ thuật kỳ khu. Tùy theo gia cảnh, gia phong, địa vị xã hội và mong ước của gia chủ trong năm mới là gì để có câu đối phù hợp. Thường thì câu đối Tết có nội dung ý nghĩa tốt đẹp, như mơ ước năm mới vui vẻ, làm ăn phát đạt, có nhiều may mắn, cũng có khi mong cầu phúc, cầu thọ hoặc cầu đức... Bên cạnh đó, câu đối Tết thi thoảng vẫn được người đời sử dụng để nhắc nhở hay khuyên bảo con người ta đến điều đạo đức, phải biết tự răn mình và sửa mình. Ngoài ra, câu đối có khi cũng được các bậc tiền bối (cha, ông) sử dụng như một phương tiện trắc nghiệm cái trí, cái đức, cái chí của con cháu.
Các bậc túc nho cho rằng, chơi câu đối không chỉ là thú chơi tao nhã, nó còn biểu đạt được cả “Trí”, “Tĩnh” và “Tâm” của người chơi. Do vậy, chỉ cần nhìn vào một câu đối, người ta có thể thấy được cái thần thái, cái tinh khí của người dụng bút, nhất là tầm vóc và khả năng thẩm mỹ của gia chủ.
Tục lệ treo câu đối đỏ trong nhà ngày Tết đã có từ xa xưa nhưng cho đến nay phong tục này vẫn còn nguyên giá trị. Tất nhiên, phong vị Tết mà câu đối đỏ mang lại cho con người bây giờ cũng mới và lạ hơn. Thay vì chỉ được treo trong nhà như xưa thì nay câu đối Tết còn được các tòa soạn báo chăm chút “treo” cả trên các ấn phẩm báo xuân, để tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới cho độc giả.
TRỊNH CHU