Cầu Đất được biết đến là một vùng chè nổi tiếng của Lâm Đồng, ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển với sương mù và khí hậu lạnh quanh năm. Từ cách đây gần 100 năm, người Pháp đã mang công nghệ chế biến chè tân tiến nhất lúc bấy giờ đến đây và xây dựng nhà máy chè đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cầu Đất được biết đến là một vùng chè nổi tiếng của Lâm Đồng, ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển với sương mù và khí hậu lạnh quanh năm. Từ cách đây gần 100 năm, người Pháp đã mang công nghệ chế biến chè tân tiến nhất lúc bấy giờ đến đây và xây dựng nhà máy chè đầu tiên ở Đông Nam Á.
|
Nhà xưởng cùng những cỗ máy cũ được khôi phục lại làm không gian chính của bảo tàng |
Qua biến thiên của lịch sử, khu nhà xưởng với những cỗ máy vẫn nguyên hiện trạng nhưng dần không còn phù hợp với quy trình sản xuất hiện đại. Ý tưởng xây dựng một bảo tàng chè đã được hình thành ngay sau khi Công ty Cầu Đất Farm tiếp nhận cơ sở vật chất và đầu tư xây dựng một nông trại theo quy trình sản xuất chè hiện đại. Nhà xưởng cũ và những cỗ máy có tuổi 90 năm đã lạc hậu, nhưng nó không phải là những vật vô tri, mà là nhân chứng của thời gian nói lên tiến trình phát triển của ngành chè, là niềm tự hào của ngành sản xuất chè Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với định hướng: phát triển phải có sự kế tục trên nền cái cũ, kết hợp giữa cả 2 yếu tố truyền thống và hiện đại, Cầu Đất Farm đã “đánh thức” những cỗ máy cũ kỹ, cồng kềnh. Khu nhà máy cũ được quét dọn, hệ thống máy vò, máy sàng, máy sao chè được quét bụi lau chùi, đồng thời được lắp đặt kết nối hoàn thiện với hệ thống công tơ điện. Do được làm từ nguyên liệu thép rất tốt, nên đã trải qua gần một thế kỷ nhưng các cỗ máy không hề bị han gỉ, khi bật điện tất cả các máy vẫn chạy đều. Nhìn những động cơ quay tròn, tiếng máy chuyển dịch, du khách có thể nhìn lại toàn bộ quy trình sản xuất chè xưa, lịch sử hình thành và phát triển ngành chè Việt Nam. Bên cạnh hệ thống máy móc sản xuất hiện đại được đầu tư, “ôn cố tri tân” là cách Cầu Đất Farm đang làm để chứng minh cho sức sống bền bỉ và sự sống dậy của một thương hiệu chè đã từng nổi tiếng một thời.
Cùng với thiết bị máy móc cũ được phục hồi, hình ảnh tư liệu về Nhà máy chè Cầu Đất, cùng các sản phẩm trà truyền thống được sản xuất tại nhà máy, và các sản phẩm trà của Việt Nam sẽ được trưng bày, bên cạnh đó là không gian văn hóa trà, thưởng lãm trà. Trong tổng diện tích 200 ha chè của nhà máy, 11 ha chè cổ có tuổi đến hơn một đời người vẫn cho thu hái và sản xuất trên dây chuyền hiện đại cũng là một bộ phận không thể thiếu của bảo tàng. Ngoài ra, những cây chè già cỗi được trồng vào chậu làm cây kiểng, những gốc chè cổ thụ khô được làm bàn ghế gỗ lũa sẽ làm phong phú thêm vị trí và giá trị của cây chè trong đời sống con người.
Hiện tại, mọi công đoạn cho một bảo tàng đang gấp rút hoàn thành, dự tính đến tháng 5/2017 sẽ được đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan. Bảo tàng Chè Cầu Đất sẽ cho du khách một cái nhìn toàn diện về ngành sản xuất chè, về văn hóa trà của người Việt khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng.
QUỲNH UYỂN