Những vần thơ về Đảng

09:02, 03/02/2017

Có thể lấy những dòng thơ ngập tràn ánh sáng mùa xuân trên đây của Tố Hữu để làm đề từ cho một nguồn thơ in đậm dấu ấn tư tưởng, tình cảm của những nhà thơ hiện đại Việt Nam mấy chục năm qua - nguồn thơ lấy cảm hứng từ lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa và thực tiễn hy sinh phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
                                                    (Từ ấy)
 
Có thể lấy những dòng thơ ngập tràn ánh sáng mùa xuân trên đây của Tố Hữu để làm đề từ cho một nguồn thơ in đậm dấu ấn tư tưởng, tình cảm của những nhà thơ hiện đại Việt Nam mấy chục năm qua - nguồn thơ lấy cảm hứng từ lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa và thực tiễn hy sinh phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Ảnh minh họa: Nguyễn Nghĩa
Ảnh minh họa: Nguyễn Nghĩa
Trước hết đó là những vần thơ reo vui của những con người được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường. Đó cũng là niềm vui chung của mọi người Cộng sản trên thế giới. Nhà thơ Pháp Luis Aragon đã viết dòng thơ nói thay nỗi niềm của hàng triệu con người: “ Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”. Nhà thơ Nga Xô viết Maiacovsky từng phát biểu: “ Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi trẻ của thế giới”. Với cách thể hiện độc đáo, ông đã nói lên ý nghĩa khai sáng của chủ nghĩa Mác:
 
Chúng tôi mở Mác 
mỗi tập, mỗi chương
Như ở nhà riêng 
mở toang cửa sổ 
               (Lớn tiếng)
 
Thơ ca xã hội chủ nghĩa là một hiện tượng có tính chất thế giới và thơ ca ngợi lý tưởng, ca ngợi Đảng của các nhà thơ Việt Nam hòa điệu trong dàn đồng ca vĩ đại đó.
 
Song đi sâu vào thực tiễn sáng tác, thơ về Đảng ở Việt Nam mang bản sắc riêng do hoàn cảnh và lịch sử đất nước, hoàn cảnh lịch sử của phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam và đặc điểm tâm hồn Việt Nam.
 
Nói đến thơ lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa không thể quên mảng “ thơ trong tù” của thế hệ tiền phong mà đặc điểm nổi bật nhất là sự kiên trì giữ vững phẩm chất cách mạng và niềm lạc quan tin tưởng ở tương lai. “ Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là ví dụ sáng chói nhất. Bệnh tật, đói khát, đày ải của nhà tù Tưởng Giới Thạch chỉ làm sáng ngời thêm phẩm chất của người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam. Từ bóng tối nhà tù, Tổ quốc Việt Nam đã tượng hình trong tâm hồn, trí tuệ của Người:
 
Một canh, hai canh lại ba canh
Trằn trọc năm canh giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
                                     (Không ngủ được)
 
Bài thơ tuyệt mệnh của Hoàng Văn Thụ nói thay cho biết bao chiến sĩ cách mạng khác đã hy sinh cho Đảng, cho Tổ quốc:
 
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.
 
Với những con người khổng lồ về ý chí như vậy không bạo lực nào, kẻ thù nào có thể đè bẹp nổi. Đó cũng là nội dung tiếng thơ của nhiều nhà cách mạng vô sản khác. Nó tiếp tục truyền thống quật cường của những người Việt Nam bị áp bức “ Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán / Phá vòng vây bạn với kim ô” (Nguyễn Hữu Cầu) thời Trung đại, tiếp tục truyền thống thơ tù của các chiến sĩ cách mạng thế hệ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... nhưng không bi tráng mà tươi sáng một tinh thần lạc quan do tin tưởng sắt đá ở tương lai tất thắng của cách mạng vô sản.
 
Trải qua những hy sinh phấn đấu, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ ngai vàng phong kiến và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu giang sơn về một mối. Nền thơ Việt Nam đã hình thành một đội ngũ tác giả tài năng gồm nhiều thế thệ. Lòng biết ơn Đảng là nỗi niềm chung của nhiều người nhưng đặc biệt sâu sắc ở những thi sĩ tài danh của Phong trào Thơ mới (1932-1945). Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những dòng thơ tâm huyết trong bài “ Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Sau này nhà thơ còn có dịp bộc bạch tâm trạng qua nhiều bài thơ khác với tứ thơ đối lập hai nhân sinh quan: Cá nhân chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa:
 
Tôi đến Nha Trang ngắm trời biển đẹp
Có hay đâu hang Pác Bó Bác về
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.
 
Có thể bây giờ nhiều người sẽ nghĩ yêu nước có nhiều cách, cứ làm thơ thật hay cũng là vì dân, vì nước, đóng góp cho văn hóa dân tộc. Song những lời thơ trên đây của nhà thơ tiêu biểu cho lớp thi sĩ “ Tử chân trời một người đến chân trời tất cả” vẫn sâu thẳm sự chân thành. Đó cũng là nội dung những bài thơ “ Lời dặn” (Tế Hanh), “ Dọc đường theo Đảng” (Phạm Hổ), “ Bước theo Đảng” (Lưu Trọng Lư)…
 
Nghĩ về Đảng, Xuân Diệu nghĩ về sự toan lo từ việc lớn là giải phóng đất nước, dân tộc đến chuyện nhỏ là đời sống của mỗi người dân. Trong bài thơ “ Gánh”, Đảng đã được nhân hóa thành người khổng lồ đầy toan lo và trách nhiệm:
 
Không phải chuyện đời xưa mà chuyện đời nay
Có một người chất vạn gánh trên vai
Vạn gánh đầy tràn, gánh to gánh nhỏ
Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ
Trên đôi vai người ấy gánh và đi…
 
Thế hệ những nhà thơ con đẻ của chế độ đến với Đảng hồn nhiên, trong sáng hơn nhưng không kém phần sâu sắc:
 
Vào Đảng lòng tôi tự bảo mình
Hơn gì? Chỉ hơn chữ hy sinh
Đảng ta nào phải ai xa lạ
Là điều tự nguyện ở tôi, anh…
(Ý nghĩa dâng Đảng - Hoàng Minh Châu)
 
Hàng triệu đảng viên của Đảng đã phấn đấu hy sinh với một tâm niệm như thế.
 
Tám mươi sáu năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành trí tuệ, lương tâm và dũng khí của dân tộc. Có lẽ ít nơi nào Đảng được nhân dân gọi bằng hai tiếng thân yêu “ Đảng ta” như ở Việt Nam. Với mục tiêu lớn: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động, Đảng đã ở giữa lòng dân ta. Vinh dự và hạnh phúc lớn lao cho Đảng là có Hồ Chí Minh - Người sáng lập và lãnh đạo Đảng đồng thời là lãnh tụ kính yêu của nhân dân. Từ thực tế đó trong các trường ca “ Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “ Theo chân Bác” của Tố Hữu, hình tượng Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã hòa nhập làm một với những phẩm chất cao đẹp. Với hình tượng thơ có tính ước lệ, Tố Hữu đã phản ánh vai trò vĩ đại của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng:
 
Ngọn cờ đỏ trên đầu phất phới
Bác Hồ đưa ta tới trời xa….
... Người đi trước nghìn sương, muôn tuyết
Dắt dìu dân nước Việt Nam ta
Bạc phơ mái tóc người Cha
Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
 
Tô thắm lá cờ Đảng là những tấm gương hy sinh, phấn đấu của hàng triệu đảng viên và quần chúng trung kiên với Đảng. “ Mồ anh hoa nở” (Thanh Hải), “Những người không chết” (Trinh Đường), “ Người anh hùng Đồng Tháp” (Giang Nam), “ Thăm mộ đồng chí Phùng Chí Kiên” (Bàng Sĩ Nguyên), “ Giá từng thước đất” (Chính Hữu)… là những bài thơ xúc động về liệt sĩ Cộng sản. Trong bài thơ “ Mồ anh hoa nở”, Thanh Hải đã phản ánh lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân miền Nam đối với Đảng trong giai đoạn đất nước bị cắt chia. Kẻ thù đe dọa, không cho ai được chôn cất thi hài người chiến sĩ Cộng sản nhưng “ Chiếc quan tài sơn son/ Vẫn đưa anh về mộ”. Và:
 
Trên mộ người Cộng sản
Hoa hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay
Lũ chúng nó qua đây
Mắt diều không dám ngó.
 
Được nhân dân tuyệt đối tin tưởng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua gian khổ, khốc liệt, khó khăn chồng chất, giành thắng lợi cuối cùng: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngọn cờ đỏ cách mạng thấm máu đào bao anh hùng, liệt sĩ đã và đang được Đảng ta phất cao vào thời kỳ Đổi mới đầy thời cơ, vận hội nhưng cũng đầy sóng gió và kịch tính của lịch sử.
 
Ngọn cờ vẻ vang của Đảng đã và đang đưa đất nước ta hội nhập vào thế giới hiện đại, đưa nhân dân ta tận dụng thời cơ, vượt qua sóng gió, cập bến bờ hạnh phúc. Đảng và lý tưởng cao đẹp phù hợp với nguyện vọng của nhân dân sẽ còn là nguồn thơ của các thi sĩ Việt Nam đương đại.
 
KHÁNH THI