Ngày nay, việc sử dụng các sản phẩm được làm ra từ các ngành nghề truyền thống, như đan lát, dệt thổ cẩm… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn phổ biến như trước kia, nhưng trong lúc nông nhàn những người tâm huyết vẫn miệt mài dệt từng tấm ồi (ùi)…, đan từng chiếc gùi để lưu giữ và bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Ngày nay, việc sử dụng các sản phẩm được làm ra từ các ngành nghề truyền thống, như đan lát, dệt thổ cẩm… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn phổ biến như trước kia, nhưng trong lúc nông nhàn những người tâm huyết vẫn miệt mài dệt từng tấm ồi (ùi)…, đan từng chiếc gùi để lưu giữ và bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc.
|
Một số người tâm huyết vẫn lưu giữ nghề truyền thống. Ảnh: L.P |
Ông K’Brồi ở thôn Bơ Sụt, xã Bảo Thuận (Di Linh) là một trong số 10 người dân của xã còn duy trì nghề đan lát truyền thống cho đến ngày nay. Đối với các chàng trai người K’Ho trước kia là phải biết đan gùi, nia và chế tác xà gạc, rìu… là điều tối thiểu cần phải có của người đàn ông. Vì vậy, năm lên 17 tuổi, ông K’Brồi đã phải tìm tòi, học theo ông, cha lên rừng tìm nguyên vật liệu đan các loại gùi, chế tác các nông cụ, vật dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Muốn đan những chiếc gùi đẹp, ngoài con dao phải sắc bén, có đôi bàn tay khéo léo thì đòi hỏi người đan phải có sự kiên trì, tỉ mẩn để thực hiện các công đoạn khác nhau. Gùi càng nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chuẩn xác càng cao…
Những cây nứa được chặt về phải phơi nắng khoảng hơn 1 tuần rồi mới có thể đan được. “Do nhu cầu thị trường, nên những năm gần đây, tôi thường đan những chiếc gùi nhỏ (sớ bơnơl) theo đặt hàng hoặc để bán. Đây là chiếc gùi mang tính thẩm mỹ, chủ yếu dùng để trưng bày, cho các thiếu nữ gùi đi chợ búa hoặc mang trong các dịp lễ hội… Một tuần tôi có thể đan xong một chiếc gùi, một năm tôi thường đan từ 10 - 20 chiếc gùi loại này, với giá bán từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc thì cũng có thêm thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Tôi cũng muốn hướng dẫn, truyền lại nghề cho con cái. Tuy nhiên, trong số 5 con rể của tôi chỉ có K’Sơn có thể nối nghề này” - ông K’Brồi trăn trở.
Còn với bà Ka Dét (người Mạ) ở thôn 3, xã Lộc Tân (Bảo Lâm), những lúc rảnh rỗi, bà thường ngồi bên khung cửi để dệt những tấm áo, ồi, khăn, túi… thổ cẩm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Bà Ka Dét cho biết: “Tôi gắn bó với nghề dệt đã 30 năm nay và cũng đã từng đứng lớp dạy cho bà con về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Để dệt được tấm ồi phải mất khá nhiều công đoạn và thời gian, khó nhất là phối màu, bài trí hoa văn, đường viền…, nên cần tập trung cao độ và tỉ mỉ từng đường nét, sợi chỉ. Hiện nay, chủ yếu những người lớn tuổi còn duy trì nghề dệt thổ cẩm, chứ những thế hệ trẻ họ cũng ít ngó ngàng đến với nghề dệt truyền thống của ông bà xưa. Họ không đam mê, không chịu khó học hỏi thì sau này thế hệ con cháu của họ sẽ không còn ai biết dệt thổ cẩm”.
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, nên người dân ở các thôn trên địa bàn xã Lộc Tân vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Nhờ đó, giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao ý thức trong công tác bảo tồn. Mặc dù, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân có nhiều nét đổi thay để hòa nhập, nhưng cộng đồng ở nơi đây luôn gắn bó với nghề, cùng nhau góp sức để duy trì, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông K’Sép, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Bảo Thuận cho biết: “Đan lát, dệt thổ cẩm… là nghề truyền thống luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống đồng bào từ bao đời nay, nên cần phải lưu giữ. Trước đây, tùy theo từng vùng sinh sống, người đàn ông đều biết đan lát và phụ nữ dệt thổ cẩm. Ngày nay, do cuộc sống phát triển, nhiều người dân và nhất là thế hệ trẻ không còn quan tâm đến ngành nghề truyền thống. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm, tuyên truyền, vận động bà con, nhất là từng gia đình cần phải động viên con cháu duy trì ngành nghề nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”.