Bàn tay mẹ, bế chúng con, bàn tay mẹ, chăm chúng con. Cơm con ăn, tay mẹ nấu, nước con uống tay mẹ đun… Từ tay mẹ, con lớn khôn". Mà, bàn tay mẹ, thực tình còn làm nhiều điều tuyệt vời hơn thế.
Bàn tay mẹ, bế chúng con, bàn tay mẹ, chăm chúng con. Cơm con ăn, tay mẹ nấu, nước con uống tay mẹ đun… Từ tay mẹ, con lớn khôn". Mà, bàn tay mẹ, thực tình còn làm nhiều điều tuyệt vời hơn thế.
1. Bài hát mà những đứa nhỏ trong gia đình tôi hay cùng nhau hát là “Bàn tay mẹ”.
Bàn tay mẹ, bế chúng con, bàn tay mẹ, chăm chúng con. Cơm con ăn, tay mẹ nấu, nước con uống tay mẹ đun… Từ tay mẹ, con lớn khôn”. Mà, bàn tay mẹ, thực tình còn làm nhiều điều tuyệt vời hơn thế.
Mẹ tôi là con nhà nông. Lớn lên, sức khỏe mẹ yếu nên không phải bươn chải ruộng đồng như bà ngoại và các dì, các cậu. Dù mẹ Dì tôi nói, mẹ vụng nhất nhà. Vậy mà cô gái vụng nhất nhà ấy ngày kia làm mẹ, bươn chải với đủ thứ nghề có tên lẫn không tên trong cuộc sống, với mục đích duy nhất của cuộc đời: Lo cho con bằng bè bằng bạn. Ngày mẹ còn đi làm ở xí nghiệp giao thông 479, mỗi ngày phải đạp xe vào tận một mỏ đá cách xa nhà hàng chục cây số để chấm công, theo dõi công nhân. Chiều muộn lại đạp xe về nhà, vẫn nuôi đàn gà, trồng vườn rau muống, giàn mướp, giàn bầu quanh gian nhà tập thể chỉ rộng không tới 20 mét vuông và tối tối lại kèm con học bài. Mẹ vẫn kể về những ngày vất vả ấy với nụ cười luôn tươi hết cỡ trên môi, chỉ vì, ngày ấy đám trẻ trong khu nhà tập thể, con của mẹ có nước da trắng hồng, má tròn phúng phính, ai nhìn cũng ưa, dù lương mẹ chẳng nhiều nhặn gì. Đó là nhờ quanh năm có trứng gà để ăn, thi thoảng có gà để thịt. Rau đã sẵn trong vườn nhà, gạo, nếp, đậu lạc bà gửi xuống sau mỗi vụ mùa… để chị em chúng tôi hầu như không có ấn tượng về thời bao cấp khó khăn.
Thời khó khăn nhất với mấy mẹ con tôi là giữa những năm 90, khi vừa xây xong ngôi nhà ở Quang Trung lại là lúc bố đi XKLĐ nhưng làm ăn thất bát, trở về Vinh với hai bàn tay trắng. Lúc ấy mẹ tôi đã về hưu sớm vì cơ quan cũng rơi vào cảnh khó khăn, tinh giản biên chế. Lúc này lương hưu còi cọc vài đồng, chẳng còn đất trống để mẹ trồng giàn bí giàn bầu, nuôi con gà con vịt để tăng chất lượng bữa ăn cho con. Trong hoàn cảnh ấy, mẹ tôi, như nhiều người phụ nữ xứ Nghệ khác, giấu sự buồn phiền âu lo trong đáy mắt hoang hoải. Chú hàng xóm là người Nam Đàn, xuống Vinh lập nghiệp bằng đủ thứ nghề: bán ốc, làm kem, buôn ve chai… Chú nói với mẹ, rằng chỉ cần bác chịu làm, em chỉ cho bác cách kiếm tiền. Giàu nghèo có số, nhưng để kiếm tiền nuôi con là “dư sức” bác ơi.
Mẹ tôi bắt đầu nghề tay trái đầu tiên sau bao năm làm công chức là chở than tổ ong từ xưởng về đi bán, kiêm thu gom ve chai quanh xóm. Sọt than làm từ những thanh gỗ nhỏ chú hàng xóm xin ở một xưởng gỗ sau lưng chợ Vinh và đóng lại, buộc chặt sau xe đạp cho mẹ. Một vài tháng, một hai năm sau lượng khách của mẹ tăng dần. Sọt than không đủ sức chứa. Mẹ cùng bố mua một xe xích lô cỡ nhỏ để thay nhau cùng chở. Tôi vẫn nhớ như in những buổi đi học về, gặp dáng gầy của mẹ trên xe xích lô giữa đường phố Quang Trung mùa hè nắng nung, mùa đông quay quắt lạnh mà áo vẫn luôn ướt đầm mồ hôi.
Mẹ chẳng mấy khi nhắc tôi chuyện học hành, nhưng như nhiều đứa nhỏ con nhà lao động nghèo xứ Nghệ khác, chúng tôi tự hiểu phải học vì mình mắc nợ một đời tảo tần của mẹ.
|
Mẹ và con. Ảnh: Trường Thi |
2. Bạn kể, đêm qua khó ngủ sau khi ngồi sắp những thứ mẹ gửi từ quê vào. Chỉ là những thứ rau củ quả vườn nhà cũng đủ để bạn hình dung dáng cha tất tả trèo hái dừa, cần mẫn ngồi bổ hết buồng dừa này đến buồng dừa khác để chọn ra những trái vừa nhất, dành gửi cho con. Những trái dừa do tay cha gọt đẽo luôn cẩn thận và đẹp đẽ. Từ bé tí bạn đã thích loại trái cây ngọt lành này, một phần cũng vì cha “chế biến” quá ngon. Ly nước dừa ngọt lịm cha làm cho mấy chị em bao giờ cũng có cả những sợi dừa được nạo dài dài như sợi miến... Nhìn hộp thịt gà sắp khéo, bạn hình dung dáng cha lúi húi làm thịt mấy con gà, giội rửa từng li từng tí thật cẩn thận và sạch sẽ, cắt vừa phải rồi xếp vào từng hộp, từng hộp. Cha làm như vậy là để con không phải mất nhiều thời gian, không phải vật lộn với dao thớt phức tạp trước khi cất thịt gà vào tủ lạnh...
Những bó rau nhỏ nhỏ nhắc nhớ dáng mẹ lom khom hái từng nắm rau trong vườn, sao cho con đủ ăn trong mấy ngày vì “rau nhà ta xấu xấu nhưng mà hấn lành con ạ”. Rồi mẹ tất bật rang rang, giã giã cả hũ to muối vừng, vì mẹ nhớ hồi xưa ở nhà con thích ăn cơm với muối vừng... Có khi mẹ phải vặn mình cho đỡ mỏi vì ngồi lâu. Bằng ấy thôi mà khiến bạn rưng rưng khi hình dung cha và mẹ sau những ngày làm lụng trên cánh đồng, tối tối lại vừa cùng nhau ngồi coi ti vi vừa nói đi nói lại đủ thứ chuyện về những đứa con, vừa bóc từng mớ lạc để dành gửi cho con. Không biết hai ông bà bóc mất mấy đêm mà gửi cho con nhiều lạc như thế nữa.
Cô bạn khác, dân quê ra Hà Nội hơn hai chục năm rồi. Thi thoảng FB bạn vẫn khoe hình bầy heo mọi mẹ chăm. Phần để đón con đón cháu về nhà mổ heo ăn. Phần cấp đông tủ lạnh để gói ghém ép con mang đi ăn dần. Ở Hà Nội bao năm nhà vẫn thơm mật ong Chi Khê. Mật ấy, bố phải lần vào tận sâu trong rừng, theo đoàn đi bắt ong mật để tự tay vắt mật khi tổ ong được lấy từ trên cây xuống. Vất vả nào kể gì, quan trọng là tất cả những gì gửi cho con cho cháu phải đảm bảo an toàn, chất lượng…
Có lần tôi đọc Hãy chăm sóc mẹ - một tác phẩm của Hàn Quốc mà khóc như mưa khi tới hình ảnh bà mẹ cần mẫn với đủ thứ rau dưa vườn nhà. Bà sẽ chọn những thứ đầu mùa mà bà cho là quý nhất, ngon nhất, nhét đầy túi mẹ túi con, lọ mọ gồng mang lên phố cho con ăn. Bà mẹ ấy giống mẹ tôi, giống nhiều bà mẹ xứ Nghệ mà tôi vẫn gặp trong những chuyến bay từ Vinh vào Sài Gòn, với đủ thứ rau trái, lạc đậu mà mồ hôi mẹ nuôi trồng gặt hái. Bạn, tôi, cũng như nhiều đứa con ở phố vẫn luôn dặn rằng mẹ đừng có gửi chi cho cực, ở đây con mua gì cũng có... Nhưng mẹ thì vẫn luôn gửi và gửi tất cả những gì có thể gửi cho con, cho cháu.
VÕ THU HƯƠNG