Khoảng 11giờ trưa, xong việc với Huyện ủy, tôi đi về phía nhà để xe máy bỗng đằng sau gấp gáp tiếng gọi - Thanh! Thanh!
Khoảng 11giờ trưa, xong việc với Huyện ủy, tôi đi về phía nhà để xe máy bỗng đằng sau gấp gáp tiếng gọi - Thanh! Thanh!
Quay lại, thấy một thanh niên người dân tộc Kơ Ho khoác áo da đen, vai choàng xắc thổ cẩm, dáng cao to, mái tóc xoăn chấm bờ vai, xăm xăm bước lại. Cặp chân mày lưỡi mác như nét vẽ đậm nổi bật trên khuôn mặt chữ điền ngăm ngăm, môi chẻ, ánh mắt nâu kiên nghị... K’Bim. Nhà ở xã Đạ Lâm thuộc huyện này, học khoa công nghệ sinh học. Thời sinh viên Đại học Đà Lạt thường chạm nhau trong những pha tranh bóng nảy lửa trên sân cỏ, tôi ngỡ ngàng: - Niam să (Xin chào, tiếng Kơ Ho-TG)! Lâu quá! Vẫn khuyến nông à?
Bàn tay to rộng, ấm áp nắm chặt tay tôi, K’Bim phấn chấn: - Hết rồi! Giờ làm chủ bản thân thôi! Mê pràn kơldang sơl (Anh có khỏe không)? Viết báo nhưng đừng nói thêm nhé!
Sau câu đùa, K’Bim thân mật nháy mắt: - Gần trưa, ta ra quán nhé!
|
Minh họa: H.Toàn |
Đến quán, chúng tôi kêu mấy chai bia ngồi lai rai. Chuyện gần chuyện xa và K’Bim cho hay nghỉ việc ở Trung tâm Khuyến nông huyện đã 3 năm. Lý do đơn giản là khi hướng dẫn nông dân làm nhà lưới, phủ màng, chăm sóc rau, hoa theo hướng công nghệ cao anh thấy mê nghề nông và việc làm giàu không khó. Vậy tại sao mình không về giúp gia đình, hướng dẫn bà con ở Đạ Lâm đang loay hoay trong cảnh nghèo khó? Hào hứng với khát vọng đổi đời cho làng buôn, K’Bim nộp đơn nghỉ việc, về bàn với “bàp, mè” (cha, mẹ) phá đồi cà phê già cỗi để trồng rau, hoa. Cha K’Bim rít sâu hơi thuốc vấn, lặng suy tư theo khói thuốc nhả mịt mù, lắc đầu: - Ơgít (Không chịu đâu)! Khôn không tới trẻ… Nông cao, nông thấp gì. Mới làm đôi năm, kinh nghiệm chưa nhiều..!
Thuyết phục bàp không được, K’Bim nằn nì mẹ. Thương con mà đằng nào nó cũng nghỉ làm “cauduh broă” (cán bộ) nhà nước trên huyện, mẹ mấy lần rì rầm nhỏ to với cha và phải mấy ngày ông mới đồng ý. Trong chế độ mẫu hệ của người Kơ Ho, tiếng nói phụ nữ rất quan trọng nhưng cha cũng chỉ quyết cắt hai sào cà phê xấu nhất cho anh làm thôi. K’Bim mừng lắm, tìm mấy “cau pơnu” (thanh niên) trong thôn bàn chuyện hợp sức, góp vốn làm ăn. K’Bim có học, không khuyên mình làm điều gì có hại! Anh nói có lý, nghe theo chắc sớm thoát nghèo! Nhóm bạn bàn tán và gật đầu ủng hộ ý tưởng K’Bim. Gom vốn được gần trăm triệu, họ hào hứng ủi vườn cà phê, sang băng, làm đất… Câu hỏi đặt ra là trồng rau, hay hoa và loại gì? K’Bim phóng xe lên Đà Lạt la cà các nhà vườn, thương lái hỏi chuyện. Anh về trao đổi với các bạn tết này khả năng khan hiếm hoa. Ta trồng Lyly vì hiện đang được ua chuộng, có giá trên thị trường. Quyết xong, anh lại đôn đáo chạy về thị trấn xã Lát, phường 7, Đà Lạt nằn nì người quen để lại giống hoa… Theo sự chỉ dẫn kỹ thuật của K’Bim, anh em sớm chiều bám vườn… Mấy tháng khó nhọc trôi nhanh khi những luống hoa lên đều, ngày thêm xanh mướt. Ước nhẩm sản lượng cành hoa và nhân với giá bán đã giao kèo với thương lái, thấy chỉ sau mấy tháng mà mỗi người cầm chắc lãi 30 triệu, K’Bim và nhóm bạn, mặt ai cũng tươi, nói cười rổn rảng như vừa trúng độc đắc xổ số… Gần đến ngày thương lái vào, trời ập trận sương muối dài ngày khiến hai sào hoa rũ héo! Khó diễn tả nỗi buồn của K’Bim. Chỉ sau vài đêm trằn trọc, gương mặt anh phờ phạc, râu mọc tua tủa…
Lắng nghe K’Bim kể chuyện khởi nghiệp, tôi nao lòng, thầm xót xa: - Chà! Xui quá! Thế rồi…
K’Bim giơ ly bia cạch với tôi, khẽ vỗ tay lên mặt bàn, hào hứng: - Đã qua đận gian nan, nay tới hồi thái lai rồi. Lúc ấy, cha đòi lại vườn. Bạn bè chán nản, không thốt lời oán trách nhưng chúng cứ suốt ngày ủ rũ bên chóe rượu cần… Mình tính xin cơ quan cho quay lại làm việc song sau mấy đêm vắt óc ngẫm ra lỗi đâu phải tụi mình không biết làm, không biết tính toán. Nếu như không có trận sương muối khó lường… Không thể nản chí, buông xuôi được!
- Phục ông! Giờ thì sao, điền chủ?
- Sau khi nghĩ kỹ, mình bàn với bạn bè rằng chúng ta không sai lầm khi chọn nghề nông. Việc đặt ra là cần được đầu tư tốt hơn! Mình phải chủ động khắc phục thời tiết… Mấy đứa không chịu tiếp cuộc chơi, thì làm một mình. Lại năn nỉ cha mẹ cho mượn sổ đỏ mấy ha cà phê, lên huyện vay vốn ngân hàng về làm nhà lưới, bắc hệ thống tưới nước tự động… Thấy tôi quyết tâm đứng lên từ vấp ngã, bạn bè thi thoảng tạt ngang qua ngó nghiêng. Mình gọi lại phân tích, khuyên giải, chúng thấy ưng cái bụng nên bảo nhau K’Bim nói đúng đấy, “thua keo này, bày keo khác”. Đến nay, qua mấy vụ rau, hoa chắc ăn và được giá, bọn mình đã có số vốn kha khá rồi! Không đắn đo, gia đình giao cho luôn 3 ha cà phê để làm nông nghiệp công nghệ cao. Các bạn cũng góp thêm gần 5 héc nữa. Chúng tớ thành lập tổ sản xuất cùng nhau tính chuyện thời vụ nào trồng rau, hoa gì, tiêu thụ ở đâu? Sau Tết, tôi tính lên Đà Lạt ngỏ lời với Hợp tác xã rau Anh Đào chuyện đầu tư trồng rau, hoa ở Đạ Nhim. Cơ chế thị trường không chấp nhận kiểu làm ăn manh mún, nhỏ lẻ mà phải có sự bắt tay giữa người sản xuất và doanh thương. Thế mới tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chủ động bao tiêu, không bị ép giá. Mô hình liên kết với Anh Đào thành công sẽ mở ra triển vọng lớn cho bà con dân tộc Kơ Ho, Chil xã mình, mọi người sớm làm giàu chính đáng.
Mắt K’Bim ngời sáng lạc quan. Tôi vui lây với K’Bim, giơ bàn tay phải lên đốp vào lòng tay anh: - Khin tơt (Anh hùng, can đảm)! Vậy sáng nay, lên huyện có việc gì?
Đang cao hứng, K’Bim chống cằm, trầm giọng nói:
- Chà, chuyện ông già bạn gái. Một tuần nay, ông nghe lời người xấu xúi giục nên cùng một số bà con trong thôn rủ nhau về buôn làng cũ phát rừng làm rẫy. Mọi người nói rằng đấy là đất ông bà xưa để lại. Nào phải vậy, nó thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý mà. Gần bốn mươi năm trước, bà con được Nhà nước khai hoang, cấp đất định cư, vườn và cây giống trồng cà phê… Dời về nơi ở mới, sinh sống thuận tiện, sản xuất phát triển, xã lại đang xây dựng nông thôn mới, nay vô cớ đùng đùng kéo nhau đòi đất buôn cũ. Không phải thiếu đất sản xuất, chẳng qua, người xấu kích động phá rừng, lập rẫy để sau đó tìm cách bán đi, kiếm lời thôi! Bạn gái mình là Pôgru (giáo viên) đấy, nên cô buồn chuyện ông bố lắm! Sáng nay, cô bắt mình phải lên trực tiếp báo cáo cụ thể vụ việc và xin ý kiến giải quyết của huyện. À, mình đang làm Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế đấy!
- Chúc mừng! Coi chừng… cha mẹ lại không cho bạn gái “bắt” K’Bim làm chồng thì nguy! Nhớ khi nào bị “bắt”, a lô nhé!
Rộ tiếng cười khà. K’Bim phấn khởi: - Yes! Về Đạ Lâm chơi đi, bà con Kơ Ho nói: “Rẫy lâu ngày không làm thành rừng/ Người lâu không gặp thành người xa lạ”. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang được đồng bào xã mình hưởng ứng tích cực lắm.
*
Mấy tháng sau, tại hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 của ngành giáo dục, mọi người đều trầm trồ khen cô giáo Ha Sương dạy trường tiểu học ở xã Đạ Lâm xứng đáng là “bông hoa”, điển hình học tập và làm theo Bác Hồ của ngành. Không chỉ dạy giỏi, trong lúc gia đình chưa khá giả gì nhưng Ha Sương vẫn thuyết phục được bố mẹ cắt lô đất thổ cư gần ngàn mét vuông trị giá ba, bốn trăm triệu đồng hiến cho nhà trường xây dựng một điểm trường để học sinh không phải đi học xa… Thấy đề tài hay, tôi tranh thủ gặp Ha Sương vào lúc giải lao:
- Khi ngỏ ý xin đất cho trường, tâm trạng cha mẹ Ha Sương thế nào?
- Bàp và mè ngẩn người ra tưởng em nóng sốt gì đó nên nói nhảm. Mè còn nói: Cha mày vừa vào hùa đi phá rừng ở buôn cũ để lấy thêm đất đó sao. May mà, xã người ta vận động trở về, chứ không giờ này có khi ngồi tù. Giờ mày lại nghĩ ra cái chuyện hiến đất! Nhà chỉ có một mình cô, cho đất cũng không tiếc lắm nhưng… giữ lại để mai mốt ấm vào thân con ạ!
Nhớ câu chuyện của K’Bim, tôi sửng sốt: - Xin lỗi Ha Sương, vậy K’Bim..?
Nụ cười rạng rỡ gương mặt trái xoan thanh tú, Ha Sương ngỡ ngàng thốt: - Anh biết K’Bim!
- Bạn cùng thời đại học!
- Dạ! Tết này, bọn em tổ chức cưới! K’Bim báo anh chưa?
- Chưa nhưng sao quên được! Anh hỏi chút, bệnh nghề nghiệp mà. Lúc được vận động và tự giác từ bỏ ý định đòi trở về buôn làng cũ, cha em chắc giận K’Bim?
- Không, anh ạ bởi cha thấy mình đã sai lầm, nhẹ dạ và bị kích động! Nhưng mấy tháng sau thì cha K’Bim lại giận em…
- Sao vậy?
Thoáng buồn vương trong đôi mắt tựa hồ thu thăm thẳm, thường sóng sánh niềm vui, Ha Sương khẽ khàng tâm sự: - Anh biết rồi, từ ngàn xưa, con gái Kơ Ho đi “bắt chồng”… Đẹp như tiên sa mà không có lắm trâu, không nhiều chiêng, nhiều chóe cũng có khi ở giá. Tập tục đã dần phai nhạt nhưng không phải không có lúc, có nơi nó vẫn len lén trỗi dậy khiến người ta mê muội. Nghe nhà em nguyện hiến đất, bàp K’Bim không vui mà còn có lời ra tiếng vào “đất ấy sau này thuộc về thằng rể K’Bim. Sao không giữ cho nó trồng rau, hoa”…
- Nan giải nhỉ? Thế Phó Chủ tịch xã “dân vận” cha thế nào?
Ha Sương cười khúc khích: - Anh ấy phân trần: Con không sợ thiếu đất sản xuất mà lo mình gieo trồng không có năng suất, hiệu quả cao! Chỉ sợ lòng người hẹp thôi! Bàp à, thôi đừng bận tâm, tội cho cha mẹ Ha Sương. Tất cả vì tương lai con em xã nhà, gia đình Ha Sương mới có nghĩa cử ấy…
Chưa nói hết câu, chuông reng reng mời vào hội nghị. Ha Sương nghiêng đầu chào. Cô lướt ngang, tôi cảm nhận phảng phất làn hương thanh khiết, trong mát, dịu dàng như hương núi rừng ban mai mùa xuân thoảng qua. Với những bước nhanh nhẹn, tự tin Ha Sương vội vào hội trường!
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ĐẠM