Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15: Đọng lại những xúc cảm sâu lắng

04:02, 13/02/2017

Ngày 11/2 (tức Rằm tháng Giêng - Nguyên tiêu Đinh Dậu), Hội VHNT Lâm Đồng đã phối hợp cùng Trường THPT Trần Phú (Đà Lạt) tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ, cùng các thầy, cô giáo và học sinh nhà trường. 

Ngày 11/2 (tức Rằm tháng Giêng - Nguyên tiêu Đinh Dậu), Hội VHNT Lâm Đồng đã phối hợp cùng Trường THPT Trần Phú (Đà Lạt) tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ, cùng các thầy, cô giáo và học sinh nhà trường. 
 
Tiết mục Mẹ Việt Nam (thơ Phạm Quốc Ca, nhạc Đình Nghĩ). Ảnh: Q.Uyển
Tiết mục Mẹ Việt Nam (thơ Phạm Quốc Ca, nhạc Đình Nghĩ). Ảnh: Q.Uyển
Trong tiếng trống hội cùng giọng đọc hùng hồn bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt do nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh thể hiện đã làm nóng lên tinh thần của hội thơ. Phát biểu với các nhà thơ và công chúng yêu thơ, đồng chí Nguyễn Thanh Đạm - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã khẳng định vai trò, vị trí và giá trị của thi ca trong suốt hành trình dựng nước, giữ nước và trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt; thi ca có sức mạnh to lớn cổ vũ, khích lệ cả dân tộc luôn tiến về phía trước. 
 
Chương trình nghệ thuật với 5 bài thơ được phổ nhạc thành 5 tiết mục được tập thể ca sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng dàn dựng và thể hiện công phu đã mở đầu cho Ngày thơ đầy ấn tượng. Nhạc đã thực sự “chắp cánh” cho những vần thơ đi vào lòng công chúng, đó là các tiết mục: Mẹ Việt Nam (thơ Phạm Quốc Ca, nhạc Đình Nghĩ), Tổ quốc (thơ Trần Ngọc Trác, nhạc Minh Huệ), Đà Lạt phố (thơ Lê Trọng, nhạc Cao Nguyên)... Với chủ đề “Đồng hành sáng tạo cùng đất nước”, 12 bài thơ được ngâm đọc là những thi phẩm hay về xúc cảm trước mùa xuân, tình yêu quê hương đất nước, tình người, tình đời của các văn nghệ sĩ được công chúng đón nhận như: Trăng tháng giêng (Nông Quy Quy), Cảm ơn người đã cho ta (Đặng Thanh Liễu), Sang Xuân (Mộng Sinh), Nhớ tết xưa (Phương Liên), Khúc tình ca Đà Lạt (Nguyễn Thanh Hương), Phố Xuân (Vũ Dậu), Đà Lạt vào xuân (Tạ Thị Ngọc Hiền), Nơi đây cao nguyên (Nguyễn Thị Bé), Chỉ thiếu mình em thôi (Lê Bá Cảnh)...
 
Đặc biệt, trong ngày thơ, các thầy, cô giáo Trường THPT Trần Phú đã thể hiện những vần thơ giản dị, mộc mạc về tâm tư nghề nghiệp, về tình yêu với thế hệ trẻ, với sự nghiệp trồng người: Phút trầm tư nghề giáo (Phạm Thùy Liên), Tâm tình của tôi (Hồ Thị Hiếu), Đà Lạt và tình yêu (Lê Thị Thương)... đã làm người nghe rung cảm. Hội thơ đã đọng lại nhiều dấu ấn là khởi đầu tiếp “lửa” cho các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo để hứa hẹn cho một năm “được mùa” thơ. 
 
QUỲNH UYỂN