Chuyến xe "u oát" bám đầy bụi đất đỏ băng băng vượt qua những ngọn đồi nhấp nhô. Hai bên đường rừng cao su non xanh mơn mởn, thẳng tắp tạo thành những ô vuông ngay ngắn thật đều đặn. Gió miền cao thổi phần phật vào cửa sổ xe tạo không khí thật dễ chịu.
Chuyến xe “u oát” bám đầy bụi đất đỏ băng băng vượt qua những ngọn đồi nhấp nhô. Hai bên đường rừng cao su non xanh mơn mởn, thẳng tắp tạo thành những ô vuông ngay ngắn thật đều đặn. Gió miền cao thổi phần phật vào cửa sổ xe tạo không khí thật dễ chịu. Từng mốc cột cây số cứ vụt thoáng qua. Ngồi bên người tài xe trẻ măng, Ba Nghĩa đột ngột hỏi:
- Bây nhập ngũ tới nay mấy tháng tao quên mất rồi?
- Dạ báo cáo chú được gần một năm rồi? Mà có chuyện chi hôn chú?
- Đâu có gì. Hỏi cho biết vậy thôi. Quê bây ở đâu vậy?
- Dạ ở miệt Khâu Băng, Thạnh Phú, Bến Tre.
- Ạ. Cái xứ biển có câu chuyện mấy chiếc tàu không số chở súng đạn vô Nam hồi mấy năm kháng chiến phải hôn? Tao cũng đang đi kiếm thằng bạn quê Bến Tre đây.
- Dạ phải. Nhưng nói thiệt hồi đó con chưa sanh ra đời nên đâu biết “mốc xì” gì. Lớn lên nghe kể lại vậy thôi. À mà sao con thấy bữa nay chú hút thuốc hoài coi bộ bồn chồn quá vậy chú?
Nói tới đó, người tài xế trẻ im re khi bắt gặp những nếp nhăn trên vầng trán người đại tá chính ủy đơn vị chùn xuống đi kèm đôi mắt lúc suy tư nghĩ ngợi, lúc lại ánh lên những tia sáng tự tin chờ đợi một điều gì đó rất bồn chồn, nôn nóng lạ thường. Những điếu thuốc trên môi ông cứ lóe sáng lên liên tục sau những cái rít thật dài, thật sâu.
|
Minh họa: Hồ Toàn |
Chiếc xe dừng lại bên ven đường. Cột mốt 250 đã hiện ra mồn một. Bên cạnh chiếc cột ấy một người đàn ông tóc hoa râm bận quân phục đã phai màu tì hai chân trên đôi nạng gỗ. Người đàn bà quê mùa khắc khổ nép mình bên người đàn ông ấy mở to đôi mắt ngỡ ngàng, chờ đợi. Ba Nghĩa mở cửa xe chạy rất nhanh đến họ. Từ phía ngược lại, người đàn ông tật nguyền ấy luống cuống buông đôi nạng gỗ trườn tới và té ngã xuống nền đất cát ven đường rồi cố gượng đứng lên. Họ ôm nhau rồi bật khóc.
- Nghĩa ơi! Tao hổng ngờ có ngày gặp lại mầy. Hổng có mầy thì tao đã chết mất xác ở Campuchia rồi. Mầy là người tao mang ơn suốt đời. Tao… tao…
Nói có vậy rồi ông ta bật khóc nức nở như trẻ con bởi sự xúc động tràn dâng bởi sự tái ngộ bất ngờ mà ông chờ đợi suốt mấy mươi năm qua nay đã thành hiện thực.
- Phong ơi! Ơn nghĩa gì. Mình là đồng đội sống chết có nhau. Mầy như tao lúc đó cũng làm vậy thôi. Tao chỉ buồn và ray rứt mãi cho tới bây giờ là không đem xác được thằng Chơn ra khỏi bãi mìn để nó được về với quê cha đất tổ. Tao có lỗi với nó nhiều quá nhưng biết làm sao hơn trong hoàn cảnh như vậy. Nó chết đau đớn quá.
- Chơn ơi, mầy có sống khôn thác thiêng “dìa” đây chứng giám và tha thứ cho hai thằng tao. Tiếng Hai Phong ngập ngừng thổn thức, nghẹn ngào.
Ba mươi hai năm trước, chuyện Ba Nghĩa xung phong đi bộ đội khi vừa tốt nghiệp cấp ba gây xôn xao cái trường quê lẫn bà con lối xóm xung quanh miệt Trà Ôn nầy.
- Tui hỏi thiệt bạn nghe, nghĩ sao mà gan cùng mình cùng mẩy vậy. Người ta trúng tuyển nghĩa vụ trốn lên trốn xuống vì “dội” đi Campuchia còn bạn… thì… Tiếng nhỏ Oanh cùng lớp thắc mắc.
- Thì là cái nỗi gì, tui khoái thì đi. Bộ ai đi cũng “ngủm bà tỏi” hay thành “xì cà que” hết hả. Mệt mấy bạn quá trời quá đất. Ba Nghĩa trả lời hậm hực.
- Thôi nói làm chi cho mệt. Nó bị “man man” rồi. Còn không cũng “nổ lấy le” với mấy đứa con gái trường mình. Xí. Đi đi rồi biết thế nào là lễ độ. “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ đâu cha ơi!”. Tiếng thằng Mun châm chọt.
Tụi con trai còn định nói vài câu cho bõ ghét nhưng thấy đôi mắt lừ lừ của Ba Nghĩa coi bộ “quạo” quá nên im lặng rồi tản ra.
Rồi cái ngày lên đường cũng tới. Chỉ có thầy cô, gia đình và mấy đứa con gái cùng lớp. Đứa thì tặng mấy cây viết bic và mấy quyển tập với lời căn dặn qua bển nhớ gởi thơ về liền để ở nhà biết đường gởi thơ qua thăm, đứa thì tặng mấy cái khăn “mùi xoa” thêu hình mấy con chim hay trái tim bằng chỉ đỏ. Ba má Ba Nghĩa nhét vô cái ba lô mấy chục đồng dành dụm chắt chiu sau khi bán mấy chục giạ lúa Thần Nông. Mấy đứa em khóc bù lu bù loa mếu máo mũi chảy lòng thòng thiệt đứt ruột đứt gan. Xe lăn bánh mà lòng Ba Nghĩa xốn xang buồn vui lẫn lộn. Quê hương cứ mờ dần theo chuyến xe chở tân binh ngày càng xa, càng xa.
Buổi họp trong rừng Pat Tam Bang căng thẳng lạ thường. Gió tháng hai khô rang hông hốc pha lẫn mùi khen khét thật khó chịu. Tiếng gió rú rít qua mấy ngọn cây cao nghe hoang vắng vô chừng. Tiếng thiếu tá Hà - Chính trị viên đại đội trinh sát đanh gọn:
- Để mở màn cho chiến dịch mùa khô 1981 truy kích tới cùng tụi Pôn Pốt còn lẩn trốn, cấp trên yêu cầu ta phối hợp với đại đội đặc công tiếp cận bằng được căn cứ chúng để vẽ sơ đồ chính xác chuẩn bị phương án tấn công. Đồng chí nào xung phong nhận nhiệm vụ.
- Tôi xin nhận nhiệm vụ. Ba Nghĩa đưa tay rồi bước lên phía trước với tư thế thật nghiêm trang.
- Tôi cũng xin đi. Hai Phong từ phía sau đội hình bước ra tiến thẳng đến bên cạnh Ba Nghĩa.
- Được. Đại đội rất tin tưởng khả năng của hai đồng chí. Còn ai nữa không?
- Còn tôi xung phong. Tiếng Chơn sang sảng lồng lộng giữa núi rừng.
Cả đại đội nhốn nháo. Không ồn ào sao được vì trước tới giờ cả đơn vị ít hề nghe thằng Chơn mở miệng nói gì. Nó chỉ cười cười bí hiểm. Vui cũng cười, “quạo quọ” nó cũng cười. Thằng vô duyên bữa nay chơi ngon ta. Khỏi phải nói chiều hôm đó cả ba người luôn là đề tài bàn tán sôi nổi của đại đội, chưa kể nồi cháo thịt nai được chiêu đãi đặc biệt cho cái tổ trinh sát trước lúc lên đường.
- Ê ngày mai đi rồi có tranh thủ ghé thăm cô giáo Campuchia của mầy không Nghĩa? Tiếng Thiếu tá Hà nói vui.
- Dạ không. Tui tính xong trận nầy dìa ghé xin lỗi cổ với đứa em gái. Nhớ lại mắc cỡ quá trời.
Cái chuyện Ba Nghĩa nổi hứng ôm hôn cô giáo dạy bổ túc chữ Cămpuchia cho đại đội ai cũng rành, bởi sau vụ đó, cô em gái của cô giáo tới đại đội tìm Ba Nghĩa phán một câu xanh “dờn” kèm đôi mắt giận dữ:
- Chị tui không có gì đâu! Nói xong cô em ấy bỏ đi một nước.
Vậy là Ba Nghĩa trốn học luôn dù lòng mình rất xốn xang thương nhớ.
Đêm của rừng sâu thăm thẳm. Cả ba người đã bò vào gần căn cứ của địch. Ánh sáng từ các lô cốt cứ pha đi, pha lại, lúc gần, lúc xa. Tiếng lính gác quân Pôn Pốt húng hắng ho và chửi rủa buâng quơ nghe rõ mồn một. Tiếng chim rừng ăn đêm kêu chíu chít như cũng muốn làm giảm bớt tiếng động của ba bóng đen đang lúc ẩn lúc hiện trong đêm dầy đặc. Phía sau khoảng vài trăm mét tổ trinh sát thứ hai cũng bò theo bén gót để hỗ trợ khi cần thiết. Chỉ còn thấy những đôi mắt mờ mờ trong đêm nhập nhoạng.
Ầm. Ầm. rồi nhiều tiếng nổ long trời lở đất vang lên rung chuyển cả núi rừng. Tiếng súng địch bắn loạn xạ vô định hướng từ các lô cốt ngày càng nhiều. Tổ trinh sát đầu tiên đã lọt vào bãi mìn của địch.
Tiếng trung úy Giao, tổ trưởng tổ trinh sát thứ hai nói rất lớn át cả tiếng súng nổ vang trời:
- Các đồng chí có sao không ?
- Thằng Chơn trúng mìn hy sinh rồi. Thằng Phong cũng “dính cựa” nhưng chưa biết sống chết ra sao. Tui chưa “dính”. Bãi mìn nầy lớn và nguy hiểm lắm. Mấy ông tháo lui đi. Trong nầy để tui tính. Nhờ ông nói lại với thủ trưởng và anh em, tụi tui còn sống là còn chiến đấu tới cùng, nhất định không đầu hàng và sa vào tay giặc để lộ bí mật chiến dịch...
- Rồi mấy ông…?
- Để tui tính, bây giờ tiến thoái lưỡng nan rồi. Vô không được, rút hổng xong, đi đâu cũng vấp mìn. Thôi. Mấy ông rút lẹ để trời sáng thì nguy lắm.
Trời hừng sáng dần. Ba Nghĩa cố trườn thận trọng đến bên Hai Phong. Từ hai ống quần Hai Phong máu tuôn xối xả.
- Tao trúng mìn hai chân rồi. Không đi được nữa đâu. Thôi để tao ở lại đây với thằng Chơn. Mầy kiếm đường rút ra đi.
- Mầy khùng quá Phong ơi! Có chết thì chết có hai. Đừng có than van nữa. Trời gần sáng rồi. Tao bò trước dò đường rồi dùng dây kéo mầy theo, đoạn nào suôn sẻ, tao cõng mầy. Vậy nghe. Còn xác thằng Chơn mình tính sau. Lẹ lên. Phải vô tới mé rừng cho đỡ nguy hiểm.
Trời sáng. Bãi mìn vẫn ẩn chứa bao điều kinh khủng của chiến tranh đang nằm dưới lòng đất. Nằm phía ven rừng Ba Nghĩa đang băng bó vết thương cho Hai Phong bằng những cuộn băng hiếm hoi mang theo người. Cái mệt và đói ùn ùn kéo tới. Những túi gạo sấy thật quý giá với cả hai sau khi pha với nước suối gần đó do Ba Nghĩa tìm về. Cái chết cứ lởn vởn đâu đây. Tiếng lính Pôn Pốt lùng sục ngày càng gần. Cả hai tay nắm chắc những cây súng AK báng xếp trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và hy sinh.
- Sao nghe tiếng tụi nó đông và gần quá rồi lại dội ra vậy Nghĩa?
- Tụi nó chơi “ngặt” lắm, tốp nào gài mìn thì tốp đó biết đường vô ra. Tốp khác lớ quớ là banh xác. Bởi vậy nó nghi tụi mình còn sống nhưng hổng dám bò vô là vậy.
Một ngày. Hai ngày… rồi đến ngày thứ tám. Vết thương Hai Phong ngày càng nhiễm trùng nặng vì thiếu thuốc và bông gạc y tế. Ba Nghĩa đã phải xuống suối rửa băng gạc cũ để sử dụng lại. Mọi sinh hoạt cá nhân của Hai Phong đè nặng trên đôi tay Ba Nghĩa. Lương thực đã cạn dần. Cái chết đã dần xuất hiện. Một đêm khuya, thấy Ba Nghĩa trầm ngâm viết hý hoáy điều gì trên mảnh giấy trắng học trò, Hai Phong thều thào hỏi:
- Mầy viết cái gì vậy Nghĩa?
- Tao viết mấy chữ để lại cho đại đội kể lại cuộc sống mấy ngày nay của mình. Tao hứa chết thì thôi, còn sống còn chiến đấu tới cùng quyết không sa vào tay giặc. Tao còn ghi rõ tên tuổi hai thằng mình quê quán ở đâu để sau nầy có ai tìm cũng biết.
Giữa lằn ranh sống và chết, cả hai quyết định thoát ra bãi mìn bằng sức lực còn lại của người lính Việt Nam. Mảnh giấy trắng định mệnh kia được Ba Nghĩa nhét vào lọ thuốc kháng sinh rồi treo ngược miệng chai xuống đất để không bị nước mưa làm hư hỏng. Ngày nghỉ. Đêm bò, lết, trườn, kéo, cõng, cả hai cứ như vậy để thoát khỏi bãi mìn kinh khủng ấy. Có những đêm quá kiệt sức vì cõng đồng đội, Ba Nghĩa nằm bên bờ suối ngất lịm, mê man tưởng chừng như không vượt qua được lưỡi hái của thần chết. Vậy mà… Như có một sức mạnh tiềm tàng nào đó đã vực Ba Nghĩa lại đứng lên.
- Mầy cõng tao mấy đêm rồi, mà hổng biết có thoát được không? Thôi đừng vì tao mà chết cả đám. Mầy còn khỏe, còn sức, cố gắng cắt rừng đi cho lẹ, bận bịu tao hổng xong đâu.
- Thôi mầy im miệng lại đi. Có trâu bò chó ngựa mới bỏ bạn bè lúc nầy. Chết là cùng chớ gì mậy? Quan trọng là không lộ kế hoạch chiến dịch. Thôi cố lên thế nào ông bà mình cũng phù hộ mà. Nghĩa lại cười tự tin. Cái cười rất lính.
Cả hai thoát khỏi bãi mìn dầy đặc kia sau ba đêm vất vả với hiểm nguy kề cận, trong sự kinh ngạc, mừng vui của đồng đội. Chỉ buồn và tê tái đến xé lòng một điều là phải để thằng Chơn nằm lại giữa bãi mìn kia trong nỗi nhớ thương, ray rứt. Chiến tranh là vậy. Tàn nhẫn, cay độc đến nỗi không còn có một sự giới hạn dù rất nhỏ nhoi.
Ba Nghĩa nhớ hoài cái ngày được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới tròn hai mươi hai tuổi. Một người anh hùng trong chiến tranh ác liệt đang tràn dâng sức sống và tuổi thanh xuân. Những giọt nước mắt của người anh hùng đã rơi khi nhớ về đồng đội đang nằm lại chiến trường xa thẳm, nhớ về người thương binh mà mình đã cõng vượt qua bao bom mìn của kẻ thù bằng trái tim người lính.
Và hôm nay đây, Ba Nghĩa đã gặp lại Hai Phong trong niềm xúc động nghẹn ngào sau mấy mươi năm xa cách. Những giọt nước mắt đàn ông, của người anh hùng lại rơi trong cảm giác tủi buồn, hạnh phúc đan xen.
Trong mơ hồ của gió lộng, trời xanh, trong tiếng chim gọi bạn của núi rừng cao nguyên hôm nay, cả hai người bất chợt nhìn thấy đâu đây trong hư ảo bóng hình thằng Chơn với nụ cười thật mãn nguyện, thật thứ tha đang lơ đãng tìm về bên đồng đội.
Truyện ngắn: TRẤN GIANG