On không ngờ lại có sự chạm trán đầy định mệnh này. Chẳng biết Quân có nhận ra On, chứ anh thì không thể nhầm Quân vào đâu được. Hơn ba mươi năm, mọi thứ đã khác đi nhiều lắm. Con người với nhiều truân chuyên, bầm dập, lại càng khác.
On không ngờ lại có sự chạm trán đầy định mệnh này. Chẳng biết Quân có nhận ra On, chứ anh thì không thể nhầm Quân vào đâu được. Hơn ba mươi năm, mọi thứ đã khác đi nhiều lắm. Con người với nhiều truân chuyên, bầm dập, lại càng khác. Khác gì khác, chứ cái thằng có vầng trán dô bướng bỉnh, thông minh cách đây hơn ba mươi năm đã làm anh ngã từ cháng ba cây sung lăn mấy vòng xuống bờ sông dốc đứng, thì On chẳng thể không nhận ra. Cú té lăn, đập mạnh sườn vào khúc cây làm toác da hông và lá gan anh dập bầm, ì uột mãi đến giờ. Và nếu đúng Quân, thì đây quả là cuộc gặp gỡ đầy ân oán, định mệnh. Định mệnh bắt On… phải chết!
*
Sau cái tết ê hề rượu chè, cách đây mấy ngày, hạ sườn phải của On bỗng đau quặn lên. Từ tâm điểm là vùng gan đau lan ra sau, rồi quần tới trước. Đau dộng lên tận bả vai rồi dọc xuống bàn tọa. Cả một vùng khi râm ran như nghìn mũi kim châm chích, lúc lại nổ đom đóm mắt như có ai lấy búa tạ dộng vào. Là dân thâm niên nhậu nhẹt, lại có tiền sử vùng gan bị chấn thương, đại loại những bệnh như ung thư gan, xơ gan cổ trướng… lúc nào cũng ám ảnh trong đầu. Nên trước tình trạng đó, On lập tức đi viện ngay. Chẳng hiểu phòng cấp cứu thăm khám thấy thế nào lại khẩn trương cho anh nhập viện. Bệnh tình chắc phải trầm trọng lắm nên mới vậy, On bấn loạn nghĩ thế. Thấy quan tài mới đổ lệ, chưa bao giờ On lại sợ chết như lúc này. Cuộc đời, nhất là cái tết vẫn còn vương vất trong màu nắng xuân bên ngoài bệnh viện đẹp biết bao! Thiên đường, Niết bàn chắc gì đã có thật, mà nếu có cũng chưa chắc đẹp bằng trần gian này. Phương chi ở đây, trần gian - On còn có con cái, người thân, bạn bè… Giê-Su, A-la…! Ôi…!
Rồi sau đó là liên tiếp sự thăm khám của các y, bác sĩ, sự nhắc nhở dặn dò về điều trị đầy thương yêu từ những y tá, hộ lý… Chưa bao giờ anh thấy những người trong ngành y cũng như màu trắng của bệnh viện lại đáng yêu đến thế. Đáng yêu từ đồng phục trắng thanh khiết, dịu dàng của họ đáng yêu đi. Đấy là màu trắng tin tưởng của y đức, của những người mà giờ đây anh đặt hết sinh mệnh mình vào tay họ!
Tất cả lịch điều trị, thuốc men On đều tuân theo răm rắp. Cái đau của vùng gan vì thế và như sợ màu trắng này nên cũng thấy đỡ dần dần…
|
Minh họa: P.Nhân |
Sáng qua chẳng biết ngày gì mà người đi khám tận các giường nghe mấy bệnh nhân khác thì thào là bác sĩ trưởng khoa Nội. “Sếp” khoa đi khám là quan trọng rồi. On gượng rời giường, căng lại tấm trải giường nhầu nhĩ của giấc ngủ đầy mộng mị, chết chóc đêm rồi. “Có thể sáng nay với tài đức của bác sĩ trưởng khoa, họ sẽ kết luận, cho biết đau vùng sườn phải mình là bệnh gì”, On leo lại lên giường nằm đợi chờ, tin tưởng.
Nhưng rồi On bấn loạn tâm thần. Không phải vậy, không phải đau vùng sườn phải, mà bấn loạn vì bác sĩ trưởng khoa ngờ đâu lại là Quân. Cái thằng On yên trí đã chết đâu trong cuộc chiến tranh đầy bom đạn mịt mù…
Ấy là dạo năm sáu lăm, sáu sáu gì đó của thiên niên kỷ trước. Cái năm mà làng Sa-ra trong chế độ Sài Gòn đầy ắp nghi kỵ, bắt bớ những người liên quan đến Cộng sản. Đó cũng là năm On bắt đầu biết yêu, “tay” Quân này cũng vậy và hai đứa là bạn cùng xóm. Thiêng liêng, mãnh liệt làm sao cái tình yêu đầu đời! Trớ trêu thay hai thằng lại cùng yêu chung một đứa con gái đẹp, dễ thương nhất xóm là Hằng. Cuối cùng thì Hằng chỉ yêu thích có mỗi Quân, còn On, cô xem anh chỉ là bạn không hơn không kém. Hằng chọn thế cũng phải bởi vì so với On, Quân có nhiều lợi điểm hơn. Đẹp trai, học giỏi, khôn ngoan… On chỉ hơn Quân có mỗi cái cha mình là Trưởng ban Đại diện xã (*) đầy quyền hành, còn Quân đã nhà nghèo lại con của thành phần có cha “tập kết”. Khi biết người mình thầm thương trộm nhớ yêu Quân, On đau khổ vô cùng. Từ đau khổ chuyển sang hận thù như lật trở bàn tay. Hai con gấu không thể ở chung một cái hang, phương chi hang ấy là cái hang tình yêu. Nếu không có Quân chắc chắn là Hằng sẽ yêu On. Anh loay hoay mãi với việc làm sao cho Quân biến ra khỏi tình cảm của Hằng.
Dạo ấy chẳng hiểu sao những cơ sở, người theo Cộng sản ở làng Sa-Ra lại hoạt động khá mạnh. Cứ mỗi sáng ra lại có tin về họ. Khi thì treo cờ Mặt trận trên chót núi cạnh làng, lúc lại dán bích chương ở chợ, rải truyền đơn trên đường… Không khí Cộng sản đầy ắp trong làng nên nghi kỵ, bắt bớ xảy ra liên miên. Sự nơm nớp lo âu bao trùm lên những nhà thuộc diện như Quân. Mẹ cậu lúc ấy lại đang ốm nặng. Nhà chỉ có hai mẹ con. Một lần nhân đến nhà Quân chơi, thấy cậu bẻ lá xông cho mẹ, anh bèn nói: “Lá xông cho người bệnh nên bẻ vào lúc sớm tinh mơ, khi mặt trời chưa mọc mới tốt. Mà trong nồi xông lá gì có thể thiếu chớ không thể vắng mặt lá Ngũ trảo”. On nói vậy vì cuối xóm, miệt vườn có cây Ngũ trảo rất to, đó cũng là con đường hay… có truyền đơn của Việt cộng rải nhất. Và trước khi nói On cũng nhớ ra rằng nhà mình đang có một bịch truyền đơn tịch thu lần vừa rồi, ba anh mang về còn để ở nhà. Ngay tối đó, biết rằng đứa con hiếu thảo như Quân không đời nào phủi tai với những lời gợi ý như vậy, On đã mang truyền đơn rải trước con đường mà mờ sớm mai Quân sẽ đi qua.
Việc sẽ đến phải đến, đoạn cuối kịch bản được phát triển tự nhiên là… Quân bị bắt. Buổi sáng Quân bị bắt lại tình cờ có cảnh sát trên quận xuống nắm tình hình an ninh của xã. Văn phòng xã tiếp cấp trên thế nào mà tay cảnh sát lúc uống đến chén trà thứ hai, bỗng khám phá ra mùi hơi thum thủm. Khi kiểm tra lại mới phát hiện cái lu nước uống sau văn phòng xã có… phân người. Khuấy lên thấy lềnh bềnh cả những hạt bắp tươi còn ở dạng toe toét chưa tiêu hóa kịp! Với gần hai chén trà pha loại nước “đặc biệt” này đủ để tay cảnh sát đích thân mình giải Quân lên cấp trên. Trước khi bị giải đi, Quân chỉ kịp nhờ On chăm sóc giùm mẹ mình đang ốm nặng.
Trong quá trình On cùng Hằng chăm sóc bà Thê - mẹ Quân, có một hôm, tự dưng bà Thê khuyên anh và cả Hằng đêm đó nên về nhà nghỉ, để bà ngủ một mình với cớ rằng bệnh bà đã đỡ. Nhưng theo On thấy thì bệnh tình bà chẳng thuyên giảm chút nào, trái lại còn có vẻ ngày một nặng thêm. On đem nhận xét, phân vân này nói cùng ba anh. Ông nghe với vẻ trầm ngâm. Và ngay khuya đó, hàng tràng súng nổ vang lên phía sau vườn nhà bà Thê. Sáng ra người ta mới biết chồng bà cùng một người Giải phóng khác nữa bị lính Quốc gia phục bắn chết sau nhà. Chắc là cơ sở báo vợ bệnh rất nặng ông vội về thăm nên dính phục kích. Cũng sáng ra người ta mới biết bà Thê đã chết từ khuya! Dân xóm đồ rằng bà tắt thở ngay vào lúc nghe tiếng súng đồng loạt nổ vang lên sau vườn…
Rồi có tin chẳng biết bằng cách nào Quân đã vượt được ngục và thoát ly. Chừng một năm kể từ ngày nghe tin ấy, đúng như ước đoán của On, Hằng về với anh trong một đám cưới vội vã chạy tang khi ba On trên bệnh viện, đang ngày một suy kiệt bởi vết thương do bên Giải phóng phục kích bắn.
Sự việc về Quân được On phủ lên bởi hạnh phúc vợ chồng. Khi đã có với nhau một mặt con, trong một lần say khướt và nghi vợ vẫn còn thương nhớ Quân, On đã kể lại chuyện xưa một cách đầy tự hào về mưu tính khôn ngoan của mình. Hằng nghe mà lặng đi. Một tuần sau lần say dại dột đó, Hằng đã bỏ anh và bé Hà ra đi. Cô theo về phía Giải phóng. Khi biết tin Hằng tìm theo tình cũ bỏ cả con, mọi thương nhớ cô trong On lập tức tiêu tan. Rồi có tin Hằng hy sinh vào gần ngày giải phóng miền Nam. On lập gia đình mới, bé Hà ngày nào nay cũng đã chồng con. Và bây giờ… cuộc hội ngộ bất thần với Quân khiến anh tháo mồ hôi hột!
Ba mươi mấy năm rồi, chẳng biết hắn ta có còn nhớ ra mình? Nếu nhớ, lạy trời trong những ngày theo về Cách mạng Hằng với Quân đừng gặp nhau…
- Sao? Hôm nay anh thấy trong người thế nào? Cùng với những cánh áo bờ lu trắng khác, bác sĩ Quân trưởng khoa đã đến bên giường On.
On vội vặn người, né mặt và miệng méo la lên:
- Ôi… đau lắm, thưa bác sĩ!
- Đau sao nào? Chỗ này hả? Nằm nghiêng qua coi!
Được thể, On úp mặt xuống giường bệnh và giương sườn hông lên. Những ngón tay ấm mềm của Quân lần tìm trên khắp dẻ sườn On.
- Vết sẹo gì đây? Hồi nhỏ bị té phải không?
Trời, vậy là hắn lần ra mình rồi! On vùi mặt sâu thêm xuống ra, nhăn nhó:
- Thưa, bị té… mới đây thôi!
- Mới đây là bao lâu?
- Dạ… ba năm!
- Ba… năm thôi ư?…
Mãi đến khi Quân rời khỏi phòng, On mới dám cất mặt lên. Chẳng biết hắn có nhận biết vết sẹo mà năm xưa đã từng chứng kiến không? Nếu nhớ, lạy trời…! Báo chí, dư luận gần đây đã ồn ã lên lắm điều về y đức của người thầy thuốc. Nhưng đó là họ vì tiền. Vì tiền còn vậy, huống chi oán thù thâm căn cố đế như hắn với On! On rùng mình, vạt sườn lại nhói lên.
Ngày hôm sau, khi đi X quang về đến phòng bệnh, bẹ sườn phải của On lại đau như có ai lấy búa tạ mà ghè. Đến lúc ấy anh mới thấy đợt thuốc mình uống vừa rồi là mất cảnh giác cao độ. Tất nhiên hắn không thể và chẳng dại gì cho thuốc độc mình vì còn có y tá nhưng ai cấm hắn cấp những loại thuốc hỗ trợ cho bệnh ngày một nặng thêm? Với một thầy thuốc thì không thiếu chi cách để hại con bệnh! Đêm rồi hắn mơ thấy lại cái đám tang song trùng của ông bà Thê. Có thể Quân cũng mơ thấy hoặc tưởng tượng như thế về cha mẹ mình khi gặp lại anh. Khi ý định trốn viện loáng thoáng hiện ra trong đầu thì vùng sườn của On lại lên tiếng. Mà lên tiếng bằng “búa tạ”! Với bệnh tình này tốt nhất nên nằm lại thăm dò thêm ít bữa, dù sao thì hắn chưa thể hại ngay được mình. Và biết đâu, trong cái đầu lèn chặt kiến thức y học của Quân có thể không còn chỗ cho ký ức ba mươi mấy năm về trước cũng nên. Ý nghĩ dỗ dành này khiến vùng sườn của On nghe hơi êm êm… Êm hay đau gì, tất cả cơ số thuốc cấp cho, anh cũng đều tuồn hết vào bên dưới nệm.
Và cũng thật lạ! Ở những lần thăm khám tiếp theo, khi biết chắc chắn là Quân không nhớ ra mình, vùng sườn của anh bỗng đỡ đau hẳn. On mon men uống thuốc lại. Càng tuyệt vời hơn, một bác sĩ trong lần khám sáng nay cho biết là anh chỉ bị đau thần kinh liên sườn. “Đó là nhờ kinh nghiệm những năm điều trị ở rừng, bác sĩ trưởng khoa mới chẩn đoán được”, cô y tá nói vậy khi đưa phiếu xuất viện cho On. Riêng On thì biết tỏng tòng tong rằng cái chính khiến anh khỏi bệnh là nhờ… Quân không nhận ra mình.
*
Phấn khởi vì lành bệnh và không bị gì về gan, trước khi ra viện On đi cám ơn cùng khắp khoa Nội. Từ hộ lý, y tá đến các bác sĩ! Riêng bác sĩ trưởng khoa On phải lùng tìm mãi và cuối cùng cũng gặp được ông đang thăm khám ở một phòng bệnh. Dù bận khám, nhưng bác sĩ cũng cám ơn và khuyên anh về nhà nên tiếp tục tự điều trị. Rồi, vừa xoay qua khám tiếp cho bệnh nhân khác, bác sĩ trưởng khoa vừa nói:
- Cho mình gửi lời thăm… bé Hà!
(*) Tương đương Chủ tịch UBND xã bây giờ.
Truyện ngắn: LÊ NGUYÊN NGỮ